Bản lĩnh hoa hồng
Gặp chị trong căn phòng làm việc ấm áp, trò chuyện với chị, chúng tôi mới hiểu thêm rằng, phía sau những thành tích đỉnh cao ấy là những giọt mồ hôi, là những đớn đau của sự khổ luyện, là sự hy sinh của người phụ nữ…
Trung tá Phạm Hồng Thắm vào nghề võ như một duyên nghiệp. Trên chị có 2 anh trai theo học võ Sơn Đông và thường chọc ghẹo cô em út. "Tức" quá, cô em cũng quyết theo học võ. Mẹ chị biết ý định của con gái một mực ngăn cản, bắt chị đi học đàn. Nhưng đúng là trời định, thầy dạy đàn của chị cũng là một võ sư, ông vừa mở lớp dạy đàn trong nhà, vừa tổ chức dạy võ ngoài sân.
Hồng Thắm đoạt huy chương tại các giải thi đấu. |
Thế là chị, một cô gái 15 tuổi, vốn đã đam mê võ thuật nên khi học đàn, người ở trong lớp nhạc nhưng tâm hồn và đôi mắt bị hút ra ngoài sân. Sau đó, không cưỡng được đam mê, chị lén mẹ đi học võ karate ở nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Chị tập luyện say mê, đôi tay cứng lại và thế là chị không thể tiếp tục theo học đàn như mẹ mong muốn.
Năm 1991, chị tốt nghiệp phổ thông trung học. Mọi người trong gia đình đăng ký cho chị thi tuyển tiếp viên hàng không, một nghề mà thời đó rất được ưa thích. Chị đã trải qua tất cả các vòng tuyển suôn sẻ, chỉ còn vòng thi áo dài cuối cùng, vốn chẳng khó khăn gì với một cô gái cao ráo, dáng chuẩn như chị.
Nhưng oái ăm, hôm tổ chức vòng thi áo dài thì đúng là ngày Hà Nội tổ chức giải Karate mở rộng. Đến lúc mọi người tìm chị để đưa đi thi áo dài thì chị mất tích. Sau đó, mọi người mới thấy chị trở về, mang theo tấm Huy chương bạc.
Mẹ chị lắc đầu, thôi thì trời không chịu đất thì đất đành chịu trời, bà buộc phải cho con gái theo con đường võ thuật chuyên nghiệp, vào đội tuyển trẻ karate của Hà Nội, dẫu trong lòng bà không muốn và rất lo lắng…
Chỉ cần tra Google, hàng loạt bài viết về Phạm Hồng Thắm một thời oanh liệt là võ sĩ karatedo của Đội tuyển quốc gia cách đây gần 20 năm mới thấy được những thành công vang dội của chị. Võ sư Phạm Quốc Trọng, người thầy đầu tiên cũng chính là người đã hướng dẫn chị đến với huy chương vàng SEAGames đầu tiên.
Tập võ đươc 6 năm, Phạm Hồng Thắm đã là VĐV karatedo số 1 Việt Nam. Năm 1994, chị tham dự ASIAD, năm 1995 giành Huy chương bạc Đông Nam Á và bảo vệ thành công tấm Huy chương vàng tại hai kỳ SEA Games 19, 20. Khi bắt đầu tập luyện để tham dự kỳ SEA Games 21, Thắm mới sinh con được 3 tháng, chị giành được huy chương bạc… Đấy là chưa kể các thành tích, Huy chương tại các giải thi đấu trong nước…
Tuy nhiên, đằng sau vinh quang ấy, có ai biết là cả một quá trình khổ luyện, có cả mồ hôi, nỗi đau của một cô gái trẻ. Do tập luyện với chế độ nặng, tập với nam giới khỏe hơn và liên tục đá vào chân nên tháng 5-1996, chị bị viêm xương, phải mổ. Lúc đầu là mổ chân phải, khi chân phải chưa kịp lành thì chân trái lại phát hiện viêm.
Cứ thế, chị triền miên một tháng nằm trong viện, trải qua những cuộc phẫu thuật dài, rồi nằm bất động, mẹ bón cho từng thìa cháo… Nhưng chỉ cần tỉnh được dậy, là chị đã gắng gượng tập đi. Một tháng sau, chị đã ra sân tập luyện lại. Và tháng thứ 3, chị đã thi đấu và đạt 4 Huy chương vàng. "Tôi cũng không biết vì sao mình có sức mạnh đến thế, nhưng có lẽ sức trẻ và niềm đam mê võ thuật như ngấm vào máu, vào từng tế bào trong cơ thể, nó cứ hối thúc mình ra sân" Trung tá Phạm Hồng Thắm hồi tưởng.
Trong cuộc thi đấu đại diện cho Sinh viên Việt Nam tại Pháp, chị Thắm tham gia trong đoàn vận động Việt Nam. Trong trận đánh, vận động viên bạn bị lỗi, đấm rất mạnh, chị bị tụt xương ở mũi như hình chữ S. Khi đó, huấn luyện viên của chị vội vàng xịt ete vào cho lạnh và lấy khăn kéo mũi lên nhưng không được. Nhưng chị vẫn kiên cường, không một tiếng than, không một giọt nước mắt. Sau đó, khi về Việt Nam, chị phải nhanh chóng nhập viện để chỉnh lại mũi…
Trung tá Phạm Hồng Thắm đã 4 lần mổ. Mỗi lần bị thương như thế, bản thân chị lại có thêm nghị lực phấn đấu và giành liên tiếp huy chương. "Tôi chưa bao giờ sợ mổ, vì mỗi lần tôi mổ là một lần chiến thắng ở trên đấu trường cao nhất" - Trung tá Thắm chia sẻ.
