Chàng trai Tây Nguyên “Từ trường làng ra thế giới”
Hành trình Quang đã trải qua và thấy khâm phục sự quyết tâm, nghị lực và sự già dặn trong suy nghĩ của chàng trai khi ấy chỉ mới học lớp 11 ở một ngôi làng trồng cà phê trên cao nguyên Đắk Lắk.
1. Câu chuyện vượt khó quyết tâm ấy của Quang đã khá xa rồi, khi ấy là năm 2010, đến nay đã tròn 1 thập kỷ. Và giờ đây, Quang đã làm việc trong Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Amazon của Mỹ.
Đỗ Liên Quang (thứ 2 từ trái sang) là người sáng lập CLB Sinh viên quốc tế tại Đại học Duke. |
Tất cả bắt nguồn từ ước mơ thoát khỏi tầm hẹp, muốn mở ra một chân trời rộng lớn hơn. Ấy là vào những ngày của năm 2010, khi Quang là một học sinh lớp 11 nhưng không có suy nghĩ là phải học theo một "lập trình" có sẵn là học hết cấp 3, vào đại học rồi tốt nghiệp, ra trường có một công ăn việc làm. Là một học sinh giỏi, Quang luôn luôn cố gắng và suy nghĩ không ngừng.
Khi biết tin Trường UWC có những suất học bổng toàn phần dành cho học sinh THPT qua Báo Giáo dục thời đại, tờ báo mà khi ấy mẹ Quang, một giáo viên thường hay mang về nhà; để rồi biết thông tin về suất học bổng, Quang đã một mình bắt xe từ Đắk Lắk ra Hà Nội, đi mất hơn 1 ngày 1 đêm. Cậu chỉ thông báo với gia đình là ra Hà Nội có việc và tự xin phép nghỉ học 2 buổi ở trường để đi dự vòng phỏng vấn. Bố mẹ Quang vì biết tính con trai, cũng không hỏi nhiều.
May mắn thay, trên đường từ Đắk Lắk, cậu gặp một cô bạn gái cũng đi phỏng vấn cùng đợt đó. Đó cũng là sự ấm áp duy nhất trên suốt chặng đường từ Đắk Lắk ra Hà Nội. Đọc những dòng suy nghĩ của Quang, của một chàng trai nhà quê lần đầu ra thành phố, ngơ ngác với mọi thứ ở thị thành và nhất là, cảm nhận thấy "sự ngây thơ, ngơ ngác" và tự ti trước các bạn ở thành phố.
Khi gặp các bạn đi phỏng vấn, Quang càng cảm thấy sự tự ti vì thấy mình kém cỏi so với các bạn ở thành phố. "Mọi người trong nhóm phỏng vấn rất tự tin, cứ như họ có tất cả các kiến thức từ trước. Dù thế nào đi nữa thì tôi vẫn thấy mình kém cỏi hơn tất cả mọi người. Các bạn có thể nói bất cứ một chủ đề gì và bàn bạc về nó một cách hết sức thông thạo". Nhưng Đỗ Liên Quang đã vượt qua mặc cảm đó rất nhanh và tự tin nhủ mình phải vượt qua bằng mọi cách ở vòng phỏng vấn.
Và kết quả cho sự vượt lên chính mình ấy là suất học bổng toàn phần của UWC. UWC là một tổ chức giáo dục quốc tế kết nối con người, quốc gia và các nền văn hóa bằng giáo dục. Các học sinh khi nhận được học bổng của trường này, có thể đi học ở nhiều nơi vì UWC có các điểm ở nhiều nước. Năm đó, Đỗ Liên Quang học tại địa điểm Hà Lan.
Cũng phải nói thêm rằng, trong những năm học cấp 2, và năm lớp 10, Đỗ Liên Quang đã ấp ủ ước mơ được vươn ra thế giới. Quang đã tự bồi dưỡng và trang bị cho mình nhiều kiến thức cũng như tham dự vào nhiều dự án, nhiều hoạt động ngoại khóa để có thành tích tốt khi điền hồ sơ du học.
Khi biết tin mình trúng tuyển, Quang cũng vẫn một mình tự lo liệu mọi thứ từ giấy tờ và hoàn thiện hồ sơ du học. Từ cao nguyên xa xôi, lại lần đầu tiên ra Hà Nội, rồi sau đó lần đầu tiên đi máy bay ra nước ngoài học tập, mọi sự đều bỡ ngỡ của lần đầu tiên.
