Cảm phục họa sĩ tật nguyền vẽ tranh bằng miệng

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:16
Sinh ra trong hình hài tật nguyền, chân tay teo tóp, biến dạng do bị nhiễm chất độc da cam và sớm phải sống trong làng trẻ em Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh), nhưng Lê Minh Châu đã vượt qua tất bệnh tật, mặc cảm để trở thành họa sĩ vẽ tranh bằng miệng khá nổi tiếng…

Có lẽ khi tiếp xúc và trò chuyện với anh, chúng tôi mới hiểu được phần nào cố gắng vươn lên, nghị lực phi thường, hết lòng say mê với công việc của Châu để thay đổi cuộc đời và xây dựng những ước mơ mà không phải ai cũng làm được…

Bức tranh 3 triệu đồng và cái tên họa sĩ Lê Minh Châu chính thức ra đời

Do bị nhiễm chất độc da cam nên ngay từ khi được sinh ra, Lê Minh Châu (năm nay 25 tuổi, quê Đồng Nai) đã có hình hài dị dạng, chân tay co quắp, không chỉ khiến việc đi lại trở nên khó khăn mà đôi tay yếu ớt còn khiến anh không thể làm được những việc đơn giản như một người bình thường.

Để có thể vẽ tranh bằng miệng thuần thục, Châu đã phải luyện tập rất nhiều.

Khi chỉ mới được sáu tháng tuổi, Châu được cha mẹ gửi vào làng trẻ em Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) để được chăm sóc, dạy dỗ… Có lẽ cũng chính vì những điều này mà chẳng ai dám tin có một ngày Châu lại trở thành một họa sĩ vẽ tranh bằng miệng.

Hôm hẹn gặp chúng tôi, Châu về trễ vì theo lời Châu thì anh phải đi tư vấn và chỉ dạy cho một người đang học vẽ tranh tại nhà riêng của người này bên quận 7 - một công việc mà Châu có vẻ rất thích thú.

Mở cửa cho chúng tôi vào căn phòng đang thuê để ở và cũng là phòng tranh của mình ở đường Phan Văn Trị, phường 2, quận 5, Châu xởi lởi và rất vui khi thấy chúng tôi chăm chú xem từng bức tranh. Châu bảo rằng mình có thể vẽ hầu như tất cả các loại tranh, từ tranh chân dung, tranh phong cảnh đến tranh trừu tượng…

Tuy nhiên, tranh chân dung là khó vẽ nhất vì nó có nhiều chi tiết và phải thể hiện được thần thái gương mặt của nhân vật. Trong khi đó tranh phong cảnh và tranh trừu tượng là theo cảm hứng và sáng tạo của riêng Châu…

Kể về cơ duyên đến với nghề vẽ - một nghề tưởng chừng khó khăn vô cùng nếu không muốn nói là không tưởng với một người có đôi tay không bình thường như bao người, Châu vui vẻ cho biết, năm lên 9 tuổi, trong một lần làng trẻ em Hòa Bình mời họa sĩ đến vẽ trang trí lên tường lớp học, anh đã rất thích thú khi tận mắt chứng kiến cảnh người họa sĩ ấy pha màu, vẽ từng đường nét uốn lượn khiến Châu như bị thôi miên, đắm chìm trong những mảng sắc màu, những đường nét của bức tranh…

Có lẽ đó là những cảm nhận, hứng thú đặc biệt mà sau đó nó đã thay đổi suy nghĩ và hướng Châu theo niềm đam mê hội họa.

Sau ngày hôm đó, Châu bắt đầu lao vào tìm hiểu, học vẽ, dốc lòng dốc sức cho niềm đam mê đến một cách tình cờ như thế. Châu bảo rằng do đôi tay bị tật và cử động rất yếu nên việc cầm cọ vẽ với anh là cả một cực nhọc, khó khăn.

Theo lời Châu thì đúng ra lúc đó cũng có nhiều bạn cùng trang lứa học vẽ như Châu, nhưng chỉ được một thời gian là bỏ, chỉ còn lại một mình Châu với niềm đam mê của mình.

