Cuộc sống mới của ông chủ tiệm vàng trở về sau bản án 16 năm tù giam

Thứ Ba, 27/01/2015, 14:30
Trở về sau bản án 16 năm tù giam vì can tội vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, người đàn ông ấy đã đứng dậy từ nơi vấp ngã, làm lại cuộc đời từ ý chí, nghị lực và tình yêu thương của người vợ hiền cùng hai đứa con. Đến nay, sau 14 năm tái hòa nhập cộng đồng, anh đã tạo dựng được một cơ ngơi khang trang, là ông chủ tiệm vàng lớn nhất nhì phố huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An), tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Vết trượt số phận và 16 năm trả giá trong trại giam

Đến thị trấn Kim Sơn của huyện miền núi biên giới Quế Phong, nhắc đến anh Phan Huy Thành (SN 1960), trú tại khối 4, hiện là chủ doanh nghiệp vàng bạc Kim Thành Dung, nhiều người biết đến với sự khâm phục nghị lực vượt qua lầm lỗi, vươn lên của anh. 16 năm trước, cuộc sống khó khăn, nhiều cám dỗ nơi xứ người đã biến anh trở thành tội đồ, khi tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy từ miền Tây Nghệ An về thành phố Vinh để kiếm lời bất chính. Sau vài chuyến hàng trót lọt, anh bị bắt giam và kết án 16 năm tù. Sau những năm tháng thụ án trong trại giam, anh Thành trở về, bắt tay làm lại cuộc đời và đến nay, từ hai bàn tay trắng, anh đã trở thành điển hình trong phát triển làm ăn kinh tế trên địa bàn.

Anh Phan Huy Thành quê ở xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, do kinh tế gia đình khó khăn, anh dắt díu vợ con rời quê hương bản quán lên vùng rừng núi Quế Phong làm kinh tế mới. Tuy nhiên, cuộc sống nơi vùng đất mới không như trông đợi, gia đình tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Mỗi ngày, thấy vợ con nheo nhóc, khổ sở vì miếng cơm manh áo, anh Thành dằn vặt bản thân rất nhiều. Thời điểm này, Quế Phong đã là thánh địa ma túy dọc biên giới của miền Tây xứ Nghệ, các ông trùm từ nơi khác đến câu kết với các đối tượng bản địa và người Lào, tập kết hàng để vận chuyển về xuôi. Hoạt động buôn bán ma túy diễn ra công khai đã trở thành thứ cám dỗ khó cưỡng đối với nhiều người, trong đó có anh Phan Huy Thành.

Giấu biệt vợ con, Thành đã tham gia vận chuyển ma túy cho các đầu nậu để lấy tiền công. Sau chuyến hàng đầu tiên trót lọt, không mất nhiều công sức, lại có tiền trang trải cuộc sống, Thành đã bập vào ma túy, trở thành người vận chuyển đắc lực cho một số chủ hàng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi sa vào ma túy, Phan Huy Thành đã bị bắt giữ. Anh vẫn còn nhớ nguyên cảm giác ngày hôm ấy, là dịp áp Tết Nguyên đán, Thành định bụng làm chuyến hàng cuối để cả nhà ăn tết trong no đủ, nhưng chuyến hàng định mệnh vào tháng 2/1993 đã đánh đổi đi của bản thân anh 16 năm đằng đẵng cải tạo trong Trại giam số 3 Bộ Công an.

“Ngày bị bắt và kết án tù, tôi cứ nghĩ rằng cuộc đời mình đã kết thúc khi mặc cảm với tội lỗi, xấu hổ với người thân đã khiến tôi không còn muốn sống nữa. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, động viên kịp thời của Ban giám thị và cán bộ quản giáo, tôi đã dần lấy lại được niềm tin. Trong thời gian ở tù, vợ con cũng thường xuyên động viên, thăm nuôi nên tôi đã gắng tu tâm cải tạo tốt, mong ngày về với xã hội được ngắn lại”, anh Thành tâm sự.

Vợ chồng anh Thành, chị Dung hôm nay.

Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, sau 7 năm thụ án, anh được giảm án đến 9 năm và ra tù trước thời hạn vào ngày 2/9/2010. Ngày bước chân ra khỏi trại giam, trong vòng tay yêu thương của vợ con, anh Phan Huy Thành đã bật khóc, lúc này, bản thân anh mới cảm nhận hết được giá trị của sự tự do nên quyết tâm không giẫm lên vết xe đổ của quá khứ bằng cách bắt tay vào làm ăn kinh tế, phục thiện để làm lại cuộc đời. 

