Chàng trai câm điếc tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ

Thứ Hai, 14/12/2015, 14:30
Vượt lên nghịch cảnh, chàng trai "khiếm khuyết" Phạm Văn Thịnh đã thành ông chủ của một hiệu cắt tóc có tiếng và dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ.
Tuổi thơ nghiệt ngã

Phạm Văn Thịnh 38 tuổi trong một gia đình công giáo ở khu 2, phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh. Thịnh là con thứ tám trong gia đình có chín anh chị em. Trớ trêu thay, Thịnh cùng hai người anh trai, một người chị gái chẳng may bị câm điếc bẩm sinh.

Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cha qua đời năm 1986 khi Thịnh chưa đầy 9 tuổi khiến gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai gầy của mẹ. Từ ngày chồng mất, một mình bà Nguyễn Thị Nhinh phải cố gắng bươn bả, nhọc nhằn lam lũ tìm mọi cách xoay sở để nuôi 9 đứa con. Ngày ngày, lúc thì làm công nhân xúc than, khi đi xúc cát, tối về người ta lại thấy bà rảo bước qua từng khu phố với gánh hàng rong.

Ngày đó, dù cuộc sống chật vật nhưng mẹ Thịnh vẫn gắng gượng để 9 đứa con mình được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Tuy vậy, do cơ thể khiếm khuyết nên khi học cùng em gái út đến lớp 5, Thịnh phải nghỉ học vì không thể theo kịp chương trình ở trường. Thương con thất học, bà Nhinh, lại chạy đôn, chạy đáo xin cho Thịnh về trường trẻ em câm điếc của tỉnh. Năm 11 tuổi, Thịnh được ưu tiên nhận vào Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Bắc Ninh.

5 năm theo học tại đây, nhờ sự ân cần dạy dỗ của các thầy cô, Thịnh được học hành bài bản và được đào tạo nghề dành cho người khuyết tật. Thấy Thịnh khôi ngô, lại hiền lành nên các thầy trong trường tính để Thịnh ở lại phụ giúp việc tiếp khách và chuyên môn. Nhưng khi bà Nhinh hỏi về biên chế, nhà trường chỉ lắc đầu nên bà quyết định đưa con trai về, tính hướng cho con vào những công việc như thợ may, thợ kim hoàn.

Vượt lên số phận

Lúc Thịnh đang đi học ở trường câm điếc, có một người quen tên Ninh cắt tóc ở gần trường, thời gian rỗi Thịnh thường ra dọn dẹp, phụ giúp việc lặt vặt. Thịnh bị cuốn hút bởi những đường kéo sắc ngọt, cách múa kéo điêu luyện của những người thợ chuyên nghiệp, và hơn hết, anh cảm nhận được niềm vui của khách hàng khi ra về với một mái đầu ưng ý...

Thịnh đang dạy cắt tóc cho học viên. Ảnh: Thạch Văn

Thấy Thịnh chăm ngoan, hiền nên chủ hiệu cắt tóc mới đề nghị: "Em có học nghề cắt tóc không? Anh dạy cho!". Thế là Thịnh theo người ấy học nghề không mất một đồng tiền công. Tuy nhiên, việc theo đuổi nghề cắt tóc đối với một người khiếm khuyết như Thịnh là không hề dễ dàng. Do khó khăn về ngôn ngữ, anh chỉ có thể nhìn theo thầy mà cắt chứ không hề có được sự trao đổi, tương tác. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù nên Thịnh tiếp thu được nhanh khiến chủ hiệu cắt tóc cũng rất kinh ngạc. Thấy Thịnh có tay nghề, người thầy dạy khuyên anh nên tự mở cửa hiệu cắt tóc để ổn định, tự tìm chỗ đứng cho mình.

