Làm giàu từ lòng hồ thủy điện Sơn La

Thứ Tư, 06/04/2016, 18:34
Ngoài nguồn lợi về thủy điện thì trên lòng hồ thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La) nhiều hộ dân khác cũng có cơ hội làm giàu. Nghề nuôi cá lồng là lựa chọn của không ít người. Tuy nhiên, để thành công đòi hỏi phải có sự nỗ lực cố gắng, làm việc không mệt mỏi của mỗi cá nhân.


Thành công vì dám nghĩ dám làm

Các chuyến đi dài vùng cao không chỉ cho sự trải nghiệm, mà ở đó gợi ra rất nhiều về những tấm gương dám nghĩ dám làm. Điển hình về tấm gương ấy là chị Vũ Thị Hạnh Lợi, hiện là Chủ nhiệm HTX Hạnh Lợi, chuyên nuôi cá tầm ngay dưới chân cầu Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai. Chị Lợi xưa là công nhân nông trường ở Điện Biên, với những khát vọng làm ăn, sau đó chị chuyển về nuôi cá lồng tại Yên Bái. Không có nhiều thành công, chị tiếp tục đi tìm vùng đất mới để làm ăn.

“Cuối cùng thì tôi đã chọn chân cầu Pá Uôn, thuộc xã Chiềng Ơn này để nuôi cá và đã thành công. Nhưng nói thì dễ vậy thôi, nếu không quyết tâm thì không thể làm được”, chị Lợi tâm sự.

Để có thành công như chị Lợi nói, từ năm 2010, chị đã phải đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chị đồng thời tham dự nhiều cuộc hội thảo do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức về nuôi cá tầm trong lòng hồ thủy điện. Có kiến thức và kinh nghiệm, chị quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm ăn lớn.

Chị Vũ Thị Hạnh Lợi giới thiệu việc nuôi cá tầm.

Ở địa điểm hiện nay, mực nước lòng hồ sâu, trong xanh, chị Lợi nghĩ sẽ thuận lợi với sự phát triển của con cá tầm. Ấy thế nhưng, lứa đầu chị sai lầm trong chọn cá giống, chúng quá nhỏ nên đã chui lọt qua mắt lưới. Số còn lại thì bị bắt trộm. Thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng.

Không cam chịu thất bại, năm 2012, chị tiếp tục mời chuyên gia tư vấn, mua cá giống thả và thuê người bảo vệ. Lứa cá thứ hai đã phát triển rất tốt, không chết con nào. Chị lại thừa thắng, đầu tư mua lứa cá mới. Mấy năm qua, mỗi lứa cá của chị đều có trọng lượng từ 3,5 - 4kg/con, bán được giá 350 nghìn - 400 nghìn đồng/kg. HTX Hạnh Lợi cũng đầu tư xây dựng khu nhà nổi rộng hơn 1.000m2 để phục vụ khách ăn uống, tham quan, và bán thức ăn cho người nuôi cá. HTX Hạnh Lợi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho gần chục người dân địa phương.

Một tấm gương khác là anh Lò Văn Khặn (sinh năm 1966) ở bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng. Năm 2010, được UBND xã giới thiệu, tuyên truyền về các mô hình kinh tế. Gia đình xung phong nhận áp dụng khoa học và sản xuất chăn nuôi và được hỗ trợ làm 5 chiếc bó vè (dụng cụ bắt cá). Anh Khặn tâm sự, trước đây gia đình vốn chỉ biết trồng cây lúa, khi tham gia HTX Nuôi cá tầm của xã Chiềng Bằng, được tập huấn nên đã có kiến thức nuôi cá tầm, cá diêu hồng, trắm cỏ…

“Ban đầu chúng tôi thiếu vốn, giống. Khi tham gia HTX, chúng tôi mạnh dạn vay mượn thêm và đầu tư làm 10 lồng cá đặc sản. Hiệu quả kinh tế rất cao. Thu nhập mỗi năm cũng có từ 300 triệu đồng”, anh Khặn nhấn mạnh.

Chẳng dừng ở đó, năm ngoái, anh Khặn là người đầu tiên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La cho nuôi thử nghiệm mô hình 100 con vịt trời và đã thành công. Gia đình anh là điển hình phát triển kinh tế gia đình, được UBND huyện Quỳnh Nhai tặng bằng khen.

Hiện nay, trên địa bàn xã Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Mường Chiên…  huyện Quỳnh Nhai có rất nhiều hộ dân dám nghĩ, dám làm, đã bắt mặt nước hồ “đẻ” ra tiền, với những cái tên nổi tiếng cả huyện như Lò Thị Bun, Quàng Văn Ha, Lường Văn Ngoa... Đặc biệt, Chiềng Bằng là xã có nhiều hộ dân nuôi cá lồng nhất huyện Quỳnh Nhai với 72 ha nuôi trồng thủy sản, 155 lồng cá với hơn 100 hộ tham gia.

Ông Quàng Văn Họp, cán bộ khuyến nông của xã Mường Chiên, chỉ tay về lòng hồ rộng mênh mông, tâm sự: “Nhờ chủ trương đúng, nhờ những người dân dám nghĩ, dám làm nên giờ mặt nước hồ rất sinh động, đã cho nguồn lợi lớn. Chính sự năng động của bà con đã góp phần rất lớn vào việc đẩy lùi cái nghèo”.

