Cậu bé lính chì dũng cảm
"Cải tử hoàn sinh" cho cậu bé tí hon
Tối 7-3, đứng tại cổng khu tập thể của Học viện Quân y (Hà Đông, Hà Nội) chờ gặp mẹ con cháu Bình, tôi cứ thấp thỏm. Từ xa, người phụ nữ trẻ dắt tay đứa bé tung tăng chân sáo đi ra từ sau cổng gác. Tôi cố hình dung lại khuôn mặt của Bình cách đây một năm, khi tới gần thì nhủ thầm "đúng rồi".
Cậu bé mang gương mặt phúng phính hồn nhiên khi được mẹ giới thiệu đã lễ phép "cháu chào bác" thật dõng dạc rồi kéo chúng tôi vào khu tập thể. Đi qua cánh cổng, bé còn cố ý trêu chú lính gác rồi cười giòn tan. Điều khiến tôi đặc biệt bất ngờ là vóc dáng "tí hon" của cậu bé.
Tuy đã 8 tuổi nhưng Bình chỉ có chiều cao bằng các bé 3 tuổi. Sau 1 năm phẫu thuật, Bình đã tăng 8kg (lên 19kg) nhưng chiều cao lại không tăng nhiều. Nhìn cậu bé tí hon chạy phía trước, khi đi qua một cánh cổng khác dừng lại nô đùa với chú lính gác, tôi bật cười với vẻ hồn nhiên vui tươi của bé. Ly Chương Bình đã trở thành cậu bé thân thuộc với mỗi người ở khu tập thể này.
Sức khỏe cháu Bình ngày càng tốt lên. |
Bé nô đùa, chạy nhảy và hiếu động như bất kỳ đứa trẻ nào cùng lứa tuổi, điều mà từ khi sinh ra đến khi làm giải phẫu ghép phổi, cả gia đình cháu không bao giờ dám mơ ước tới. Niềm vui này là hạnh phúc và thành công không gì sánh nổi của gia đình cháu, của các Giáo sư, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện ca đại phẫu thuật và những người chăm sóc điều trị cho cháu tới hôm nay.
Bình là con trai thứ 2 của vợ chồng anh Ly Cù Giàng và chị Phàn Thị Tâm ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Từ khi 2 tháng tuổi đã suốt ngày đau ốm triền miên, khó thở, quấy khóc. Chính vì bệnh tật mà cơ thể Bình yếu ớt và thấp bé hơn rất nhiều so với trẻ em cùng lứa. Lên 7 tuổi mà Bình chỉ nặng chưa tới 10kg, cao bằng đứa trẻ 2 tuổi.
Cách đây 1 năm, vợ chồng anh Giàng đưa con trai xuống Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, họ đã vô cùng tuyệt vọng khi hay tin con mình bước vào giai đoạn gần như vô phương cứu chữa. Bình mắc bệnh giãn phế quản lan tỏa bẩm sinh cả hai phổi, cuộc sống chỉ được tính bằng tháng.
Khó thở đến mức chỉ cần vào phòng có cửa nhôm kính, khi mở cửa ra là đã thở rất khó khăn. Nếu không ghép phổi thì bé sẽ chết. Nghe được thông tin này, người mẹ đã gặp bác sĩ đề nghị được hiến phổi cứu con.
Nhưng theo Đại tá, PGS.TS Bùi Văn Mạnh, Chủ nhiệm Bộ môn Hồi sức cấp cứu, Học viện Quân y thì để thành công, lựa chọn số một là ghép từ phổi của bố bởi sức khỏe của bố sẽ tốt hơn, chỉ số tương thích cũng tốt hơn. Bệnh của Bình phải cắt bỏ cả 2 phổi, do vậy phải có 2 người cho tạng. Chỉ cần một phần phổi của người lớn thì đã đảm bảo cho một bên phổi của cháu.
Cháu Ly Chương Bình vui vẻ cùng mẹ tại căn phòng tập thể của Học viện Quân y. |
Nhưng cuộc vận động gia đình chấp nhận để bố và bác ruột cho tạng là cả một quá trình khó khăn và gian nan. Ngoài các bác sĩ của Học viện Quân y nhiều lần về quê của cháu bé thì còn có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, mới vận động được gia đình chấp thuận.
Rất may đây là ca ghép phổi cùng huyết thống nên có lợi về mặt miễn dịch và kết quả ghép tốt hơn. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Bệnh viện ĐH Okayama - Nhật Bản, sau 12h, các giáo sư, bác sĩ của Học viện Quân y đã ghép phổi cho cháu Bình đã thành công. Một năm sau ca ghép phổi lịch sử, Bình đã trở thành cậu bé "tí hon" khỏe mạnh đáng yêu hơn bao giờ hết.
Căn phòng tập thể khép kín chừng 20m2 của mẹ con cháu Bình nằm ở tầng 5 được Học viện Quân y cho ở miễn phí. Thật trùng hợp khi tới đây chúng tôi mới được biết, ở cùng phòng với mẹ con Bình là em Nguyễn Thị Diệp - trường hợp ghép gan đầu tiên ở Việt Nam cách đây 14 năm.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Quân Y 1 ở Sơn Tây, được sự giúp đỡ của Học viện Quân y, Diệp đã được vào làm việc tại khoa Dược của Bệnh viện Quân y 103. Để tạo điều kiện tốt nhất cho em, Bệnh viện đã sắp xếp cho Diệp ở miễn phí tại khu tập thể này.
