Bríu Thiện - “cây lim già” sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn

Thứ Hai, 09/07/2018, 10:43
Với ông, sự bình yên của bản làng, sự phát triển ngày một đi lên của đồng bào Cơ Tu là điều quan trọng hơn cả. Vì vậy, dù sắp bước vào cái tuổi "xưa nay hiếm", song ông vẫn miệt mài với công việc đảm bảo an ninh trật tự địa phương và gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào mình thông qua việc tích cực tham gia làm du lịch.


Ông được dân làng ví như cây pơ mu, cây lim già cổ thụ vẫn ngày ngày tỏa bóng mát giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Ông là già Bríu Thiện (trú thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).

Từ Trưởng Công an xã…

Được sự giúp đỡ dẫn đường của cán bộ Công an huyện Đông Giang, chúng tôi tìm về thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn để gặp già làng Bríu Thiện, người có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa - xã hội ở địa phương. Một chiếc cầu treo nối từ QL14G dẫn vào làng Bhơ Hôồng bắc qua dòng suối Apăng, như dẫn vào vùng đất đầy sự tĩnh lặng, yên bình giữa miền sơn cước. 

Già Bríu Thiện cần mẫn đan những sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Làng Bhơ Hôồng với những nóc nhà tươm tất nằm nép mình dưới núi Quế thuộc dãy Trường Sơn hiện ra trước mắt chúng tôi thật nên thơ, bình lặng. Do đã liên hệ trước nên già Bríu Thiện ở nhà đợi chúng tôi và sẵn sàng chìa bàn tay ấm áp, thô ráp ra chào đón những người khách đến với làng. 

Trong căn nhà nhỏ ngăn nắp nằm giữ vườn cây trái của già Bríu Thiện, ấn tượng đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là ngay gian giữa nhà của già có một cái bàn thờ có ảnh của Bác Hồ kính yêu, phía bên trên là lá cờ Tổ quốc căng rộng. Trên tường nhà treo chi chít những bằng khen, giấy khen của già Thiện khi còn công tác.

Sau khi mời khách nhấp chén trà thơm, già Bríu Thiện với làn da sạm đen đặc trưng của người Cơ Tu và ánh mắt còn thể hiện sự mẫn tiệp ôn tồn kể chúng tôi nghe "tiểu sử" tóm tắt của mình: Là người Cơ Tu được sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Trường Sơn nên già Thiện rất yêu mảnh đất này. 

Bước vào tuổi thanh niên, như bao chàng trai trong làng, nhìn cảnh đất nước còn chia cắt, miền Nam còn bị đô hộ, già xung phong lên đường tham gia hoạt động cách mạng với vai trò bộ đội địa phương. 5 năm hoạt động cách mạng, từ năm 1970-1975, già Thiện không nhớ rõ mình đã hành quân chiến đấu bao nhiêu lần ở các cánh rừng của huyện Đông Giang lẫn Tây Giang với biết bao gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Có nhiều trận đánh, già Thiện cùng đồng đội đối mặt với hiểm nguy, "thập tử nhất sinh" khi tương quan lực lượng và vũ khí đều nghiêng hẳn về kẻ thù xâm lược. Song, nhờ ý chí kiên cường và do thông thạo địa hình rừng núi nên già Thiện cùng các đồng đội của mình đã thoát được vòng vây, tiếp tục trở về căn cứ hoạt động. 

Sau ngày hòa bình lập lại, với tố chất người lính "bộ đội Cụ Hồ", già Thiện lại trở về quê hương để cùng với bà con trong làng, trong xã kiến thiết, xây dựng cuộc sống mới. Sau đó, già Bríu Thiện tham gia công tác tại thôn rồi được rút về xã. Kinh qua nhiều chức vụ, đến năm 2001, già được bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Sông Kôn. 

Với vai trò của mình, già Thiện cùng các cán bộ trong Ban Công an xã giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương để người dân yên tâm phát triển kinh tế gia đình. Trong quá trình 5 năm làm Trưởng Công an xã Sông Kôn của già Thiện (từ năm 2001-2006), tình trạng trộm cắp, cướp giật trên địa bàn hầu như không xảy ra. Buổi tối khi đi ngủ, nhà nhà đều không cần khóa cửa.

Mỗi lúc rảnh rỗi, già Thiện lại vui đùa, dạy bảo cháu con những việc hay điều thiện.

Ngoài ra, với những kiến thức của mình có được, già Thiện còn hướng dẫn bà con Cơ Tu địa phương cách trồng lúa nước, trồng cây keo, cây quế để nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo. Sau khi hết nhiệm kỳ làm Trưởng Công an xã, già Thiện vẫn tiếp tục hoạt động năng nổ ở địa phương với vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sông Kôn đến năm 2014 thì nghỉ hưu.

"Dù đã làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng với bố, thời gian làm Trưởng Công an xã vẫn là quãng thời gian là bố tâm đắc nhất. Bố đã góp phần nhỏ bé của mình để giữ gìn được sự bình yên của địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc phát triển kinh tế gia đình. Đến giờ bố vẫn rất tự hào vì mình từng được khoác lên mình chiếc áo của lực lượng CAND, dù chỉ là Công an cấp xã", vừa nhấp chén trà, già Thiện tâm sự.

…Đến nghệ nhân của làng

Tự hào với những năm tháng làm Công an xã, già Thiện đã hướng cho một người con của mình đi theo "nghiệp" Công an. Đó là anh Bríu Nhi (31 tuổi), hiện là Công an viên Thường trực của xã Sông Kôn. Anh Nhi chia sẻ từ nhỏ đã nghe nhiều người dân trong xã khen ngợi về quá trình công tác của ba mình và được già Thiện động viên nên anh cũng đã nỗ lực, phấn đấu để được làm Công an xã. 

