Diễn đàn dạy bơi qua mạng và nỗ lực của vị Tiến sĩ dầu khí

Thứ Hai, 27/11/2017, 07:00
Chứng kiến nhiều vụ trẻ em đuối nước thương tâm, ông tự lập ra website, blog phổ biến phương pháp "Bơi tự cứu Dịch cân kinh".


Sau nhiều năm vừa tuyên truyền, giảng dạy, vừa đề xuất, ông đã nhận được tin vui khi được Văn phòng Chính phủ gọi điện thông báo lãnh đạo Chính phủ đã giao các bộ nghiên cứu đưa "Bơi tự cứu" vào chương trình giáo dục tiểu học.

Gặp TS. Phạm Anh Tuấn (phố Thi Sách, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), ông vui lắm bởi sau bao năm nỗ lực đưa "Bơi tự cứu" vào trường học, mong muốn của ông đã thành hiện thực. Lúc đầu chỉ là tự tìm tòi, phổ biến kiến thức trên mạng Internet về học bơi cho các em học sinh, sau 3 năm, đến năm 2009, ông quyết định thành lập Trung tâm E-Bơi với hy vọng sẽ lan tỏa thông tin đến nhiều người hơn. 

Tên gọi "E-Bơi" là viết tắt của hai từ "Em bơi", qua đó thể hiện thông điệp của trung tâm hướng đến trẻ em. TS. Phạm Anh Tuấn dí dỏm chia sẻ, gọi Trung tâm E-Bơi nhưng chỉ có mình ông vừa làm giám đốc vừa kiêm nhân viên. Hàng ngày ông đều đặn sưu tầm tư liệu đăng tải lên website cũng như chia sẻ kiến thức bản thân bởi: "Dạy trực tiếp cùng lắm chỉ hướng dẫn được 5-10 người nhưng đưa lên Internet có thể dạy hàng triệu người".

TS. Phạm Anh Tuấn chia sẻ về E-bơi và "Bơi tự cứu".

Diễn đàn E-Bơi, một trong những trang web chuyên cung cấp kiến thức phòng chống đuối nước lớn nhất hiện nay do ông sáng lập đã trở nên quá nổi tiếng và quen thuộc với các bậc phụ huynh và các em học sinh. Thế nhưng để có được thành công như ngày hôm nay, TS. Phạm Anh Tuấn đã khá vất vả khi đưa E-Bơi đến gần với mọi người, bởi tâm lý của nhiều người dạy bơi thật còn chưa ăn ai nữa là dạy bơi qua mạng.

Là chuyên gia dầu khí, không hề được đào tạo bơi lội song TS. Phạm Anh Tuấn lại gắn bó với nghề dạy bơi qua mạng như một cơ duyên. Ông kể ngày 7-10-2006, sau khi nghe được tin buồn về chuyến đò chở 30 học sinh THCS đắm ở bến Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) khiến 24 người tử vong, ông ngồi bần thần, buồn thẫn thờ mất vài ngày. 

Thương các cháu bao nhiêu thì ông càng trăn trở bấy nhiêu bởi "phòng tránh đuối nước đơn giản nhưng tại sao có nhiều vụ tai nạn thương tâm thế, làm thế nào để cứu các cháu, làm thế nào để các cháu có thể tự cứu mình khi rơi vào những trường hợp tương tự như vậy. 

Cách tốt nhất là phải tuyên truyền, giáo dục, dạy các em kĩ năng bơi lội, kĩ năng cứu người". Và việc đầu tiên ông nghĩ tới là sử dụng Internet làm công cụ tuyên truyền. Sẵn có kiến thức trong tay, ông mày mò, tìm kiếm tự lập website, blog (sau này lập thêm trang Facebook) để đăng tải kiến thức bơi lội, phòng tránh đuối nước.

