Chuyện về Công dân ưu tú Thủ đô "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"
Với những đóng góp không nhỏ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, ông đã vinh dự là 1 trong 9 gương mặt được vinh danh trong buổi trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô 2016”.
Gần 300 lần đối mặt tội phạm
Đến phố Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai, hỏi thăm nhà ông Hùng “hiệp sĩ đường phố” không ai là không biết. Nhiều người còn gọi ông với cái danh xưng trìu mến “bố Hùng”.
Quả thật, khi bước chân vào căn phòng riêng của ông Hùng, chúng tôi không khỏi ngỡ vàng vì bằng khen, giấy khen treo kín bốn bức tường. Không còn chỗ để treo, ông Hùng thậm chí còn dành riêng một chiếc tủ nhỏ để xếp những “thành tích” của mình ở đó.
“Tớ sẽ làm đến khi nào không còn sức khỏe”. |
Vậy mà khi chúng tôi đặt vấn đề muốn viết bài về ông, ông cười bảo: “Thôi, viết làm gì. Tớ làm việc này vì đam mê, vì muốn giữ bình yên cho khu phố thôi chứ cũng chả mong mình nổi tiếng. Nổi tiếng quá tội phạm nó sẽ càng cảnh giác”.
Ông Hùng tâm sự rằng, chả biết có phải bọn tội phạm nó theo dõi ngược lại ông hay không mà hễ ông chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, nhiều đối tượng đã biết. Thậm chí, nhiều hôm ông mặc thường phục, mặc cả áo nhà sư để ngụy trang, bọn chúng cũng vẫn biết.
Vốn là cựu chiến binh, khi về hưu thấy sức mình còn khỏe mà ngày ngày chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ, buồn thì lại sang hàng xóm uống nước chè vã giết thời gian, ông Hùng cứ cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa.
Đúng lúc đó, phường Khương Mai thành lập ra Tổ tuần tra chuyên trách và kêu gọi các cựu chiến binh tham gia tự nguyện. Như vớ được vàng, ông Hùng đăng ký tham gia.
Tiền trợ cấp cho công việc vất vả và đầy nguy hiểm ấy chỉ vỏn vẹn có 600 nghìn/tháng. Tháng nào phải đi tuần nhiều, và liên lạc nhiều thì số tiền ấy không đủ trang trải xăng xe và tiền nạp thẻ điện thoại.
Ông Hùng chia sẻ: “Tớ có cái may mắn là điều kiện kinh tế gia đình không đến nỗi nên cũng không phải canh cánh chuyện tiền bạc. Hơn nữa tớ lại được vợ và các con ủng hộ nên chỉ cần chuyên tâm vào công việc thôi”.
Cứ ăn cơm xong, khoảng 12 giờ trưa, ông lại cùng các anh em khác trong tổ tuần tra chuyên trách lên đường làm nhiệm vụ, đêm từ 1 giờ cho tới 4 giờ.
Ông Hùng lý giải, đó là những giờ mà bọn tội phạm thường hay hoạt động nhất. Bất kể ngày nắng cháy hay ngày rét cắt da cắt thịt, ông Hùng vẫn miệt mài, say mê với công việc “vác tù và hàng tổng” của mình.
Một đối tượng buôn bán ma túy bị ông Hùng và Công an phường Khương Mai truy bắt. |
Thông cảm cho công việc của chồng, bà Huệ chia sẻ: “Tôi luôn ủng hộ công việc của ông ấy nhưng nói thật lúc nào cũng thấp thỏm. Ông ấy cứ bước ra khỏi nhà là tôi lo vì công việc này thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm.
Khắc tinh của những tên đạo chích
Suốt 13 năm tham gia lực lượng chuyên trách của phường Khương Mai, ông Hùng không nhớ nổi mình đã đối mặt với tội phạm biết bao nhiêu lần. Chuyện bị trầy xước, sai xương khớp trở nên quá đỗi bình thường đối với ông.
Ông bảo, những đối tượng phạm pháp trên địa bàn của phường Khương Mai chủ yếu là nghiện ngập, đói thuốc nên sinh trộm cắp. Mà những đối tượng này rất hay bị nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm. Chả thế mà, trong những lần truy bắt kẻ gian, ông Hùng đã 2 lần bị phơi nhiễm HIV. Lần thứ nhất là vào năm 1997.
Căn phòng nhỏ lưu giữ nhiều “thành tích” của ông. |
“Lần đó tớ cùng với một người trong tổ tuần tra chuyên trách kết hợp với 2 đồng chí của Công an phường Khương Mai truy bắt một kẻ gian bẻ khóa lấy trộm xe máy. Đây là đối tượng vừa mới ra tù, ngựa quen đường cũ.
Đến khi đuổi ở cự ly giáp lá cà, đối tượng đó hét lên dọa: “Trong người tao có HIV, đứa nào đến gần, tao chọc kim tiêm có máu nhiễm H là chúng mày chết đấy”. Vừa nói, tên này vừa huơ huơ chiếc kim tiêm chứa máu trước mặt. “Nói gì thì nói, nghe vậy cũng lạnh người chứ. Chuyện bọn nghiện nhiễm HIV thì chẳng có gì phải bất ngờ.
Nhưng không lẽ vì một lời đe dọa của đối tượng mà mình chùn bước cho nó thoát thì thật không đúng với lương tâm, trách nhiệm. Thế là chúng tớ vẫn quyết định xông lên, lao vào vật lộn với đối tượng, phải mất 5 phút sau mới khống chế được. Khi đưa đối tượng về trụ sở Công an phường, tên trộm đã lột áo ra cho mọi người xem.