Sau đó, Thịnh được mẹ cho lên Hà Nội học nâng cao tay nghề tầm 2 tháng. Năm 1999, nhờ anh em giúp đỡ vốn liếng, Thịnh mở cửa hàng cắt tóc. Ban đầu, thầy dạy cắt tóc khuyên anh khi mới khai trương chưa vội thu tiền khách hàng, khi nào người ta ưng rồi, hãy lấy cũng chưa muộn. Nhưng khách hàng thương tình, họ trả cho Thịnh 500 - 1.000 đồng gọi là thêm tiền dao kéo. Khi đó, hiệu cắt tóc của Thịnh nằm trên vỉa hè, mẹ anh đặt một chiếc giỏ bên chiếc gương, khách hàng đến cắt tóc xong thì tự ý bỏ tiền vào.

Thịnh cắt tóc cẩn thận, đẹp nên dần dần khách hàng tìm đến ngày một đông. Thấy cắt tóc ở vỉa hè không phù hợp, Thịnh vay mượn anh chị để sắm thêm máy móc, thiết bị mở cửa hiệu cắt tóc tại nhà trên đường Hoàng Quốc Việt (thành phố Bắc Ninh). Thấm thoắt đã 15 năm. Thu nhập ổn định, Thịnh sửa sang, làm mới nhà cửa. Chỉ tay sang bên kia đường, rồi viết ra giấy Thịnh "khoe" với chúng tôi mới cùng hai anh trai góp vốn mua căn nhà mặt đường với giá 1 tỷ đồng, sắp tới sẽ chuyển cửa hiệu cắt tóc sang đó, nhường lại nơi này cho mẹ và anh chị.

Tạo nghề cho người đồng cảnh

Bị câm điếc bẩm sinh nên Thịnh luôn thấu hiểu nỗi khổ của những người khiếm khuyết. Biết được người khuyết tật rất khó tìm được việc làm phù hợp với bản thân mình, Thịnh đã tổ chức dạy nghề miễn phí cho những người đồng cảnh ngộ ở cả trong và ngoài tỉnh. Khi Thịnh mở hiệu cắt tóc, nhiều người đồng cảnh tìm đến xin học việc. Họ đến học việc, Thịnh nhiệt tình chỉ dạy, hướng dẫn tỉ mẩn. Sau khi dạy nghề, Thịnh còn giới thiệu việc làm và hỗ trợ đồ dùng để mọi người có thể hành nghề độc lập.

Khiếm khuyết trên cơ thể đã giúp Thịnh giàu thêm về nghị lực và vốn sống. Ảnh: Thạch Văn

Tiếng lành đồn xa, người nọ giới thiệu người kia đến học. Hơn mười năm qua, cửa hiệu cắt tóc của Thịnh đã dạy nghề, tạo việc làm cho 20 người đồng cảnh. Có nhiều người hoàn cảnh rất khó khăn như trường hợp của chàng trai tên Tiến (quê Lục Nam, Bắc Giang), mẹ mất, cha vào tù trước khi tìm đến cửa hiệu cắt tóc của Thịnh rất cực khổ. Sau 5 tháng học việc ở đây, Giang đã thạo nghề và tiếp tục làm cho Thịnh 5 năm rồi mới về quê mở cửa hiệu cắt tóc.

Em Vũ Hồng Thiện (sinh năm 1996), quê Bắc Giang, nhân viên cửa hiệu cắt tóc của Thịnh cho biết: "Em học hết cấp 2 rồi đi làm thợ máy, công việc bấp bênh nên sau khi được người quen giới thiệu, em tìm đến đây học việc. Giờ em đã thành thạo và có thu nhập ổn định".

Không thể nói, nghe nên khi trao đổi với khách, nhân viên, Thịnh chỉ biết dùng tay để làm ám hiệu. Nói về bản thân, Thịnh viết ra giấy rành rọt: "Đến được với nghề là một chuyện, tồn tại được hay không cũng là ở cái duyên, cách làm và nhiệt huyết của mình. Những khiếm khuyết trên cơ thể đã giúp mình "giàu" hơn về nghị lực và những trải nghiệm cuộc sống, cũng như biết trân trọng những gì mình có. Cắt tóc không chỉ là nghề, mà còn là sự đam mê, tâm huyết của tôi, và tôi luôn muốn chia sẻ nó với những người đồng cảnh ngộ".