Anh tự nhận mình vẽ không khác một kẻ nghiện hội họa, vẽ mọi lúc mọi nơi để thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ của mình dù cho nhiều người xung quanh đều bảo rằng mơ ước ấy là không thể thực hiện được, là viển vông…

Nhắc lại khoảng thời gian không vui lúc mới rời làng Hòa Bình mang theo ước mơ trở thành họa sĩ và nhà thiết kế, Châu chia sẻ rằng lúc đó nhiều người đã bảo anh nên dẹp mộng hoang đường, vì đôi tay anh vốn không được như người thường, sinh hoạt hằng ngày đã khó, huống hồ là vẽ tranh.

Cũng có lúc Châu nao núng, thậm chí "muốn từ bỏ tất cả", nhưng rồi do cơ duyên và một chút may mắn, Châu đã quyết tâm và quyết chí thực hiện ước mơ của mình.

Có một thời gian Châu vừa đi giúp việc ở các phòng tranh vừa âm thầm vẽ những bức tranh của riêng mình. Cuối cùng, một trong số các bức tranh anh vẽ đã có người mua với giá 3 triệu đồng. Đó là số tiền đầu tiên anh bảo rất vui sướng kiếm được bằng chính khả năng và đam mê của mình.

Một tác phẩm của Châu.

Châu kể: "Lần đó, khi tôi đang vẽ một bức tranh khá lớn, mô tả cảnh đẹp miền Tây Nam bộ tại một phòng tranh thì có một đôi vợ chồng người Canada vào xem. Khi thấy tôi vẽ tranh bằng miệng, họ đã rất thích thú xen lẫn lạ lùng.

Họ hỏi tôi về bức tranh và cách thực hiện nó và họ tỏ ra rất bất ngờ với cách vẽ tranh của tôi, hơn nữa đó lại là một bức tranh được tôi sáng tác. Sau đó họ quyết định mua bức tranh với  giá 150 đô Canada.

Do bức tranh chưa hoàn thiện nên tôi đã hẹn họ trong 3 ngày tôi sẽ giao tranh. Và tôi đã cố gắng thực hiện nhanh nhất có thể. Khi nhận được tranh, đôi vợ chồng đó tỏ ra rất vừa lòng và khen ngợi tôi. Cầm số tiền bán được bức tranh đầu tiên, tôi đã không cầm được nước mắt.

Với số tiền đó, tôi đã trả nợ và đầu tư hết để mua dụng cụ vẽ… Đó là dấu mốc và động lực lớn cho tôi tin tưởng vào khả năng vẽ tranh của mình". Và cũng bắt đầu từ đó cái tên Lê Minh Châu (họa sĩ) chính thức ra đời!

Theo lời Châu, để tập vẽ bằng miệng thành thạo, nhiều lần anh đã bị rách miệng, thậm chí có lần bút vẽ bị gãy khiến đôi môi bị thương khá nghiêm trọng phải nghỉ cả tháng rồi mới tiếp tục được công việc của mình…

"Thời gian đầu tôi tập ngậm cọ bằng miệng vẽ rất khó khăn, nhưng tôi đã vẽ mọi lúc mọi nơi, nhất là những lần do cuốn theo những nét vẽ tôi đã bị thương ở miệng, nhưng tôi vẫn tiếp tục việc tập luyện vẽ bằng miệng. Nhiều khi tôi ngậm cọ vẽ suốt đêm, mệt thì nghỉ…

Mệt nhưng vui vì mình được thỏa chí sống với mơ ước bấy lâu nay, mơ ước mà đối với nhiều người là viển vông, là không thực tế. Tập mãi cho đến nay có thể nói nét vẽ bằng miệng của tôi cũng không hề kém cạnh như vẽ bằng tay", Châu cười tươi chia sẻ.

Luôn lạc quan và tràn đầy tình yêu cuộc sống

Và thực tế, Châu đã bằng nghị lực phi thường cố gắng vượt qua được nghịch cảnh số phận, nỗ lực thay đổi cuộc đời mình, tìm đường đến ước mơ qua những nét vẽ, trở thành một họa sĩ trong sự ngỡ ngàng của nhiều người với hình ảnh ngậm cọ vẽ bằng miệng, cúi đầu chấm màu đã pha, rồi quệt những đường nét chuyên nghiệp lên khung tranh, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.

