Kỳ tích người đàn ông "không tay"

Thứ Năm, 02/02/2012, 11:04

Người đời thường bảo giàu hai con mắt khó đôi bàn tay. Nhưng với Hoa Xuân Tứ, đến đôi tay cũng bị số phận cướp đi thì mưu sinh càng khó khăn huống chi nói đến chuyện làm giàu. Ông không gục ngã mà ngược lại còn vươn dậy để chiến thắng hoàn cảnh, bước tiếp. Duyên số trời định hay cảm phục bởi nghị lực phi thường đã khiến người con gái Lê Thị Sự đem lòng yêu thương và lấy Tứ làm chồng.

Dù cuộc sống đói nghèo, nhưng những con người đã từng cùng nhau vượt ghềnh thác ấy nay vẫn cảm nhận cuộc sống tươi vui khi những mùa xuân, những cái tết cận kề đang về với mọi nhà, trên mọi miền quê của đất nước.

Định mệnh từ chiếc che mía và sự sống sót lạ kỳ

Tình cờ một lần tôi bắt "gặp" Hoa Xuân Tứ, nhân vật chính nổi tiếng trong truyện ngắn cùng tên của nhà thơ - nhà văn Quang Huy. Đây là tác phẩm đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi do Trung ương Đoàn phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức vào năm 1968. Ý nghĩ, có dịp tôi sẽ gặp lại Tứ nơi chính quê hương, căn nhà mà ông đang sống bên vợ con. Dẫu đói nghèo nhưng người đàn ông ấy vẫn sống đúng ý nghĩa và bản năng của một con người trong mọi hoàn cảnh bi đát nhất.

Làng Hưng Nhân nằm bên bờ dòng sông Lam vốn hiền hòa mang phù sa bồi đắp từ bao đời cho cuộc sống của người dân, nhà nhà no đủ. Nơi đây vốn được mệnh danh là một "ốc đảo mía", bởi mía được trồng rất nhiều, nhà nào cũng có mía. Mía được trồng bạt ngàn trên khắp các cánh đồng, rồi cứ đến độ tháng giêng âm lịch những ngày gần tết là dân làng lại đốn mía để kẹo mật (nước mía nấu cô lại thành mật).

Ngày đó, những đứa trẻ trong làng như Tứ béo trục béo tròn bởi cả ngày quẩn quanh bên đống mía, được uống nước mía và đi vét chảo (vét mật). Lần đó cũng như những lần khác, tại nhà ông Nuôi Hai trong xóm, khi những người kẹo mía đã nghỉ tay buổi trưa để chuẩn bị cho bữa cơm. Giữa bữa cơm trưa đang dở, bỗng mọi người giật mình khi nghe tiếng kêu khóc thét của một đứa trẻ từ phía chiếc che ép mía (tiếng địa phương). Ai nấy cũng đều chạy ra xem. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt, thằng Tứ nằm gục vào chiếc che mía. Thì ra khi mọi người đang ăn cơm, Tứ từ bên nhà mình chạy qua nhà ông Nuôi Hai rồi bắt chước giống như người lớn lấy mía đút vào trục che rồi quát trâu đi. Con trâu ngoan ngoãn kéo chiếc cần trục đi vòng tròn xung quanh như thường lệ.

Thế nhưng tay Tứ cứ cầm chặt lấy cây mía. Chiếc trục cứ quay đều rồi ngoạm dần hết khúc mía và "nuốt" gọn luôn cả bàn tay, cánh tay của Tứ. Đau đớn, Tứ kêu lên! Như một phản xạ tự nhiên của con người, Tứ dùng cái tay còn lại với hi vọng ngốc ngếch là kéo được cánh tay bị ngốn trong chiếc che ra. Nhưng không, cánh tay còn lại cũng bị nuốt luôn vào chiếc trục. Thế là Tứ mất đi vĩnh viễn hai cánh tay. Tai nạn do tự ông gây ra để rồi chính Tứ phải mang theo di tật bên mình đến hết cuộc đời.

Ông Tứ nhớ lại: "Người ta đưa tui lên cáng rồi khiêng đến bệnh viện Vinh. Máu thấm đỏ cả chiếc võng dù bộ đội. Tui ngất lịm đi không biết". Trên đường đến bệnh viện, khi tỉnh dậy Tứ còn ngây ngô bảo với anh trai lấy dây chuối buộc lại hai cánh tay cho em đừng để nó rời ra nữa.