Chưa hết khó khăn

Một điều rất dễ nhận thấy là cuộc sống của nhiều bà con đã thay đổi, trở nên khấm khá hơn. Cũng bởi nghề nuôi cá lồng đã giúp cho người dân vốn chỉ biết trồng cây trên đất dốc biết tiếp cận khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trên lòng hồ. Song, dù thế nào thì công việc vẫn chưa hết khó khăn. Cũng bởi vẫn chưa có một đầu mối thu mua cá đủ mạnh, đa số vẫn do các HTX chủ động đi tìm mối tiêu thụ ở ngoại tỉnh.

Nhiều hộ dân tiếp tục đầu tư nuôi cá lồng.

Một hộ nuôi cá xã Chiềng Bằng cho hay, chỉ tính cá trắm cỏ, giá tại lồng là 90 nghìn đồng/kg, nhưng cá công nghiệp dưới xuôi chỉ có giá chừng 50 nghìn đồng/kg nên việc cạnh tranh cũng vô cùng vất vả. “Việc thu mua không ổn định, cộng với việc cá không đậu khi thời tiết thay đổi, cũng sẽ gây khó khăn cho người nuôi cá. Chúng tôi ước gì có nhiều doanh nghiệp thu mua theo đúng lịch”, người dân này nhấn mạnh.

Không chỉ ở huyện Quỳnh Nhai, mà ở xã Chiều Hoa thuộc huyện Mường La, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ cũng phát triển, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Nhưng nếu khó khăn giảm bớt, thì sẽ có nhiều hộ có thu nhập cao hơn nữa. Những lão nông xã Chiềng Hoa cho hay, xưa bà con khu vực nghèo lắm, làm quần quật quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Nay có chính sách, có điều kiện, bà con đã nắm lấy để vươn lên. Nhiều nhà sắm được tivi, xe máy, máy cày, máy xay xát...

Hiện nay, xã có 18 ha mặt nước, phân bổ ở 8/21 bản. Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam - Sơn La là đơn vị những năm qua đã có các chương trình hợp tác làm ăn với các HTX Nuôi thủy sản trên địa bàn. Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc công ty cho rằng, đơn vị ông sẵn sàng cùng bà con vượt qua khó khăn, kết hợp với các đối tác bao tiêu sản phẩm.

Chăm cá như chăm con mọn

Để thành công thì phải dấn thân và cần mẫn làm việc. Đó là lời khẳng định của nhiều tấm gương đã và đang đầu tư nuôi cá lồng trên dòng sông Đà, khu vực chứa nước cho thủy điện Sơn La. Chị Vũ Thị Hạnh Lợi chia sẻ: “Phải chăm con cá như chăm con mọn ấy. Tôi hơn 50 tuổi rồi, con cái tôi cũng thành đạt, tôi cũng chẳng thiếu tiền. Các con tôi bảo tôi nghỉ đi cho khỏe. Nhưng tôi đã yêu con cá, lấy công việc bận rộn làm nguồn vui, làm sao mà nghỉ được. Nghỉ thì tôi nhớ lắm!”.

Anh Khặn cho rằng, nghề nuôi cá vất vả nhưng cho thu nhập cao.

Lời khẳng định của chị Lợi cho thấy tâm huyết với nghề của chị. Điều đó còn được thể hiện ở chỗ, chị quan tâm đến nhiều người dân, là những mắt xích quan trọng của chị, mà chị đang giúp để cùng phát triển. Anh Lò Văn Khặn  ở xã Chiềng Bằng cho rằng, tấm gương của chị Lợi rất đáng nể. Không chỉ bởi chị là người đầu tiên mang nghề nuôi cá tầm về Quỳnh Nhai, mà hiện tại mô hình đã giúp cho nhiều người dân khác đến học hỏi kinh nghiệm, cùng làm và cùng thoát nghèo.

Anh Khặn lý giải thêm, trước đây gia đình anh quần quật làm ăn nhưng kinh tế vẫn kém. Nhờ có nghề nuôi cá mà các con anh được học, từ đó anh biết ơn con cá, nên thận trọng hơn trong nuôi trả và chăm sóc. “Nuôi thì phải hiểu tính tình, thói quen ăn uống và bệnh của cá thì mới có cách điều trị tốt. Nếu không thì nó chết, mình khó mà sống yên”, anh Khặn nhấn mạnh.

Là cán bộ cơ sở nhiệt tình, ông Ngần Thanh Đưa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng đánh giá những bước phát triển kinh tế tại địa phương, rằng chính nghề nuôi cá đã giúp đời sống bà con trong khu vực được nâng lên, thoát dần khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu, phấn đấu cho con cái ăn học tử tế. 

Từ những kết quả ban đầu, UBND xã Chiềng Bằng đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng, phát triển mô hình nuôi cá lồng trên mặt hồ. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật mới trong chăn thả, đề phòng gió lốc, thiên tai; phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã phát triển 8 HTX thủy sản lớn, bước đầu mang lại hiệu quả tốt, góp phần tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân. Hy vọng, với nỗ lực, cố gắng của bà con, những người dám nghĩ dám làm, đầu tư sức người sức của trên mặt nước mênh mông thì mảnh đất này sẽ thêm khởi sắc.

Văn Luyện
.
.
.