Dắt chúng tôi vào căn phòng đơn sơ nhưng ngăn nắp, bé Bình líu ríu như chú chim non, quấn lấy chúng tôi hỏi hết chuyện này tới chuyện khác. Một năm ở Hà Nội, giọng nói của bé đã gần giống người Kinh, chỉ thỉnh thoảng mới pha lẫn giọng "lơ lớ" của người Dao.
Bình khoe với tôi rất nhiều đồ chơi, thỉnh thoảng lại ra câu đố hóm hỉnh, nhìn vào cuốn sổ ghi chép của tôi đánh vần ghép chữ. Cậu bé lại cười khanh khách, chạy nhảy, đá bóng rất vui vẻ. Hiện tại bé đã hoạt bát khỏe mạnh như mọi trẻ em bình thường khác. Vừa lau mồ hôi cho con, chị Phàn Thị Tâm vừa khoe "con chạy nhảy suốt, không biết mệt mỏi".
Điều kỳ diệu của y học
Theo lời kể của chị Tâm thì sau ghép phổi, Bình nằm 7 tháng ở phòng vô trùng để được chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên đây là ca ghép phổi đầu tiên nên sức khỏe của bé vẫn tiếp tục cần được theo dõi. Quê Bình ở giáp với biên giới Trung Quốc, điều kiện kinh tế eo hẹp, để đi về Hà Nội khám chữa bệnh là cả một quá trình vô cùng khó khăn.
Học viện Quân y đã tạo điều kiện cho chị Tâm được vào làm đóng gói thuốc tại Trung tâm Nghiên cứu thuốc của Bệnh viện Quân y 103 với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Học viện tạo điều kiện về chỗ ở cho hai mẹ con, xin học cho cháu Bình vào lớp 1 Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông).
Tháng 9-2017, Bình cùng mẹ rời phòng vô trùng về sống tại căn phòng trong khu tập thể và bắt đầu đến trường. Cuộc sống bình thường đã quay về nhưng lại mở ra với cậu bé bao nhiêu điều mới lạ. Từ khi 2 tháng tuổi Bình đã sống trong bệnh tật và gắn liền với bệnh viện. Cậu bé rất ít được ra ngoài vui chơi, chỉ ngồi không đã khó thở và lúc nào cũng mệt mỏi.
Thế nên giờ đây cậu được hít thở không khí trong lồng ngực mới, được đến trường có nhiều bạn bè thì chẳng khác nào con chim sổ lồng. Cậu bé quấn lấy chúng tôi kể về các bạn ở lớp, kể về cô giáo với niềm vui khó tả. Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Tâm vừa theo con lau mồ hôi trên đầu, trên lưng. Với những trường hợp ghép tạng thì rất "nhạy cảm" với thời tiết, vì thế chị luôn giữ cơ thể cho con lúc nào cũng khô thoáng. Khi đi ra ngoài lúc nào Bình cũng phải mang khẩu trang để tránh nhiễm khuẩn.
Ngoài uống thuốc chống thải ghép, Bình còn phải uống thêm 4 loại thuốc nữa mỗi ngày. Chính vì vậy mà trưa nào chị Tâm cũng đạp xe đến trường đưa con về viện uống thuốc, ăn cơm rồi chiều lại đưa con tới lớp. Dù giờ đây bé không phải ăn theo chế độ đặc biệt như khi còn theo dõi trong phòng vô trùng, nhưng chế độ ăn của Bình vẫn được bệnh viện ưu tiên riêng để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe.
"Mẹ con em hàng ngày vẫn được ăn 3 bữa miễn phí ở bệnh viện. Em đi làm mỗi tháng còn để ra được 2 triệu gửi về quê cho chồng nuôi con trai lớn" - chị Tâm cho biết. Nhắc đến các thầy thuốc ở Học viện Quân y và Bệnh viện 103, chị Tâm chỉ biết dùng hai từ "biết ơn" để bày tỏ tấm lòng của gia đình mình với những người đã cứu sống con chị, tạo mọi điều kiện cho cháu được chăm sóc và theo dõi y tế một cách tốt nhất.
Khi tiếp xúc với cậu bé thông minh, đáng yêu này, tôi mới hiểu vì sao mà Đại tá, PGS.TS Bùi Văn Mạnh, người đã theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho bé trong suốt quá trình hậu phẫu lại yêu thích cậu bé đến vậy. Có lẽ, không thầy thuốc nào ở bệnh viện lại không yêu bé cho được.
Cậu bé lính chì đã hoàn toàn khỏe mạnh. |
Khó ai có thể ngờ rằng, một cháu bé 7 tuổi đã nằm trong ranh giới của sự sống và cái chết lại được "cải tử hoàn sinh" nhờ thành tựu của y học. Bố và bác ruột của cháu bé sau 2 tháng cho phổi đã xuất viện về nhà và hiện nay hoàn toàn khỏe mạnh, đi làm bình thường.
Tết Mậu Tuất là cái Tết vui nhất trong 8 năm qua của gia đình chị Tâm. Gần 1 năm nằm viện, Bình đã được về quê ăn Tết. Thấy cháu khỏe mạnh, ông bà nội của Bình vui mừng đến nỗi cả ngày chỉ nhìn cháu chằm chằm khiến bé phải thốt lên. "sao ông bà nhìn cháu nhiều thế".
Ông bà vui mừng trào nước mắt, họ khóc vì suýt chút nữa đã mất cháu chỉ vì tư tưởng lạc hậu. Nếu ngày đó họ vẫn khăng khăng không đồng ý để hai người con trai cho cháu nội phổi thì giờ đây làm sao còn được trông thấy cháu khỏe mạnh mà lớn lên.