Chị kể rằng, sau này, đằng sau chị lúc nào cũng chỉ là người mẹ. Hàng tháng chăm chị nằm viện, nâng chị từng bước tập đi sau ca mổ… trước mặt chị, bao giờ mẹ cũng động viên. Dù chị biết rằng không ít lần, nhìn thấy mẹ lén khóc thương con. Sinh con lành lặn, nhưng giờ phải chăm con thương tích trong viện, lòng người mẹ nào chẳng xót xa…
Nhưng bà chỉ âm thầm khóc, âm thầm chăm con gái, cùng con vượt qua những nỗi đau về thể xác, cả những bất hạnh trong cuộc sống riêng tư, chưa bao giờ bà ngăn chị dừng nghề võ. Bởi bà hiểu con gái, bà cũng tự hào về con…
Trong những năm qua, Trung tá Phạm Hồng Thắm có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của thể thao CAND trên đấu trường khu vực và quốc tế. Bây giờ, chị đã không còn thi đấu, lùi về sau làm công tác huấn luyện viên, những nhiệt huyết, đam mê với nghiệp võ được chị truyền hết vào các thế hệ vận động viên trẻ, để các em tiếp bước trên những thành công.
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao CAND mà Trung tá Phạm Hồng Thắm là Phó giám đốc hiện đang quản lý 25 môn thể thao thành tích cao với trên 700 vận động viên các tuyến và khoảng 400 vận động viên thường xuyên tập trung ăn ở, sinh hoạt tại trung tâm, tập luyện, tập huấn tham gia các giải quốc gia và quốc tế.
Ban quản lý đã tham mưu cho lãnh đạo trung tâm trong công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá công tác đào tạo huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao của đơn vị. Từ năm 2012 đến hết tháng 10/2017, các bộ môn thể thao thành tích cao của trung tâm đã đạt được 3205 huy chương các loại, trong đó có 349 huy chương quốc tế.
Và tại SEAGames 29 tổ chức tại Malaysia năm 2017, Thể thao CAND đóng góp 5 vận động viên tham dự ở 5 nội dung của Đại hội, đã xuất sắc phá được 2 kỷ lục SEAGames, giành được 3 huy chương vàng và 1 huy chương đồng, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ phụ trách trực tiếp bộ môn Karate CAND, chị đã không ngừng truyền lửa đam mê và kinh nghiệm cho các vận động viên. Trong những năm qua, đoàn karate CAND luôn đứng ở vị trí top 3 đơn vị mạnh toàn quốc.
Các vận động viên giành được nhiều huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải trong nước và quốc tế, đặc biệt là tại giải Cúp Thế giới ở Hàn Quốc, giải Đông Nam Á tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Dường như đối với chị, công việc và võ thuật là những dòng chảy vô tận và chị cứ cuốn đi, không chút mệt mỏi. Ngoài công tác chuyên môn quản lý và huấn luyện đội tuyển karate của Bộ Công an đạt nhiều thành tích xuất sắc, chị còn tham gia công tác giảng dạy võ thuật ngoại khóa tại các trường CAND với mục đích khỏe để chiến đấu và học tập.
Đến nay, lượng võ sinh tham gia các lớp tập luyện karate trong các trường CAND đã lên tới hàng vạn học viên. Với vai trò chuyên gia đại diện karate Việt Nam, chị còn tham gia giúp các nước bạn phát triển phong trào tập luyện và thi đấu thể thao, trong đó có môn karate.
Hồng Thắm (bên trái) bên mẹ và con gái. |
Đặc biệt, với sự thành công của SEAGames 2009 tại Lào, những đóng góp của Trung tá Phạm Hồng Thắm đã được Thủ tướng Lào tặng Bằng khen vì sự nghiệp phát triển thể thao của Lào.
Bây giờ, gặp chị ngoài đời, ta sẽ thấy chị khác với những tấm ảnh khi đứng trên bục vinh quang của vận động viên năm xưa. Chị đẹp hơn, nền hơn, nhưng vẫn còn những tố chất mạnh mẽ và bộc trực của dân võ.
Nói về nghề nghiệp của mình, chị tâm sự: Cũng lắm thiệt thòi, kể cả những nhu cầu tối thiểu nhất của phụ nữ là được mặc váy thì chị cũng không thể vì hai chân từng bị mổ, chằng chịt sẹo. Rồi những vết thương nhức lúc trái nắng, trở trời… Nhưng nghề võ lại cho chị bản lĩnh, cho chị sức mạnh để vượt qua những gian khổ trong công việc và cuộc sống. Để chị tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp thể thao CAND nói riêng và với thể thao nước nhà nói chung.
Một số thành tích Trung tá Phạm Hồng Thắm đạt được từ năm 2010 - 2017: - Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện (từ năm 2010 đến năm 2016). - Bằng khen của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vì sự nghiệp phát triển thể thao của Lào năm 2011. - Bằng khen của Bộ Đại học vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện và chỉ đạo đội tuyển sinh viên Việt Nam tại Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á năm 2011. - Bằng khen, Giấy khen của Tổng cục Chính trị CAND vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức thành công Liên hoan Võ thuật Thanh niên CAND, Hội thi Bắn súng quân dụng CZ83,CZ75 võ Taekwondo và karatedo cho học viên các học viện, trường CAND. - Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã có công huấn luyện, chỉ đạo các vận động viên thi đấu xuất sắc giành Huy chương vàng tại giải Vô địch Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan năm 2012. - Bằng khen của Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc và 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua Ái quốc năm 2011 - 2012, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. |