Phục thiện, trở thành ông chủ tiệm vàng

Anh Thành chia sẻ, ngày về, thấy quê hương đổi khác, nhà cao tầng mọc lên như nêm, nhà nhà chạy xế hộp, chi tiêu không tiếc tay, trong khi nhìn lại gia cảnh mình quá khó khăn, nhà cửa chật hẹp, dột nát. Nhà có cửa hàng tạp hóa thì vốn liếng, hàng hóa lèo tèo, trong khi các con đang tuổi học hành nên bản thân nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình với gia đình.

“Bao đêm trăn trở không biết làm thế nào để kinh tế gia đình khá giả hơn. Nhìn những người đồng cảnh ngộ, đi cải tạo về một thời gian lại vướng vào lao lý khiến tôi vô cùng ngán ngẩm. Tuy vậy, lúc khó khăn nhất thì bản lĩnh con người trong tôi lại trỗi dậy. Ngẫm tuổi mình đã lớn, con cái lại đang học hành nên muốn làm lại chỉ còn cách phát triển kinh tế bằng chính sức lao động tại nơi bản thân tôi đã từng vấp ngã. Được sự động viên, an ủi của gia đình, bạn bè và được sự giúp đỡ của các đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban Công an thị trấn và Hội Cựu chiến binh, tôi đã vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế”, anh Thành cho biết.

Cùng với đó, anh vay mượn thêm bạn bè, do chịu khó học hỏi kinh nghiệm, năng nhặt chặt bị nên vài năm sau, anh đã tích cóp được số vốn nho nhỏ, đầu tư một hiệu vàng nhỏ trên địa bàn. Hoạt động có hiệu quả nên chẳng mấy chốc, anh đã mở rộng dần quy mô kinh doanh, mạnh dạn giới thiệu các mẫu mã mới đến khách hàng nên dần dà, tiệm vàng đã có uy tín, được nhiều người biết đến.

Đến nay, sau nhiều năm tích cóp và vun vén, gia đình anh đã lập nên thương hiệu doanh nghiệp vàng bạc tư nhân Kim Thành Dung trên địa bàn thị trấn Kim Sơn, với số vốn khoảng 20 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho 6 – 7 lao động hằng năm, mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục triệu đồng tiền thuế. Đặc biệt, doanh nghiệp vàng bạc Kim Thành Dung luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương trong các chương trình ủng hộ, quyên góp, từ thiện xã hội trên địa bàn.

Anh Phan Huy Thành tâm sự, có được ngày hôm nay, bản thân anh biết ơn người vợ hiền của mình rất nhiều. Trong những năm tháng anh cải tạo trong trại giam, chị Lê Thị Dung, vợ anh một mình tần tảo làm ăn, vừa nuôi con ăn học trưởng thành, vừa cần mẫn thăm nuôi, động viên chồng hằng tháng. Quãng đường từ nhà riêng đến Trại giam số 3 nơi anh thụ án ngày đó cách nhau gần 150km nhưng chị vẫn không nề hà.

Ngày anh ra trại, chính vợ là chỗ dựa để anh vững tâm tránh xa mọi cám dỗ và dụ dỗ, thậm chí lôi kéo, đe dọa quay lại con đường cũ của kẻ xấu. Đến nay, hai đứa con trai của anh chị đã khôn lớn, cậu con trai cả Phan Huy Cường sau khi học xong đã ở nhà phụ giúp bố mẹ trông coi kiêm thợ kim hoàn tại tiệm vàng. Trong khi đó, người em Phan Huy Tráng hiện đang làm việc tại Tập đoàn Viettel. Nói về những kết quả mình đạt được, anh Phan Huy Thành khiêm tốn cho rằng, đấy mới chỉ là kết quả bước đầu, dù có tạm bằng lòng với cuộc sống hiện tại, song anh vẫn sẽ tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để đạt hiểu quả cao trong kinh doanh.

Đại tá Hồ Hữu Ngọc, Trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết, anh Phan Huy Thành từ sau khi thụ án trở về địa phương là một tấm gương sáng điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư và làm ăn phát triển kinh tế.

Bằng chứng là tháng 9/2014, anh là một trong những điển hình tiên tiến được Công an tỉnh Nghệ An tuyên dương sau tái hòa nhập cộng đồng. Công an Quế Phong cũng đã nêu gương anh Thành để nhiều trường hợp khác trở về sau lầm lỗi noi gương sáng, để họ học tập, không quay lại con đường cũ.

Bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong ghi nhận, trong nhiều năm trở lại đây, doanh nghiệp vàng bạc tư nhân Kim Thành Dung đã có nhiều việc làm, hành động thiết thực ủng hộ các chương trình từ thiện, giúp dân xóa đói giảm nghèo do chính quyền địa phương tổ chức. Gia đình của anh Phan Huy Thành và chị Lê Thị Dung cũng đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu.

Đậu Lương
.
.
.