Chuyện đời cảm động của “hiệp sĩ” 13 năm cứu nạn trên đèo Hải Vân

Thứ Hai, 14/10/2013, 10:37

13 năm qua, ai có dịp qua đèo Hải Vân, sẽ thấy một người đàn ông dáng khắc khổ hành nghề sửa xe lưu động. Sinh ra từ cơ cực, sau thời gian chiến đấu ở Campuchia, ông trở về, hết lăn lộn ở bãi vàng Phước Sơn rồi lênh đênh đầu sóng ngọn gió mưu sinh nhưng vẫn hoàn nghèo nên quyết lên núi mưu sinh. Không chỉ đơn thuần sửa xe, 13 năm qua ông đã âm thầm cứu giúp hàng trăm người bị tai nạn, ông còn hương khói cho những linh hồn xấu số nằm lại với Hải Vân quan. Ông là Nguyễn Bừa, 54 tuổi, ngụ tổ 44 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Trước khi có hầm đường bộ trên đèo, cung đường 12 cây số vượt đèo Hải Vân vẫn được mệnh danh là “cung đường tử thần”, là nỗi ám ảnh cho tất cả các loại phương tiện giao thông mỗi khi có dịp phải lưu thông qua đây. Từ khi có hầm đường bộ, lưu lượng phương tiện đổ đèo có giảm hơn, nhưng cung đường này vẫn không hiếm xảy ra những vụ tai nạn, những sự cố hỏng xe hi hữu. Nhưng dù là trước đây hay bây giờ thì các tay phượt và những bác tài cũng phần nào yên tâm bởi từ năm 1995 đến nay, ông Nguyễn Bừa đã quyết bám cung đường này, số điện thoại của ông được dán suốt cung đường, để chẳng may ai đó gặp nạn hoặc hỏng hóc xe cộ, gọi là lập tức ông sẽ có mặt để ứng cứu. 13 năm rồi, ông đã trở thành vị cứu tinh, là hiệp sĩ đường đèo.

Chuyện đời của ‘‘hiệp sĩ giao thông”

Trong một chiều mưa rảnh rỗi hiếm hoi ngay dưới nam chân đèo Hải Vân, tôi may mắn được người đàn ông này chia sẻ về cuộc đời thăng trầm cũng như cơ duyên đưa ông đến với công việc chẳng giống ai này. Nguyễn Bừa sinh ra ở vùng đất nghèo Quảng Nam, trong gia đình bần nông có 13 người con. Sau năm 1975, ông tham gia nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia, sau 3 năm thì trở về quê nhà và xây dựng gia đình với cô thôn nữ làng. Cũng từ đấy, cuộc sống cơ cực, khó khăn luôn bám riết, để nuôi sống vợ con, ông xoay đủ nghề kiếm sống, từ lăn lộn ở bãi vàng Phước Sơn đến đi biển câu cá, câu mực nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo.

Cực chẳng đã, sức khỏe lại không cho phép nên ông Bừa đã vay mượn tiền, mua chiếc xe máy cà tàng rồi hành nghề chạy xe ôm, địa điểm ông chọn đứng là ngay dưới chân đèo Hải Vân, bởi ông thấy xe chạy suốt Bắc Nam thường xuyên trả khách tại đây. Làm nghề xe ôm được một thời gian, nhiều bữa ra chứng kiến cảnh nhiều người mồ hôi nhễ nhại đẩy xe từ trên đèo xuống vì bị thủng săm, hư hỏng phụ tùng. Sau nhiều lần như vậy, ông Bừa chợt nảy ra sáng kiến, là làm nghề vá xe trên đèo, vừa có thu nhập vừa giúp đỡ được người khác trong cơn hoạn nạn. Vậy là, thêm một lần nữa ông chuyển nghề, về nhà mày mò học vá xe, sửa xe, thử nghiệm đầu tiên bằng chính chiếc xe máy của mình.

Thời gian đầu khi mới hành nghề, chưa có điện thoại nên ông Bừa mỗi ngày hai lần cứ chạy xe từ đầu đến cuối đèo, thấy ai hư hỏng xe cộ thì dừng lại giúp đỡ. Sau này, khi sắm được điện thoại, ông đã viết số của mình tại những khúc cua nguy hiểm, khách gọi là ông lập tức phóng xe đi ngay, bất luận trời nắng hay mưa, đêm khuya hay sáng sớm. Có những hôm vừa bưng bát cơm lên, chưa kịp ăn, điện thoại đổ chuông ông vội bỏ bát đi ngay, bởi ông quan niệm “cứu người như cứu hỏa”, lỡ chậm trễ vài giây đồng hồ là có thể đã mất đi cơ hội sống của người khác.

