Cậu bé tự kỷ trở thành tài năng âm nhạc
Sở hữu bộ sưu tập dài dằng dặc các giải thưởng lớn về piano cả trong nước lẫn quốc tế. Cách nói chuyện thông minh, lém lỉnh và pha chút hài hước khiến người đối diện rất có cảm tình. Ít ai có thể ngờ rằng trước đó Nguyễn Văn Vinh (phố Vạn Phúc, Hà Nội) đã từng là một đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ. Hành trình để được trở thành một người bình thường và một tài năng âm nhạc của Vinh mới nhọc nhằn và chông gai làm sao.
Từ cậu bé tự kỷ
Nghe tiếng bố gọi, cậu bé Vinh (12 tuổi) chạy từ phòng ngủ xuống phòng khách. Gương mặt bầu bĩnh vẫn còn vương chút ngái ngủ. Nhưng khi nhìn thấy chúng tôi, Vinh đã mau mắn nhoẻn miệng cười và cất lời chào rất lễ phép. Quả là nếu không biết trước về nhân vật mà mình sẽ gặp thì chúng tôi không sao tưởng tượng nổi gần mười năm về trước Vinh đã mắc chứng tự kỷ trầm trọng. Điều đau buồn ấy đã khiến bố mẹ Vinh nhiều lúc chán nản đến tuyệt vọng và muốn buông xuôi, chấp nhận coi như Vinh là kẻ "bỏ đi".
Quẫn trí thì nghĩ thế, nhưng tình thương yêu khúc ruột mà mình đẻ ra đã khiến họ không cho phép mình làm điều đó. Và trong hành trình đưa con trở về làm một người bình thường đôi khi khiến bố mẹ Vinh kiệt sức. Nhưng cuối cùng thì họ đã chiến thắng.
Một tuổi, cũng như bao đứa trẻ khác lững chững tập đi, bập bẹ tập nói. Thế nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn thì vốn từ của Vinh không phát triển nữa. Thậm chí những từ đã nói được trước đó cũng tịt luôn. Cả gia đình hoang mang lo lắng không biết con mình đã mắc phải bệnh gì. Nhưng rồi hầu hết mọi người xung quanh đều trấn an đôi vợ chồng trẻ rằng, nó đã từng nói được rồi thì lo gì bị câm. Từ suy nghĩ đó cũng khiến bố mẹ Vinh an tâm đôi phần. Nhưng càng theo dõi sự phát triển của con thì những lo lắng về một sự bất bình thường càng tăng lên rõ rệt.
Không chịu nói, không chịu giao tiếp với bất kể ai, suốt ngày chỉ lúi húi vào một thứ đồ chơi mà mình yêu thích. Hễ ai chạm đến thì gào thét lăn ra ăn vạ. Đến tuổi đi học mẫu giáo, Vinh càng tỏ ra bất thường hơn bao giờ hết. Khi các bạn ngồi học thì Vinh chạy nhảy lung tung, đến giờ ăn thì gào thét. Khi các bạn đi ngủ thì Vinh lại mang đồ chơi ra một góc để chơi. Có lần trong lúc cô đang dạy các bạn múa hát thì Vinh lẻn vào nhà tắm, đóng cửa rồi xả nước trong đó khiến các cô một phen hết hồn. Thế nên, Vinh hầu như không học được ở trường nào lâu hơn một tháng.
Đến đâu, Vinh cũng là nỗi ám ảnh của bạn bè và các cô giáo. Đến lúc này thì bố mẹ Vinh không thể không tin là con mình đang phát triển một cách không giống ai. Ngồi bên con trai, anh Quang - bố Vinh chia sẻ: "Trước sự bất thường đó của con, gia đình tôi rất hoang mang. Vợ chồng tôi đưa con đi khám xét khắp nơi, thậm chí vào cả khoa thần kinh tâm thần của các bệnh viện lớn nhưng bác sĩ vẫn không gọi được tên bệnh của cháu. Hồi đó, khái niệm tự kỷ còn rất xa lạ với người Việt Nam. Thế nên cứ nghe thấy ở đâu người ta mách có thầy tốt, thuốc hay là vợ chồng tôi lại mang con đến nhưng kết quả là vô vọng".
Bố mẹ Vinh đều là công chức nhà nước, mẹ là giảng viên của một trường đại học, bố là Phó phòng quản trị Ban Cơ yếu Chính phủ nên buộc phải đi làm theo giờ hành chính. Không có người trông con nên bố mẹ Vinh vẫn phải gửi con ở các trường mẫu giáo tư thục. Tuy nhiên, cứ dăm bữa nửa tháng người ta lại gọi anh chị lên để đưa con về, dù rằng biết thân biết phận nên trước đó anh chị cũng đã có chế độ đãi ngộ các cô giáo rất hậu hĩnh. Thương con và khát khao chạy chữa khỏi bệnh cho con nên bố Vinh đã làm đơn trình bày hoàn cảnh gia đình với cơ quan để được đi muộn về sớm, chấp nhận mức lương thấp để có nhiều thời gian hơn bên con.