Hạnh phúc đơm hoa

7 năm sau, Thịnh lập gia đình. Vợ anh là chị Trần Thị Duyên, giáo viên mầm non cùng quê Bắc Ninh. Hai người quen nhau trong một lần đi học giáo lý vào đời dành cho những bạn trẻ đến tuổi lập gia đình vào cuối tháng 11 năm 2006. Khi ấy, đến lúc thầy giáo điểm danh đến tên Thịnh thì thấy có người thưa hộ và chị bắt đầu chú ý đến chàng trai đặc biệt này. Đó là một người thanh niên cao ráo đẹp trai, suốt ngày mặc quần áo hoa hòe hoa sói nhưng lại không giao tiếp bình thường được. "Mới đầu mình cũng không thích lắm nhưng biết anh ấy là người khuyết tật nên mình chú ý nhiều hơn", chị Duyên nhớ lại.

Mái ấm hạnh phúc của anh Thịnh. Ảnh nhân vật cung cấp

Như duyên số trời định, trong một lần Duyên đi học muộn, lễ đường chỉ còn 1 chỗ duy nhất cạnh Thịnh ngồi là trống và không để người đẹp phải đắn đo, Thịnh nhanh nhảu ra hiệu mời ngồi. Thịnh tiếp thu, nghe thầy giảng câu được, câu mất nên từ hôm đó, người con gái tên Duyên đã cho anh chép bài. Không biết do làm nghề giáo viên hay lý do gì nhưng Duyên tự biết phải giao tiếp với Thịnh và cả hai bắt đầu có cảm tình từ đó.

Cũng trong hôm đó, Thịnh hỏi cô gái mới quen: "Em đã có người yêu chưa?". Khi biết "đối tượng" chưa có người yêu, Thịnh mạnh dạn: "Anh cũng chưa có người yêu, em đồng ý làm người yêu anh nhé!". Lời tỏ tình qua giấy của Thịnh quá bất ngờ nhưng rất chân thành đã khiến cô giáo mầm non Trần Thị Duyên tuy thẹn thùng nhưng rồi đã đồng ý.

"Khi biết chuyện mình yêu anh Thịnh, gia đình mình phản đối dữ lắm. Vì là cha mẹ, ai cũng mong con gái mình có một chỗ dựa vững chắc, đằng này… anh ấy lại là người khiếm khuyết. Nhưng chúng mình đến với nhau bằng tình thương, sự thông cảm nên mình nghĩ nếu không lấy mình được, anh Thịnh cũng có thể lấy người khác nhưng liệu rồi người ấy có hiểu và cảm thông để gắn bó với anh ấy được hay không? Vì vậy, mình đã cố gắng thuyết phục gia đình cho phép để mình được chăm sóc, gắn bó với anh ấy cả cuộc đời", chị Duyên khẳng định.

Năm 2007, đám cưới của anh chủ hiệu cắt tóc Phạm Văn Thịnh và cô giáo mầm non Trần Thị Duyên được tổ chức trong niềm hân hoan của mọi người. Hạnh phúc vỡ òa khi một năm sau, vợ chồng anh chị sinh được một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Cô con gái út của anh chị mới lên 3 tuổi, sống cùng bố và bà nội ở quê.

Tuy vậy, chị Duyên dạy học ở Đống Đa, Hà Nội, con trai đầu của anh chị hiện đang học lớp 1, ở cùng với mẹ tại Hà Nội cho tiện việc học hành nên chỉ dịp cuối tuần gia đình mới được đoàn tụ.

Thạch Văn
.
.
.