Cảm động chuyện cậu bé không tay tỏa sáng giữa đời thường

Thứ Ba, 14/05/2013, 17:09

Nếu ai đã từng gặp cậu bé Võ Minh Hùng, 11 tuổi, học sinh trường tiểu học Mỹ Thủy, quận 2, TP HCM có lẽ sẽ không thể nào quên được hình ảnh một chú bé có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú nhưng không có tay. Mặc dù khuyết tật về cơ thể nhưng Hùng biết vượt lên số phận, học giỏi và được thầy yêu bạn mến. Cậu được xem là tấm gương điển hình cho các bạn cùng trang lứa noi theo.

Hoang mang vì đứa con bất thường

Đến trường tiểu học Mỹ Thủy, quận 2, TP HCM hỏi chuyện về cậu bé Võ Minh Hùng cụt cả hai tay là không ai không biết. Từ bác bảo vệ nhà trường đến bà bán nước ngoài cổng ai cũng hào hứng kể về cậu bé này.

Bà Ba, 47 tuổi, một người bán nước gần đó cho biết: “Ngày nào Hùng cũng mang chiếc cặp sau lưng vừa đi vừa hát rất yêu đời. Nó không có tay nhưng tự đi học chứ không cần ai đưa đón cả. Hầu hết học sinh trường này đều có ba mẹ hoặc người nhà chở đi. Còn cậu bé này hầu như đã biết tự lập từ nhỏ. Chẳng ai thấy ba mẹ đi cùng bao giờ”.

Do cuộc sống khó khăn, ba mẹ Hùng phải chật vật kiếm sống để nuôi đứa con gái học hành. Họ cũng mong ước sẽ sinh thêm đứa con nữa cho vui nhà vui cửa khi đứa con gái đi lấy chồng. Thế rồi quyết định sinh con cứ lần lữa mãi. Cho đến khi con gái khôn lớn, đi học đại học, ước mong nhỏ bé của ba mẹ Hùng cũng được thực hiện.

Mẹ Hùng có thai, biết là phụ nữ nhiều tuổi mà bầu bí thì chuyện sinh đẻ hơi khó khăn, do đó mẹ Hùng thường xuyên đi khám thai rất cẩn thận. Thấy kết quả thai nhi khỏe mạnh, phát triển tốt ba mẹ Hùng hạnh phúc vỡ òa. Họ càng vui hơn khi các thủ tục siêu âm thai đều cho kết quả thai nhi trong bụng là một bé trai phát triển bình thường, khỏe mạnh.

Chuyện không thể ngờ là sau khi sinh Hùng xong, người nhà không thể tin nổi vào mắt mình. Một bé trai có khuôn mặt bụ bẫm, ánh mắt long lanh trông rất thần thái song không hề có hai cánh tay. Ba mẹ Hùng vừa đau lòng vừa tủi thân, hoang mang vì đứa con lạ thường. Họ lo cho số phận tương lai của đứa con trai, vì mai đây khi mình già cả, ai sẽ nuôi nấng, lo lắng cho nó.

Chị Võ Thùy Mai, chị gái em Hùng kể lại: “Hồi đó ba mẹ lo lắng cho Hùng nhiều lắm. Mẹ khóc sướt mướt suốt mấy ngày liền khi biết chuyện em mình không có tay. Mẹ sợ sau này sinh hoạt của nó khó khăn, rồi cuộc sống của nó về sau biết sẽ ra sao...”. Nhưng nhờ sự động viên, an ủi kịp thời, mẹ Hùng đã lấy lại tinh thần. Thay vì dằn vặt bản thân, mẹ Hùng cố gắng dồn hết tất cả tình thương cho em.

May mắn thay, Hùng tuy không có tay nhưng phát triển rất nhanh, hay ăn chóng lớn, ít bệnh vặt như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Ngày qua ngày, ba mẹ Hùng đã quên bẵng đi nỗi đứa con tật nguyền, thay vào đó họ dạy con sống có nghị lực để biết vượt lên số phận. Nhắc về em trai, Thùy Mai nghẹn ngào xúc động: “Ba mẹ đặt cho em trai tên Hùng với ước mong em sẽ hùng dũng, tỏa sáng như những anh hùng giữa đời thường”.