Với một đứa trẻ lên 6 tuổi như Tứ lúc này chỉ là cảm giác đau đớn về xác thịt. Cậu không hiểu rằng những người thân là bậc làm cha làm mẹ như đứt từng khúc ruột khi nhìn thấy đứa con bị cụt cả hai tay. Tứ chưa đủ lớn để hiểu và suy nghĩ được phía trước tương lai sẽ là những tháng ngày gian nan và vất vả. Nếu không có nghị lực, với những ai rơi vào hoàn cảnh như Hoa Xuân Tứ rồi cũng bị gục ngã và khó gượng dậy. Sau mỗi lần ngất lịm đi, mỗi giấc ngủ tỉnh dậy là những câu nói ú ớ  phát ra từ trong cổ họng đầy yếu ớt "Tay con mô rồi cha?. Sao không nối tay cho con hả mẹ?". Mỗi lần Tứ kêu lên như thế khiến cha mẹ và những người chứng kiến cảnh đó đứt hết gan ruột.

Nghèo khó nhưng tình yêu chính là động lực để giúp họ vượt lên hoàn cảnh.

Toàn  bộ xương  thịt hai cánh tay của Tứ  đều bị dập nát. Bác sĩ bảo không còn khả năng chắp nối lại được nữa. Chỉ còn có cách duy nhất là phải cưa đôi tay đi thì may ra mới có cơ hội sống sót và nhanh lành lại vết thương được. Bệnh viện tiến hành cưa hai cánh tay cho Tứ cụt vào gần sát nách. Lâu nay tại bệnh viện này, các bác sĩ đã từng gặp nhiều ca những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự như Tứ nếu phải cưa đi đôi tay thì khó mà sống được.

Thế nhưng sức sống kỳ diệu như một phép màu ban nhiệm cho một đứa trẻ lên 6 đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Tứ nằm viện mất 3 tháng trời nhưng vết thương vẫn chưa lành hẳn. Hằng ngày người cha phải cõng đứa con tội nghiệp đi bộ hơn 5 cây số đến bệnh viện để rửa và băng bó lại vết thương. Mỗi lần cô y tá thay lại bông băng là một lần lột đi những lớp da non mới mọc. Những lần như thế người cha lại ngoảnh mặt quay đi chỗ khác. Phần vì sợ, phần vì không muốn nhìn thấy đứa con nghiến răng ken két mà chịu đựng.

Mất đôi tay, còn khối óc và nghị lực

Không ai ngờ, thứ mật ngọt từ những cây mía ấy đã khiến Tứ  và gia đình phải chịu cảnh đắng lòng. Tứ đã mất đi vĩnh viễn hai cánh tay bởi chính phương tiện ép mía.

Câu chuyện về cậu bé Hoa Xuân Tứ từ nay cả cái làng này ai cũng biết. Họ xuýt xoa đầy thương cảm cho Tứ, cho gia đình cậu. Phải mất gần 4 tháng trời Tứ mới được xuất viện. Ngày cuối cùng chuẩn bị xuất viện, sáng hôm đó Tứ tỉnh dậy để bác sĩ thay băng lần cuối. Mấy tháng nằm viện có cạy cửa miệng chắc gì Tứ đã nói, nhưng hôm nay Tứ buột miệng: "Bác sĩ ơi, có ai cụt hai tay như con đây không?”. “Có chứ, ở tít tận Miền Nam có cô Huỳnh Thị Chánh bị cụt hai tay từ bé giống như con đây mà vẫn làm được tất cả mọi việc như người bình thường”.

Vị bác sĩ xúc động đến nghẹn ngào rồi xoa đầu vỗ về một đứa trẻ chưa biết gì mà gặng hỏi người lớn những điều ấy. Khuôn mặt ngây ngô đang ủ rủ của Tứ bỗng tỉnh hẳn lên. “Con có muốn mình được như cô Chánh không” - bác sĩ hỏi. Tứ đáp gọn lỏn bằng hai từ "có ạ"!.

