Khi bóng hồng là "hiệp sỹ" bắt cướp
Con đường đến với "nghề hiệp sỹ"
Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được nữ "hiệp sỹ" Nguyễn Hồng Xuân Trường tại một quán cà phê trên đường Phú Lợi, nơi mà hằng ngày những thành viên trong Câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa dùng để tập kết trước lúc xuất kích. Vừa hoàn tất ca làm việc từ 6h tối đến 6h sáng nhưng cô gái sinh năm 1988 này vẫn thể hiện sự linh hoạt và đầy vẻ tự tin.
"Có gì to tát đâu anh. Thấy bọn cướp giật cứ ngang nhiên lộng hành gây hại cả về vật chất lẫn tính mạng cho người đi đường, hơn nữa lực lượng chức năng còn thiếu nhân lực nên mình góp chút công sức cùng họ truy bắt bọn chúng để trừ họa cho dân. Từ lúc tham gia cho đến nay nhóm của em đã bắt được trên 300 đối tượng trộm cướp cùng hàng trăm vụ trộm cắp nhưng em nhớ nhất là phi vụ đầu đời".
Theo lời kể của Trường, cô sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên từ hồi mới sinh, Trường đã bị suy dinh dưỡng. Thấy con gái quá còi cọc, lại biếng ăn nên đến năm học lớp 7 ( khi đó nặng chưa đầy 30kg), mẹ cô là võ sư Vovinam Hồng Thị Hưng và chị gái đã bàn nhau cho cô đi học lớp võ thuật tại Nhà thiếu nhi (lúc đó là thị xã Thủ Dầu Một) với hy vọng thông qua tập luyện sẽ giúp Trường ăn uống tốt hơn để cải thiện tầm vóc cơ thể.
Nguyễn Hồng Xuân Trường nhận giấy khen của Công an tỉnh Bình Dương. |
Tuy thấp bé, nhẹ cân nhưng có lẽ do được thừa hưởng gien di truyền từ mẹ nên ngay buổi học đầu tiên cô bé đã thể hiện được năng khiếu bẩm sinh và chỉ ít ngày sau đó thì được thầy chủ nhiệm Đặng Minh Quý chọn đưa vào lớp năng khiếu cho học cùng với lớp đàn anh, đàn chị.
Trải qua một năm tích cực tập luyện, năm học lớp 8, Trường được Ban giám hiệu trường trung học cơ sở Phú Cường chọn làm thí sinh duy nhất tham dự môn võ Taekwondo tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh và cô đã xuất sắc đoạt huy chương vàng. Đến năm học lớp 9, cô vinh dự được cử đi tham dự giải thi đấu võ thuật cụm 6 tỉnh bao gồm 3 tỉnh miền đông và 3 tỉnh miền tây nam bộ và cô cũng đã xuất sắc về nhì.
Thời gian dài luyện tập võ thuật cùng với sở thích xem phim trinh thám hoặc những bộ phim có hình ảnh Cảnh sát hình sự truy bắt cướp đã xây dựng cho Trường ước mơ là sau khi học hết lớp 12 sẽ thi vào trường Đại học Cảnh sát để sau này khi ra trường sẽ được trực tiếp tham gia bắt cướp. Tuy nhiên, do hoàn cảnh nên ước mơ cháy bỏng của cô gái đã không thành.
Chán nản, cô quyết định không dự thi bất cứ trường đại học nào khác rồi năn nỉ mẹ cho đi làm bảo vệ trong đội an ninh tại khu du lịch Đại Nam. Tại đây, ngoài việc hoàn thành tốt công việc được giao, Trường còn phát hiện có nhiều đối tượng trộm cắp, móc túi chuyên nhắm vào các khách du lịch nên cô bỏ nhiều thời gian theo dõi và chỉ trong vòng 6 tháng, đã bắt được trên hai chục đối tượng giao cho Công an phường sở tại xử lý.
