Anh Chủ tịch xã trẻ giúp nông dân thoát nghèo

Thứ Hai, 10/04/2017, 11:24
10 tuổi mới được đi học nhưng với sự nỗ lực không ngừng, Giàng Seo Châu trở thành thạc sĩ đầu tiên của Si Ma Cai, một Chủ tịch xã trẻ nhất của xã Mản Thẩn với những sáng tạo đột phá trong nông nghiệp, giúp nông dân và chính gia đình mình thoát nghèo.

Giàng Seo Châu cũng là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được vinh danh vào cuối tháng 3 vừa qua. Nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, dễ gần là những ấn tượng đầu tiên về anh Chủ tịch xã trẻ sinh năm 1986 có nghị lực phi thường của vùng đất nghèo Si Ma Cai, Lào Cai.

Trong buổi lễ vinh danh 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Châu ngại ngùng khi chia sẻ về mình. Anh tự nhận mình không có tài năng gì đặc biệt, nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng học tập mà anh đã vượt qua tất cả.

Chủ tịch xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu.

Là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề nông, cuộc sống của Giàng Seo Châu cũng không có gì khác so với bà con dân tộc miền núi, nghèo đói, lam lũ, vất vả.

Từ bé, anh em Châu đã phải theo bố mẹ lên nương phát rẫy trồng ngô hay gánh củi, gánh rau đi chợ bán lấy tiền đong gạo. Làm quần quật cả ngày vẫn bữa đói bữa no, gia đình nheo nhóc.

Nhưng chính sự nghèo đói, lam lũ ấy đã nung nấu quyết tâm thoát nghèo của cậu bé Giàng Seo Châu và anh chợt nhận ra rằng, không có con đường nào khác ngoài việc học thật giỏi. 10 tuổi Châu mới bắt đầu đến trường. Con đường đến trường gian nan, vất vả, phải qua mấy quả núi cao nhưng sáng nào, Châu cũng dạy từ sáng sớm để đi học.

Có những ngày nắng nóng cháy da cháy thịt, có những ngày dưới âm độ C lạnh thấu xương vẫn không ngăn được quyết tâm đi học của cậu bé Châu. Trời không phụ lòng người, nhiều năm liền Châu đều là học sinh giỏi.

Cậu bé dân tộc Mông đã vượt qua mọi khó khăn, tự mình học tập, ôn luyện và thi đỗ hai trường đại học: Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2007. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời anh. Châu bật khóc nức nở vì hạnh phúc. Thế nhưng, chia sẻ niềm vui ấy với anh là lời nói lạnh lùng của người cha "Không có tiền mà đi học đâu con. Tao chỉ thấy người ta đi làm nương làm rẫy có tiền, chứ chưa thấy ai đi học mà có tiền cả". Đây là một trong những quan niệm cổ hủ, lạc hậu của người dân vùng cao.

Chính điều này đã cản trở nhiều bạn thanh niên  dân tộc đến trường, phải nghỉ học sớm, phải lấy vợ, lấy chồng sớm để giúp bố mẹ làm nương. Thế nên sau này trở về quê hương lập nghiệp, ở cương vị Chủ tịch xã, Giàng Seo Châu còn ra sức cùng bạn bè, đồng nghiệp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc học hành.

Nhớ lại ngày ấy, lúc nghe bố nói vậy, nước mắt đã lăn dài trên má chàng trai trẻ. Thế nhưng, Châu quyết tâm chọn trường Đại học Nông nghiệp 1 để khởi nghiệp.

Bán được ít gà lợn, thóc giống, bố mẹ Châu dúi được cho con chút tiền nhỏ làm hành trang xuống Hà Nội để nhập học. Một mình nơi đất khách quê người, Châu không từ một công việc nào để kiếm tiền trang trải cho việc học hành và ăn ở, sinh hoạt, từ rửa bát cho tới làm thuê tại các vườn cây ăn quả.

Hằng tháng, bố mẹ anh chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ, còn lại một mình anh vừa học vừa làm để phụ thêm. Những ngày đi học, Châu sống khá giản dị và tiết kiệm. Nhiều khi bạn bè rủ đi chơi, uống nước, anh cũng không dám đi vì sợ hôm sau không có tiền đi học.

Giàng Seo Châu là Thạc sĩ đầu tiên của Si Ma Cai.

Việc ăn mì tôm trừ bữa cũng là chuyện thường ngày với Châu. Dù vất vả, nhưng chưa bao giờ chàng trai người Mông lơ đãng việc học, bởi với anh, học để thoát nghèo, học để làm giàu đã trở thành slogan để chàng trai trẻ quyết tâm thực hiện bằng được.

Tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp với tấm bằng loại khá, Châu nhận được lời mời làm trong Trung tâm thông tin xuất bản của trường, nhưng chàng trai dân tộc Mông đã khéo léo từ chối.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Bộ Nội vụ triển khai dự án "Tuyển chọn 600 trí thức trẻ về tăng cường làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo", Châu liền hăng hái tham gia.

Mong muốn lớn nhất của Châu không phải là bản thân anh có được việc làm ổn định, thoát nghèo mà là góp một phần nhỏ bé của mình để làm giàu cho quê hương, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc của bà con dân bản.

Năm 2012, Giàng Seo Châu về xã Mản Thẩn làm Phó Chủ tịch xã. Sau đó anh tiếp tục học cao học để nâng cao trình độ và trở thành thạc sĩ đầu tiên của huyện Si Ma Cai. Xuất thân từ một gia đình người dân tộc nghèo nên hơn ai hết, Châu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Việc nói được cả tiếng Kinh, cả tiếng dân tộc nên Châu dễ dàng làm quen với công việc, dễ dàng trao đổi với người dân. Lại được phân công phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp của xã, đúng lĩnh vực mà anh theo học, Giàng Seo Châu càng ra sức cống hiến hết mình.

Anh chia sẻ, mới đầu bắt tay vào công việc, anh cũng gặp phải khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của bà con dân bản. Bởi lâu nay, họ chỉ quen với tập quán trồng một vụ (ngô hoặc lúa), không phát triển chăn nuôi nên thu nhập rất bấp bênh.

Xuất phát từ thực tế này, Châu vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi để chuyển hướng sản xuất từ thuần nông sang kết hợp vừa trồng trọt vừa chăn nuôi để tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, anh cũng hướng dẫn người dân trồng thêm các loại rau màu tăng vụ. Mới đầu, người dân cũng không tin tưởng nhưng sau khi được anh Phó Chủ tịch xã đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn và làm thực tế tại chính gia đình anh, mọi người bắt đầu tin và làm theo.

Châu bắt đầu xây dựng được nhiều mô hình điểm, trong đó mô hình trồng cây bắp cải được người dân trong xã hưởng ứng và triển khai rất hiệu quả trong thời gian qua.

Giàng Seo Châu là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2016.

"Năm 2012, khi mới đưa mô hình trồng bắp cải, cả xã chỉ trồng được hơn 8ha. Sau đó, do rau bắp cải bán được nên năm 2013, diện tích trồng bắp cải của toàn xã nâng lên thành 13 ha. Riêng trong năm nay, cả 7 thôn trong xã đều đăng ký tham gia mô hình này", Châu tự hào chia sẻ.

Nếu tính trung bình giá một cây bắp cải là 5.000 đến 8.000 đồng thì mỗi vụ người dân cũng thu nhập khá ổn. Có đồng ra đồng vào, việc trồng rau lại dễ dàng, phù hợp với thời tiết khắc nghiệt của Si Ma Cai, người dân Mản Thẩn càng hăng say lao động hơn.

Nhận thấy hướng thoát nghèo của người dân Mản Thẩn đã ổn định, Châu lại mày mò nghiên cứu tìm hướng làm giàu cho chính quê hương mình. Biết được giá trị của cây tam thất được người tiêu dùng săn lùng, nhưng trong nước chưa có nơi nào trồng để bán, Châu lặn lội đi học kinh nghiệm từ một người trồng ở Trung Quốc và thử nghiệm trên chính mảnh vườn của mình.

Kết quả khả quan, anh lập dự án mở rộng diện tích trồng tam thất và xin hỗ trợ vốn cho người dân nghèo tham gia dự án. Từ vụ mùa đầu tiên, Châu đã tự nghiên cứu ươm hạt thành công, có thể cung cấp giống cho bà con trồng vụ mới khi dự án được phê duyệt.

Thời gian này, anh còn viết sách hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và ươm giống cây tam thất để chuyển kiến thức tới từng người tham gia dự án. Tiếng lành đồn xa, những giống cây tam thất do người dân Mản Thẩn ươm trồng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường các tỉnh trong nước.

Bên cạnh đó, Giàng Seo Châu luôn cùng Đảng bộ, chính quyền xã làm tốt công tác dân vận. Nhờ sự nhiệt tình, chân thật, dễ mến và nhờ những đóng góp to lớn của Châu trong phát triển nông nghiệp của xã nên người dân tin tưởng và ủng hộ anh hết mình.

Chỉ tính riêng trong 4 năm, từ 2012-2016, nhân dân đóng góp tiền và hiến trên 10 ha đất nông nghiệp và đất ở, trên 150.000 ngày công lao động, qua đó đưa Mản Thẩn là xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Giàng Seo Châu được bà con cùng Đảng ủy, chính quyền xã tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn nhiệm kỳ 2016 - 2021. Mới đây, anh đã vinh dự được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

Ngọc Mai
.
.
.