Chuyện đời của một sư cô

Thứ Hai, 06/03/2017, 08:08
Cuộc đời của bà, phía sau tấm áo sa di là một cuốn tiểu thuyết với những ngã rẽ và nút thắt bất ngờ. Nhưng bà chỉ nhận nó như là giấc mơ của một thuở trầm luân kiếp dại khờ…


1. Chùa Lá An Nhiên nằm bình yên bên dòng Kinh Sáng (thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Dưới mái chùa trầm mặc khói hương, bên hàng ghế đá tĩnh lặng, sư cô Diệu Thiện đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền và cái siết tay thật chặt. Cuộc đời của bà không muốn kể ra, vì nó nhuộm đắng nước mắt. Nhưng đã bước chân vào chốn thiền môn thì bà "trút hết", đó là cách để không còn vướng bận bụi trần.

Tên tục huyền của sư cô Diệu Thiện là Nguyễn Thị Sự (70 tuổi). Mẹ bà là cháu ngoại quan Thượng phẩm triều đình Bảo Đại, là một tiểu thư đài các, lớn lên trong nhung gấm lụa là, được cưng chiều hết mực, được ăn học trong những ngôi trường nổi tiếng.

Kho thuốc trong chùa  đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của bà con.

Cha bà là giao liên Việt Minh. Vì nhiệm vụ nên ông đi mải miết, ít có thời gian chăm sóc vợ con. Khi mẹ đang mang bầu bà thì cha bị bệnh qua đời, sự nghiệp tiền tài cũng lặng lẽ trôi đi. Mẹ dẫn hai anh em Sự vào miền Nam, sống cảnh nghèo khó ở khu Thủ Thiêm.

Vì phải lao động nặng nhọc, sức khỏe suy yếu, bệnh tật bủa vây nên mẹ bà trút hơi thở cuối cùng trong cảnh đơn độc, bần hàn. Trước khi mất, mẹ kéo hai anh em lại và chỉ dặn một câu duy nhất: "Các con là gia đình quan lại, nghèo cỡ nào cũng phải học". Lời của mẹ như di chỉ và mệnh lệnh lúc nào cũng âm vang trong đầu hai anh em.

6 tháng trong bụng mẹ đã mồ côi cha, 7 tuổi mồ côi mẹ, Nguyễn Thị Sự trở thành đứa trẻ bơ vơ, lạc lõng giữa chợ đời. Một năm sau ngày mẹ mất, hai anh em dắt nhau đi bán báo dạo khắp Sài Gòn để có tiền đi học. Sáng học, trưa bán báo, thứ 7, chủ nhật bán cả ngày.

Nghề bán báo dạo ngày đó chẳng khác nào một thương trường với đầy đủ hạng người và những cám dỗ. Chuyện cạnh tranh địa bàn, mối lái, chuyện đụng độ với nhóm trẻ khác xảy ra hàng ngày. Trường đời đã tôi rèn cho hai anh em Nguyễn Thị Sự tố chất mãnh mẽ, gan lì và liều lĩnh.

Để tồn tại được trong xã hội giang hồ, năm 11 tuổi Sự đi học võ ở võ đường Huỳnh Tiền nên cũng "lận lưng" được chút tài lẻ. Sự lý giải rằng, vì mồ côi nên phải biết vài miếng võ thì mới bảo vệ được bản thân. Nhưng dù có liều lĩnh đến đâu thì với một đứa con gái mồ côi vơ vơ, Nguyễn Thị Sự vẫn không tránh khỏi sự kìm kẹp, trấn áp từ những đứa trẻ khác.

Nhiều lần, Sự đã phải "phồng mang trợn má", giở "nanh vuốt" ra đấu đá sống còn với bọn chúng. Chạm trán và đánh đấm đối với Sự diễn ra như cơm bữa. Có lần phát hiện hai nhóc đánh giày đang móc túi đồ của khách, Sự liền hô hoán mọi người đuổi theo.

Hai tên trộm thoát được thân nhưng cay cú và nung nấu ý định trả thù con oắt bán báo dạo. Chúng theo dõi Nguyễn Thị Sự đến một con hẻm vắng vẻ rồi chặn đầu, lăm lăm hỏi tội. Lúc đó Sự không sợ mà máu liều nổi lên, liền xắn tay quyết xử bọn này.

