Hải "Robot" và nỗ lực chạm tới ước mơ
Trên đôi vai mẹ
Trong căn nhà nhỏ nằm phía sau khu chợ đường Hưng Phú (quận 8, TP Hồ Chí Minh), bà Phan Thị Quỳnh Mai ngày ngày cần mẫn chăm chút từng li từng tí cho cậu con trai bé nhỏ Trần Phan Thanh Hải. Đôi mắt bà thâm quầng, từng tiếng thở nặng nhọc do bị rối loạn nhịp tim nhưng hễ con gọi một tiếng, dù thế nào bà vẫn có mặt ngay lập tức. 18 tuổi đời, có đến hơn 10 năm Hải đi học trên lưng của mẹ.
Bà Mai cho biết, Hải bị di chứng bại liệt từ trong ở bào thai. Hải được sinh ra rất yếu ớt, lên 4 tuổi thì tay chân bắt đầu "mền rũ" và không thể đứng ngồi. Lên 8 tuổi Hải mới bước chân vào lớp 1 nhưng con đường học chữ của em cũng gặp nhiều chông gai. Nhà trường không nhận học sinh khuyết tật.
Trong lớp học, Hải luôn được các bạn yêu quý. |
Bà Mai gửi con vào trường chuyên biệt thì được xếp vào lớp trẻ thiểu năng trí tuệ chậm phát triển. Bà Mai ứa nước mắt, vừa thương con lại vừa giận chính bản thân mình bởi không thể giúp con có sự công bằng. Bà hiểu rất rõ, con trai tuy bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng trí tuệ hoàn toàn bình thường, thậm chí còn rất thông minh. Quá chua xót, bà Mai gửi con về quê ở Tiền Giang học tại một trường làng hoàn toàn bình đẳng. Suốt 4 năm học, Hải luôn dẫn đầu trong lớp, thầy cô ngạc nhiên với sức học và trí tuệ thông suốt của Hải.
Một phần nhớ con, phần khác sợ người thân khổ cực đưa đón Hải nên vợ chồng bà Mai quyết định đưa Hải về TP Hồ Chí Minh. Bệnh tật của Hải ngày một trở nặng, tay chân em cứ nhỏ dần theo thời gian nhưng bù lại năng lực học tập của em lúc nào cũng tràn đầy. Trên đôi chân của mẹ, Hải như được tiếp thêm sức mạnh để phát huy hết sở trường của mình.
Con càng lớn, càng nặng mà cơ thể người mẹ thì trăm thứ bệnh đổ dồn. Bà Mai bị thận, bị tim, huyết áp, tiền đình... luôn trong tình trạng chóng mặt, xây xẩm. Bà Mai cứ thấp thỏm lo sợ một ngày nào đó, trên bậc cầu thang căn chung cư tầng 5, đang cõng con mà không kiểm soát được cơn bệnh đổ ập xuống thì ân hận cả đời.
Chứng kiến cảnh mẹ khổ sở, lam lũ như vậy, Hải đã mày mò nghiên cứu và sáng tạo ra hệ thống khóa trong tự động mở bằng số điện thoại gọi đến. Khi mẹ cõng em lên tầng 5, bà không phải vẹo ngýời thò tay vào trong mở khóa. Hải mạnh dạn mang công trình đi dự thi và giành được giải nhì cuộc thi sáng tạo cho thanh thiếu nhi năm 2015 và giải khuyến khích hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2015. Dù có ổ khóa tự động, nhưng việc lên xuống cầu thang vẫn nặng nề với người mẹ. Vợ chồng bà Mai bàn nhau chuyển về căn nhà ở quận 8 để thuận tiện việc sinh hoạt, đưa đón con.
Quyết tâm thực hiện ước mơ
Thương mẹ nhưng chẳng thể làm gì, năm lớp 9, Hải đã nảy ra ý tưởng sáng chế robot nhằm giúp đỡ cho người bại liệt mà cũng là giúp chính bản thân mình, để bớt đi gánh nặng cho người thân. Hải chia sẻ với thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 trường THPT Merie Curie.
Thầy Hậu dạy môn Hóa, ít nhiều "cảm" được ý tưởng của Hải nên đã giới thiệu thầy giáo Hải dạy vật lý, để cùng tiếp sức cho học trò. Thầy Hải tuyển chọn thêm Nguyễn Lâm Trường, một học sinh giỏi khoa học tự nhiên, có cùng niềm đam mê sáng chế với Hải thành một nhóm.
