Được mùa 'rớt' giá - hệ quả chạy theo phong trào

Chủ Nhật, 26/04/2015, 15:43
Xung quanh câu chuyện “được mùa rớt giá” dưa hấu và tắc nghẽn ở cửa khẩu Lạng Sơn nhiều năm qua với loại hàng nông sản này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Một loại cây thuộc nhóm ra quả như bầu, bí… và thiếu thông tin về thị trường thì không thể quy hoạch được” đó là nhận định của ông.

PV: Thưa ông, câu chuyện “được mùa thì mất giá” đối với dưa hấu và dẫn tới tắc nghẽn ở cửa khẩu của Lạng Sơn, 10 năm nay cứ “đến hẹn” lại lên, ông có thể cho biết, vấn đề quy hoạch dưa hấu như thế nào, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung?

Ông Trần Xuân Định: Về cây dưa hấu, Cục Trồng trọt xin được chia sẻ, còn nói là quy hoạch vùng trồng dưa hấu là không có. Cây dưa hấu được liệt vào các nhóm rau quả, bầu bí, như dưa chuột, dưa lê, bí xanh, bí đỏ, bí cô tiên… nhóm này ở nước ta rất phong phú. Chu kỳ chiếm đất của nhóm cây trồng này cũng rất ngắn, chỉ trong 2 tháng là được thu hoạch. Năng suất quả tương đối cao, từ 50-60 tấn/ha, nếu trong điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất còn cao hơn. Đặc biệt, cường độ ánh sáng chan hoà thì các nhóm này rất phát triển nên các tỉnh khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… có nhiều nắng, bà con nông dân trồng khá thuận lợi. Dưa hấu là cây trồng có thể đưa vào giải pháp tăng vụ, sau gặt lúa là bà con có thể trồng nhóm dưa, bầu, bí. Còn ở miền Bắc, người dân thường trồng vào giữa 2 vụ lúa, tức là ruộng có thể canh tác được tới 4 vụ/năm. Ở phía Bắc năng suất thường đạt 1,5-2 tấn, tức là 60 tấn/ha, người dân chỉ bán 3.000 – 5.000 đồng/kg là đã có lãi. Đối với việc trồng dưa hấu, chúng tôi lưu ý vì là cây ngắn ngày, làm tăng vụ trên một diện tích nên chúng ta không có quy hoạch cho một loại cây cực ngắn ngày như vậy.

PV: Vậy theo ông, việc bị ứ đọng ở cửa khẩu vì sao cứ diễn ra liên miên mà chưa thể giải quyết được?

Ông Trần Xuân Định: Đúng là việc ứ đọng ở cửa khẩu trong quá trình tiêu thụ đã xảy ra từ nhiều năm nay. Hiện ở miền Trung, mỗi ngày có hàng trăm xe chở dưa hấu lên cửa khẩu bán, trong khi, năng lực thông quan của cửa khẩu chỉ khoảng vài trăm xe thì ứ đọng là không thể tránh khỏi. Trong khi thị trường trong nước, dưa hấu được tiêu thụ quanh năm thì thị trường Trung Quốc, thường tiêu thụ nhiều vào Tết 3-3 (âm lịch) hàng năm. Nếu như trước đây, sản lượng nhập khẩu dưa hấu của Trung Quốc chủ yếu là từ Việt Nam thì  hiện nay, chúng tôi được biết, nhiều tư thương của Trung Quốc đã sang Lào, Campuchia thuê hàng trăm ha để trồng dưa hấu và trở về tiêu thụ ở trong nước, do đó cũng ảnh hưởng tới cầu dưa hấu của Việt Nam. Trong khi hiện nay, bà con vẫn có suy nghĩ thấy nhà bên cạnh làm thắng lợi là sang năm lại làm. Sản xuất theo kiểu phản ứng “dây chuyền” như vậy là sẽ chắc chắn bị ách tắc?

Ông Trần Xuân Định.

PV: Để giải quyết vấn đề này, theo ông những năm tiếp theo, ngoài bài toán thị trường, cần có khuyến cáo, triển khai cơ cấu mùa vụ như thế nào?

