Cô gái tật nguyền viết tự truyện xúc động

Chủ Nhật, 12/08/2012, 16:07
Một cô gái mới chỉ học đến lớp 9, 10 năm nằm liệt bên giường bệnh, với 4 lần phẫu thuật chống chọi với căn bệnh u máu tủy sống. Thân thể gần như khô lại. Một con người mà sự sống tưởng như không chạm tới nữa. Thế nhưng cô đã viết một cuốn tự truyện về cuộc đời mình. Cổ tích tình yêu, những trang viết đẫm nước mắt về một cuộc đời, nhưng ẩn sâu trong đó là vẻ đẹp lấp lánh của tình yêu, khát vọng sống của một cô gái tật nguyền.

Còn được sống một ngày, em vẫn sẽ sống vui

Phương ngồi mỏng manh trên chiếc giường nhỏ. Cơ thể cô, từ ngực trở xuống không còn cảm giác.  Mảnh và gầy như một tàu lá chuối vắt trên giường. Duy chỉ có nụ cười, vẫn rạng rỡ trên gương măt. Nụ cười cứu rỗi mọi nỗi buồn của nhân thế.

Phương nói: "Ngày hôm nay em còn đây, nhưng không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng còn được sống một ngày trên cõi đời, em cũng sẽ sống vui, sống lạc quan chị a. Dù vợ chồng em không có gì, tiền bạc không, nhà cửa không, trôi nổi, bấp bênh, gia tài duy nhất của vợ chồng em là Bảo Phúc".

Căn phòng nhỏ, chỉ có chiếc giường và mấy bộ bàn ghế của Trung tâm Y dược Bảo Long cưu mang vợ chồng Phương. Nhưng quanh Phương không có bóng đêm của nỗi buồn hay sự bi quan. Mà chỉ có tiếng cười. Của Chín, người đàn ông  chung thủy và hiếm có ở Việt Nam và tiếng cười lảnh lót của bé Bảo Phúc - phần kết có hậu của một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Hạnh phúc được làm vợ

Và cứ nằm như thế, Phương đã viết tự truyện kể về cuộc đời mình. Cô viết để đối thoại với chính mình, để biết mình còn được sống trên cõi đời.

Tôi đã đọc nhiều bài báo kể về cuộc đời vất vả, long đong của Phương, nhưng khi đọc những trang nhật ký của cô, tôi vẫn không hình dung nỗi, vì sao cuộc đời của con người lại phải gánh chịu nhiều nỗi đau đến thế. Điều gì đã làm nên tình yêu kỳ diệu của họ? Điều gì đã làm nên sự sống của một cô gái như Phương?

Những trang viết của sự sống

Một cô gái đã qua 4 lần phẫu thuật vì căn bệnh u máu tủy sống, một bệnh hiếm gặp ở Việt Nam. Một cô gái giờ chỉ còn một đốt sống, sống chung với một cái nẹp đốt sống bằng inox. Ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, 20 tuổi, cô gái ấy thấp thỏm nằm trên giường bệnh chờ cái chết.

Phương sinh ra trong một gia đình nghèo ở Tân Kỳ, Nghệ An. Lên lớp 9, cô bị u máu tủy sống. Bố mẹ Phương bán hết cả ruộng vườn để lo chạy chữa cho Phương. Lần đó, Phương tưởng mình đã được sống.

Phương bỏ học, vào Sài Gòn làm thuê. Cuộc sống bươn bã của những cô gái nghèo thôn quê chốn đô thị vốn đã khó khăn. Nhưng Phương đã vượt qua và tìm được một công việc làm thuê ở xí nghiệp dày da. Cuộc đời tưởng như bình yên trôi và những giấc mơ tuổi trẻ đầy ắp trong tâm hồn Phương, khi cô gặp và yêu Trương Văn Chín.

Nhưng niềm hạnh phúc quá ngắn ngủi, quá bé nhỏ so với nỗi đau mà Phương phải gánh chịu. Căn bệnh u máu tủy sống tái phát. Một con người bình thường, nỗi đau vì bệnh tật đã khủng khiếp, nhưng với một con người khát khao sống mãnh liệt như Phương, thì nỗi đau càng xót xa. ''Chẳng lẽ cuộc đời tôi sẽ dừng lại ở đây sao. Tôi còn quá trẻ, mới chỉ 22 tuổi thôi mà… Cha mẹ ơi, ở quê nhà, cha mẹ có cảm nhận được nỗi đau của con không. Con đang khóc đây cha mẹ à. Căn bệnh quái ác của con cách đây 5 năm mà cha mẹ đã hết sức vất vả khổ cực đưa con đi hết viện lớn, viện nhỏ… Vậy mà giờ đây, nó đã tái phát…".