Vinh ăn uống rất khó khăn. Lên bốn tuổi nhưng vẫn ăn cháo, mà là cháo xay. Chỉ cần vướng một hạt cháo còn nguyên là Vinh phì ra ngay. Thế nên việc cho con ăn uống đối với bố mẹ Vinh là một cực hình.
Biết con mắc bệnh sợ tiếp xúc nên bố Vinh luôn thường xuyên tìm cách đưa con đi chơi đây đó để dạn ra. "Tôi nhớ có một lần khi đang dắt Vinh dạo trong vườn Bách Thảo, lúc đi qua hồ nước tự nhiên thấy con rứt tay ra rồi chạy tới lao ùm xuống hồ. Tôi hoảng quá cũng lao theo. Sau này tìm hiểu mới biết, vì ở nhà Vinh thích tắm thế nên khi nhìn thấy hồ nước Vinh tưởng nó giống như cái bồn tắm ở nhà mình. Cũng may hồi đó mùa đông, nước không quá sâu nên thằng bé không sao cả" - bố Vinh nhớ lại.
Một thời gian ngắn sau sự cố đó, bố mẹ quyết định gửi Vinh vào Trường câm điếc xã đàn. Chính tại môi trường "đặc biệt" này đã mang đến sự thay đổi kỳ diệu, giúp Vinh dần hòa nhập với những người xung quanh.
Giở lại cuốn nhật ký đã úa vàng vì dấu ấn của thời gian, anh Quang chỉ cho tôi xem những ghi chép tỉ mỉ của các cô giáo trực tiếp dạy Vinh: "Ngày 23/5/2004, Vinh đã biết cầm thìa tự xúc cháo ăn. Tuy chưa gọn nhưng đã tiến bộ hơn. Ngày 24/5/2004, được cô giáo hướng dẫn, Vinh có thể tự cất dép lên giá. Buổi trưa Vinh ngủ chưa ngon giấc". Cứ mỗi buổi chiều đến đón con, anh Quang lại được các cô đưa tận tay những ghi chép để biết Vinh đã làm được gì và chưa làm được gì trong ngày hôm đó. Dần dần Vinh đã biết cách nghe và trả lời những câu hỏi đơn giản.
Không chỉ học ở Trường câm điếc Xã Đàn mà Vinh còn được bố mẹ thuê những anh chị sinh viên khoa tâm lý của Trường Đại học KHXH&NV đến tận nhà vừa chơi vừa dạy cho Vinh. Người soạn giáo án cho những lần lên lớp của các anh chị ấy lại chính là bố của Vinh. Vì con mắc bệnh đặc biệt nên anh Quang đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về căn bệnh đó. Sau hơn một năm học tại Trường câm điếc Xã Đàn, Vinh đã tự mình làm được hầu hết những việc đơn giản. Và đến tuổi đi học, Vinh đã có thể đi học bình thường như bao bạn khác tuy nhiều phản ứng vẫn còn chậm.
Đến nghệ sĩ piano xuất sắc của Việt Nam
Không biết nói và cũng "không thèm" nghe người khác nói gì nhưng có một điều đặc biệt là Vinh rất nhạy cảm với âm nhạc. Ngay từ hồi bé tí, dù đang rất tập trung chơi đồ chơi nhưng chỉ hễ nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo là mắt cậu bé lại sáng lên, khuôn mặt như giãn ra. Lên 5 tuổi, trong một lần đi theo chị gái học đàn organ, Vinh đã khiến cô giáo của chị hết sức bất ngờ khi có thể đánh điêu luyện các hợp âm dù chưa học một buổi nào về nhạc lý.
Vinh rất mê nhạc, mê đến nỗi mỗi buổi sáng nếu muốn đánh thức cậu bé dậy chỉ cần mở một bản nhạc. Những cô giáo dạy chị gái của Vinh đều nhận xét Vinh có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Điều này khiến bố mẹ cậu bán tín bán nghi, bởi lẽ gia đình không ai dính dáng gì đến nghệ thuật. Tuy vậy, vì muốn biết con mình có năng khiếu thật sự hay không, bố Vinh đã nhờ người quen đưa Vinh đến nhà của nhạc sĩ Phú Quang và nhờ ông thẩm định. Không ngờ người nhạc sĩ này gật đầu thừa nhận khả năng âm nhạc thiên bẩm của cậu bé Vinh. Và chính ông là người đã gửi gắm Vinh cho cô con gái mình kèm cặp là nghệ sĩ piano Trinh Hương.
