Đăk Nông:

Chuyện về đôi vợ chồng già và hơn 1.000 ngôi mộ hài nhi

Thứ Sáu, 21/11/2014, 17:00

Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng ông bà hàng ngày vẫn đi xin các thai nhi bị bỏ từ các bệnh viện mang về mai táng. Biết được tấm lòng của ông bà, người dân địa phương đã hiến gần một ha đất để ông bà thành lập nghĩa địa thai nhi. Sau gần sáu năm hoạt động, họ đã đưa hơn 1.000 cháu về đây chôn cất. Và cũng từ đây, nhiều đôi trai gái tưởng chừng đổ vỡ đã tái hợp…

Hơn 1.000 ngôi mộ và những nỗi đau

Giữa cái nắng chói chang của trời Tây Nguyên, từ trụ sở UBND xã Đức Minh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), len lỏi qua nhiều con đường ngoằn ngoèo, bụi đất, chúng tôi cũng đến được nơi cần tìm. Trước mắt là cả một khu nghĩa trang thai nhi rộng chừng hơn 1ha nằm yên ắng trên một quả đồi được bao bọc bởi những hàng cây xanh mát.

Ông Hà Văn Bài 77 tuổi dẫn tôi vào căn nhà cấp bốn chỉ rộng chừng 20m2 được xây khá khang trang trong khuôn viên nghĩa trang, ngoài chiếc bàn thờ đặt trang nghiêm giữa nhà, nơi đây còn là không gian dành cho việc tẩn liệm thai nhi. Cạnh góc nhà là những chiếc tiểu sành làm bằng kính được ông Bài cắt tỉa, lắp ghép một cách cẩn thận. Ông nói cách đây hơn 5 năm, khi nghĩa địa thai nhi chưa hình thành, vợ chồng ông bà phải mang các cháu về nhà ở dưới thị trấn để tẩm liệm rồi mang ra nghĩa địa người lớn để chôn nhờ. Biết việc làm của ông bà, người dân nơi đây đã hiến hơn 1ha đất để làm nơi chôn cất cho các cháu.

Bà Hoàng Thị Lan (72 tuổi) vợ ông Bài kể lại: Vào đầu năm 2006, trong một lần đi khám bệnh tại TP. Hồ Chí Minh, bà chứng kiến các em học sinh, sinh viên đến bệnh viện xin bỏ thai rất nhiều. Lân la dò hỏi, một số em thú nhận với bà là do quan hệ "qua đường, trẻ người non dạ" nên dính thai. Khi đó, trong đầu bà chợt lóe lên việc cứu lấy sự sống, cứu lấy những thai nhi này. Nghĩ là làm, bà về bàn với gia đình và được chồng con hưởng ứng. Cả 8 người con và hai vợ chồng cùng bắt tay vào làm. Từ đây, việc làm của gia đình ông bà được một số giáo dân trong xã biết đến và đến nay, đã có khoảng 25 người thiện nguyện giúp đỡ công việc cùng chôn cất những xác chết rất đặc biệt này. 

Sau gần 6 năm, ông bà đã đưa về đây hơn 1.000 hài nhi để chôn cất.

Những câu chuyện dài về những thai nhi bất hạnh, bị bỏ rơi là những nỗi buồn luôn ám ảnh khôn nguôi canh cánh trong lòng của ông bà, mà câu chuyện ông Bài kể cho tôi nghe là nỗi đau như thế. Ông nhớ lại: Vào một ngày giữa năm 2009 trời mưa tầm tã, ông nhận được một cuộc điện thoại báo có một thai nhi bị vứt vào hố rác tại bệnh viện từ đêm qua. Nghe tin, ông tức tốc đến bệnh viện, bới tìm suốt một buổi trong vũng nước ngập và rác hôi thối nhưng không thấy. Đi về được nửa đường, ông quyết định quay trở lại. Thêm 2 giờ vật lộn với rác và nước, cuối cùng ông cũng tìm được thai nhi trong trạng thái bầm tím.

Dẫn tôi ra thăm nghĩa trang, bà Lan chỉ vào ngôi mộ vừa mới được chôn cất xong cho biết: Đây là thai nhi thứ 1.082 được chôn cất tại đây. Bên trên những ngôi mộ ngay ngắn, bé nhỏ được cắm một bông hoa xinh xắn.

Nơi hàn gắn những mối tình đổ vỡ

Những ai đã đến nghĩa trang của ông bà khi ra về hẳn đều mang trong mình nhiều cảm xúc. Số phận những đứa trẻ không có cơ hội làm người ấy giờ đây được trái tim nhân hậu của ông bà và nhiều người nhân đức bao bọc, chở che. Và cũng chính giữa nghĩa trang thai nhi này đã hàn gắn lại nhiều tình cảm tưởng chừng đổ vỡ, những đôi bạn trẻ đã về sống với nhau nên chồng nên vợ.

Ông Bài kể, đầu năm 2010, cứ mỗi khi chiều xuống, lại có một cô gái xuất hiện ở nghĩa trang thai nhi, cùng lúc ấy có một thanh niên cũng thường đến đây. Sau nhiều lần gặp nhau, từ lạnh nhạt họ đã nở những nụ cười đầu tiên và cuối cùng họ… cưới nhau. Hỏi ra ông được biết, đôi bạn trẻ vốn học cùng trường, cùng lớp và yêu nhau. Xuất phát từ nguyên nhân gia đình, họ không thể đến được với nhau nên cái thai trong bụng cô gái bị phá bỏ. Biết con mình được chôn nơi đây, họ đã tìm đến ăn năn, sám hối. Tấm lòng của họ cuối cùng cũng được cha mẹ hai bên cảm thông.    

Bà Lan tâm sự: "Mỗi người có một hoàn cảnh nhưng đau lòng nhất là những người có ăn, có học, gia đình lại khá giả nhưng vì công việc, lễ giáo gia đình… dù họ không muốn nhưng buộc phải bỏ đi "núm ruột" của mình. Ở đây có tới hơn 1.000 thai nhi nhưng chỉ có khoảng 30 người đi tìm lại "núm ruột" của mình và khóc lóc, hối hận vì việc đã làm, còn đa số một đi không trở lại. Tôi hy vọng lớp trẻ hãy sống chín chắn hơn…".

Lúc chúng tôi rời nghĩa trang, thì ở phía xa xa, có một người phụ nữ trẻ tuổi đang ôm một ngôi mộ nhỏ. Hỏi ra thì bà Lan cho biết, thỉnh thoảng vẫn có những người mẹ đến đây "sám hối" như thế. Không phải ai nạo phá thai cũng là người vô đạo, mà ở những hoàn cảnh khác nhau, người ta phải cắn răng làm việc như vậy. Chúng tôi chợt nghĩ, hóa ra khu nghĩa trang của ông bà và những người hảo tâm xây dựng đâu phải chỉ dành cho những hài nhi vô tội không có cơ may được sống, nghĩa trang còn là nơi để người sống sám hối, ăn năn và hành động tích cực hơn…

Văn Thành
.
.
.