Ý nghĩa tích cực của lễ hội đang bị lu mờ

Chủ Nhật, 01/03/2015, 07:57
Trước ngày khai hội chùa Hương, 11 cò mồi chèo kéo khách đi hội bị Công an TP Hà Nội xử lý; hiện tượng khấn thuê, mê tín dị đoan có ở khắp nơi… Những hình ảnh phản cảm ở các lễ hội đầu năm 2015 đã phản ánh bức tranh toàn cảnh với gam màu tối lấn lướt sự trong sáng của văn hóa lễ hội. Làm thế nào để lễ hội văn minh mà vẫn lưu giữ giá trị truyền thống?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, cứ đến mùa lễ hội, báo chí lại phản ánh tình trạng lạm dụng lễ hội, lợi dụng lễ hội vì mục đích thương mại. Ông có quan điểm như thế nào về hiện tượng trên?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Tình trạng lạm dụng lễ hội đã trở nên báo động ở rất nhiều lễ hội các cấp địa phương, cấp tỉnh và cả cấp quốc gia và biểu hiện trên nhiều mặt khác nhau, cả ở phía người tổ chức, chủ thể lễ hội, và cả ở khách đi hội. Điều đó làm cho những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát.

Đầu tiên nói đến là sự mê tín. Chính tư tưởng mê tín tạo nên hiện tượng buôn thần bán thánh nở rộ; góp phần tạo nên sự quá tải của không gian lễ hội. Để cầu may cho mình mà chen chúc giẫm đạp lên đồng loại để giành được một mảnh ấn đền Trần tức là vì lòng tham mà quên mạng sống của người khác. Vì bán ấn lấy tiền mà không tính đến sinh mạng nhân dân là vì lòng tham mà quên lẽ hiếu sinh của con người.

Đặt lòng tham lên đầu thì sao mà có được một xã hội văn minh, hạnh phúc. Tiếp đến, cũng vì lòng tham mà tranh thủ làm tiền những người dự lễ hội. Hiện tượng chặt chém từ vật phẩm cúng dường đến tiền gửi xe, tiền đò giang, tiền sắp lễ, tiền cơm nước... bất chấp qui định của ban tổ chức.

Người ta tranh thủ mỗi năm một lần nhặt nhạnh cái gọi là "lộc thánh", gây ra những bức xúc, đôi co, thậm chí là bạo lực ở những chốn đáng lẽ dành cho tín ngưỡng thiêng liêng, chốn giao tiếp lịch sự, thân ái, vui vẻ. Trong không gian lễ nghi, đặt đầy những hòm công đức để tận thu tín tâm của người hành hương, một số ban tổ chức đấu thầu các dịch vụ lễ hội rất cao để "làm kinh tế".

Chưa hết, trong các lễ hội, hiện tượng lạm dụng rượu, bia, cờ bạc, trộm cắp, hiện tượng háo danh qua các vật phẩm thích đạt "kỉ lục" cũng rất phổ biến.

Kinh sách Phật giáo có nói đến 2 loại "tà lễ" là Ngã mạn kiêu tâm lễ và Xướng họa cầu danh lễ thì bây giờ hình như vướng cả vào. Xây dựng cuộc sống cá nhân cũng như cuộc sống cộng đồng, đất nước không bao giờ dựa trên mê tín mà khá lên được. Phải là khoa học, kĩ thuật, quản trị, nhân văn may ra mới phát triển được cho sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã dạy.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

Phóng viên: Lễ hội được coi là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, là sợi dây kết nối cộng đồng. Ông có thể đánh giá sự khác nhau của lễ hội ngày nay so với lễ hội truyền thống trước đây?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Lễ hội ngày xưa theo như phản ánh của các tài liệu dân tộc học, qua những bức ảnh chụp trước 1945 ta thấy đúng là nghèo nàn và lạc hậu. Nó phô diễn một xã hội phong kiến thuộc địa tù túng, đói khổ, rách rưới và u buồn của những người đang sống mòn và chết mòn. Có một vài bức ảnh đám rước đông người hơn nhưng cũng không sáng sủa hơn mấy tí. Số phận một dân tộc vì đói khổ mà trở nên nhem nhuốc, trì độn.