Tranh thủ rảnh rỗi lúc nào ông chuyên gia hóa dầu lại tìm kiếm, sưu tầm tài liệu đăng tải lên web. Ngày nghỉ hoặc có thời gian, ông lại trực tiếp hướng dẫn cho bạn bè, người thân đăng tải giúp, cùng mình xây dựng một website toàn diện nhất, dễ hiểu nhất phục vụ các cháu học sinh. Lúc đầu chỉ là lý thuyết về những thứ đơn giản nhất như tập hít thở, rồi kiểu bơi sải, bơi ếch, bơi bướm… phải bơi như thế nào, rồi điều kiện bể bơi ra sao… 

Nhưng quá trình tìm kiếm thông tin, rồi những lần đi công tác, ông được biết một giảng viên ở Mĩ từng dạy các binh lính phương pháp "bơi tự cứu" cực kì đơn giản, thế giới đã áp dụng nhiều. 

"Cách bơi này chỉ cần điều chỉnh cơ thể ở tư thế đứng rồi lợi dụng lực nước kết hợp động tác vẩy tay giúp người nổi lên mặt nước để thở". Vậy là ông chuyển hướng sang tuyên truyền, phổ biến "Bơi tự cứu". Thế nhưng vì giảng dạy trên web nên chắc chắn nhiều người sẽ không hình dung ra được "Bơi tự cứu" là bơi như thế nào. 

Vì có động tác giống với vẩy tay tập thể dục Dịch cân kinh nên ông đã ghép thành tên gọi "Bơi tự cứu Dịch cân kinh". Cách gọi này theo ông giúp mọi người hình dung được động tác, dễ dàng liên tưởng trong lúc nguy cấp.

Không chỉ tuyên truyền, dạy bơi, TS. Phạm Anh Tuấn còn viết sách phổ biến kiến thức học bơi cho các em nhỏ.

TS. Phạm Anh Tuấn chia sẻ, ai cũng có thể tự cứu mình trong lúc nguy nan, quan trọng là phải giữ được bình tĩnh. Dù không biết bơi nhưng khi ngã xuống nước vẫn có thể tự cứu mình bằng cách: Trước tiên cần kiểm soát hơi thở không để sặc bằng cách nhắm mắt, ngậm miệng và nín thở (hoặc dùng tay bịt mũi). Việc hoảng loạn theo cơ chế sinh học làm tim đập nhanh, cơ bắp co cứng khiến cơ thể cần nhiều oxy, buộc phải thở sẽ gây sặc nước. 

Sau đó theo nguyên tắc vật lý, lực nước sẽ đẩy cơ thể nổi trở lên. Lúc này người gặp nạn chỉ việc chủ động điều chỉnh tư thế theo phương thẳng đứng đồng thời dùng hai tay vẩy ngược xuống dưới để nổi, nhô đầu lên mặt nước há to miệng thở vào. Lặp đi lặp lại động tác như trên, vẩy tay theo hướng vào bờ hoặc đến chỗ có phao cứu sinh, có thể giúp người không biết bơi thoát nạn. 

Tuy nhiên cần lưu ý phân phối sức lực, bơi theo nhịp sinh học. Tức người khỏe thì bơi nhanh, yếu thì bơi chậm. "Tôi thấy phần lớn trẻ em đuối nước thường ngã ở bờ ao, bờ sông cách bờ chỉ 2-3m, mực nước không sâu lắm. Các em nhỏ vì hoảng loạn nên bị sặc nước dẫn đến tử vong. Nếu biết kiểm soát hơi thở, dùng bơi tự cứu thì cơ hội sống sót rất lớn", ông Tuấn chia sẻ.

Ngoài việc đặt tên gọi giàu tính liên tưởng, TS Phạm Anh Tuấn còn sáng tạo khi đưa các bài tập bơi tự cứu từ dưới nước lên cạn. Ví dụ tập thở, ông hướng dẫn chỉ cần chuẩn bị thau nước sạch. Tiếp đó há to miệng thở vào nhanh và sâu miệng rồi ngậm miệng ngụp xuống nước phát âm "ư...ư...ư...ư" để thở ra từ từ bằng mũi sẽ không bị sặc nước. 

Tương tự tập vẩy tay bằng cách đứng thẳng vươn hai tay lên trước nhẹ nhàng (nhu) rồi vẩy tay xuống. Chú ý khi vẩy tay xuống phải gồng cứng tay (cương) giúp hai cánh tay thành hai mái chèo gắn kết với cơ thể. 