Nói chuyện với Hùng, chúng tôi không khỏi cảm phục vì sự cương nghị toát ra từ ánh mắt của một đứa trẻ mới 11 tuổi đầu. Hùng kể, vừa mới lớn lên, Hùng được ba mẹ dạy rằng, nếu cơ thể đã bị khiếm khuyết thì cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, để theo kịp bạn bè cùng trang lứa.

Hùng đi học, thích nhất là môn toán. Được người lớn dạy cách làm toán, Hùng tỏ vẻ rất hào hứng. Thế rồi những phép toán đơn giản cậu giải rất nhanh. Đến tuổi đi học, Hùng cũng muốn được đến trường với các bạn cùng trang lứa. Nhưng chuyện quan trọng là khi đi học, thầy cô giáo sẽ tập học sinh viết chữ. Hùng không có tay làm sao viết? Câu hỏi như xoáy sâu trong tâm trí Hùng. Một ý tưởng lóe lên trong đầu Hùng là nếu không có tay mình sẽ viết bằng chân. Thế rồi Hùng bảo ba mẹ và chị gái chuẩn bị cho mình bảng và phấn để tập viết bằng chân.

Những ngày đầu tập viết, Hùng không thể nào nặn cho ra được hình dáng cái chữ nào. Có hôm mệt mỏi, Hùng dừng lại và nói với  chị hai: “Tập viết khó quá, chắc em làm không nổi”. Được gia đình động viên, tư vấn, và lấy hình ảnh của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký làm tấm gương sáng, Hùng lại tự mình vực dậy niềm khát khao được đi học.

Chỉ trong vòng hai tuần miệt mài, Hùng đã thành công. Những con chữ bắt đầu hiện lên trên bảng đen bằng những ngón chân vụng về. Ban đầu Hùng viết bằng phấn. Sau khi đã thuần thục, Hùng dùng bút chì, rồi bút mực. Cứ như thế, Hùng đã viết đẹp từ bao giờ không hay. Sự kiên trì của Hùng đã giúp em đến trường mà không vướng phải trở ngại nào từ phía nhà trường.

Lúc mới đưa Hùng đến trường xin nhập học, thầy cô nào cũng lo lắng không biết có nên nhận học sinh này hay không. Tuy nhiên chỉ sau ít phút, Hùng đã chứng minh được khả năng viết chữ, làm toán cho  cô giáo xem. Không ngần ngại, nhà trường đã chào đón thêm một học sinh đặc biệt.

Hùng dùng chân viết bài.

Đáng nói hơn, khi được nhận vào  học, Hùng không chỉ tiếp thu bài nhanh mà còn tỏ ra thông minh hơn các bạn cùng trang lứa. Làm toán cũng xong trước giờ, viết chữ bằng chân nhưng rất chỉn chu và tròn trịa, gọn gàng. Cũng vì thế, Hùng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và cháu ngoan Bác Hồ suốt 5 năm liền.

Tỏa sáng giữa đời thường

Từng đi dạy nhiều năm, từng chứng kiến bao học  sinh của mình khôn lớn từng ngày, thông minh và nghị lực, nhưng  cậu học trò tên Hùng đã ghi dấu ấn khó phai trong cô giáo Phạm Vân Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B trường tiểu học Mỹ Thủy.

Cô Vân Anh chia sẻ: “Dẫu sau này tôi có đi đâu hay về già, tôi vẫn nhớ tới em Hùng. Bởi em không được may mắn như các bạn có đầy đủ các bộ phận cơ thể, nhưng Hùng nghị lực và giỏi giang hơn rất nhiều đứa trẻ bình thường khác. Không chỉ nắm bắt bài học tốt, Hùng còn có khả năng phản biện rất hay”.

Trong giờ học, khi các bạn phát biểu ý kiến hay thảo luận về bài học, Hùng đều dùng chân giơ cao xin tham gia phát biểu bổ sung ý kiến. Cô Vân Anh tâm sự: “Hùng khiến tôi nể phục và yêu nghề dạy hơn bao giờ hết. Em là tấm gương sáng để những người từng rơi vào nghịch cảnh noi theo. Từ khi vào trường, Hùng được danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, cháu ngoan Bác Hồ cấp trường, cấp quận... khiến cho bạn học sinh nào cùng nể phục”.