Một đấu hai diễn ra chóng vánh, cuối cùng hai tên đã phải ngả mũ chào thua sau khi "ăn no" đòn. Đêm đó trở về, toàn thân Sự cũng tê tái, tím bầm. Sau này, không còn ai dám bắt nạt hay "hỏi thăm" đến công việc bán báo của Sự nữa. Và cũng từ đó, tên tuổi của bà được khẳng định trong đám trẻ trâu giang hồ vặt.

70 tuổi, sư cô Diệu Thiện vẫn dẻo dai, khỏe mạnh làm việc thiện.

Trong một lần đụng độ với người bạn của Năm Cam (sau này là trùm giang hồ khét tiếng), Sự liền giở ngón nghề ra "tiếp đòn". Cay cú, hắn về mách anh kết nghĩa. Lúc này, tuy mới 14 tuổi, nhưng Năm Cam đã nổi lên là một tay chơi có số má.

Vừa nghe xong, máu hiếu chiến sẵn trong người, Năm Cam liền thách đấu với con bé Sự "tôm tép" nào dám cả gan đụng đầu với đàn em của hắn. Sự nhận lời ngay. Một buổi sáng đẹp trời, bà cùng năm người bạn gái khác bơi xuồng từ bên này sông Sài Gòn sang bên kia sông, địa phận Bến Nhà Rồng tới điểm thách đấu là Cầu Ông. Phía Năm Cam cũng chuẩn bị sẵn năm cao thủ mặt hầm hố, tay lăm lăm sát khí.

Trước khi giao đấu, Sự ra luật: "Không chửi thề, không khóc. Nếu phạm vào hai điều đó là thua". Vậy là trận đấu bùng nổ, hai bên lao vào nhau đấm đá túi bụi.

Cuối cùng, nhóm Năm Cam phải chịu thua, chấp nhận chung chi một chầu bò bía và nước mía. Đó là kỷ niệm khó quên trong quãng đời tuổi thơ lang bạt của cô bé Sự. Bà bảo rằng, thật ra ngày đó nói thách đấu cho oai chứ mới mười một mười hai tuổi đầu, tính khí như trẻ trâu hiếu chiến.

Vài năm sau, cô bé Sự thoát xác thành thiếu nữ xinh tươi rạng ngời. Đụng Năm Cam vài lần thì y nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, Sự quá hiểu cuộc sống giang hồ đầy hiểm ác.

Lời mẹ dặn trước lúc ra đi lúc nào cũng đọng lại trong sâu thẳm cõi lòng đứa con gái: "Phải sống làm người tử tế". Bà chia sẻ: "Chuyện thời trẻ của tôi với Năm Cam là một giấc mơ đẹp. Không chiếm được trái tim của tôi, Năm nam không hề thù hận. Ông ấy lặng lẽ quan sát, theo dõi và chỉ cần tôi lên tiếng nhờ vả bất cứ chuyện gì, ông ấy cũng sẵn sàng. Nhưng tôi đã lẩn trốn ông ấy cả cuộc đời". 

Khu nhà ở của bệnh nhân, tất cả đều được ăn ở hoàn toàn miễn phí.

2. Nghề bán báo cũng đến lúc không còn chỗ đứng, không thể kiếm nổi bữa cơm qua ngày, nên Sự xin vào làm pha chế trong một nhà hàng nổi tiếng gần khu vực chợ Bến Thành.

Từ đây, cô gái mồ côi Nguyễn Thị Sự ẩn mình, xa rời hẳn chốn thương trường chợ đêm. 18 tuổi, bà bập vào yêu, lấy chồng, rồi "bầm dập" sinh con. 25 tuổi, bà đã là gái 5 con đầu tắt mặt tối. Tay cắp, tay ôm, bà "quăng" mình ra đời, bán buôn đủ thứ để gồng gánh "nuôi đủ năm con với một chồng".

