Cựu biệt động Sài Gòn U90 ba lần đạp xe xuyên Việt

Thứ Sáu, 17/03/2017, 14:32
Từ khi còn là cậu bé, ông đã sống ở Sài Gòn, coi nơi ấy là quê hương thứ hai của mình. Lớn lên, ông trải qua 10 năm tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn, cải trang thành người bán rong… hoạt động cách mạng. Cựu binh Chu Văn Xuất (88 tuổi, thôn Cát Động, xã Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội) thuộc từng con ngõ, từng viên sỏi của thành phố ấy. Hơn 50 năm sau ngày phục viên, nỗi nhớ Sài Gòn ngày một da diết, khiến ông đau đáu không yên.

Sắt son một lời thề

Khi mới 12 tuổi, cậu bé Chu Văn Xuất đã phải theo người thân vào Sài Gòn tìm cuộc sống mới. Ở nơi được ví như "Hòn ngọc Viễn Đông" ấy cậu chẳng ấn tượng gì ngoài hình ảnh mấy tay lính Tây bặm trợn đàn áp nhân dân mình. Chính vì lẽ đó, khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên đã tình nguyện xin gia nhập đội quân cảm tử Sài Gòn, hai năm sau đó ông tham gia Biệt động Sài Gòn.

Nhiệm vụ của ông là đóng giả những người bán hàng rong, như bán bánh mỳ, bán kem… mục đích là có thể luồn lách vào các ngõ nhỏ, con phố thu thập thông tin của quân Pháp. Có những ngày ông chỉ nhai bánh mỳ, uống nước lọc, đạp xe cả trăm cây số. Ông Xuất nhớ lại: "Thực sự lúc đó tôi rất phấn chấn, đạp xe khắp các con ngõ mà không biết mệt mỏi. Miễn sao hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, cứ mỗi lần lấy được thông tin là tôi mừng quên cả ăn".

Khoảng tháng 5 năm 1950, trong một lần đi trinh sát, người chiến sĩ biệt động Chu Văn Xuất đã bị mật báo, sau đó bị địch bắt và giam tại nhà tù Khám Lớn - Sài Gòn. Tại đây, ông Xuất bị địch đánh đập dã man, ròng rã nhiều ngày nhưng ông một mực không hé nửa lời, thà chết cũng phải giữ cho được lời thề trung thành với cách mạng.

Hành trình của ông Xuất chỉ có chiếc xe đạp và cuốn nhật ký.

Ông Xuất kể lại với giọng đầy hào sảng: "Ngày đầu tiên tôi bị bắt vào Khám nhỏ, chúng nó bắt đầu tra tấn từ 6 giờ sáng cho đến 11 giờ trưa. Sau giờ nghỉ trưa, khoảng 13 giờ chúng nó lại tiếp tục đánh cho đến 18 giờ. Lúc đó dù có đau đớn nhưng vẫn đủ tỉnh táo để giữ im lặng. Cùng hôm bị bắt với tôi cũng có mấy đồng chí, đa số các đồng chí không chịu được rồi hy sinh".

Trong suốt 4 năm tù đày, ông Xuất cùng các đồng đội bị địch chuyển đi nhiều nhà tù. Không ít lần ông và đồng đội lên kế hoạch vượt ngục nhưng đều bất thành. Và, mỗi lần thất bại thì một số anh em bị quân địch hành hạ cho đến chết.

"Có lần chúng tôi bàn nhau lên kế hoạch đào hầm để vượt ngục. Chỉ bằng vài thứ đơn giản như đũa ăn cơm, thìa, thậm chí là vài ba thanh củi nhưng chúng tôi cũng đào được đường hầm khá sâu. Gần thành công rồi thì lại bị bọn cai ngục phát hiện ra. Sau mỗi lần như vậy, tôi và các anh em lại bị chúng nó tra tấn thừa sống thiếu chết. Anh em ngày đó cũng hy sinh nhiều lắm" - ông Xuất bùi ngùi nhớ lại.

Vào năm 1954, sau 4 năm tù đày, hai bên thực hiện nội dung Hiệp định Gèneve về trao đổi tù binh, ông Chu Văn Xuất được quân Pháp trao trả cho cách mạng. Ông Xuất được phục viên về quê làm công nhân ở nhà máy gạch.

Chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, ông Xuất đã thực hiện 3 lần xuyên Việt.

Tình yêu đặc biệt với quê hương thứ hai

Để gặp được ông Xuất những ngày này không phải đơn giản, dù sắp bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn đạp xe quanh làng, rồi tạt qua đình gặp bạn bè. Ông bảo, nếu không đạp xe đi đây đi đó chắc ông đã nằm bẹp, thậm chí chẳng sống được đến ngày hôm nay.

"Tôi làm công nhân ở nhà máy gạch một thời gian, về hưu chẳng biết làm gì, nhớ thời kỳ còn hoạt động cách mạng trong Sài Gòn, tôi lại làm thùng kem đi bán dạo, mùa đông thì lại bán bánh mỳ. Cứ đi như thế lại thấy vui hơn, khỏe hơn cô chú ạ"- ông Xuất nói.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chuẩn bị sang tuổi 80 nhưng ông Xuất chưa khi nào nguôi ngoai đi những tháng ngày hoạt động cách mạng, tâm trí ông luôn cháy bỏng một nỗi nhớ thành phố phương Nam.

Lật dở những kỷ vật còn giữ lại, ông Xuất tâm sự: "Cái ngày còn hoạt động cách mạng, mỗi ngày tôi đạp xe cả trăm kilômét, tính ra hằng tháng đạp xe ngót 3.000km. Từ Hà Nội vào đến TP Hồ Chí Minh chưa đầy 2.000 km, hơn nữa hằng ngày tôi đạp xe đi bán kem, bán bánh mỳ quanh huyện có khi lên đến 40 - 50km rồi. Vậy chẳng có lý gì mà mình không thử đạp xe vào thăm lại chiến trường xưa?".

Nói là làm, vào năm 1999, khi ấy ông Xuất 70 tuổi, ông bắt đầu hành trình trở lại quê hương thứ hai của mình trên chiếc xe đạp cũ. Biết việc ông lập kế hoạch đi xuyên Bắc - Nam, vợ và các con đã kịch liệt phản đối. Mọi người cho rằng, tuổi đã cao, sức đã yếu không thể một mình vào Nam bằng xe đạp được. Nếu muốn đi gia đình sẽ mua vé tàu hoặc máy bay để ông toại nguyện.

Thế nhưng với tính cách của ông Xuất, khi đã quyết định lên đường bằng chính chiếc xe đạp cà tàng thì chẳng ai có thể cản nổi. Hành trang ông mang theo chẳng có gì ngoài vài ba bộ quần áo, cuốn sổ "Nhật ký xuyên Việt", giấy tờ tùy thân và một lá cờ tổ quốc. Chuyến xuyên Việt đầu tiên của ông Xuất tuy không được như mong muốn nhưng cũng là một trải nghiệm, một bước đệm cho những chuyến tiếp theo.

2 giờ sáng, ông lén thức dậy, nhẹ nhàng lấy xe và hành lý rồi phi một mạch ra đường mòn Hồ Chí Minh, cứ thế là thẳng tiến. Sau vài ngày đạp xe liên tục, ông Xuất đi được 600km, vào đến Huế ông mới gọi điện báo tin cho vợ con biết.

Đi đến đâu là ông xin xác nhận của địa phương nơi đó.

Theo lời kể của ông, khi ấy vợ và các con vô cùng lo lắng. Các con đi khắp nơi để tìm nhưng đều không có tin tức, thậm chí còn đăng tin tìm người nhà trên Đài truyền hình. Khi vừa vượt được đèo Hải Vân, sang đến địa phận Đà Nẵng thì gặp mưa bão dữ dội.

Ông kể: "Nhìn nước mênh mông quá, có chỗ ngập hơn 1 mét, sức tôi thì già không thể nào đi tiếp được. Khi ấy buồn lắm, đành ngậm ngùi quay xe ra ga vào Nam bằng tàu hỏa". Sau chuyến đi không "thiên thời" ấy, nỗi day dứt về một chuyến xuyên Việt trọn vẹn không hề nguôi.