Để được tận mắt nhìn thấy từng nét chữ của cậu học trò đặc biệt, cô giáo Vân Anh dẫn chúng tôi lên lớp dự tiết học của lớp Hùng. Gặp khách lạ, các bạn học sinh đứng lên chào khách, sau đó chúng tôi được cô giáo chủ nhiệm giới thiệu nơi Hùng ngồi học.

Với khuôn mặt sáng sủa, Hùng ngồi chăm chú nghe giảng bài. Đến giờ cô giáo cho ghi nội dung bài học, Hùng ngồi với tư thế ngay thẳng, dùng hai ngón chân trái gắp cây bút và thước kẻ trong hộc bàn, cậu nhanh nhẹn dùng chân trái giữ lấy thước, chân phải kẻ lề, sau đó gắp bút chép nội dung bài học. Lúc làm toán, cậu dùng phấn viết kết quả lên bảng con rồi dùng chân giơ cao cho cô giáo biết...

Kể về sự vươn lên không mệt mỏi của Hùng, cô giáo Phạm Thị Ngọc Diễm, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Mỹ Thủy cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất khó xử khi gia đình Hùng nộp hồ sơ xin cho em ấy vào học trường này. Vì theo lẽ thường, những em học sinh bị khuyết tật, bản thân các em đã có sức khỏe yếu nếu cho học cùng những em bình thường thì sợ không theo nổi.

Ban đầu chúng tôi cũng từng tư vấn cho gia đình nên cho em Hùng học ở một ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật.  Nhưng gia đình Hùng rất tự tin về con, họ nói Hùng rất thông minh nên muốn cho con học ở trường này. Sau đó, gia đình phối hợp cùng nhà trường cho Hùng làm những bài kiểm tra về chữ viết, toán học, Hùng làm rất nhanh.

Không chỉ vậy, những sinh hoạt hằng ngày như thắt, cởi khăn quàng đỏ, đồ dùng vệ  sinh cho bản thân... Hùng làm rất sành sỏi bằng răng, phối hợp hai bàn chân mà không cần sự trợ giúp nào. Trước những khả năng này, chúng tôi không thể nào từ chối một học sinh xuất sắc như vậy”.

Không có tay, nhưng Hùng lại sớm nổi danh là cậu bé học giỏi, đa tài. Ngoài giờ học ở lớp, Hùng còn tham gia đầy đủ các trận đá bóng cùng các bạn. Đã có lần chạy không nổi, Hùng bị té ngã mấy lần. Nhưng niềm đam mê bóng đã vẫn không thể nào khiến cậu bé từ bỏ. Cứ mỗi buổi chiều tan học, Hùng lại đi đá bóng cùng các bạn.

Theo Thùy Mai, chị gái Hùng, ngoài chuyện học hành chơi thể thao, Hùng còn đam mê vẽ tranh. Cậu từng đoạt giải trong một cuộc thi vẽ tranh do quận 2 tổ chức. Bên cạnh đó, Hùng còn được thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đến trường thăm và khen ngợi về một tấm gương sáng học đường trước các bạn học sinh toàn trường.

Giờ đây, khi con mình đã khôn lớn, học  giỏi ba mẹ Hùng như có thêm động lực để nuôi con tốt hơn. Tuy còn nhỏ, nhưng Hùng đã biết dự tính cho tương lai. Em chia sẻ: “Vì em không có tay nên em sẽ chọn cho mình ngành học phù hợp với khả năng của mình. Bây giờ còn nhỏ, em đã chuẩn bị từng kế hoạch  nhỏ cho cuộc  sống sau này. Em mơ ước em sẽ trở thành một người làm giỏi nghề phiên dịch tiếng anh. Bây giờ em ngoài những bài vở cô giáo dạy trên lớp em đã đầu  tư thêm cho môn học này, xem nó như là đứa con  tinh thần của mình vậy. Em nghĩ học giỏi tiếng Anh  sẽ giúp em đứng vững trong cuộc đời mình, và coi  đó như là một việc làm để đáp lại niềm mong mỏi của ba mẹ và chị gái”

Thanh Mai
.
.
.