Từ khi mất đi đôi cánh tay, Hoa Xuân Tứ như người vô hồn. Suốt ngày dui dúi ở nơi góc nhà chẳng buồn ra khỏi cổng hay chơi những trò chơi như bắn bi, trốn tìm với lũ bạn cùng xóm độ mấy tháng trước. 6 tuổi, đúng cái tuổi vào lớp 1. Chúng bạn cùng trang lứa với Tứ đã cặp sách chập chững đến trường. Với Tứ, đến những sinh hoạt hàng ngày còn phải có người giúp đỡ, nhẹ là như khi ăn cơm cũng phải có người đút, chuyện đi học không có tay thì làm sao mà viết nổi con chữ.

Còn nhớ ngày ngày Tứ vẫn hay chơi với mấy thằng cùng xóm, nay chúng nó đi học Tứ cũng khát khao lắm chứ. Nhưng người như Tứ thì có thầy cô nào dám nhận. Thế là mỗi sáng sớm, cậu bé Tứ lại dậy sớm rồi theo lũ bạn đến trường chỉ để đứng lặng lẽ ngoài hành lang nghe thầy giáo giảng bài và xem lũ bạn học. Giờ học tập viết và đánh vần Tứ cũng học theo. Cái ngón chân cái của Tứ di di trên nền đất, cái đầu ngẹo ngẹo trông ngồ ngộ làm sao. Thì ra Tứ cũng tập viết và tập đánh vần như các bạn. Thế nhưng đôi tay cụt đã khiến lũ bạn để ý rồi cái tên "Tứ cụt" là do chúng đặt và Tứ trở thành trò đùa cho chúng nó. Này Tứ cụt, mày làm gì ở đây thế?. Có viết được chữ đâu mà học đòi…những lời trêu đùa của con trẻ đã ngăn cản bước chân cậu bé Tứ đến trường. Tứ nghỉ hẳn ở nhà tập viết.

Tứ nuôi ước mơ tới trường, mỗi lần cả gia đình đi làm đồng, Tứ đã ở nhà một mình và dùng những ngón chân kẹp lấy que tre tập vẽ trên nền đất. Từ que tre đến viên phấn, Tứ phải lên gân, cặp thật chặt hai ngón chân lại. Viên phấn có vẻ chắc chắn hơn, lượn những nét run run, thỉnh thoảng lại bị "cục" một tiếng. Phấn gãy làm đôi. Thấy con có nghị lực, người cha liền đóng riêng cho Tứ một chiếc bảng đặc biệt để con vừa ngồi vừa viết được lên đó. Tứ hăng lắm.

Viết xong được mấy chữ, thả viên phấn ra, hai ngón chân cứng như bị chuột, bầm tím tụ máu. Nhưng Tứ vẫn cứ viết. Qua bao ngày khổ luyện Tứ đã làm nên điều kỳ diệu đầu tiên là em viết được bằng chân và viết chữ rất đẹp. Em bảo bố mẹ đưa đến trường xin nhập học nhưng nhìn cậu bé với đôi tay cụt đến tận vai thì thầy giáo đã lắc đầu. Thầy giáo cũng như bạn bè, mọi người đều phán một câu: "Cụt tay như nó làm sao mà học được".

Không nản chí, Tứ hằng ngày vẫn đều đặn đeo chiếc bảng gỗ lòng thòng có dây dài miễn sao khi thả chiếc bảng xuống là chạm đất, Tứ vẫn đứng ngoài hiên lớp nghe thầy giáo giảng bài và học theo. Thuyết phục thế nào thì thầy giáo cũng không nhận. Thương con và người cha vẫn khẳng định là con mình có thể học được bằng bạn bằng bè là khác. Người cha lại lặn lụi mang những nét chữ do chính Tứ viết bằng đôi chân trên những tấm phản để "giải trình" với thầy giáo. Nghị lực của Tứ đã làm cho thầy giáo phải mềm lòng và nhận vào lớp học. Từ đó người ta thấy trong lớp học có thêm một cậu bé đen nhẻm, dáng nhỏ thó chăm chỉ ngồi trên tấm phản ở góc phòng học nghe thầy giáo giảng bài.

Từ viết chân Tứ đã chuyển sang viết bằng vai và cằm. Tứ nghĩ rằng, dùng chân viết như thế là "mất lịch sự" nên cậu bắt đầu tập viết chữ bằng vai và cằm phải. Tứ nằm chổng mông trên giường, đầu ngẹo đi ngẹo lại, hì hục hí hoáy viết. "Quái, thằng này làm cái trò gì không biết? Tôi đến gần xem. Đầu và vai nó cứ vặn vẹo trên một quyển vở. Hoá ra nó đang tập viết theo kiểu mới. Tôi để ý thấy nó không cặp bút vào kẽ chân như trước nữa mà cặp vào giữa cằm và vai. Cái thằng Tứ, không bao giờ nó chịu vừa lòng với việc mình làm!" (trích "Hoa Xuân Tứ", tr. 20).