Ông Trần Xuân Định: Do dưa hấu là cây trồng ngắn ngày, cho sản lượng lớn trên một đơn vị diện tích, lại thu hoạch đồng loạt, áp lực tiêu thụ rất lớn, cả áp lực về phương tiện vận chuyển trong khi bà con nông dân ai cũng mong muốn tiêu thụ được nên chắc chắn giá sẽ bị giảm. Chúng tôi khuyến cáo người dân và địa phương phải có thông tin thị trường cụ thể hơn để cân đối diện tích vừa phải. Đặc biệt là các bộ, ban, ngành cần có thông tin sớm hơn về thị trường để cảnh báo với các tỉnh nhất là miền Trung, để đa dạng hoá nhóm cây trồng, có hướng dẫn nông dân bố trí dải vụ ra, dải thời gian thu hoạch, giảm bớt áp lực. Chúng tôi đã rà soát lại một số loại cây trồng, dựa trên tính toán về khí hậu, chất đất và đặc biệt là thị trường để đưa ra định hướng, quy hoạch cụ thể. Nếu quy hoạch không gắn được với thị trường thì câu chuyện “được mùa, mất giá” sẽ cứ đến hẹn lại lên.

Hàng trăm xe dưa hấu ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh dịp đầu tháng 4/2015.

PV: Thưa ông, trong khi ở cửa khẩu, hàng đoàn xe chở dưa hấu ách tắc cả km vì không được thông quan và người nông dân bị ép giá xuống chỉ còn 500 – 1.000 đồng/kg dưa hấu thì phong trào mua dưa hấu ủng hộ người dân miền Trung với khẩu hiệu: “Mỗi trái dưa một tấm lòng” đã lan rộng. Và đã có tình trạng xếp hàng chờ đợi mua dưa hấu ủng hộ mà không được mua. Điều này cho thấy, ngoài mong muốn ủng hộ, nhu cầu ăn dưa hấu với giá hợp lý của người dân rất lớn. Vậy tại sao từ trước đến nay, chúng ta không xúc tiến việc tiêu thụ dưa hấu ngay trong nội địa? Phải chăng đây là khâu yếu kém của cơ quan quản lý?

Ông Trần Xuân Định: Đúng là chúng ta sản xuất một số mặt hàng nông sản lại chỉ chủ yếu hướng tới xuất khẩu, mà vô tình đã bỏ rơi thị trường trong nước. Một trong những bài học rút ra chính là sản phẩm vải thiều của vụ vải thiều 2014. Nếu như trước đây chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng vụ vải vừa qua có nhiều khó khăn với thị trường này nên các bộ, ngành đã sớm có kế hoạch xúc tiến tiêu thụ tại thị trường tiêu thụ nội địa. Theo đánh giá, sản lượng tiêu thụ vải thiều của Trung Quốc giảm đi rất nhiều, nhưng tiêu thụ lại rất tốt, ở các tỉnh phía Nam còn tăng thêm 3-4 lần. Qua đó có thể thấy, đối với một loạt cây trồng khác, nếu sản lượng lớn, cần hết sức chú trọng tới thị trường hơn 90 triệu dân trong nước.

“Hiện 1 sào Bắc Bộ, trung bình người dân trồng 250 cây dưa, mỗi cây lấy 1 trái với trọng lượng trung bình 3 – 3,5kg thì sản lượng cũng đạt 1,5-2 tấn/sào, tương đương với 1ha là 50 - 70 tấn. Với một vùng trồng 10 ha, nhân với 40 tấn/ha là có 400 tấn dưa hấu, nếu ăn tại chỗ 100 tấn thôi thì vẫn còn 300 tấn. Nhưng nếu trồng tới 1.000 ha thì sản lượng sẽ còn như thế nào? Cục Trồng trọt cũng đang rà soát lại dưa hấu và một số loại cây trồng khác để có định hướng cho một loạt cây trồng, trong đó có dưa hấu. Ngoài gắn với chất đất, khí hậu… quan trọng là gắn với thị trường để sản xuất, nếu cứ sản xuất kiểu “phong trào”, rồi “xé rào” vượt quy hoạch thì câu chuyện được mùa mất giá sẽ còn kéo dài”, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nói.

Thanh Yên (thực hiện)
.
.
.