Khung trời nhỏ của Hải là chiếc giường để em vừa học, vừa sáng tạo. |
"Đại bản doanh" thực hiện công trình đặt tại nhà Hải. Mỗi tối, Lam Trường đều đặn tới nhà Hải để cùng nhau làm việc. Hôm nào không gặp được tại nhà sẽ làm tại trường, sau giờ tan học. Công việc được phân công cụ thể. Hải sẽ đảm nhận nhiệm vụ kết nối các vi mạch, tạo hình dẫn, còn bạn Trường phụ trách khâu lập trình.
Những ngày đầu tiên thực sự gian nan, khó nhọc với cả hai, bởi vi mạch bị đứt, hỏng liên tục, không kết nối được. Rồi sự bất đồng quan điểm với bạn Trường... Nhưng qua tất cả mọi chuyện, chưa bao giờ Hải nản chí, hay có ý định buông bỏ. Hải nói rằng, đây là ước mơ đã trở thành quyết tâm rồi nên mọi trở ngại đều quá nhỏ bé.
Hơn nữa, càng làm em càng say mê đắm đuối với nó, yêu đến nỗi quên đau đớn, mệt mỏi. Tất cả các dụng cụ, linh kiện liên quan đến việc sáng chế robot Hải đều ghi rõ ra giấy hoặc chụp hình trên điện thoại nhờ mẹ tới chợ Nhật Tảo ( quận 10) tìm mua. Có tháng, bà Mai ra chợ đến 20 ngày, đến mỗi cửa hàng hỏi từng cái dây điện, con ốc.
Những người bán hàng ở chợ lúc đầu nhìn bà lạ lẫm, không hiểu người phụ nữ này đi mua mấy thứ dây nhợ về làm gì. Với bà Mai, được giúp con làm những việc này thì hạnh phúc lắm, cho nên có phải đi cả ngày cả đêm, đến bất cứ đâu bà cũng đi. Bà chia sẻ: "Thấy con ham sáng chế, tôi mừng rơi nước mắt. Cho dù sau này thế nào, thì tôi vẫn ủng hộ con".
Công trình robot lao động đa ngành nghề dành cho người khuyết tật đã hoàn thành cơ bản. Người thử nghiệm đầu tiên chính là Hải. Tuy nhiên, lần đó bị thất bại và thất bại nhiều lần sau đó. Cánh tay robot đưa thìa cơm 10 lần thì chỉ trúng được 7. Sau 3 tháng, cùng nhiều thay đổi, chỉnh sửa, robot cũng đi vào hoạt động hiệu quả được 70% cho người liệt toàn thân. Tác giả vẫn chưa hài lòng vì cánh tay chưa đủ 5 ngón, hơi ngắn và nhỏ, điều này đi chệch với ý tưởng ban đầu.
Được sự động viên và giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, công trình robot của Hải và bạn Trường đã trình làng tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm 2017. Tại đây, mọi người đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy cậu học sinh ngồi xe lăn với gương mặt đầy tự tin thuyết trình về thiết bị "Robot hỗ trợ đa ngành nghề cho người bại liệt" có khả năng điều khiển bằng nháy mắt và giải nhất là phần thưởng đầy xứng đáng cho nỗ lực vượt bậc của Trần Phan Thanh Hải. Tiếp tục đến tháng 12/2017, Hải được Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh trao giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo trẻ.
Không dám ăn vì sợ mẹ không cõng được
Nhiều người động viên, khen ngợi Hải như vậy quá tốt rồi, Hải quá giỏi rồi. Nhưng Hải thì khác, cậu tâm niệm, lao động là phải đến đỉnh cao, sản phẩm phải hoàn hảo. Hải ngậm ngùi: "Tay em giờ cử động được nhưng yếu lắm, chỉ có thể cầm cây bút, lật trang sách.
Bệnh của em sau này có thể sẽ liệt hoàn toàn nên em phải có phương án cho tương lai. Em càng lớn thì mẹ càng khổ, sức khỏe càng yếu. Em thương lắm, giờ em không dám ăn nhiều vì sợ béo lên sẽ nặng, mẹ không cõng được".