Ông Nguyễn Bừa đang sửa xe lưu động trên đèo.

Ông Nguyễn Bừa chia sẻ, có những ngày ông chạy lòng vòng không đủ tiền xăng xe, nhiều bữa không kịp ăn trưa, phải nhịn đói qua chiều nhưng không vì thế mà ông nề hà, nhụt chí. Bù lại, từ năm 1995 cho đến khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng, ông đã cứu giúp cho hàng nghìn người bị hư xe trên đèo, giúp hàng chục người bị tai nạn, nhờ đưa đi bệnh viện kịp thời nên đã giữ lại được mạng sống. Đã có không ít người sau đó tìm đến nhà ông tạ ơn bằng tiền bạc nhưng ông cứ nhất quyết không nhận, làm ơn há dễ trông người trả ơn.

Chuyện cứu người cảm động

Ông Nguyễn Bừa kể, đến nay ông cũng không nhớ chính xác mình đã cứu giúp bao nhiêu người bị nạn, và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Song để nhớ về những trường hợp đặc biệt, ông Bừa vẫn chưa quên câu chuyện cứu người vào năm 2005. Khi ấy, đúng vào thời điểm đưa hầm đường bộ vào sử dụng, nhưng vẫn có những người ở xa đến, muốn chinh phục đỉnh đèo và dã ngoại, chụp hình làm kỷ niệm. Lần đó, anh Phan Văn Chung, quê ở Nghệ An chạy xe máy từ Đà Nẵng ra Huế thăm người yêu. Trời tối, sương mù dày đặc nên anh này bị hạn chế mất tầm nhìn, lúc tránh chiếc xe tải đang đổ đèo thì lao ngay xuống mương nước bên đường bất tỉnh nhân sự. Một xe tải khác đi qua thấy anh này nằm bên đường, nghĩ là đã chết nên điện báo cho ông Bừa. Ngay lập tức, ông đang ăn tối cùng vợ con vội bỏ dở bữa cơm, lấy xe máy một mình chạy thẳng lên đèo. Lúc tiếp cận nạn nhân là khoảng 22h khuya, khi thấy nạn nhân vẫn còn thở, lập tức ông Bừa vứt xe máy đó, vẫy xe đưa anh Chung đi cấp cứu tại bệnh viện. Khi đã chắc chắn nạn nhân qua khỏi cơn nguy kịch, ông Bừa mới yên tâm quay lại đèo đưa xe mình và xe máy nạn nhân về nhà. Hôm ấy, khi đưa được cả hai chiếc xe máy về nhà an toàn thì đồng hồ cũng đã báo hơn 5h sáng.

Một lần khác, ông nhận được điện thoại báo tin có vụ tai nạn ở ngã ba đi vào công trình đường du lịch bãi Chuối, thuộc địa phận xã Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chiếc máy múc đang thi công thì rơi xuống vực, cả lái xe và phụ xe đều thiệt mạng. Dù biết việc tìm kiếm thi thể dưới độ sâu 450m của vực là khó khả thi và nguy hiểm, nhưng nghĩ cảnh người chết nằm chốn hoang vu lạnh lẽo, ông đã băng rừng tìm đến, buộc dây dù rồi đu mình xuống vực, vạch lau sậy tìm kiếm. Đó là lần cứu hộ hãi hùng nhất mà ông Nguyễn Bừa đã trải qua, bởi cả hai thi thể đã không còn nguyên vẹn. Dẫu vậy, ông vẫn tỉ mẩn tìm kiếm tất cả để gói ghém lại trao cho thân nhân hai công nhân xấu số.

