Đại biểu nghỉ hưu, trách nhiệm trước Quốc hội vẫn không đổi

Thứ Hai, 19/10/2015, 13:09
“Sau đại hội Đảng các cấp, dù một số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác song trọng trách đại biểu không thay đổi, vẫn phải phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của phóng viên Báo CAND tại buổi họp báo về Kỳ họp thứ 10-Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay 19/10.

Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và diễn ra trong hơn một tháng. Tại cuộc họp báo sáng nay, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Công an nhân dân về việc sau đại hội Đảng các cấp, hiện nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đã nghỉ hưu, chờ hưu hoặc chuyển công tác khác, sự thay đổi này có ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý, thái độ, chất lượng hoạt động của đại biểu đó tại Quốc hội nói riêng, của Quốc hội nói chung, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, sự thay đổi về chức vụ, địa vị tại cơ quan, tổ chức sau đại hội Đảng là bình thường song trách nhiệm của đại biểu tại Quốc hội là không thay đổi.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo những nội dung chính của Kỳ họp thứ 10-Quốc hội khóa XIII.

“Dù sau đại hội, đại biểu kiêm nhiệm đó đã nghỉ hưu, chờ hưu hay chuyển công tác khác thì chức năng, nhiệm vụ của đại biểu tại Quốc hội vẫn phải bảo đảm, phải phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ” – ông khẳng định.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, dù đâu đó có ý kiến đại biểu sau khi nghỉ hưu có thể phát biểu “hăng” hơn hay ngược lại “dịu dàng”, lặng lẽ hơn song trước Quốc hội, dù ở vị trí nào cũng phải hoàn thách chức trách, nhiệm vụ của mình, bất kể ở địa vị công tác nào, nghỉ hưu hay đương nhiệm.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 18 luật. Các dự án luật sẽ xem xét thông qua gồm: Bộ Luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Luật Thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật khí tượng, thủy văn; Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi); Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế.

Bốn nghị quyết sẽ xem xét thông qua: Nghị quyết về việc gia nhập công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.  

Ngoài ra, 8 dự án Luật Quốc hội cho ý kiến: Luật về hội; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước Quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật tín ngưỡng tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật dược (sửa đổi).

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể: Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; báo cáo của Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 và dự toán ngân sách Nhà nước 2016; báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 và chất vấn lại một số vấn đề; báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý; sử dụng đất đai tại nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Đ.Trường
.
.
.