![]() |
Vinh cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong chương trình hòa nhạc chào xuân 2012. |
Ngoài khả năng âm nhạc trời phú, cậu bé Vinh còn có một trí nhớ rất tốt. Thế nên những kiến thức mới được Vinh tiếp thu rất nhanh và nhớ rất lâu. Nhiều khi, cô giáo Trinh Hương chỉ cần đánh qua một lần Vinh đã nhớ hết các nốt nhạc và chơi lại thuần thục. Gia đình không ai biết chơi nhạc nên không thể kèm em mỗi khi về nhà. Bố Vinh đã nghĩ ra cách là mua một chiếc máy quay phim để ghi lại buổi học của em ở trên lớp. Sau đó về nhà sẽ mở lại cho Vinh xem để Vinh tập thêm. Đắm mình trong không gian âm nhạc đã biến Vinh trở thành một con người hoàn toàn khác. Đôi khi đăm chiêu, suy tư như một cụ già, khi lại vui tươi, hoạt bát hẳn lên.
Năm 2010, khi đó Vinh 10 tuổi, lần đầu tiên Vinh tham dự những cuộc thi chuyên nghiệp về piano. Niềm vui là khôn tả nhưng bố mẹ cũng như cô giáo Trinh Hương đã không thể giấu được sự lo lắng. Bởi lẽ, mọi người sợ Vinh chưa va chạm nhiều, chưa khi nào biểu diễn ở những sân khấu lớn. Vậy mà không ngờ, trước âm nhạc Vinh trở thành một người tự tin hơn bao giờ hết. Lần thi đầu tiên ấy, Vinh đã ẵm giải vàng tại Liên hoan âm nhạc tổ chức tại Hàn Quốc. Vinh kể: "Cái lần em sang Malaysia để dự cuộc thi piano quốc tế lần thứ 5. Ngay trước hôm thi em bị sốt rất cao, tận 41 độ. Mọi lần đi thi mẹ em lúc nào cũng mang thuốc đi theo phòng khi em ốm, thế mà không hiểu sao lần đó mẹ lại không mang. Sau này em nghe mẹ kể lại là cả mẹ và cô Trinh Hương đã phải đi rất nhiều hiệu thuốc mới năn nỉ được họ bán cho thuốc hạ sốt. Vì bên đó họ bán thuốc theo đơn".
Mặc dù đã uống thuốc nhưng tình hình cũng không mấy khả thi nên bố mẹ Vinh và cô Trinh Hương đành quyết định cho Vinh dừng cuộc thi. Nhưng Vinh đã khóc và năn nỉ cho Vinh được thi. Thật không ngờ, do niềm đam mê cháy bỏng và sự quyết tâm cao độ, Vinh đã giành được giải nhì của cuộc thi.
Âm nhạc đã biến một cậu bé tự kỷ hòa nhập với cộng đồng tốt hơn bất kể phương pháp chữa trị nào. Vinh đã thay đổi số phận cuộc đời mình bằng chính những nốt nhạc chất chứa biết bao cảm xúc và gửi gắm trọn vẹn niềm đam mê. Ước mơ cháy bỏng của cậu bé tự kỷ ngày nào là "được trở thành một nghệ sĩ piano thành danh không chỉ của Việt Nam mà trên toàn thế giới". Cầu chúc cho ước mơ tươi sáng đó của Vinh sẽ trở thành hiện thực vào một ngày không xa.
Tháng 7/2010 đoạt huy chương vàng tại Liên hoan âm nhạc tổ chức tại Cheonan, Hàn Quốc; Tháng 9/2010 đoạt giải khuyến khích bảng A (lứa tuổi từ 10-13) trong cuộc thi piano quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam; tháng 9/2010 được trao học bổng TOYOTA dành cho học sinh xuất sắc của các trường nghệ thuật; tháng 1/2012 tham gia biểu diễn trong chương trình hoà nhạc đặc biệt chào xuân 2012 cùng với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội do nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji chỉ huy; tháng 9/2012 đoạt giải nhì bảng A (lứa tuổi từ 10-13) và giải thí sinh trình diễn nhạc cổ điển hay nhất trong cuộc thi piano quốc tế lần thứ hai tổ chức tại Việt Nam; tháng 11/2012 đoạt giải nhì Concerto Category bảng A trong cuộc thi piano quốc tế lần thứ năm tại Kuala Lumpur, Malaysia. Hiện Vinh đang là học sinh năm thứ 4, hệ Trung cấp 9 năm Học viện Âm nhạc quốc gia. |