Bà giáo già và lớp học miễn phí 15 năm

Thứ Tư, 11/12/2013, 15:30

Chốc chốc lại có một phụ huynh cõng hoặc đẩy xe lăn đưa con vào lớp. Nhiều khi đang học bài cả cô và trò lại giật thót mình khi nghe tiếng la thất thanh, tiếng đập phá bàn ghế của một học sinh nào đó trong lớp. 15 năm qua bà giáo già Hồ Hương Nam, 81 tuổi (An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) đã quá quen với những cảnh như thế. Nhưng với bà, đó đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. 15 năm bà lặng lẽ đem chữ đến cho những đứa trẻ khuyết tật, tự kỷ, thần kinh thiệt thòi đáng thương mà không tơ hào lấy một đồng nào từ bố mẹ của chúng. Với nhiều phụ huynh thì bà giáo già Hồ Hương Nam như một bà tiên có thật giữa đời thường.

Đã từng bị gia đình học sinh đuổi về

Chiều muộn, chúng tôi tìm đến nhà bà giáo già Hồ Hương Nam. Đó là một ngôi nhà đã cũ, bé nhỏ, nằm khiêm nhường bên cạnh những ngôi nhà cao tầng ngất ngưởng khác. Bà giáo già với mái tóc trắng như cước đang lúi húi nhặt rau, chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Khuôn mặt phúc hậu, giọng Huế nhẹ nhàng, bà Nam hỏi chúng tôi: "Nhà bà bé thế, lại nằm sâu tít trong này sao các con biết mà tìm đến?".

Bà Nam người gốc Huế, dạy học ở Quảng Bình. Năm 1958, cô giáo người miền Trung lên xe hoa theo chồng ra Hà Nội. Ra Bắc, bà dạy học tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội). Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác dân số tại phường Yên Phụ. Chính công việc này đã khiến bà phải "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để giảng giải cho họ nghe về việc kế hoạch hóa gia đình. Và cũng chính công việc mới này đã giúp bà hiểu có rất nhiều những đứa trẻ tật nguyền đáng thương không thể có cơ hội đến lớp để biết cái chữ.

Hình ảnh những đứa trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi ấy cứ ám ảnh tâm trí bà. Tuổi già, nhiều đêm mất ngủ bà Nam lại trằn trọc suy nghĩ phải làm gì để giúp đỡ những đứa trẻ ấy. Và rồi bà quyết định mở một lớp học đặc biệt để dạy học cho chúng.

Nhưng khi nói ra ý tưởng ấy bà đã bị rất nhiều người phản đối: "Họ bảo tôi dở hơi, về hưu thì mở lớp học dạy thêm cho những đứa trẻ bình thường, kiếm tiền mà dưỡng già chứ hơi đâu mà đi làm việc bao đồng ấy. Họ còn bảo tôi, dạy những đứa dở hơi thế thì biết đến bao giờ chúng mới "ra hồn người". Đã không được hưởng ứng thì chớ, nhiều khi đến vận động họ còn buông những câu nói bất nhã, khó nghe lắm. Nhưng tôi nghĩ, nếu chỉ vì những khó khăn đó mà chùn bước thì không đành. Suốt mười ngày ròng rã, đi cả đêm lẫn ngày cuối cùng tôi cũng thuyết phục được hai gia đình cho con đến lớp học. Tôi còn phải động viên họ là cứ cho con ra học thử, nếu không học được thì tôi sẽ cho về".

Có học sinh trong tay, lúc đó bà giáo già mới chợt nhớ ra là mình chưa có địa điểm. Bà Nam đành mượn trụ sở tuần tra của phường để làm lớp học. Cứ thế, ngày ngày người ta thấy tại trụ sở tuần tra hình ảnh một bà giáo già lặng lẽ, miệt mài bên hai học trò câm điếc. Thấy việc dạy cho trò mà không hiểu được những ký hiệu, "ngôn ngữ" của chúng thì không thể truyền đạt được kiến thức. Như vậy sẽ là thất bại. Với lòng quyết tâm và tình yêu dành cho những đứa trẻ đáng thương ấy, bà giáo già đã quyết định đăng ký một khóa học ngắn hạn tại một trung tâm ở Thanh Xuân dành cho những người câm điếc. Sau khi "tốt nghiệp" khóa học trở về, bà càng tự tin hơn là mình sẽ mang tới cho chúng được những chân trời mới.