Tuy vậy, theo lời Châu, có những bức tranh anh vẽ trong vòng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ là xong, nhưng cũng có những bức vẽ vài tháng mới hoàn thành. Tất cả tùy thuộc vào các chi tiết trong tranh, sự sáng tạo cũng như cảm hứng đến với Châu…

Ngoài vẽ tranh theo đa dạng phong cách - từ tranh phong cảnh, chân dung cho đến trừu tượng, Châu còn có thể vẽ trên áo, thiết kế thời trang và vẽ "body painting" trên cơ thể người…

Hiện nay, tranh của Châu được trưng bày tại phòng tranh, giới thiệu nhiều trên trang mạng xã hội cá nhân và được nhiều người nước ngoài ở Mỹ, Nhật, Pháp… khá ưa thích và đặt mua.

Quan sát phòng tranh cũng là nơi tá túc của Châu có thể thấy Châu có tất cả những thứ mình cần. Điều đáng nói là mọi thứ có được đều do một tay Châu sắm sửa từ tiền bán tranh, vẽ áo, tư vấn vẽ tranh.

Thấy chúng tôi thắc mắc về chiếc giá vẽ khá lớn trong phòng tranh, Châu cười tươi "khoe": "Chiếc giá vẽ này tôi mua ở nước ngoài về đấy. Trong một lần được đi nước ngoài, tôi đã đi tham quan và thấy nó được bán với giá rẻ gấp đôi, gấp ba ở Việt Nam nên tôi quyết định mua ngay. Đây là vật dụng mà tôi rất quý".

Cách đây mấy năm, cuộc đời sau những bức tranh tài hoa, không chịu đầu hàng số phận của Châu đã chinh phục nữ đạo diễn Courney Marsh (người Mỹ) khi chị sang Việt Nam thực tập cho dự án phim tài liệu của trường.

Và từ đó, bộ phim tài liệu "Chau, beyond the lines" dài 34 phút xoay quanh chủ đề về chất độc da cam tại Việt Nam đã ra đời và khắc họa ấn tượng về cuộc đời của Châu.

Cơ duyên khiến Châu được nữ đạo diễn này biết tới, theo lời anh thì khi đó vào năm 2007, lúc đạo diễn Courtney Marsh còn là sinh viên và chị có ý tưởng sẽ quay phim về những đứa trẻ bị chất độc da cam.

Trong những đứa trẻ ấy có Châu là người luôn giúp đỡ, cũng như cho chị biết về mọi sinh hoạt thường ngày. Khi biết về ước mơ trở thành họa sĩ và nhà thiết kế của Châu, nữ đạo diễn đã rất ấn tượng và chọn Châu là nhân vật chính của bộ phim.

Bộ phim tài liệu này sau đó đã bất ngờ lọt Top 10 đề cử phim tài liệu xuất sắc Oscar 2016. Trước khi đến với Oscar 2016, "Chau, beyond the lines" còn từng được ban giám khảo tại Liên hoan phim Austin 2015 và Liên hoan phim Mỹ 2015 vinh danh…

Với tài năng của mình, Châu cũng từng tham gia các cuộc thi vẽ tranh và đạt nhiều giải thưởng lớn. Nằm trong top 3 tại các cuộc thi "Bảo tàng Chứng tích chiến tranh" TP Hồ Chí Minh, "Nét vẽ xanh", cùng các cuộc thi khác của trường học và TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc thi "Chiến thắng nỗi đau" được tổ chức quy mô cả nước (năm 2006), anh đã đoạt giải Khuyến khích…

Một số tác phẩm hội họa theo nhiều phong cách của Châu.

Chia sẻ về gia đình mình, Châu cho biết mình là con thứ ba trong bốn anh chị em, điều đáng nói những anh em khác của Châu đều mạnh khỏe bình thường và đã có gia đình riêng, chỉ có Châu là không may mắn nhất. Ba mẹ Châu ở quê làm vườn nên cũng không khá giả để giúp đỡ nhiều cho Châu…

Chính vì hoàn cảnh và khiếm khuyết bản thân, bằng nghị lực phi thường và mong muốn cháy bỏng thực hiện bằng được mơ của mình, chàng trai khuyết tật đã biến ước mơ thành hiện thực.

Và dù vẫn còn không ít khó khăn, Châu vẫn luôn lạc quan và tràn đầy tình yêu cuộc sống, yêu công việc đầy thú vị của mình. Chưa kể Châu còn tư vấn vẽ tranh, năng động và nhiệt tình tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, từ thiện…

Phú Lữ
.
.
.