Cuộc đời sôi động và bền bỉ của “phù thủy” tranh cát

Chủ Nhật, 23/12/2012, 15:23

Từ những hạt cát vô tri với đủ loại màu sắc từ các sông, suối, bãi bồi do chính tay mình đi nhặt về, “phù thủy” Trần Thị Thu (73 tuổi, ở đường Nhà Thờ, Vĩnh Hải, Nha Trang, Khánh Hòa) đã biến thành những bức tranh cát ấn tượng, độc đáo nhất xứ Trầm Hương này. Suốt cuộc đời bà dành trọn đam mê cho tranh cát. Có những bức tranh đẹp được người Tây trả giá hàng ngàn USD nhưng bà không bán mà tặng cho bảo tàng Việt Nam. Số tiền bán tranh bà còn tặng rất nhiều cho trẻ mồ côi.

Ngọn lửa đam mê

Dù bữa ấy trời mưa như trút nước nhưng biết bà chuẩn bị hoàn thành xong bức tranh cát độc đáo về Bác Hồ để gửi tặng bảo tàng nên tôi vẫn quyết định đến thăm. 73 tuổi, mái tóc chớm bạc, xõa dài, bà ngồi tỷ mẫn gắp từng hạt cát để làm tranh như không hề biết có khách đến thăm. Lặng lẽ, ít khoa chương đó là bản tính cố hữu của bà.

Bắt đầu từ sự tình cờ hơn 20 năm trước, cô họa sỹ Trần Thị Thu làm bức tranh cát tặng cho một trường học, ngay sau khi tranh làm xong các thầy cô trong trường đều rất khen ngợi. Như một động lực tinh thần, ngoài những giờ mệt mỏi với việc vẽ pano thuê, cô lao vào làm tranh cát, mua và đọc nghiên cứu nhiều tài liệu về hội họa, dần dần sở thích chuyển thành đam mê không dứt ra được.

Hồi đó, tài liệu viết về tranh cát còn rất hiếm nên có khi phải tìm cả tuần khắp các thư viện ở Khánh Hòa mới kiếm ra được một cuốn sách viết về tranh cát. Những ngày sau đó, cứ thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, cô rong ruổi đi khắp nơi để tìm các loại cát về làm tranh. “Cát có đủ loại màu, phải là màu tự nhiên tranh mới có hồn. Có khi đi hàng ngàn kilomet mới kiếm được một vốc cát ưng ý thôi. Cát màu này thường chỉ có ở các suối vùng rừng núi, tìm rất khó, phải đam mê đến tận cùng thì mới theo đuổi được môn nghệ thuật này” - Bà Thu tâm sự.

Ở thành phố Nha Trang không thiếu tụ điểm bán tranh cát, nhưng không ít người đã dính quả lừa vì cát được nhuộm màu chứ không phải màu tự nhiên. Nếu cát nhuộm, một thời gian rã màu, loang lỗ rất khó coi. Bà Thu bộc bạch rằng: “nếu làm tranh bằng cát nhuộm thì tiền lời từ bán tranh sẽ rất cao, nhưng làm thế là vô lương tâm.

Nhớ mãi, năm 2009, có khách đặt 2 bức tranh với yêu cầu phải làm bằng cát xanh và tím. Nghe tin trên những con suối phía rừng già Bình Phước có loại cát này, dù trong túi chỉ còn 400.000 đồng vừa đủ đi xe nhưng tôi vẫn lập tức khăn gói đến đó ngay chứ nhất quyết không dùng cát nhuộm màu”.

Nhiều người quen bà Thu lâu năm vẫn thường nói vui, bà mê tranh cát hơn cả mê sự giàu sang vì có người từng mời bà về làm quản lý công ty quảng cáo, lương tháng vài chục triệu nhưng bà vẫn chối từ.

Bà Thu đang miệt mài làm tranh cát.

Theo bà Thu, muốn làm tranh tranh cát đòi hỏi kiên trì, tỉ mỉ, có năng khiếu về hội họa. Để có được một bức tranh phải trải qua nhiều công đoạn. Sau khi đã tìm được các loại cát màu ưng ý, đầu tiên rửa sạch cát, sấy khô, sau đó phải phác thảo tranh lên giấy. Tranh được phác thảo phải phù hợp với các loại cát đang có. Sau đó gắp từng nhúm cát nhỏ bỏ vào khung tranh.