Và Tứ đã làm nên điều kỳ tích thứ hai là viết chữ được bằng vai và cằm. Sau bao năm khổ luyện, với thành tích học luôn đứng đầu lớp, Tứ trở thành một tấm gương sáng về nghị lực vượt lên bất hạnh của bản thân và sống có ích. Tứ là tấm gương để bạn bè và mọi người học tập noi theo, cậu trở thành niềm tự hào cho thế hệ bấy giờ.

Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi và người đàn ông cụt tay đang say sưa thì bỗng dưng có người phụ nữ trạc tuổi Hoa Xuân Tứ nói vọng từ sau vườn nhà: "Ông chưa đi gỡ lưới và cất lừ tôm à?". Thì ra đó là bà Lê Thị Sự, vợ của ông Tứ. Tôi chưa kịp hỏi ra điều gì thì ông Tứ vội chép miệng: "Nhà có mấy sào lúa nay đã gặt hái xong. Nay cũng rỗi việc nên tranh thủ thả lưới và lừ tôm. Được nhiều thì đem bán kiếm thêm vài đồng. Ít thì để lại thay vì phải đi chợ mua thức ăn". Nói rồi ông đưa tay chỉ về dòng sông Lam, dòng sông này ngày xưa cá tôm nhiều vô kể, cứ mùa mưa lũ tràn qua có khi cá tôm "bơi" đến tận sân nhà. Nghĩ thầm trong bụng chắc với Hoa Xuân Tứ, những công việc như đánh cá, gỡ lưới, chèo thuyền…thì phải có thêm người. Với thân hình và đôi tay cụt ngủn như thế thì khó có thể làm được. Tôi buột miệng: "Bác thả lưới cùng ai hay thả ven bờ?". Ông Tứ cười khì khì: "Chú khinh tôi không biết bơi và không biết chèo thuyền à? Việc gì người thường làm được thì Tứ cụt này làm được tất!".

Cũng chính vì những nghi ngờ giống tôi mà có lần mọi người bảo Tứ bị chết đuối, cả làng chạy ra tận bờ sông khi hay tin như vậy. Người lặn ngụp tìm mò, người nhà của Tứ đứng trên bờ khóc toáng. Một lâu sau thấy thằng bé nhúc nhúc lên từ đám lau sậy phía bên kia bờ. Thì ra thằng bé mãi lặn ngụp lấy chân mò trai, ốc hến nên không ai biết. Cứ ngỡ là Tứ không biết bơi, thấy vậy nên có người tức tốc chạy về hô toáng.

Thế là tôi lại được biết thêm một chuyện mà lâu nay ít ai được biết về Hoa Xuân Tứ. Lên 6 tuổi, khi hai cánh tay không  may mất đi, thế nhưng ngày ngày Tứ vẫn chăn trâu nơi những bãi bồi ven dòng Lam. Trời nắng, trâu tắm, lũ bạn cũng xuống sông tắm. Thế là dạo ấy Hoa Xuân Tứ được bạn bè tập bơi cho. Tứ không những biết bơi mà bơi và lặn với đủ các kiểu rất giỏi. Người ta khâm phục thằng bé.

Khi hỏi về những kỷ niệm mà ông nhớ nhất, ông Tứ bộc bạch: "Vào năm 1967, tui vinh dự được đồng chí Chu Mạnh, nguyên là Chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ đã trực tiếp xuống tận nhà đón và đưa ra tận Hà Nội tham dự Đại hội chiến sĩ anh hùng thi đua toàn miền Bắc".

Càng vinh dự hơn, Hoa Xuân Tứ  may mắn được gặp Bác Hồ ngay sau đó. Tứ được Giáo sư Tôn Thất Tùng làm tặng  cho một đôi tay giả. Thế nhưng không may trong một trận lũ lịch sử năm 1978 nước đã cuốn trôi đôi tay giả ấy. Vì thế, đến hôm nay ông vẫn sống như khi mất đi đôi cánh tay như thuở bé.