Thời gian đầu, cứ buổi sáng đi dạy, buổi chiều và tối bà Nam lại đi tới các gia đình có con bị khuyết tật, thần kinh, thiểu năng trí tuệ để vận động họ đưa con tới lớp học của mình. Và trong vòng hơn một năm đầu, sĩ số học sinh đã lên tới 6 em.

Lớp tồn tại được hai năm thì UBND phường Yên Phụ lấy trụ sở tuần tra để xây nhà văn hóa. Cô và trò lại trở thành bơ vơ. Thấy Trường Tiểu học An Dương còn trống một phòng rất nhỏ bà đã "nhét" học trò của mình vào đó. Thế nhưng, nhà trường đã không chấp nhận. Họ luôn miệng nói phải dành lớp đó để dạy thêm. Và họ bao biện: "không thể để cho những đứa trẻ bình thường học cạnh những đứa trẻ khuyết tật, thần kinh được". Thế nên những ngày ấy, mỗi giờ lên lớp học luôn luôn có một người đứng ngoài cửa đòi đuổi cô và trò ra khỏi lớp.

"Tôi thấy mình và các cháu bị đối xử tệ quá nên đã khóc rất nhiều. Cực chẳng đã tôi phải lên phòng giáo dục quận trình bày với lãnh đạo. Cũng nhờ các anh ở đó tác động mà sau đó cô trò tôi có được một phòng học ở Trường PTCS An Dương. Thấm thoắt từ đó đến nay mà đã mười mấy năm rồi!" - Bà Nam nhớ lại.

Lớp học khuyết tật của bà giáo Nam luôn nghiêm túc.

Những học sinh "cá biệt"

15 năm đã trôi qua, nghĩ lại cái hành trình "mang chữ cho những đứa trẻ khuyết tật", bà giáo già Hồ Hương Nam không nghĩ là mình sẽ có được thành quả như ngày hôm nay. Mỗi học sinh là một số phận, một căn bệnh khác nhau. Thế nên, không có giáo án chung nào cho 16 học sinh đặc biệt ấy.

"Lớp tôi dạy không có bảng đen đâu. Chả phải là không thể bỏ tiền ra mua một tấm bảng. Mà vì mỗi học sinh là một trình độ khác nhau. Có cháu bắt đầu nhận biết mặt chữ, có cháu thì trình độ i, tờ. Có cháu lại bắt đầu học cách cộng trừ nhân chia. Thế nên không thể viết lên bảng được, vì làm thế thì dạy cháu này các cháu khác sẽ mất tập trung" - bà Nam chia sẻ.

"Tiếng lành đồn xa" - lớp học tình thương của bà giáo già cứ ngày một đông dần. Ban đầu chỉ là những cháu khuyết tật của phường Yên Phụ, sau phạm vi cứ rộng mãi ra. Có những phụ huynh ở mãi tận Thạch Thất, cách lớp học của bà tới hơn 40 cây số. Vậy mà ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa hai bố con vẫn miệt mài chở nhau đến lớp. Đó là trường hợp của cháu Nguyễn Huy Long (10 tuổi). Long bị tự kỷ dạng nặng và thần kinh.

Trước khi đến với lớp học của bà Nam, Long thường xuyên hò hét, đập phá. Vậy mà 6 tháng theo học ở đây, Long đã biết viết chữ, biết đánh vần. Bà giáo già tâm sự: "Có những hôm trời mưa rét căm căm vẫn thấy hai bố con Long đến lớp. Tôi nói với bố Long sao không để con ở nhà cho đỡ khổ thì bố cậu ấy bảo rằng, bà đã ngoài tám mươi tuổi mà vẫn còn cố được thì bố con cháu sao lại không cố chứ! Nhìn cái cảnh người bố không quản đường xa đưa con đến lớp rồi lại lặng lẽ ngồi đợi con học sau hai tiếng thật là cảm động lắm. Đó cũng chính là động lực giúp tôi cố gắng bám lớp".