Cuối năm 2008, các vụ móc túi khách du lịch bỗng dưng tăng đột biến nên ông Sáu Bằng (Đội trưởng đội an ninh) đã mời nhóm hiệp sỹ do anh Nguyễn Thanh Hải làm trưởng nhóm về cộng tác. Biết nhóm của anh Hải đã từng bắt nhiều vụ trộm cắp, cướp giật trên đường phố nên từ lâu Trường rất ngưỡng mộ và nhân dịp này cô đã chủ động xin lãnh đạo cho gia nhập nhóm.
Lúc đầu anh Hải từ chối vì nghĩ con gái chân yếu, tay mềm làm sao gánh vác nổi cái công việc hết sức vất vả, lại nhiều nguy hiểm mà không có lợi lộc gì cho bản thân nhưng khi thấy Trường thể hiện vài đường võ thuật thì anh Hải đã gật đầu ngay tắp lự. Tuy nhiên, do đầu tư quá nhiều thời gian vào các phi vụ truy bắt trộm cắp, Trường thường bị mệt mỏi do thiếu ngủ mỗi khi vào ca nhận công việc chính nên đến cuối năm ấy, cô bị lãnh đạo đơn vị cho thanh lý hợp đồng.
Và những vụ bắt cướp đầy nguy hiểm
Theo lời kể của trưởng nhóm Nguyễn Thanh Hải, khi ấy là cuối năm 2008, khi vừa bị thanh lý hợp đồng tại khu du lịch Đại Nam, trong lúc chưa xin được việc làm, Trường giấu mẹ dành hầu hết thời gian trong ngày từ sáng sớm đến tận tối khuya theo chân nhóm hiệp sỹ của anh rong ruổi trên khắp các đường phố ở TP Thủ Dầu Một để bắt trộm, cướp.
Nữ "hiệp sỹ" Nguyễn Hồng Xuân Trường. |
Thời gian ở trên đường thì bắt nóng đối tượng, còn khi về nhà, Trường nghiên cứu sâu các thông tin của quần chúng nhân dân về việc xuất hiện các đối tượng trộm cướp để hình thành phương án truy bắt cho cả nhóm cùng thực hiện một cách hiệu quả. Trong thời gian này cô cùng anh em trong nhóm bắt được hàng chục đối tượng cướp giật giao cho Công an địa phương xử lý, trả lại tài sản cho người bị hại.
Tháng 1/2009, trong một lần đi tuần tra trên đường thuộc khu vực ngã tư Quốc tế, Trường cùng đồng đội phát hiện 4 thanh niên đi trên hai chiếc xe gắn máy thường xuyên áp sát những người đi đường để dò xét. Thấy có nhiều dấu hiệu khả nghi, Trường quay xe bám theo đến ngã 3 Gò Chén, 4 đối tượng ra tay giật sợi dây chuyền của một người phụ nữ rồi co chân đạp chị này ngã văng ra đường. Nhanh như sóc, Trường liền tăng ga đuổi theo đối tượng nhưng bọn chúng cũng kịp thời phát hiện nên đã ép khiến cho cô và xe ngã văng ra đường.
Không thể để cho bọn lưu manh có cơ hội trốn thoát, mặc dù rất đau sau cú ngã, nhưng Trường vẫn cố gắng dựng xe đuổi theo và sau hơn 30 phút quần thảo khắp các tuyến đường, cuối cùng cô và đồng đội cũng bắt được băng cướp về giao cho Công an phường Chánh Nghĩa lập hồ sơ xử lý. Tuy bọn cướp đã bị tóm gọn song toàn thân Trường bị thương khá nặng phải vào bệnh viện cấp cứu.
Nhìn đứa con toàn thân băng bó, bà Hưng (mẹ Trường) xót lắm, bà khóc rất nhiều và cấm con không được tham gia bắt cướp nữa nhưng trước sự năn nỉ của con gái, cùng rất nhiều những tấm giấy khen của các cấp chính quyền địa phương dành cho cô, cuối cùng bà Hưng cũng đành chấp nhận cho Trường tiếp tục theo "nghề", song bà bắt buộc cô phải theo bà học thêm những miếng võ để có thể khống chế tội phạm nhanh gọn hơn.
