Hành trình gian nan của chủ nhân trẻ tuổi nhất Giải Nobel Hòa Bình 2014
Vỡ òa trong niềm vui khi nghe tên mình được xướng lên trong buổi công bố nhân vật giành giải Nobel Hòa bình 2014, nữ sinh viên 17 tuổi người Pakstan Malala Yousafzai đã không cầm được nước mắt. Trở thành biểu tượng nữ quyền, là niềm tự hào của đất nước Pakistan, song Malala Yousafzai vẫn chưa có cơ hội được một lần trở về quê hương bởi cô đang trở thành mục tiêu ám sát hàng đầu của Taliban.
Người quảng bá hòa bình dũng cảm và dịu dàng
Vượt qua 278 ứng viên sáng giá khác, trong đó có cả Giáo hoàng Francis, Tổng thống Nga Vladimir Putin và "người thổi còi" Edward Snowden, thiếu nữ Pakistan Malala Yousafzai và nhà hoạt động xã hội về quyền trẻ em người Ấn Độ Kailash Satyarthi đã cùng nhau giành giải thưởng Nobel Hòa bình 2014 với trị giá là 1,11 triệu USD. Và để các hoạt động vì quyền con người ngày càng được nhân rộng, Malala Yousafzai đã nhận lời cùng với luật sư Kailash Satyarthi tham gia các hoạt động vì nền hòa bình thế giới. Thiếu nữ 17 tuổi này khiêm tốn nói, giải Nobel Hòa bình 2014 mà cô nhận được không phải dành riêng cho cô mà cho tất cả những trẻ em không có tiếng nói trên thế giới. Malala Yousafzai mong muốn rằng, qua hình ảnh về chính cô, trẻ em trên toàn thế giới sẽ biết cách đứng lên vì quyền lợi của mình và bản thân cô sẽ đấu tranh đến cùng để tất cả trẻ em đều được đến trường.
Phải nói rằng, việc trao giải Nobel hòa bình năm nay cho 2 nhân vật ở hai quốc gia khác nhau, hai sắc tộc khác nhau đã đem lại thông điệp đầy ý nghĩa trong bối cảnh thế giới chìm trong những xung đột, bè phái và chia rẽ về quyền lợi. Nhiều tổ chức thế giới, nhiều quốc gia đã gọi đây là một cuộc cái cách mới, một biểu hiện lớn lao về tầm quan trọng để các chính phủ trên thế giới tập trung đến phụ nữ và trẻ em. Từ trụ sở của Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gọi Malala Yousafzai với tên gọi trìu mến là "người quảng bá hòa bình dũng cảm và dịu dàng". Tổng thống Mỹ Barack Obama thì gọi giải Nobel Hòa bình 2014 là "chiến thắng cho tất cả những ai đang nỗ lực bảo vệ nhân phẩm và giá trị của con người". Còn Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif lại ca ngợi Malala Yousafzai là niềm tự hào của đất nước Pakistan.
Biểu tượng của nữ quyền
Vậy Malala Yousafzai là ai và vì sao một thiếu nữ 17 tuổi bỗng dưng trở thành biểu tượng về lòng quả cảm trên thế giới? Theo tin từ hãng BBC, Malala Yousafzai sinh ra và lớn lên tại quận Swat ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, phía Tây Bắc Pakistan, trong một gia đình của tộc người Pashtun theo dòng Hồi giáo Sunni. Cũng giống như hai người anh trai, Malala Yousafzai may mắn được ông bố Ziauddin Yousafzai là một nhà thờ, lại là nhà hoạt động xã hội về mảng giáo dục nuôi dưỡng nên ngay từ nhỏ, cô đã được học hành bài bản và nói thành thạo hai thứ tiếng Urdu và tiếng Anh. Cuộc sống sẽ không có gì nguy hiểm đối với Malala Yousafzai nếu như phóng viên Aamer Ahmed Khan cùng đồng nghiệp của hãng thông tấn BBC không tìm đến ngôi trường mà ông Ziauddin Yousafzai làm hiệu trưởng và nhờ ông tìm một sinh viên có thể viết về ảnh hưởng của Taliban tại Swat. Không ai dám nhận lời, cuối cùng, vì nể các nhà báo Ziauddin Yousafzai đã đồng ý cho cô con gái 11 tuổi của mình tham gia giúp họ viết bài. Nhưng ông không ngờ rằng, chính hành động này đã khiến thủ lĩnh Taliban ở Swat là Maulana Fazlullah tức giận. Khi những trang nhật ký được Malala Yousafzai viết bằng tiếng Urdu và tiếng Anh được đăng tải trên trang web của hãng BBC gây tiếng vang trên thế giới, đặc biệt là về cuộc sống "không âm nhạc, không phụ nữ lộ diện và không học hành cho các em gái", cả gia đình Yousafzai đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của Taliban. Taliban tức giận vì cha con nhà Yousafzai đã vạch trần bộ mặt xấu xa của chúng trên toàn thế giới. Chúng bắt đầu truy đuổi gia đình Yousafzai. Ngày 9-10-2010, khi đang trên đường về nhà, Malala bị một tay súng bắn. Kẻ bịt mặt leo lên xe buýt gọi tên Malala, sau đó bắn thẳng vào đầu cô làm viên đạn xuyên vào mắt trái và vỡ hộp sọ. Vụ tấn công vào một học sinh nữ lên tiếng vì quyền được học hành của trẻ em gái, đã gây chấn động ở Pakistan và thế giới. Cảnh sát Pakistan đã phải huy động mọi lực lượng để bảo vệ bằng được Malala Yousafzai. Biểu tình phản đối Taliban, ủng hộ Malala bùng nổ khắp nơi.
Sau khi qua cơn nguy kịch, Malala Yousafzai được một tổ chức quốc tế hỗ trợ đưa tới điều trị tại bệnh viện Queen Elizabeth Hospital ở Birmingham, Anh. Một cách thần kì, Malala Yousafzai đã sống sót và phải trải qua nhiều lần mổ để chỉnh xương sọ. Ra viện, được sự động viên của gia đình, đặc biệt là người cha, Malala Yousafzai quyết tâm tiếp tục nói lên sự thật và đấu tranh cho quyền được học tập và công bằng cho hàng triệu các em gái trên thế giới. Cô cũng theo học tại một trường Đại học ở Anh. Malala Yousafzai tâm sự rằng, cô sẽ làm hết mình để giúp đỡ trẻ em trên toàn thế giới và để trả món nợ "không thể trở về quê hương Pakistan" với Taliban.
Tháng 1/2013, tờ Deutsche Welle đã gọi Malala Yousafzai là "thiếu nữ dũng cảm nhất thế giới". Tiếp đó, cô còn được Tạp chí Times bình chọn vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2013 và là người đầu tiên giành giải thưởng Quốc gia về hòa bình dành cho giới trẻ ở Pakistan. Đặc phái viên của LHQ về giáo dục toàn cầu Gordon Brown còn lấy câu chuyện của Malala Yousafzai để làm thành một slogan "Tôi là Malala" phục vụ cho chiến dịch đòi công bằng và học vấn cho trẻ em trên toàn thế giới…