Một bức tranh ra đời trung bình mất khoảng một tuần, nhưng theo bà Thu phải khi “có hứng”làm tranh mới độc đáo. Tranh bà Thu làm có nhiều thể loại: Các lãnh tụ, các nhà khoa học, khung cảnh thiên nhiên, lễ hội văn hóa dân gian...

Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong các chuyến rong ruổi đi tìm cát màu đó là những ngày lăn lộn trên các con suối ở Tây Ninh. Nhớ như in chuyến đi đó, bà Thu kể: “Thấy tôi cứ tha thẩn đi dọc các con suối giữa trưa nắng chang chang nhiều người tưởng bị khùng. Có một ông cụ còn đến bảo gần nhà ông có người chữa bệnh thần kinh miễn phí, nếu cần ông sẽ giới thiệu cho. Lại có người tưởng đi tìm vàng nên cứ hùa nhau đi theo, chỉ khi thấy tôi lượm từng nhúm cát bỏ vào bị thì họ mới phì cười, lắc đầu và bỏ đi”.

Người phụ nữ có “bàn tay vàng”

Với những đam mê không mệt mỏi, bà Trần Thị Thu đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu “Bàn tay vàng của nghệ thuật tranh cát” nhiều năm liền. Kèm theo danh hiệu là lời nhận xét của Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nam, thành viên Ban tổ chức cuộc bình chọn: “Nghệ nhân làm ra sản phẩm này như đã lồng được hồn cốt cuộc sống vào tranh của mình. Người xem tranh như cảm nhận đầy đủ được hơi thở cuộc sống thực thổi vào tranh chứ không còn là những vật vô tri nữa. Để làm được điều này, người nghệ nhân đã phải bỏ ra không ít tâm sức”.

Thành tích là thế, nhưng quen bà lâu tôi biết, khát vọng lớn nhất của bà là chứng minh cho mọi người hiểu và công nhận đây là một môn nghệ thuật không thua kém gì hội họa. Về điều này, bà cho biết: “làm tranh cát nhọc nhằn cũng chẳng kém gì hội họa. Từ ngày dấn thân vào đam mê môn này, tôi bỏ hẳn nghề vẽ tranh pano. Cuộc sống thêm vất vả đấy nhưng có những giá trị không thể đong đếm bằng tiền. Nhiều người mới chỉ xem tranh cát là một thứ giải trí vui, điều đó là quá phiến diện. Tôi nghĩ nếu tương lai gần đưa môn tranh cát và giảng dạy trong các trường văn hóa-nghệ thuật thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có rất nhiều nghệ nhân tranh cát”.

Một người phụ nữ, khi dành đam mê trọn vẹn cho một môn nghệ thuật nào đó mà còn giữ êm ấm, chu toàn được gia đình là cả một nghệ thuật, bà Thu cũng không ngoại lệ. Nở nụ cười hiền hòa, đầy phúc hậu bà thủ thỉ rằng: “Hạnh phúc gia đình là quan trọng lắm, tôi biết rõ điều đó. Nhưng có những đêm đang ngủ, ý tưởng về một bức tranh mới xuất hiện tôi lại thức dậy ngồi vẽ thâu đêm, và ngẫm nghĩ xem sẽ đi đâu tìm loại cát thích hợp.

Không ít lần, chồng tôi đã khó chịu về điều này, nhưng dần dần cũng cảm thông. Có lần thấy rôi cứ khoác ba lô rong ruổi đi khắp nơi tìm cát ông ấy cũng buồn nhiều lắm. Nhưng đổi lại, tôi đã dùng tất cả sự dịu dàng, sự quan tâm tận tụy những lúc ở gần để thuyết phục ông ấy, thế mới giữ được gia đình hạnh phúc mà vẫn làm được tranh. Bây giờ trung bình tiền bán tranh mỗi tháng cũng được 6 triệu đồng, tạm đủ trang trải cuộc sống thôi”.

Khi đã có cuộc sống tạm đủ, một động lực khác tiếp thêm cho bà Thu sức mạnh để làm tranh cát là những đứa trẻ mồ côi. Có không ít đêm, tuổi đã cao nhưng bà vẫn thức trắng để làm tranh bán lấy tiền ủng hộ những đứa trẻ không may mắn. “Giúp được những đứa trẻ không may mắn cũng hạnh phúc giống như mình sáng tạo ra được một bức tranh đẹp vậy. Tiền bạc tiêu nhiều rồi cũng hết, chắt bóp lại cho các cháu chút ít, biết đâu đó lại là nguồn động lực cho các cháu vươn lên”- Bà Thu nói.