Tuy đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc bắt cướp nhưng đôi lúc vẫn có những tình huống mà Trường cùng anh em trong đội không thể nào ngờ tới. Điển hình là vụ bắt tên cướp giật trong đêm 23 tết nguyên đán vừa qua. Hôm ấy công ty cho tan ca sớm vào lúc 12h khuya. Đang trên đường về nhà, Trường bỗng nghe tiếng hô cướp của một người phụ nữ ở gần đó. Thoáng nhìn thấy một thanh niên rú ga xe gắn máy bỏ chạy, cô quyết định đuổi theo, đồng thời điện thoại cho đồng đội là những hiệp sỹ cùng nhóm cùng truy bắt. Đến quốc lộ 13, không còn đường tẩu thoát, hai tên cướp giả bộ té xe rồi nằm bất động.
Nghĩ tên này bị ngất xỉu nên Trường bước tới định đỡ dậy đưa hắn đi bệnh viện cấp cứu cho tỉnh rồi mới giao nộp cho Công an địa phương thì bất ngờ tên cướp vung dao nhọn nhằm thẳng hướng cô đâm tới tấp. Ngay lúc đó, một tên khác đến tiếp ứng hòng giải vây cho đồng bọn nhưng đã bị Trường hạ gục, tên còn lại bị một nam "hiệp sỹ" khác bắt ngay sau đó. Hai tên cướp đã bị bắt, tài sản đã được trao trả cho nạn nhân nhưng con dao vô tình của bọn cướp cũng đã kịp gây ra cho Trường một vết thương trên cánh tay phải cho đến nay vẫn còn chưa lành hẳn.
Năm 2009, Trường quyết định lên xe hoa với một anh công nhân bảo trì xe gắn máy ở gần nhà tên Nguyễn Nhật Bản. Cũng trong thời gian này, cô xin được một chân vào làm công nhân ở Công ty lắp ráp linh kiện điện tử Sài Gòn STECS trong khu công nghiệp Việt Hương. Công việc ở nơi làm mới hằng tháng được chia thành hai ca và đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian, lại đang mang thai đứa con đầu lòng nhưng Trường vẫn tranh thủ những lúc tan ca tham gia cùng nhóm hiệp sỹ đi bắt cướp.
Vào bếp nấu ăn cho chồng con. |
Thời gian đầu khi mới biết chuyện vợ đi "vác tù và hàng tổng", anh Bản rất lo lắng nên đã khuyên nhủ vợ hãy từ bỏ để chuyên tâm vào chăm lo gia đình, nhưng trước những lời giải thích của vợ, cuối cùng anh Bản cũng đành chấp nhận cho vợ tham gia bắt cướp nhưng căn dặn phải hết sức cẩn thận để bảo toàn tính mạng mỗi khi giáp mặt với các đối tượng tội phạm nguy hiểm.
Có được sự ủng hộ của mẹ và chồng, khi vào ca ngày, Trường thường dậy từ 5 giờ sáng lo dọn dẹp nhà cửa, nấu đồ ăn sáng cho chồng và mẹ rồi tức tốc lên đường đến nơi làm việc cho kịp thời gian (7 giờ sáng). Tan ca lúc 7 giờ tối, Trường lại mau chóng về nhà lo cơm nước tươm tất cho cả gia đình để tranh thủ cùng anh em trong nhóm lên đường đến những khu vực nổi cộm về tình hình an ninh trật tự truy bắt bọn cướp.
Trước lúc chia tay, Trường bảo: Với em, cứ mỗi tên cướp bị bắt và mỗi lần người bị hại được trả lại tài sản là em thấy vui nhất. Em xác định rồi. Người giàu họ có tiền đi làm từ thiện, còn mình chẳng khấm khá gì thì có thể hiến nội tạng cũng là một cách giúp ích cho đời. Đầu tuần tới em sẽ xuống trường Đại học Y dược TP HCM xin làm thủ tục để lỡ có tử nạn trong lúc bắt cướp hoặc bị trả thù, xác em sẽ được hiến cho khoa học. Những bộ phận nội tạng nào còn sử dụng được thì hiến cho người nghèo bị bệnh để họ có được sức khỏe vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.