Sân bay quốc tế đông người, vốn tiếng Anh chưa nhiều, nhưng Quang đã vượt qua tất cả để đến được đất nước Hà Lan. Ở đây Quang học tập với nhiều các bạn đến từ khắp nơi trên thế giới. Và như Quang nói, điều này cho Quang có nhiều trải nghiệm, được gặp gỡ, làm quen và biết về nền văn hóa của đất nước các bạn.
Trong quá trình học THPT tại trường, vẫn với tâm thế luôn cố gắng, Quang đã tốt nghiệp và tiếp tục giành được học bổng toàn phần tại Đại học Duke của Mỹ năm 2012, sau đó đến 2016 tốt nghiệp cử nhân Khoa học não bộ và Kinh tế học, 2017 tham gia chương trình đào tạo quản lý của Công ty Nike…
2.Trả lời email của tôi, Quang cho biết, vợ chồng anh hiện đều làm cho công ty Amazon của Mỹ. Hai người đã học cùng trường rồi quen nhau, ra trường đều đi làm và đã đăng ký kết hôn năm ngoái. Chi, vợ anh, làm với vai trò phân tích dữ liệu, còn Quang quản lý sản phẩm phần mềm.
Thành phố Seattle của tiểu bang Washington ở phía Tây Bắc nước Mỹ. Là thành phố công nghệ lớn của Mỹ, có rất nhiều các công ty nổi tiếng ở đây như là Amazon, Microsoft, Google, Facebook, Cisco, Tableau… Seattle cũng là thành phố có nhiều người nhập cư, nên đa dạng về chủng tộc, có nhiều người châu Á và người Việt Nam sinh sống tại đây.
Cha con Đỗ Liên Quang trong ngày Quang tốt nghiệp cử nhân ĐH Duke danh tiếng của Mỹ. |
Khi đã trưởng thành, Quang vẫn không ngừng phấn đấu trong cuộc sống và làm việc. Làm cho một tập đoàn lớn như Amazon, công việc nhiều và cũng nhiều thử thách. Để phát triển bản thân thì mỗi người phải tự cố gắng, luôn tự nghĩ là ý tưởng và thực hiện thành công.
Hiện tại, Quang làm việc với vai trò quản lý sản phẩm phần mềm, là một lĩnh vực đòi hỏi phải suy nghĩ rất đa chiều, gần giống như là một mini-CEO vì mình phải tự quyết định là sẽ xây dựng những chức năng gì cho sản phầm, tại sao lại làm những chức năng đó, kế hoạch xuất sản phẩm là khi nào, nếu có khó khăn gì về nguồn lực thì phải bỏ cái gì, giữ lại cái gì, cân bằng giữa cái khách hàng muốn với mục tiêu của công ty.
Chia sẻ về công việc ở một công ty lớn của Mỹ, Quang cho biết, luôn chủ động trong công việc, không bao giờ trông chờ xem là sếp giao việc gì cho mình. Tự động giơ tay và đảm nhiệm công việc mới khi thấy mình có thể làm được và luôn thử thách bản thân. Ở Amazon, không ai bảo nhân viên là phải đi làm mấy giờ, mà quan trọng nhất là mình cung cấp được kết quả như đã hứa, hoặc tốt hơn.
Từ khi đi học, Quang vẫn luôn hướng về Việt Nam. Quang cho biết, hồi còn học đại học, em tổ chức hay tham gia những dự án mang lại cơ hội giáo dục cho các bạn học sinh ở Việt Nam, đặc biệt là ở Tây Nguyên.
Năm 2012, Quang lập ra dự án "Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên", mà vẫn hoạt động tới bây giờ, giới thiệu các bạn học sinh, sinh viên ở Tây Nguyên tới các hoạt động cộng đồng, kỹ năng làm dự án xã hội. Quang cũng làm việc với một nhóm các bạn trẻ để lập ra một chương trình nữa là một trại hè quốc tế, đem các bạn sinh viên quốc tế tới để giao lưu với các bạn học sinh cấp 3 ở Tây Nguyên.
Với cuốn sách "Trường làng vẫn ra thế giới", Quang muốn ghi lại hành trình đã đi qua của mình, là một sự tự ghi nhớ và cũng là mong truyền cảm hứng cho các bạn học sinh ở Việt Nam, những ai đọc cuốn sách này, sẽ cố gắng rèn rũa để bản thân luôn tốt lên.
"Điều duy nhất ngăn cản chúng ta chính là suy nghĩ của chính bản thân mình. Hãy tin vào bản thân và đừng tin vào những gì coi là thường lệ. Nếu chúng ta có thể giải phóng được niềm tin của mình, chúng ta sẽ dám ước mơ những điều to lớn hơn… Ngày hôm đó trên chuyến xe đò, tôi đã quyết định với bản thân sẽ mang theo niềm tin đó suốt phần đời còn lại".