Ngồi kế bên tôi, ông Nguyễn Tuấn Hoàng, cán bộ khu phố nơi bà Thu sống giãi bầy thêm: “ai cũng như bà Thu thì cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa lắm. Từ sự khởi xướng của bà Thu, chúng tôi vẫn thường xuyên đi vận động ủng hộ thêm cho các cháu mồ côi thế nên cuộc sống của các cháu ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi cũng đỡ thiếu thốn, vất vả hơn”.

Trăn trở và khát vọng truyền nghề

Căn phòng làm việc của bà Thu rộng chưa đầy 20m2, bày kín tranh cát. Sở dĩ tranh có sức lay động lòng người xem cũng bởi nó được làm nên từ những vật tưởng chừng chỉ bỏ đi. Hơn nữa, dụng cụ để làm tranh cũng đơn giản, chỉ cần khung tranh, các loại cát và một chiếc muỗng nhỏ để xúc cát.

Tranh của bà Thu cầm dốc ngược, quay nghiêng cũng không hề bị xáo trộn, đặc biệt, 2 mặt của bức tranh là 2 phong cảnh khác nhau. Nhiều người rất tâm đắc với bức tranh Bác Hồ, mặt trược tranh là chân dung Bác, mặt sau là chiếc nhà sàn của Bác, rất ấn tượng và độc đáo.

Nhiều bức tranh về văn hóa dân gian do bà Thu làm được khách nước ngoài đặt với giá rất cao. Có lần một du khách người Pháp tên Piter Jon mua 3 bức tranh của bà mang về, nhiều người bên Pháp làn bạn thân của Jon thích thú nên đầu năm 2012 quay lại Nha Trang du lịch, Jon đã mua luôn 30 bức tranh mang về Pháp.   

Đang cuộc trò chuyện bỗng tôi thấy ánh mắt của bà như xa xăm. Chỉ tay vào bức tranh leo dừa, tranh hát quan họ, bà nói: “đối với tôi, làm tranh văn hóa dân gian còn là khát vọng cho người xem thấy nền văn hóa Việt đa dạng, sống động. Nhưng giờ giới trẻ lạnh nhạt với những bức tranh truyền thống này lắm. Họ bảo làm tranh quan họ để mà bán cho người cổ hủ à.

Có nhiều cậu thanh niên đến đặt tôi làm tranh khỏa thân, tranh vui chơi trụy lạc nhưng tôi nhất quyết không làm, dù có trả tiền cao. Là nghệ nhân, thấy cảnh này, buồn lắm. Nhiều người đến đây học, tôi sẵn sàng dạy miễn phí nhưng lòng kiên trì của họ ít quá nên toàn bỏ dở chứ không theo đến nơi nên mới hiếm người làm tranh cát đấy”.

Ở vào cái tuổi “cổ lai hy”, chân đã yếu, mắt đã mờ, trong nhà bà Thu có 60 loại cát màu khác nhau, khối lượng có thể dùng làm tranh trong 5 năm nữa mới hết. Nhưng trăn trở lớn nhất của bà Thu là người nối nghiệp. Mấy đứa con, chẳng ai theo nghiệp bà nhưng may mắn thay, đứa cháu nội tên Thùy Linh mới lên 10 đã có thể ngồi cả ngày trời để làm tranh cát cùng bà nhưng bà Thu vẫn băn khoăn không biết cháu mình giữ được đam mê này trong bao lâu.

Thùy Linh tâm sự:“cháu cũng không biết tại sao nhưng những trò chơi như điện tử, chơi ở công viên… cháu đều không thích mà chỉ thích làm tranh cát với bà nội. Bây giờ tự cháu có thể làm được một bức tranh rồi đấy. Những ngày cuối tuần, được nghỉ học cháu còn đến nhờ bà nội dạy học vẽ nữa đấy”.

Bao nhiêu năm trong nghề, giờ đây bà Thu làm tranh cát mà không cần theo mẫu vẽ nữa, khách nói ra đại ý là bà làm được ngay. Có 51 loại tranh đang hiện hữu trong phòng làm việc của bà

Hào Đạo
.
.
.