Từ cậu bé mồ côi thành ông chủ vườn mai kiểng lớn
Đam mê của cậu bé mồ côi nghèo
Hãy để đam mê đẻ ra tiền - đó là triết lý sống của Nguyễn Thanh Phong - chủ vườn mai kiểng Lộc Thành, tọa lạc trên diện tích gần 4000 m² tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Vườn kiểng cuả anh là nơi thường xuyên lui tới của giới đại gia và giới nghệ sĩ phía Nam.
Sân vườn đền thờ Tổ của nghệ sĩ Hoài Linh cũng do một tay Phong tư vấn và cung cấp vật liệu. Mới 29 tuổi nhưng Phong đã gắn bó với nghề trồng cây kiểng gần 20 năm.
Đi lên từ hai bàn tay trắng, chính đam mê đã giúp Phong có được số tài sản đồ sộ như ngày hôm nay, gồm một trang trại rộng trên 4000 m², với 150m gốc mai, hơn 100 gốc sứ và hàng trăm gốc lan gió - những loài hoa kiểng có giá trị cao, luôn được giới sành chơi cây săn đón.
Phong sinh ra trong một gia đình thuần nông có ba anh chị em tại Long An. Mẹ mất sớm, đến năm 12 tuổi thì cha mất do bệnh tật. Cũng trong năm đó, Phong một mình bắt xe từ TP Hồ Chí Minh lên Long An, làm thuê, làm mướn kiếm cơm sống qua ngày. Có thời gian Phong sống trong cô nhi viện, đam mê ngắm và chăm cây cảnh, sau đó ra ngoài xin đi làm thuê cho các vườn kiểng.
"Công việc đầu tiên của tôi tại các vườn kiểng, khi đó chỉ là nhặt lá cây. Thù lao được trả bằng cơm ăn ngày hai bữa, với tôi thế là quá hạnh phúc rồi" - ông chủ trẻ nhớ lại.
Gần 5 năm làm thuê tại các vườn kiểng, Phong học lỏm được nhiều kỹ thuật nhân giống, chọn giống, chăm sóc cây...cũng như các mối nhập cây gốc hay cách giao thiệp để mua được những cây gốc đẹp về trồng thành chậu kiểng để bán.
"16 tuổi, dành dụm được ít vốn, tôi tách ra đi buôn cây. Tôi chạy xe máy khắp các tỉnh Nam bộ, ở đâu có cây đẹp là mua gốc rồi về bán lại cho các nhà vườn. Sau đó, tôi thuê mặt bằng mở một, rồi hai cửa hàng buôn bán cây cảnh. Niềm đam mê cây trong tôi lớn dần từ những ngày đó. Mê cây, tôi luôn ôm ấp giấc mơ có đất, tự tay trồng và tạo nên những tuyệt tác từ cây cảnh" - Phong kể về quá trình vào nghề của mình.
Nguyễn Thanh Phong đang chăm mai Tết. |
Anh nói, trong nghề này, nếu không có đam mê, không thể tìm ra những gốc cây lâu năm, cây đẹp ở những vùng sâu, vùng xa, nơi tận cùng tổ quốc. "Nhờ đam mê, mỗi người chơi cây, buôn cây mới có nhạy cảm riêng, thính giác riêng, thậm chí có nguồn tin riêng để biết ở đâu có cây đẹp, cây quí mà đến tận nơi trả giá để sở hữu nó. Trong ngành này, trả giá cũng là cả một nghệ thuật. Với chỉ chừng đó tiền, làm sao để gia chủ bán cây quí cho mình mà họ vẫn vui vẻ, thoải mái. Thường chỉ những người cùng đam mê thú chơi này mới nhận ra nhau. Chủ cây thường thích bán cho người cũng mê chơi như mình hơn là bán cho dân buôn. Nhờ đam mê mà tôi gặp nhiều người tốt, tạo điều kiện cho tôi sở hữu được nhiều gốc mai quí như hiện nay" - Phong nói.
Sau gần 10 năm lăn lộn khắp Nam bộ buôn bán cây cảnh, năm 24 tuổi, dành dụm được ít vốn, kết hợp với được người tốt cho vay mượn, Phong quyết định thuê đất mở trang trại. Ban đầu anh trồng sứ và các loại cây cảnh phổ thông dùng để trang trí các công trình công cộng.