Đến nay, không những hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh Nhi cũng đã học xong lớp Đại học Luật. Anh Nhi là 1 trong 3 người con của già Thiện đã hoàn thành được bậc đại học. Ở một địa bàn miền núi như xã Sông Kôn, huyện Đông Giang này, gia đình có đến 3 người con tốt nghiệp đại học như gia đình già Thiện là điều "xưa nay hiếm", bởi lâu nay người dân nơi đây chưa chú trọng lắm đến việc đi tìm cái chữ cho con. 

Nhưng với già Thiện, già quan niệm rằng trong thời bình, nếu không học, không thể làm việc tốt, không thể thành người hữu ích cho xã hội được. Chính vì vậy mà dù kinh tế gia đình khó khăn, song già Thiện vẫn luôn động viên, chăm lo cho các con ăn học đường hoàng. 

Và từ tấm gương hiếu học của các con già Thiện mà đến nay, phong trào học tập ở xã Sông Kôn nói riêng và huyện Đông Giang nói chung đã phát triển nhanh chóng. Nhiều nam thanh nữ tú ở miền sơn cước này đã đi học đại học, cao đẳng tại các thành phố lớn rồi ra trường, tìm kiếm việc làm, hòa nhập vào cuộc sống hiện đại.

Do từng làm Trưởng Công an xã, hiểu được giá trị của việc đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên từ năm 2013, sau khi dòng họ Bríu của mình được công nhận dòng tộc văn hóa, được sự hướng dẫn, vận động của Công an huyện Đông Giang, già Bríu Thiện đã về tổ chức họp mặt các già làng, con cháu trong tộc để xin ý kiến việc triển khai mô hình "Dòng tộc tự quản về ANTT". 

Khi nghe già nói điều này, các già làng, con cháu trong tộc Bríu đã nhất tề đồng ý. Vậy là mô hình được triển khai cho đến ngày nay và được áp dụng cho tất cả con cháu dòng họ Bríu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trước khi chưa thành lập mô hình "Dòng tộc tự quản về ANTT", tình hình tại địa phương xã Sông Kôn nói riêng và huyện Đông Giang nói chung nổi lên một số vấn đề phức tạp như nạn phá rừng già làm nương rẫy, tình hình khiếu kiện đất đai hoa màu, sử dụng súng tự chế, gây rối trật tự công cộng... gây mất ANTT, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân địa phương. 

Nhưng từ khi triển khai mô hình này đã phát huy mạnh mẽ hơn tinh thần trách nhiệm của các hộ gia đình trong quản lý bảo vệ tài sản của bản thân, tập thể và của những người xung quanh, đồng thời hăng hái, tích cực trong công tác phối hợp, giúp đỡ lực lượng chuyên trách xử lý các vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. 

Và đặc biệt, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và một số hủ tục khác của đồng bào Cơ Tu đã được hạn chế tiến tới loại bỏ. Từ sự thành công của mô hình "Dòng tộc tự quản về ANTT" tại dòng họ Bríu, Công an huyện Đông Giang đã và đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình này đến các tộc họ khác trên địa bàn huyện.

"Già Thiện không những từng là cán bộ giỏi, là người cha mẫu mực, mà già còn là một nghệ nhân của đồng bào Cơ Tu nữa đấy", Trung tá Lê Văn Thu, cán bộ Công an huyện Đông Giang đi cùng chúng tôi tươi cười bảo. Quả thật vậy, vài năm trở lại đây, với lợi thế về nghệ thuật nói lý, hát lý, nhạc cụ truyền thống, vũ điệu tung tung - da dá, kiến trúc Gươl, Moong,… và nhiều loại ẩm thực độc đáo của người Cơ Tu, làng Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn được tỉnh Quảng Nam chọn là điểm đến khởi đầu cho cuộc hành trình khám phá tiềm năng du lịch phía Tây của tỉnh với mô hình Làng du lịch cộng đồng. Đây là một hướng đi mới trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương miền núi.

Hòa vào nhịp điệu phát triển ấy, vượt qua thử thách về tuổi cao sức yếu, già Thiện vẫn hăng hái tham gia làm du lịch. Khi thì già tiên phong cùng với bà con trong làng nấu nướng những món ăn truyền thống của đồng bào Cơ Tu như cơm lam, cá niên, rau rừng,… phục vụ du khách có nhu cầu. Mỗi lúc rảnh rỗi, già Thiện lại sử dụng mây tre tự nhiên để đan thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, mang đậm đặc trưng của người Cơ Tu như chiếc gùi, cái ché,… để bán cho du khách. 

Cán bộ Công an huyện Đông Giang trao đổi tình hình an ninh trật tự với già Thiện.

Và già Thiện là một trong số ít già làng ở huyện miền núi Đông Giang ngày nay thành thạo việc đan lát các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Già được người dân địa phương trìu mến gọi với biệt danh "nghệ nhân của làng". Có "mục sở thị" già Thiện thực hiện việc đan lát mới thấy hết sự kỳ công, tỉ mỉ của quá trình tạo ra các sản phẩm thủ công này. Già Thiện tâm sự rằng có một số sản phẩm như cái ché, già phải làm mất hàng tháng mới xong. 

Với giá bán 1 cái ché dao động từ 1-1,5 triệu đồng thật sự không thấm vào đâu so với hàng tháng ròng rã khổ công làm ra, song già Thiện vẫn rất vui vì đó cũng là một phần thu nhập của gia đình già. Và quan trọng hơn, "từ việc đan những sản phẩm đặc trưng của người Cơ Tu để phục vụ phát triển du lịch, già muốn bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào mình, giúp thế hệ trẻ biết và yêu hơn các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu".

Ngọc Thi
.
.
.