Quả thật, khắp người hắn ta lở loét, nhiều chỗ ứa máu tươi. Nhìn lại quần áo của mình cũng máu loang khắp người. Sau đó đối tượng được đưa đi xét nghiệm thì đúng là bị nhiễm HIV thật” – ông Hùng kể lại.
Ngay lập tức, ông và một cán bộ Công an phường – là những người trực tiếp vật lộn với đối tượng được đưa tới Bệnh viện Nhiệt đới xét nghiệm và tiêm thuốc phơi nhiễm.
Ông Hùng chia sẻ: “Tớ dặn các anh Công an và các anh em trong tổ tuần tra chuyên trách là không được kể với những người trong gia đình tớ. Thời gian đó, tớ thường xuyên tránh tiếp xúc với vợ con, ăn cơm, ngủ nghỉ chủ yếu cũng toàn lên trụ sở Công an phường.
Suốt 3 tháng ròng rã, đến mức vợ con còn nghi ngờ tớ có chuyện khuất tất. Phải đến khi cầm trên tay tờ giấy kết luận âm tính với HIV, tớ mới dám kể lại cho mọi người trong gia đình nghe. Cũng coi như một lời thanh minh”.
Năm 2010, ông Hùng truy đuổi và vật lộn với một đối tượng chuyên tháo trộm biển số xe máy. Trong lúc vật lộn với đối tượng, những chiếc biển số ăn cắp giấu trong áo đã cứa vào bụng đối tượng làm máu chảy nhiều.
Máu sau đó cũng loang sang cả chân tay ông Hùng. Sau này, khi đối tượng bị bắt và được đưa đi xét nghiệm, ông Hùng lại một lần nữa tá hỏa khi biết tên này cũng nhiễm HIV. Đó là lần thứ 2 lão “hiệp sĩ đường phố” phải đi tiêm thuốc phơi nhiễm HIV.
Tang vật của một vụ án. |
Ông Hùng tâm sự, hơn 10 năm tự nguyện làm công tác điều tra chuyên trách, có những lần bắt cướp khiến ông vừa tức vừa không nhịn được cười. “Một lần, tớ đuổi bắt đối tượng chạy lòng vòng hết phố này qua phố khác. Tớ cứ để cho đối tượng chạy chán vì biết chắc rằng những kẻ nghiện thường không dai sức.
Quả đúng như tớ dự đoán, chạy được hơn 1 kilomet, hắn quay người lại giơ tay lên trán rồi bảo: “Con đầu hàng bố. Bố tha cho con”. Một lần khác, tớ đuổi một đối tượng ăn trộm xe máy từ phố Lê Trọng Tấn, qua Kim Liên đến tận Đống Đa rồi về Ngã Tư Vọng.
Tới đó, hắn ta tưởng đã cắt được đuôi nên ung dung ngồi trong chợ ăn chè. Tôi lại phải ngồi ở ngoài đợi gần 30 phút cho đối tượng ăn xong chè ra chỗ vắng người mới dám bắt. Nếu bắt ngay trong chợ đông người, ngộ nhỡ đối tượng liều lĩnh uy hiếp những người xung quanh.
Công việc nguy hiểm là thế, vậy mà người cựu chiến binh này luôn lấy đó làm niềm vui. Ông tâm sự, bảo vệ khu phố cũng là bảo vệ cho chính những người thân của mình và cả bản thân mình. Mỗi người chỉ cần đóng góp một phần sức lực nhỏ nhoi thôi, xã hội sẽ bình yên.
l Thiếu tá Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng Công an phường Khương Mai cho biết: “Khoảng năm 2003, trên địa bàn phường Khương Mai, nạn trộm cắp xảy ra rất nhiều. Nguyên nhân một phần là do hầu hết các hộ gia đình sinh sống tại đây là trong quân đội nên chủ quan nghĩ rằng an ninh sẽ tốt. Chính vì thế dẫn tới việc lơ là, mất cảnh giác. Phần khác, do điều kiện kinh tế của các hộ dân khấm khá, nhiều cửa hàng kinh doanh mọc lên nên xe của khách đông. Đây chính là cơ hội cho kẻ gian hoành hành. Căn cứ vào tình hình thực tế, Công an phường Khương Mai đã đề xuất với đồng chí Chủ tịch UBND phường chọn ra 5 trong số 50 người trong tổ bảo vệ dân phố tham gia trong Tổ tuần tra chuyên trách, trong đó đồng chí Nguyễn Văn Hùng là một trong những người tự nguyện tham gia đầu tiên cho tới tận bây giờ. Có thể nói, đồng chí Hùng chính là linh hồn sống của tổ này. Trong suốt 13 năm tự nguyện tham gia Tổ tuần tra chuyên trách, đồng chí đã xử lý hơn 300 vụ việc, bắt giữ 320 đối tượng trộm cắp, lưu manh. Ở đồng chí Hùng hội tụ đầy đủ tố chất của một lính hình sự, đó là sự nhạy bén, mưu trí và dạn dày kinh nghiệm. Nhưng trên hết đó là sự tâm huyết, hết lòng vì công việc chung. Với những đóng góp không nhỏ đó, đồng chí Hùng đã nhận được giấy khen, bằng khen của các cấp lãnh đạo. Đó chính là động lực để đồng chí vững vàng hơn nữa trên mặt trận phòng, chống tội phạm”. |