Một năm sau, ông quyết định thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ 2 của mình. Vẫn với "chiến thuật" lẳng lặng bỏ đi, tránh sự bàn ra tán vào của vợ con, sáng sớm 20-4-2000 ông Xuất lại lấy chiếc xe đạp cũ lên đường. Dù sức đã giảm, nhưng chiếc xe đạp cũ cứ bon bon hướng về miền Nam mà lòng cựu chiến sĩ biệt động ấy phơi phới.

"Ngày thì đạp xe, đêm nghỉ ngơi, trung bình mỗi ngày tôi chạy được chừng 60km. Đi đến đâu là tôi xin dấu xác nhận của địa phương đến đó. Họ biết tôi đi xuyên Việt, ai cũng quý, chúc tôi thượng lộ bình an" - ông Xuất nhớ lại.

Sau hơn một tháng, ông Xuất đã được trở lại thành phố yêu thương, nơi gắn bó với ông, nơi chứng kiến đồng đội ông ngã xuống. Khi đến TP Hồ Chí Minh, bao kỷ niệm lại ùa về, hình ảnh người thân, đồng đội khiến ông bật khóc.

Khi ông trở về sau chuyến xuyên Việt lần thứ hai, mọi người cho rằng ông lão đã mãn nguyện, sẽ chấp nhận an phận tuổi già. Thế nhưng chẳng ai hiểu được ông, khát khao về những chuyến đi không hề giảm. Đôi chân ấy vẫn cứ muốn đi, vẫn cứ muốn trải nghiệm và muốn tự mình trở về thành phố yêu dấu. Ông bắt đầu lập hẳn một kế hoạch cụ thể cho chuyến đi thứ 3 của mình.

Ông quyết định đạp xe từ Hà Nội lên cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) để lấy đó làm điểm xuất phát, từ đó sẽ đi xuyên đến tận cùng Tổ quốc là Cà Mau. "Tôi muốn đi từ Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau, tôi phải đi hết quãng đường hơn 2.000km mới thỏa được tâm nguyện của mình. Có như vậy tôi mới yên tâm vui sống tuổi già được" - ông Xuất cười nói.

Năm 2002, khi ấy ông Xuất đã bước sang tuổi 73, ông vẫn quyết định thử thách mình thêm một lần nữa. Vào 2 giờ sáng, ông lão Chu Văn Xuất lặng lẽ đạp xe lên Lạng Sơn để bắt đầu hành trình của mình. Năm đó, miền Bắc đang lúc rét đậm, đặt chân lên đến Lạng Sơn toàn thân ông như bị đóng băng, nhiệt độ ngoài trời là 0 độ C, có mưa tuyết.

"Từ Lạng Sơn đi tôi được bà con người dân tộc cho sưới ấm, cho uống nước và ăn cơm nóng. Rồi khi vượt được qua đèo Hải Vân, sức tôi xuống quá, đành phải nằm ngay lề đường, dùng chiếc chăn mỏng để đắp tạm. Rất nhiều lái xe tải, xe khách thấy tôi đã dừng xe có ý cho tôi đi nhờ, lúc ấy tôi rất vui nhưng đều trả lời họ là phải tự đạp xe, ai nấy cũng ngạc nhiên và cho rằng tôi có vấn đề về thần kinh" - ông Xuất nhớ lại.

Chuyến xuyên Việt lần thứ 3 của ông Xuất kéo dài đúng 56 ngày đêm đạp xe, sau 72 lần dừng chân. Với sức vóc của ông cụ 73 tuổi, trên một quãng đường dài hàng nghìn cây số, có vô số những hiểm nguy, vất vả. Thế nhưng với ông tình yêu quê hương, yêu thành phố phương Nam là động lực để ông vượt qua tất cả.

Lật giở từng trang "Nhật ký xuyên Việt", ông Xuất xúc động kể với chúng tôi từng kỷ niệm: "Đây này, đi đến đâu họ cũng chúc tôi khỏe mạnh, còn có cả lưu bút của cố Trung tướng Hà Ngọc Tiếu, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), rồi cả lưu bút của Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến binh nữa đây…". Chia tay với chúng tôi, ông Xuất cười tự hào: "Thôi thế cũng là đã quá mãn nguyện cuộc đời rồi. Nếu còn sức, có lẽ sẽ còn lần thứ 4, thứ 5… chứ chả chơi".

Song Anh
.
.
.