Đề nghị đưa hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội
Đồng tình việc sửa đổi Điều 60 nhưng đại biểu Danh Út (tỉnh Kiên Giang) cho rằng không nên quá cứng nhắc trong việc xây dựng điều luật. “Điều 60 chỉ cho phép người lao động được hưởng đầy đủ bảo hiểm khi đã nghỉ hưu, tôi đề xuất bổ sung thêm hình thức hưởng một lần bởi trong điều kiện hiện nay có nhiều người lao động không chờ đến 55-60 tuổi mới về hưu” – ông nêu ý kiến và khẳng định việc làm này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc thực hiện Luật BHXH.
Cùng chung quan điểm như trên, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, đoàn đại biểu tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, chúng ta phải nhìn nhận luật ra đời đang bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giai cấp công nhân và người lao động, nếu sửa luật là hợp lòng dân thì nên sửa. “Ngay trong thực tế, tại sao mình không để cho họ có 2 sự lựa chọn, một lựa chọn nhận BHXH một lần, và một lựa chọn cho họ tích luỹ thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động, hưởng lương hưu hằng tháng. Rồi trong quá trình thực hiện sẽ vận động dần dần để người dân đóng bảo hiểm, hướng đến sự tích luỹ lâu dài…”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Luật, ĐBQH tỉnh Kiên Giang lại lưu ý, báo cáo của Chính phủ mới nói về quy định, chứ không phải tờ trình đề nghị sửa. Nếu Chính phủ đề nghị sửa tại kỳ họp Quốc hội này thì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đưa vào Chương trình 2015, như thế Uỷ ban các vấn đề xã hội phải làm báo cáo thẩm tra. Còn ở đây chỉ mới là 2 báo cáo để Quốc hội thảo luận. Bên cạnh đó, trong thực tiễn công tác xây dựng pháp luật có nhiều điều luật chưa có hiệu lực nhưng Chính phủ vẫn kiến nghị sửa đổi, xem xét, ví dụ như Điều 60 Luật BHXH, Luật Sỹ quan QĐND và Luật CAND... “Vấn đề ở đây là chỉ sửa đổi những điều luật đã có hiệu lực, đang thi hành và qua thực tiễn thấy cần phải sửa đổi, bổ sung. Nếu điều luật nào không sửa đổi mà có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng-an ninh thì việc sửa đổi điều luật đó là đương nhiên, còn luật chưa có hiệu lực thì không nên đưa ra xem xét…”.
Ông Luật cũng đặt vấn đề các đại biểu phải hết sức cầu thị, xem lại trách nhiệm của người làm luật, cơ quan chủ trì, cơ quan trình và các uỷ ban thẩm tra trước Quốc hội… đã chuẩn bị như thế nào, quy trình đã tốt chưa, tại sao luật vừa được Quốc hội thông qua, chưa có thời gian kiểm nghiệm thực tiễn mà lại không được nhân dân đồng tình.
Theo ông, luật không phải cứ đơn giản là thông qua đi, không phù hợp dân có ý kiến thì lại chỉnh sửa, như thế sẽ làm mất uy tín của Quốc hội đối với cử tri trong công tác xây dựng văn bản pháp luật…
Đặt vấn đề Quốc hội phải bình tĩnh xem xét và việc sửa đổi hay không phải làm đúng trình tự, đại biểu Nguyễn Trung Thu, ĐBQH tỉnh Long An khẳng định: Khi xây dựng Điều 60 Luật BHXH chúng ta đã thảo luận rất nhiều, có biểu quyết…; chính sách Điều 60 đưa ra cũng có sự thảo luận, quan tâm của các đối tượng ban hành và đối tượng chịu tác động…
Trong báo cáo của Chính phủ cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thể hiện việc xây dựng điều luật này rất tiến bộ. “Làm bảo hiểm là tính đến lúc già yếu, cho mấy chục năm sau chứ không phải vấn đề trước mắt, khi còn khoẻ mạnh tính cho đến lúc già yếu. Vì thế khi có phát sinh ý kiến phản đối của người dân như thế thì Quốc hội phải bình tĩnh xem xét, có cơ sở, chứ nếu không cứ chạy theo sửa luật rồi sau đó cũng sẽ phải sửa tiếp những vấn đề phát sinh…” – ông Thu phân tích. Đồng thời việc phổ biến, tuyên truyền luật của cơ quan nhà nước và các cơ quan báo đài chưa đúng khiến người lao động không hiểu rõ, dễ bị các đối tượng tác động. Đại biểu Nguyễn Trung Thu đề nghị, nếu có sửa phải có báo cáo tác động sát với tình hình thực tế…
“Trước thông tin phản đối của người dân đối với Điều 60 Luật BHXH, Quốc hội phải có đánh giá lại để xem nguồn gốc thông tin như thế nào, liệu có bàn tay nào đứng đằng sau kích động người dân hay không, chứ không phải vì áp lực của nhân dân mà vội vàng thay đổi” – ĐBQH Lê Diễn, tỉnh Đắk Nông thẳng thắn. Ông đề nghị Quốc hội đánh giá đúng, phân tích tình hình, điều chỉnh cho phù hợp nhưng nên chăng cần thận trọng xem xét, đến kỳ họp cuối năm mới sửa đổi.
Nhất trí với ý kiến của đại biểu Lê Diễn, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm “không nên sợ mất uy tín của Quốc hội mà không sửa luật”, tuy nhiên không nên sửa ngay từ bây giờ, mà phải phân tích kỹ báo cáo của Uỷ ban các vấn đề xã hội…, chứ không sẽ tạo tiền lệ, cho rằng việc thảo luận của các đại biểu chưa kỹ càng, thống nhất.
Kết luận phần thảo luận tích cực, sôi nổi ở tổ 8, ông Trần Minh Thống, ĐBQH tỉnh Kiên Giang, Tổ trưởng khẳng định, xoay quanh Điều 60 có nhiều ý kiến đặt ra, trong đó đa số là 2 dạng ý kiến đồng ý sửa Điều 60 theo Nghị quyết của Quốc hội và sửa theo quy trình. Luật này phù hợp với xu thế phát triển của trong nước và thế giới nhưng cần xem xét cho phù hợp với nguyện vọng của đa số người lao động. Đa số đại biểu ở tổ này đồng tình với quan điểm nên sửa Điều 60 Luật BHXH theo quy trình, và vẫn đảm bảo thời gian đến lúc có hiệu lực, ngày 1/1/2016...
Xây dựng luật phải chặt chẽ, có chất lượng và có sức sống Góp ý về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá, ĐBQH tỉnh Thanh Hoá nhận định, trong nhiệm kỳ vừa qua và nhiệm kỳ này Quốc hội đã xây dựng nhiều luật và pháp lệnh, nhiều luật ra đời chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu trong quản lý nhà nước cũng như điều hành xã hội. Tuy nhiên qua thực tế cho thấy chúng ta ban hành nhiều nhưng còn tản mát, luật chưa chặt chẽ đầy đủ, khi triển khai thực hiện còn vướng mắc, bất cập, chưa đi vào cuộc sống. Nhiều luật tác dụng điều chỉnh ít hoặc ban hành ra rồi để đấy (ví dụ như Luật Tuyên truyền phổ biến pháp luật, Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh), hay Luật Sỹ quan Công an vừa ban hành và đến 1/7/2015 mới có hiệu lực nhưng đã đề nghị sửa. |