Đấy là những trang nhật ký Phương viết từ tháng 1 năm 2001. Phương không muốn phiền lụy đến bố mẹ, cô đã cố gắng tự kiếm tiền xoay xỏa vào bệnh viện và tự cứu mình. Sáu tháng trời lê lết hết bệnh viện lớn nhỏ, Phương nhận được những cái lắc đầu bó tay. Cho đến lúc, cơ thể Phương tê liệt. Sự sống chỉ còn trong gang tấc. Tuyệt vọng. Phương tưởng như đã buông xuôi.

Nhưng có lẽ, khát vọng sống mãnh liệt của Phương đã mang đến những sự kết nối kỳ diệu. Đó là cuộc gặp với giáo sư người Pháp Runo, người đã tiến hành phẫu thuật cho Phương. Lần đó, cơ thể Phương đã dần dần hồi phục. Nhưng sự sống chỉ kéo dài được 15 tháng. 

"Những gì không trông mong, chờ đợi lại liên tiếp xảy ra trong cuộc đời tôi, tại sao bệnh tật cứ bám theo tôi, không chịu buông tha tôi ông trời ơi. Tại sao ông lại thích đùa giỡn với tôi như vậy…. Thà cứ giết tôi một lần có phải đỡ đau không. Tại sao cứ nhen nhóm trong tôi bao hy vọng để rồi giờ đây những niềm hy vọng đó đã bị sụp đổ như một lâu đài trên cát".

Trong đau đớn tuyệt vọng, Phương đã lê lết đi làm thêm để kiếm tiền chữa bệnh. Trong lá thư gửi cho nhà thơ Đặng Vương Hưng, người đỡ đầu cho cuốn tự truyện của cô, Phương đã viết, những dòng cay đắng: "Cháu phải lê lết từng bước chân đi làm, hết tháng này đến tháng khác. Thậm chí khi đi làm, cháu phải nhờ bạn bè dìu từng bước. Trưa nào, cháu cũng phải ngồi lại ở trong xưởng, chờ bạn bè đi ăn cơm, rồi mang phần về vì đau quá, không thể tự đi ăn được… Nhưng cuối cùng, cháu cũng chỉ đi làm được hơn 3 tháng thôi, là phải nghỉ hẳn, vì lúc đó hai chân đã bị liệt. Cháu vẫn đợi hơn 4 tháng, cho đến khi bị liệt hoàn toàn, mới viết thư về báo cho bố mẹ".

Ngày 3 tháng 4 năm 2003, cái ngày định mệnh của cuộc đời, Phương đã viết: "Hơn 180 ngày đêm, tôi mong chờ để được găp giáo sư Runo. Nhưng giờ đây, bao hy vọng, bao nhiêu cố gắng đã tan thành mây khói … Ông trời ơi, thà rằng, ông không cho tôi được sống nên người thì hãy cho tôi một bản án tử hình, để tôi được thanh thản ra đi, cho tôi đỡ đau khổ.

Khi tôi thực sự trở thành phế nhân, cây tầm gửi, một loài cây không mấy ai ưa thích sống mà phải bám vào những chùm rễ khác, thì làm sao tôi sống nổi hả trời. Sống không hy vọng. Không tương lai. Không mục đích. Sống cũng chỉ để mà sống, mà làm khổ cha khổ mẹ thì sống còn khổ hơn là chết.

Tôi đã cố gắng hết sức mình chống chọi với bệnh tật và mong rằng sẽ có ngày, tôi chiến thắng bệnh tật. Nhưng tôi không thể chiến thắng được số phận nghiệt ngã của mình."

Và điều kỳ diệu của tạo hóa

Nhưng trong những đớn đau tuyệt vọng, cô gái này đã đứng lên. Bởi tình yêu của người thân, bởi bản năng sinh tồn của một cô gái giàu khát vọng. Và bởi, bên cạnh cô luôn có một tình yêu.