Là một trong hai học sinh khuyết tật của Trường THPT Merie Curie, trong lớp 11A1, Trần Phan Thanh Hải đứng đầu về thành tích học tập. Học kỳ 1 vừa qua, điểm trung bình của Hải đạt 9.1. Nhưng có ai buột miệng khen ngợi Hải, cậu liền lắc đầu từ chối: "Em không giỏi đâu, em muốn phấn đấu nhiều hơn nữa". Hỏi Hải có bao giờ cảm thấy mặc cảm khi mang trong mình cơ thể khiếm khuyết? Hải ngậm ngùi một lát rồi trả lời: "Ngày xưa em có, nhưng bây giờ đỡ nhiều rồi. Ở lớp thầy cô, bạn bè rất tốt với em, rất thương em".
Hải thuyết trình công trình sáng tạo robot trong cuộc thi. |
Để có được thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền, Trần Phan Thanh Hải đã nỗ lực bằng chính khả năng của mình, có những lần kiệt sức em phải đi cấp cứu. Hải cho biết: "Em chỉ đi bệnh viện khi phải cấp cứu chứ gần chục năm nay không hề kiểm tra bệnh, vì gia đình không có điều kiện. Cũng do không thể đi lại nên các khoản học thêm, học phụ đạo đều không có, em tự tìm hiểu qua sách vở và Intener". Ngoài mong ước cho mẹ khỏe mạnh, Hải còn ước mơ sau này sẽ làm được điều gì giúp đỡ những người khuyết tật có việc làm, có cuộc sống tốt đẹp hơn trong xã hội.
Những ngày đầu đến trường, là thời điểm khó khăn nhất với vợ chồng bà Mai. Đứa con bé bỏng của họ bỡ ngỡ, lạ lẫm với tất cả mọi người. Bây giờ con học giỏi, có thành tích sáng tạo công nghệ, bà Mai vẫn cảm thấy lo lắng. Bà lo ngày kia, khi con bước vào giảng đường đại học, liệu có đủ sức khỏe để chinh phục ước mơ.
Đội chữa cháy cơ động dưới chân núi Langbiang Dưới chân núi Langbiang thuộc thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), một Đội chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cơ động luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm. Đội được hình thành từ ý tưởng của một cựu chiến binh tâm huyết với các hoạt động từ thiện và cứu trợ. Cao nguyên mùa nắng gắt, xưởng sửa xe ở khu phố Langbiang, trung tâm thị trấn Lạc Dương của ông Đặng Ngọc Hiệp (59 tuổi) nổi bật với chiếc xe chữa cháy màu đỏ đặc trưng. Chiếc xe này tuy nhỏ nhưng chứa đầy đủ "đồ nghề" của lính cứu hoả như quần áo chống nóng, máy bơm nước công suất lớn, các cuộn ống dẫn nước chuyên dụng, thang chữa cháy… Tất cả được sắp đặt gọn gàng trong xe để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có cháy xảy ra. "Toàn bộ trang thiết bị chuyên dùng này đều do chính quyền địa phương trang bị cho chúng tôi sử dụng, làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn ngay tại địa bàn" - ông Hiệp cho biết. Tham gia đội chữa cháy cơ động này, các thành viên đã trải qua một khóa huấn luyện các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và chữa cháy do lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp tổ chức. Mỗi tổ dân phố bố trí 3 thành viên, gọi là Đội tự quản chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong khu phố, đồng thời tham gia chữa cháy. Khi có tin báo cháy được gọi qua đường dây nóng của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hoặc chính quyền địa phương, các thành viên trong đội sẽ gọi báo cho ông Hiệp hay những thành viên trong đội. Sau đó, xe chữa cháy được điều tới hiện trường. Các thành viên trong đội cũng liên lạc với nhau bằng bộ đàm để đến hiện trường tham gia dập lửa, hạn chế đám cháy lây lan ra xung quanh, trước khi có xe chữa cháy chuyên dụng của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đến tiếp ứng. Thị trấn Lạc Dương cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 20 km công tác chữa cháy còn gặp nhiều khó khăn, do khoảng cách để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường là khá xa. Do đó, đội chữa cháy cơ động hoạt động hiệu quả là việc làm rất đáng ghi nhận trong công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. (XQ) |