Chăm sóc những linh hồn xấu số

Không chỉ cứu người bị nạn, 13 năm bám cung đường này, ông Nguyễn Bừa còn chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng khác. Vừa mới đây thôi, trong một lần tình cờ chạy xe lên đèo, ông phát hiện một chiếc bình đậy nắp vứt bên đường, cách đỉnh đèo chừng 1 cây số về phía Nam, ông đã dừng lại mở ra xem và suýt rú lên ngất xỉu vì bên trong là một hài nhi xấu số. Phút hãi hùng qua đi, ông đã thắp hương cầu nguyện rồi đem chôn cất tử tế. Một ngày sau đó, cũng tại cung đường này, ông phát hiện ra trường hợp thứ hai bị chối bỏ, vậy là ông cho đắp hai ngôi mộ cạnh nhau. Hằng năm, ông đều hương khói, mua hoa cúng bái tử tế.

Từ 5 năm nay, thay vì ở nhà như trước, ông Nguyễn Bừa đã chọn cái am cách đỉnh đèo gần 1 cây số về phía Bắc để làm nơi trú ngụ, chờ người gọi cứu hộ giao thông, vừa tiện lợi lại tiết kiệm thời gian. Ông cho biết, chiếc am có từ cuối những năm 1990, là nơi thờ cúng các âm hồn bị chết vì tai nạn giao thông. Lúc tiếp cận, cái am này bị cây cối mọc phủ mất, rêu phong hoang hóa lắm. Ông đã bỏ tiền tu sửa lại đê íkhang trang và ấm cúng hơn, vừa làm chỗ trú ngụ vừa hương khói cho các linh hồn siêu thoát. Những người bán hàng rong trên đỉnh đèo thấy hành động của ông nên chung tay đóng góp tiền mua hương, tham gia quét dọn am thờ.

13 năm, là người duy nhất hành nghề sửa xe lưu động trên đèo Hải Vân nhưng ông Nguyễn Bừa chưa bao giờ chặt chém khách. Xe hỏng hóc phụ tùng, ông thay lấy bằng giá đã mua ở tiệm, không lấy thêm tiền công. Với những xe bị thủng săm, ông giữ nguyên mức giá 15.000 đồng, không hơn không kém. “Tui mà có nhiều tiền thì sẽ hành nghề miễn phí, không lấy đồng nào cả, vì thấy ai sa cơ lỡ vận cũng tội cả. Nhưng tui còn vợ con nên phải lấy ít tiền công để lo cuộc sống gia đình”, lời ông Bừa.

Từ năm 2005, khi hầm Hải Vân đi vào hoạt động, lưu lượng người đổ đèo ít hơn, nhưng thường xuyên vẫn có những vụ tai nạn xảy ra. Đã toan giải nghệ, nhưng hễ nghe chuông điện thoại đổ dồn là ông lại tức tốc lên đường. Ngoài những công việc thường nhật, ông Nguyễn Bừa còn tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên đèo, nhiều lần cùng với Công an, Bộ đội Biên phòng và dân phòng của hai địa phương ngăn chặn, truy bắt các đối tượng phạm tội ở đèo hoặc khi đi qua đây.

Người đàn ông ấy đã đi qua quá nửa đời người, đắng cay truân chuyên cũng lắm. Nhưng ông đã dành phần lớn quãng đời của mình để làm cái việc chẳng giống ai, ấy là kiếm cơm trên đỉnh đèo Hải Vân, “nghề” bạc bẽo nhất, thu nhập cũng bạc nhất, nhưng như ông đã tâm sự, hành nghề và sống chết với nghề. Bên cạnh kiếm thêm mấy đồng bạc nuôi vợ con, công việc của ông Nguyễn Bừa còn có thêm những niềm vui nho nhỏ khác, ấy là giúp người, cứu người trong cơn hoạn nạn, khó khăn.

Hải Vân quan vẫn đang là điểm đến của nhiều người, và mỗi ngày nơi đây, hàng chục chiếc xe siêu trường siêu trọng vẫn nối đuôi nhau đổ đèo, trong đó, không ít lần có những chuyến xe định mệnh gặp nạn. Những lúc như thế, chỉ cần có người tỉnh táo, nhấc máy gọi về số 01239.219.044 là mấy phút sau, “cứu hộ giao thông” Nguyễn Bừa đã có mặt để ứng cứu. Bất luận mưa hay nắng, sáng sớm hay đêm khuya, lúc khỏe mạnh hay ốm đau, hễ có người cần giúp đỡ là ông chẳng nề hà. Cũng bởi vậy, cánh lái xe mỗi lần có dịp qua đây đã vui vẻ đặt cho ông biệt danh là “hiệp sĩ giao thông”

Nguyễn Hương
.
.
.