Với tình yêu của Chín, đã giúp Phương vượt qua những gió bão của cuộc đời.

"Có lẽ những ngôi sao trên bầu trời như cùng đồng tình với anh nên nhảy nhót lung linh huyền ảo bên ngoài cửa sổ. Tôi như bị thôi miên bởi đôi môi mềm mại của anh cứ di chuyển nhẹ nhàng, e ấp lên đôi môi khô ráp của tôi, anh đã trao cho tôi những nụ hôn thật ngọt ngào. Tiếng gió xào xạc thổi vào những chiếc lá bàng trước cửa phòng tôi, đã kéo tôi trở về thực tại. Tôi đã đẩy anh ra, trong sự ngỡ ngàng của chính anh, tôi lại ngồi ôm mặt khóc.

Em xin lỗi, anh ơi, em không thể, … không thể làm người yêu của anh được. Anh đừng yêu em nữa, yêu em anh không bao giờ có hạnh phúc đâu.

Những trang nhật ký của Phương.

Những trang viết về tình yêu cảm động và xót xa. Và cùng tình yêu đó, Phương đã viết nên một câu chuyện cổ tích của cuộc đời mình.

Năm 2006, Phương và Chín được tập đoàn Bảo Long cưu mang. Giấc mơ được một lần mang áo cưới của Phương trở thành sư thật trong sự ngỡ ngàng của chính cô. Và có lẽ tấm lòng của Phương-Chín, nghị lực sống của họ đã cảm thấu đến đất trời. Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Một cô gái bị liệt hơn 9 năm trời, cơ thể không còn cảm giác ấy, đã mang bầu. Một sự sống đã được hoài thai trong cơ thể Phương.

Và được làm mẹ.

Bảo Phúc giờ đã được 3 tuổi. Phương không chỉ hạnh phúc vì được làm vợ ma thiêng liêng hơn cô, được làm mẹ. Đó là những ngày tháng của lo âu, của hồi hộp và của hạnh phúc. Nhiều người bảo đó là chuyện lạ của Việt Nam. Thậm chí nhiều người khuyên Phương nên bỏ thai để bảo toàn tính mạng cho mẹ. Nhưng bào thai cứ lên lên khỏe mạnh trong cơ thể gầy héo của Phương mặc dù cô không có cảm giác gì. Như giữa một gốc cây khô héo, một mầm xanh đang được nhú lên, mạnh mẽ và đầy sức sống.

8 tháng 12 ngày, Bảo Phúc chào đời trong sự ngỡ ngàng của chính các bác sĩ. Phương chuyển dạ nhưng không cảm nhận được từng cơn đau. Nhưng cô đã dũng cảm vượt qua để sinh Bảo Phúc, một sự kỳ lạ của tạo hóa mà chỉ có thể lý giải được bằng tâm linh, rằng ông trời đã động lòng thương cảm trước tình yêu và nghị lực sống của vợ chồng Phương mà thôi.

Hàng ngày, cứ mỗi khi chiều về, người ta vẫn thấy một cậu bé lon ton đẩy xe cho mẹ đi dạo trên con đường nhỏ ở Trung tâm Bảo Long y võ ở Sóc Sơn. Nụ cười của hai mẹ con tan trong ánh hoàng hôn chiều sẫm đỏ. Một ngày khép lại. Và một ngày mới lại bắt đầu.

Trong cuộc đời làm báo và viết sách của mình, tôi đã tiếp xúc nhiều với những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh éo le, nhưng thật hiếm có câu chuyện tình yêu nào làm người ta khâm phục và xúc động  như của hai bạn Trương Văn Chín và Nguyễn Thị Phương.

Nếu có một giải thưởng như "Chàng trai yêu bằng trái tim vàng", hay "Người đàn ông chung thủy nhất thế gian… do phụ nữ bình chọn, thì tôi tin rằng, người ta sẽ trao cho Trương Văn Chín.

Nếu muốn tìm một cô gái khuyết tật, đang mang trong mình trọng bệnh nan y, mà vẫn sống hạnh phúc, tự tin và khát vọng làm được những việc có ích cho đời… thì người đó là Nguyễn Thị Phương.  Nhà thơ Đặng Vương Hưng

Khánh Linh
.
.
.