Cổ tích chuyện tình và hạnh phúc bên gia đình nghèo khó

Cậu bé Hoa Xuân Tứ ngày nào giờ đây đã lớn. Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, tràn đầy sinh lực và lòng nhiệt huyết. Bạn bè Tứ người người cưới vợ, kẻ đi lấy chồng. Tứ cũng ước ao, khát khao về một mối tình, một gia đình nhưng những điều đó chỉ thoảng qua trong trí nhớ một thôi một hồi rồi bỗng tan biến. Mỗi khi nhìn lại thân thể mình Tứ lại thấy buồn, tủi thân và muốn bỏ đi một nơi nào thật xa xôi ở nơi không có bất cứ một người thân nào nữa.

Thế nhưng duyên số, hoàn cảnh xui khiến không cho Tứ làm điều đó. Mảnh đất đã sinh ra và nuôi ông lớn khôn sẽ là nơi gây dựng nên tổ ấm hạnh phúc. Đến bây giờ, mỗi khi có ai đó gợi lại câu chuyện tình cũ thì Hoa Xuân Tứ vẫn như không tin nổi vào bản thân. Quá khứ, hiện tại trong ông lại đan xen lẫn lộn. Có niềm vui, hạnh phúc và chút buồn chợt gợi thoáng qua. Số phận đã kéo Tứ gặp Lê Thị Sự, họ gặp nhau bởi sự đồng cảm yêu thương, sự đồng điệu tâm hồn và lí trí mách bảo của con tim.

Trong một lần đến thăm chị gái ở xã Nghi Văn, Nghi Lộc (Nghệ An), bên cạnh nhà chị gái có cô thôn nữ Lê Thị Sự  nết na, đảm đang cũng đã độ tuổi trăng tròn. Nhưng vì đi khám và nhận được kết quả là Sự bị ung thư buồng trứng và không có khả năng sinh con. Dù bao nhiêu chàng trai theo đuổi nhưng Sự không thể lấy chồng bởi lí do đơn giản là sợ làm khổ gia đình người khác.

Trong hoàn cảnh bi đát ấy, hai số phận, hai trái tim cùng nhịp đập với nhau. Được người nhà mai mối, Hoa Xuân Tứ gặp Sự. Ông Tứ thật lòng, tui nghĩ là mình sẽ không cưới được vợ. Bản thân lại mặc cảm, từ bé đến lớn không hề đi cưa cẩm bất cứ ai cả, cứ con gái là đi tránh mặt đi. Tui gặp bà Sự đây là một niềm hạnh phúc lớn lao rồi. Bà Sự kể lại, khi nhận được kết quả mình không có khả năng sinh con nên tui nghĩ cả đời này sẽ ở với cha mẹ, không lấy chồng. Thế nhưng khi gặp anh Tứ, mọi ý nghĩ trong tui đã thay đổi. Tui thương Tứ bởi anh là người giàu nghị lực sống. Số phận anh kém may mắn, không bằng bạn bằng bè nhưng tui luôn tin ở anh là chỗ dựa vững chắc. Khi nhận được thông tin Sự nhận lời lấy anh Tứ, anh em họ hàng ai cũng phản đối.

Ngày nhà trai mang vài chai rượu và cau trầu sang nhà gái thì Sự chạy ra vườn ngồi khóc. Phải đến quá tam ba bận, gia đình Sự mới đành chấp nhận cho người con gái dứt bước ra đi về làm vợ Hoa Xuân Tứ, chàng thanh niên không được lành lặn thân thể. Tứ là người đàng hoàng biết suy trước tính sau. Trước khi ngỏ lời yêu thương Tứ  đã nhiều đêm cạn lời với Sự. Anh bị cụt hai cánh tay, nếu lấy anh thì mãi mãi sẽ phải hầu hạ chăm sóc đến cuối đời. Lỡ không sinh được con thì em có chịu khổ được không. Sự lấy tay bịt miệng Tứ rồi quả quyết: "Không sinh được con em cũng nguyện chăm sóc anh đến già".  Thế là họ nên duyên chồng vợ.

Ông Tứ và bà Sự bên đứa cháu nội.