Tình duyên ngắn chẳng tay gang, cuộc sống vợ chồng vỏn vẹn 10 năm thì ông ấy phải lòng người đàn bà khác. Bà cam chịu sống cảnh chồng chung gần 3 năm thì quyết tâm rũ bỏ. Lúc ấy, con đầu mới 7 tuổi và con út 17 tháng. Một mình vật lộn với đàn con, có những lúc tưởng như quật ngã bà.

Bà làm như "trâu bò", về tận Cà Mau thuê vài chục mẫu đất trồng mía, nhận khoán đào kênh. Có thời điểm quân lao động của bà lên tới vài trăm thanh niên trai tráng. Bà đi đến đâu cũng được dân yêu thương quý mến bởi cái tính hào hiệp, trượng nghĩa của người đàn bà một thời xông pha chợ đời.

Những đứa con ở nhà, được mấy anh công an mang đi tắm rửa, cho ăn uống no say. Bà tự hào khoe: "Tụi nhỏ đẹp lắm, da trắng mịn, tóc đen tuyền, mắt đứa nào cũng long lanh như hột nhãn".

Con đường vào chùa Lá An Nhiên.

Là đàn bà năm con, nhưng bà xông xáo làm việc, giao tiếp với bên ngoài không thua kém người đàn ông nào. Những lúc đi ngoại giao, uống rượu ngoại, bà "chơi" luôn bằng bát để dằn mặt trước. Rượu vào, bà đàn hát như một ca sĩ thực thụ, nhưng tuyệt đối không say và biết giữ mình.

Bà tự hào vì thân gái một mình, bên cạnh chỉ có mấy đứa con nhỏ bé yêu đuối, nhưng lại không bao giờ đánh mất danh dự và nhân phẩm, kể cả thời trẻ lang bạt trong một thế giới đầy cạm bẫy, chông gai. Công việc buôn bán ngày một phất lên như diều gặp gió. Chẳng mấy chốc, bà đã sở hữu hai nhà hàng tiệc cưới cùng nhiều bất động sản có giá trị.

Lợi nhuận kinh doanh đang lên vun vút thì bà chủ Nguyễn Thị Sự quyết định dứt nghiệp đời, vào chùa xuất gia lấy pháp danh Diệu Thiện. Đi tu mà chỉ có ăn chay  niệm Phật, đọc kinh kệ mỗi ngày thì cũng chỉ giúp được cho bản thân mà thôi. Suy nghĩ mãi, cuối cùng sư cô Diệu Thiện quyết tâm "lều chõng" đi học bốn năm lương y và ba năm lương dược.

Có bằng cấp về nghề thuốc, sư cô Diệu Thiện bán hết tài sản lấy tiền xây dựng lại ngôi chùa Lá An Nhiên làm nơi nương nhờ của những số phận cùng cực và là địa chỉ bốc thuốc cứu độ chúng sinh. Kể về thăng trầm cuộc đời, sư cô đúc kết bằng một tứ thơ: "Đã biết trần gian một bến mơ/ Mà vẫn tranh giành đến xác xơ/ Cố vớt trăng vàng trên bến mộng/ Một thủa trầm luân kiếp dại khờ".

11 năm dứt đời theo đạo, là ngần ấy thời gian sư cô chú tâm vào việc bốc thuốc cứu người. Mỗi ngày, bà dậy thật sớm, cùng các phật tử nấu thuốc, nấu đồ ăn cho khoảng ba trăm bệnh nhân, người nghèo khắp nơi tìm về.

Ngoài ra, trong khuôn viên chùa, sư cô cùng các phật tử đã vận động cúng giường để xây 30 phòng dành cho người bệnh nặng ở xa đến chữa bệnh ăn ở đến khi nào khỏi thì về. Nhiều bệnh nhân sau thời gian chữa bệnh, tâm tĩnh, lòng an và "cảm" cái tình của sư cô đã tình nguyện ở lại chùa làm công quả.

Đi qua hết những cay cực đời người, bây giờ lòng sư cô đã thanh thản, thỏa mái vô cùng. Điều ước lớn nhất của sư cô là có thật nhiều thuốc và lương thực để mỗi người khi tìm đến chùa Lá An Nhiên sẽ được yêu thương, chăm sóc đủ đầy.

Ngọc Thiện - Văn Hào
.
.
.