Dương Quảng Hàm Nhà giáo kiểu mẫu

Thứ Năm, 15/02/2018, 01:06
Ngày 14-7 năm Mậu Tuất 1898 là ngày sinh của một nhà giáo mẫu mực, tác giả của những cuốn sách giáo khoa kinh điển về văn học sử đầu tiên của Việt Nam, đó là Giáo sư Dương Quảng Hàm.


Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học tại làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Dương Quảng Hàm có ông nội là Dương Duy Thanh (1804-1861), từng làm Đốc học Hà Nội. Cha của ông là Dương Trọng Phổ, anh cả là Dương Bá Trạc, một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, trường học cách mạng đầu tiên của thành phố Hà Nội, em là Dương Tụ Quán, đều là những danh sĩ có tiếng đương thời.

Những tác phẩm kinh điển của ngành giáo

Thuở nhỏ Dương Quảng Hàm học chữ Nho, sau ra Hà Nội học chữ Quốc ngữ. Năm 1920, ông tốt nghiệp Thủ khoa Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội với ghi nhận "Được Ban giám khảo ngợi khen". Tiểu luận tốt nghiệp của ông với tiêu đề "Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ" đã bộc lộ khuynh hướng nghiên cứu của ông. Sau đó, ông được phân bổ dạy ở Trường Bưởi, lúc đầu dạy Pháp văn, Sử, Việt văn, sau chuyển sang dạy Việt văn bậc Trung học.

Trong hơn 20 năm (1920-1945), ông đã làm việc không mệt mỏi, vừa giảng dạy, vừa viết sách giáo khoa văn học và sử học cho nhà trường từ bậc tiểu học đến bậc trung học, vừa bằng tiếng Pháp vừa bằng tiếng Việt. Hai cuốn sách có giá trị nghiên cứu nhất của ông là “Việt Nam văn học sử yếu” (1941), “Việt Nam thi văn hợp tuyển” (1942).

Riêng tác phẩm “Việt Nam văn học sử yếu” được Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa chính thức dùng làm sách giáo khoa chương trình lớp Đệ Tam (tức là lớp 10) trong nhiều năm liền. Đây là một bộ sách giáo khoa văn học Việt Nam. “Việt Nam văn học sử yếu” gồm 48 chương, trong đó có nhiều phần có giá trị như: Văn chương bình dân, Ảnh hưởng của nước Tàu; Các chế độ việc học, việc thi; Ảnh hưởng của nước Pháp; Vấn đề ngôn ngữ văn tự v.v…  Tác giả đã dành nhiều công sức để giới thiệu khái quát nền văn học Việt. Cuốn sách còn có Biểu liệt kê các tác gia và tác phẩm, Bảng kê tên theo vần chữ cái các tác gia, tác phẩm có nói trong sách, khá tỉ mỉ và chu đáo.

Giáo sư Nguyễn Lân (học trò của Giáo sư Dương Quảng Hàm) khi còn sống thi thoảng ông vẫn kể lại rằng: "Về Việt văn, anh em chúng tôi coi đó là hai giờ vô cùng thiêng liêng. Lại được thầy Hàm dạy, thì thầy trò cùng như thống nhất trong một lý tưởng cao cả. Thầy sẵn có một vốn Hán học sâu rộng, cộng vào đó là một lòng yêu nước tha thiết của truyền thống gia đình. Cho nên, giờ dạy Việt văn của thầy đối với chúng tôi chẳng khác nào một buổi thuyết pháp của một giáo sĩ cho những con chiên. Chính nhờ những bài giảng Việt văn của thầy mà chúng tôi biết yêu tiếng Việt giàu và đẹp, biết thưởng thức và tôn trọng nền văn học phong phú của ông cha để lại".

Dạy ở Trường Bưởi, Giáo sư Dương Quảng Hàm chỉ được dạy 3 giờ Việt văn/ tuần, vì người Pháp quan niệm tiếng Việt chỉ là môn học phụ, là một thứ ngoại ngữ không quan trọng, nhưng với vốn Nho học sâu sắc, với lòng yêu nước tha thiết, yêu văn chương, với lương tâm nghề nghiệp của người thầy, thầy giáo trẻ Dương Quảng Hàm đã vượt qua những o ép của thực dân Pháp để đi con đường riêng của mình.

Quyết không rời nhiệm sở

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Dương Quảng Hàm được bổ nhiệm làm Thanh tra Trung học vụ, rồi làm Hiệu trưởng của Trường Bưởi. Tuy nhiên, chỉ một năm sau (tháng 12-1946) thì ông mất không rõ lý do tại Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, hưởng dương 48 tuổi. Ông có vợ và 6 người con, trong đó có Nhà giáo, Nhà vật lý học, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái.

Giáo sư Dương Trọng Bái kể về lần chia tay định mệnh với cha mình: “Trường Chu Văn An được lệnh ngừng dạy, cho học sinh đi tản cư. Các em nhỏ của tôi tản cư về quê. Mẹ tôi giục cha tôi đi về quê, nhưng ông nói, chưa có lệnh cho hiệu trưởng tản cư, mình về quê, nếu Bộ có chỉ thị gì thì biết tìm mình ở đâu? Thế là ông ở lại và vẫn đọc sách. Đêm 19-12-1946, tự vệ dẫn những người dân còn lại trong thành thoát ra ngoài. Cha mẹ tôi chia tay nhau từ đó, và vĩnh viễn sau này, chúng tôi không còn được nhìn thấy bóng dáng thân yêu, gương mặt nghiêm nghị của ông. Có lẽ ông bị đạn lạc, tên bay vào những phút cuối cùng bám trụ nhiệm sở".

Dương Minh
.
.
.