Sau khi tập luyện thành thục trên cạn, mỗi người nên xuống nước thực hành: "Hoàn toàn ai cũng có thể tập bơi tự cứu mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần bể bơi mini rộng khoảng 2m2, sâu 1,5m là tập luyện thoải mái chứ không cần bể rộng như tập bơi bướm, bơi ếch", ông Tuấn phân tích.

Mong muốn lớn nhất của ông là đưa nội dung "Bơi tự cứu" vào chương trình giáo dục tiểu học. Bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học bơi, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn thiếu thốn. 

Xung quanh các em nguy cơ đuối nước luôn rình rập vì ao hồ nhiều, bố mẹ các em vì miếng cơm manh áo phải bươn chải mưu sinh, không ai trông nom để ý, nên tai nạn xảy ra là không thể tránh khỏi. Vậy  trước khi dạy các em học bơi, hãy dạy các em tự biết cứu lấy mình.

Sách của TS. Phạm Anh Tuấn thu hút các em nhỏ giống như cuốn truyện tranh.

Từ năm 2009, TS. Phạm Anh Tuấn đã gửi kiến nghị này đến Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đến tháng 6-2017 vừa qua, ông tiếp tục gửi kiến nghị lên Chính phủ. Ông cho biết sẵn sàng cống hiến toàn bộ tài liệu như sách, tài liệu hỗ trợ giáo viên soạn giáo án, bộ trắc nghiệm, bộ trò chơi hỗ trợ giảng dạy. Lần này ông nhận được phản hồi từ Văn phòng Chính phủ cho biết lãnh đạo Chính phủ đã giao các bộ nghiên cứu đề xuất của ông.

Mới đây Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) cũng đã gọi điện hẹn gặp ông để trao đổi thêm thông tin: "Cuối cùng nguyện vọng của tôi đã được Chính phủ lắng nghe, bản thân rất vui cho dù kết quả có được chấp thuận hay không", ông Tuấn hạnh phúc chia sẻ.

Không những tuyên truyền, giảng dạy trên Internet, TS. Phạm Anh Tuấn còn viết sách, xuất bản sách để làm tài liệu đọc thêm cho các em học sinh. Sách của ông làm rất đơn giản nhưng ngộ nghĩnh, phù hợp trẻ nhỏ, từ hình thức đến nội dung, cách tuyên truyền. 

Đặc biệt ông còn làm thơ, hướng dẫn cách học bơi một cách dễ thuộc, dễ nhớ nhất cho các em học sinh. Ngoài ra ông vẫn dạy các em thực hành trực tiếp tại bể bơi, bên cạnh việc dạy lý thuyết "Bơi tự cứu".

Năm 2010, với sự tài trợ của Tổ chức viện trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu, TS. Phạm Anh Tuấn đã xuất bản cuốn Sổ tay kỹ thuật bơi tự cứu cấp phát miễn phí. Đến nay ông Tuấn đã xuất bản thêm hai cuốn sách nữa về "Bơi tự cứu". Dự định sắp tới ông sẽ in bộ sách 10 cuốn về kĩ thuật bơi lội, kinh nghiệm thoát hiểm đuối nước mà bản thân trải nghiệm 11 năm qua.

Cuộc sống gia đình đủ đầy, là cán bộ ngành dầu khí còn vợ là doanh nhân, thế nhưng TS. Phạm Anh Tuấn vẫn đam mê nhiệt huyết hết mình với E-bơi. Sau nghỉ hưu vào năm 2013, ông càng có thời gian dành mọi tâm huyết vào hoạt động tuyên truyền phòng chống đuối nước. 

Với ông đơn giản là để giúp đời, để mỗi năm không còn nghe thấy những tin tức đau lòng về các em học sinh tử vong vì đuối nước. Từ đó ông muốn khơi dậy khả năng tự chủ, tự lập của mỗi cá nhân, thay đổi nhận thức xã hội. Mỗi năm có hơn 1 triệu trẻ em sinh ra, không nên đẩy trách nhiệm cho nhà trường, xã hội mà mỗi gia đình hãy chủ động dạy bơi cho con em mình dựa trên kiến thức nền đã phổ biến sẵn. 

Mai Mai
.
.
.