Người nhiều tuổi nhất trong lớp học đặc biệt ấy là Lưu Hồng Dương (Bách Khoa, Hà Nội). Dương năm nay đã 33 tuổi và cũng là học sinh theo họp lớp cô giáo Nam ngay từ những ngày đầu. Dương bị liệt tứ chi, từ khi sinh ra đến nay đều phải ngồi xe lăn. Vậy mà Dương rất ham học và học rất tốt. Mười sáu năm trời theo học, Dương hầu như rất ít khi nghỉ học. Nói về cậu học trò hiếu học này, bà Nam mắt rơm rớm: "Thương Dương lắm, ngoài ba mươi tuổi rồi nhưng chắc là khó có thể lấy được ai. Mẹ Dương mất sớm, bố lại đang ung thư giai đoạn cuối chắc cũng chả sống được thêm mấy. Nhiều lần đến lớp thấy Dương khóc, tôi hỏi lý do thì Dương buồn rầu bảo là, thời gian tới chắc sẽ chẳng được đi học vì bố bị bệnh nặng lắm rồi, sẽ không còn ai chở đi nữa".

Yêu những đứa trẻ tật nguyền như yêu chính những đứa cháu ruột của mình. Càng gắn bó với chúng bà Nam càng muốn mình có thật nhiều sức khỏe để song hành cùng với chúng. Bà thuộc tính của chúng đôi khi còn hơn cả bố mẹ chúng hiểu về chúng.

Lặng thầm một tình yêu bao la

Nếu không có một sự thương cảm tận đáy lòng đối với những đứa trẻ khuyết tật thì có lẽ bà giáo già Hồ Hương Nam đã không thể bám trụ được đến ngày hôm nay. Từ việc bị xua đuổi khi đi vận động cho các em đến lớp đến việc không kiếm đâu ra địa điểm để dạy học. Từ việc phải bỏ tiền túi của mình ra mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em rồi đến cả việc phải đối mặt với những khó khăn khi dạy những đứa trẻ không bình thường… bà đều đã trải qua. Tự thân bà giáo già cũng không nghĩ mình sẽ có được thành quả như ngày hôm nay.

Đó chính là lòng biết ơn của những bậc phụ huynh của những đứa trẻ "đặc biệt". Và tình cảm thân thương mà bà nhận được từ những đứa trẻ tưởng như "vô tri" ấy.

Khi được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục vào ngày 19/11/2013, bà Nam rưng rưng nói: "15 năm mở lớp học tình thương dạy những đứa trẻ khuyết tật, tôi chỉ muốn các em vơi đi nỗi bất hạnh. Với các em, tôi chỉ có tấm lòng của một nhà giáo!".

Khi được hỏi, bà dự định sẽ dạy lớp học tình thương này đến khi nào thì bà hồn hậu trả lời: "Tôi sẽ dạy cho tới ngày trút hơi thở cuối cùng. Các em học sinh "đặc biệt" ấy chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi rồi!".

Ông Đặng Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ:

Mô hình lớp học tình thương của bà giáo Hồ Hương Nam mang đầy lòng nhân ái, cần được nhân rộng. Với kiến thức của một bà giáo đã về hưu, bà đã truyền dạy cho nhiều em nhỏ tật nguyền biết đọc, biết viết và hòa nhập với cộng đồng. Điều đặc biệt là bà không thu bất kể một đồng học phí nào trong suốt hơn mười năm dạy học. Việc làm ấy đã gây xúc động cho nhiều người và là tấm gương cho chúng ta học tập.

Phụ huynh của em Đỗ Thành Long, 15 tuổi (Đông Ngạc, Hà Nội):

Cháu nhà tôi bị bệnh tự kỷ dạng nặng. Gia đình cũng đã đưa cháu đi khắp nơi từ Nam ra Bắc để chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm. Một lần tình cờ tôi đọc trên báo người ta nói về lớp học của bà giáo Nam rồi xin cho con vào đó học. Long đã theo học lớp của bà được hơn 3 năm, hiện cháu đã hòa nhập hơn rất nhiều. Sau một thời gian được bà kèm cặp, Long đã không còn hò hét, đập phá như trước. Cháu lại còn biết viết nữa nên gia đình tôi rất mừng. Tôi nghĩ bà Nam không chỉ là ân nhân của gia đình tôi mà còn là ân nhân của nhiều gia đình có con khuyết tật khác nữa.

Phong Anh
.
.
.