Cưới nhau được thời gian, bố mẹ Tứ dựng cho căn nhà tranh vách đất ra ở riêng. Dù không còn hai cánh tay nhưng thời gian khổ luyện đã giúp Tứ làm được mọi việc một cách bình thường như bao người khác. Dù tay anh không nguyên vẹn nhưng những nhát cuốc anh đào sao sâu và mạnh đủ để tỉa được ngô, trồng được lạc. Những đường cày sao thuần thục và thẳng hàng đủ để lúa xanh tốt như ruộng hàng xóm. Mọi sinh hoạt hằng ngày tuy có phần khó khăn so với người bình thường nhưng bằng nghị lực, Tứ đã vượt qua được tất cả khó khăn. Đôi hàm răng chắc và đôi chân làm "tay"  khéo léo và rắn chắc đã giúp ông làm hết mọi việc từ đồng áng đến sinh hoạt cá nhân. Phải chăng chính tình yêu và nghị lực phi thường vươn lên trong hoàn cảnh đã giúp Hoa Xuân Tứ làm nên điều đó.

Càng hạnh phúc, bất ngờ hơn khi thông tin về cô thôn nữ Lê Thị Sự mang trong mình giọt máu của Tứ. Một năm sau đó niềm vui sướng vỡ òa khi đứa con trai chào đời khỏe mạnh và bụ bẫm. Rồi lần lượt năm đứa con có nếp có tẻ chào đời. Trong số năm người con ấy, đứa con gái thứ 3 là chị Lê Thị Sen phải "gánh" nỗi đau riêng. Sau một vụ tai nạn Sen phải nằm liệt giường hơn 28 năm nay. Trên đôi vai người cha vốn đã mất đi đôi cánh tay đắc lực từ thuở bé ấy nay lại gồng gánh cả một đại gia đình. Nhưng dẫu sao, trên khuôn mặt của người đàn ông và người vợ ấy vẫn nở những nụ cười đầy tự hào và kiêu hãnh. Họ kiêu hãnh vì họ đã vượt qua được hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc sống. Họ đã làm đúng và làm hết thiên chức của một người chồng, người vợ.

Với bản tính chịu đựng, đức hi sinh của người phụ nữ vốn đã quen chịu cảnh đời lam lũ, thế nên mấy mươi năm dân làng Hưng Nhân, xã Hưng Nguyên, Nghệ An chưa nghe đến dù chỉ một lần bà Lê Thị Sự than thân trách phận. Người vợ ấy vẫn sống đúng, làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ và người dâu hiền. Ông Tứ tự hào nói như khoe với chúng tôi, mất đi đôi cánh tay nhưng bù lại tui được nhiều thứ. Hạnh phúc lớn nhất là người vợ. Bà Sự là niềm tin cho cả gia đình.

Những đứa con của ông bà giờ đã khôn lớn và xây dựng gia đình. Gia cảnh nghèo khó, các con cũng không giúp được gì nhiều cho cha mẹ. Trong căn nhà bằng đá còn dang dở, những bức tường còn lởm chởm những viên đá, mạch xi khi được hỏi trăn trở lớn nhất của đôi vợ chồng bây giờ là gì? Khuôn mặt chất chứa nhiều nỗi suy tư, ông Tứ có ước muốn là khi nào có tiền sẽ xây lại căn nhà hoàn chỉnh để khi mưa xuống không còn cảnh nước ngấm tường, nắng lên cát sẽ không bay mỗi khi có gió mạnh. Vậy là hạnh phúc lắm rồi. Ước mơ ấy thật nhỏ nhoi, chính đáng và dung dị. Hi vọng bằng chính nghị lực, tình yêu của đại gia đình ấy sẽ giúp được ông hoàn thành tâm nguyện.

Chia tay gia đình, tôi còn nhớ mãi hình ảnh ông Tứ dùng các ngón chân để tính kỹ từng ngày tháng đến tết. Không biết ông Tứ chờ đợi hay lo lắng điều gì mỗi khi tết đến. Tết này, với gia đình ông Tứ có lẽ cũng chẳng khác với những cái tết trước đã qua là bao. Cũng thường thường có chai mật mía để chấm bánh chưng, có thịt mỡ, dưa hành và bánh kẹo. Để ý xung quanh nhà nhưng chẳng thấy gì đáng giá ngoài ổ lợn con và mấy chú gà toai toai đang độ lớn. Mảnh vườn đang cuốc dở đất để gieo một ít hạt cải. Không biết những thứ cây con ấy có lớn kịp, "chạy đua" với thời gian vì đó là sự trông chờ duy nhất của ông Tứ, bà Sự

Hà Long
.
.
.