"Trước khi bắt tay dựng trang trại, tôi đã phát nguyện sẽ ăn chay 5 năm, cạo trọc đầu suốt đời để cảm ơn những ân nhân đã giúp đỡ mình trong suốt những năm qua, cho tôi có được ngày hôm nay" - Phong kể.
Dường như tâm nguyện của anh được linh ứng, Phong liên tiếp trúng liền mấy vụ sứ. Anh cung cấp hàng trăm chậu sứ cảnh được uốn tỉa cẩn thận cho các đền thờ, công trình công cộng trong 3 năm đầu khởi nghiệp.
Thành công ban đầu này mang lại cho Phong nguồn lợi nhuận kha khá. Anh tiếp tục xoay vòng vốn bằng cách đầu tư trồng mai cảnh. Bước đầu tư táo bạo này mang lại cho Phong lợi nhuận khổng lồ.
Do trước đó đã sưu tầm được nhiều gốc mai cổ thụ, cộng thêm mối quan hệ gây dựng trong gần 20 năm, Phong sở hữu trong tay nhiều gốc mai độc đáo, khiến dân sành chơi khao khát có được mỗi dịp Tết về.
Trong 150 gốc mai đang được chăm sóc tại trang trại của Phong, gốc lâu năm nhất có tuổi đời tới 70 năm, gốc mới nhất cũng 10 năm. Qua hơn ba năm kinh doanh mai cảnh, Phong tạo dựng được hệ thống khách hàng quen thuộc, "có máu mặt" nên không còn khó khăn cho việc tìm đầu ra. Lợi nhuận có được, anh đầu tư mua đất, tiếp tục mở rộng trang trại với qui mô lớn hơn, kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Trang trại mai kiểng của Nguyễn Thanh Phong. |
Của cải không phải là thước đo sự giàu có!
Ở tuổi 29, độc thân, có trong tay hàng tỉ đồng cùng khối tài sản hiện vật lớn nhưng Phong sống rất giản dị. Anh ăn chay mỗi ngày, ở trong một ngôi nhà dựng tạm bằng mái tôn, không có nhu cầu gì ngoài được chăm sóc và chứng kiến vườn cây của mình đẹp lên mỗi ngày, chứng kiến sự thỏa mãn, hài lòng trên gương mặt khách mỗi khi gặp một cây ưng ý.
"Cuộc đời quăng quật tôi nhưng cũng ban phát cho tôi quá nhiều. Trải qua tất cả điều đó nên em thấy tiền bạc, của cải cũng là phù du, có đấy rồi mất ngay đấy. Tôi chỉ sợ một ngày mình hết mê cây thì cuộc sống này còn gì đáng để sống nữa", Phong chia sẻ.
Ước mơ của Phong là tạo điều kiện cho những em bé mồ côi như mình có một nghề và thu nhập ổn định, quan trọng là tạo cảm hứng cho mỗi em có đam mê, theo đuổi đam mê vì "đam mê sẽ mang lại thành công - nếu kiên trì theo đuổi".
Hiện trong trang trại của mình, Phong thuê 7 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 7 triệu/ 1 nhân công/ 1 tháng. Tết là dịp cao điểm để đưa những cây mai ra thị trường nên Phong phải huy động thêm nhân công với mức thù lao cao hơn ngày thường rất nhiều.
Từ một cậu bé mồ côi, từng lang thang đầu đường xó chợ, sống trong cô nhi viện...không biết cuộc đời đi về đâu, thậm chí suýt sa ngã...nhờ có đam mê cây cảnh, Phong đã tìm ra hướng đi cho mình, trở thành ông chủ ở tuổi còn rất trẻ.
"Làm nghề này cũng vất vả, hên xui lắm. Có khi gần Tết mà gặp mưa lớn là coi như mất nguyên vụ mai năm đó. Rồi nắng, nóng quá cũng khiến cây héo, táp lá. Mà cây kiểng bị táp lá thì coi như hỏng nguyên cái cây, chỉ giữ được phần gốc và phải chăm bón lại. Rồi sâu bệnh, dịch bệnh..
Chưa kể, làm được một thời gian, khi đã có khách hàng quen, gây dựng được thị trường, thì chủ đất đòi lại mặt bằng hoặc tăng giá thuê. Cho thuê mai cũng đâu đơn giản. Khách nhận về cây đẹp, tươi tốt, khi trả lại thì tàn tạ, gẫy dập, xơ xác...Tất cả điều đó mình phải lường trước, chấp nhận hết để khỏi buồn Phong trút hết nỗi lòng trước khi tiễn khách ra về.