Lễ hội ngày nay đông đảo, hào nhoáng, nhộn nhịp đến hỗn loạn. Con người tự tin và kiêu hãnh đi vào lễ hội, bùng nổ tứ phía âm thanh, sắc màu, động thái... Đấy là điều dễ nhận thấy nhất khi so sánh dân tộc học. Trong một xã hội như ngày xưa, muốn vui cười tươi nhộn quậy phá cũng khó. Sự yên bình của ngày xưa là sự yên bình cam chịu. Kí ức đặc biệt về "vui hội" ngày xưa là vì chẳng có gì vui hơn trong cuộc sống lam lũ thái quá của họ. Cái trật tự ngày xưa là trật tự trong sự o bế và biệt lập, trong sự câu thúc của vương quyền và thần quyền.

Phóng viên: Ở các lễ hội lớn, tình trạng quá tải có phải là nguyên nhân phát sinh tiêu cực không, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Dân số hôm nay so với dân số trước Cách mạng Tháng Tám đã tăng hơn 4 lần. Như vậy, nếu tính cư dân bản địa thôi, số người dự hội đông lên gấp tư rồi. Cộng thêm đó là giao thông bây giờ thuận lợi bằng nhiều lần ngày xưa, đường sá, phương tiện từ vùng này sang vùng khác dễ dàng. Phương tiện truyền thông, quảng bá gấp hàng trăm lần để người ta biết đến, hướng về. Người dự hội có thể đông đến hàng trăm lần mà không gian tổ chức hội vẫn thế thôi thì làm sao mà không quá tải. Quá tải là điều đáng nói nhất ở tất cả các lễ hội có danh tiếng. Từ quá tải nhân số, nó đẻ ra vô vàn khó khăn cho sự an toàn của lễ hội, cho việc phát huy những giá trị văn hóa lễ hội. Lễ hội trở thành cơ hội thuận lợi cho tiêu cực phát sinh.

Khách đi lễ tại đền Bà Chúa Kho (tỉnh Bắc Ninh).

Phóng viên: Ở những nơi diễn ra lễ hội đang có tình trạng thờ cúng lộn xộn, nghi lễ lệch lạc, người dân cũng không phân biệt được thờ cúng thế nào cho đúng. Vậy theo ông có nên biên soạn tài liệu riêng để định hướng tổ chức lễ hội cho đúng với lịch sử, văn hóa không?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Biên soạn tài liệu định hướng là việc có thể làm nếu nó là một "đề tài" ngốn nhiều kinh phí của Nhà nước và nhiều tổ chức, cá nhân "chạy" để đấu thầu đề tài. Nhưng để có hiệu quả thì sẽ cũng như nhiều dự án, đề tài khác thôi. Tôi không hi vọng bao nhiêu vào các định hướng mang tính hành chính nhưng cũng đầy quan liêu bao cấp đó. Kinh nghiệm về việc "chạy" di tích, "chạy" lễ hội... cho ta quá nhiều bài học. Đó là một hiện thực không thể phủ nhận.

Phóng viên: Nếu vậy thì cần phải làm gì trong lúc này, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Cái cần làm nhất không phải là một hướng dẫn chung mà là những nghiên cứu khách quan, cụ thể hiện trạng từng cái một: Đền Hùng khác, Đền Trần khác, Yên Tử khác, Chùa Hương khác, Hội Lim khác v.v... Từ những cái cụ thể như vậy, chúng ta vạch ra những kế hoạch chi tiết, những hành động sát thực và kiên quyết. Thượng tôn pháp luật phải được đưa lên hàng đầu thì ta mới từng bước làm chủ được tình hình, hướng tới các giá trị chân thiện mĩ như ta hằng mong muốn.

Bên cạnh đó cũng cần phải nói, không phải mọi lễ hội đều đầy những bất cập, chúng ta cần nghiên cứu những lễ hội thành công để làm kinh nghiệm cho các lễ hội tương tự về tính chất. Xã hội hiện đại là một xã hội vận động với tốc độ ngày càng nhanh, cần coi đó là một thử thách và có phương án cụ thể để vượt qua thử thách đó.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.