Dự thảo Luật An ninh mạng: Xử lý thông tin có nội dung kích động gây bạo loạn
- Luật An ninh mạng: Giảm thiểu rủi ro cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng
- Bộ Công an họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật An ninh mạng
- Lấy ý kiến về dự thảo Luật An ninh mạng
Góp phần đảm bảo quốc phòng – an ninh
Trong tờ trình, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Dự thảo Luật an ninh mạng gồm 8 Chương, 55 Điều, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng; nhằm phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh.
Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tờ trình do Bộ trưởng Tô Lâm trình bày cũng nêu rõ, theo dự thảo Luật An ninh mạng, thì các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được quy định trong 7 Điều (từ Điều 22 đến Điều 28), cụ thể: Xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, thông tin cá nhân trên không gian mạng; Phòng, chống tấn công mạng; Phòng, chống khủng bố mạng; Phòng, chống chiến tranh mạng; Tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; Các biện pháp áp dụng khi gia tăng nguy cơ xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
Đặc biệt, chương VII gồm 9 Điều (từ Điều 45 đến Điều 53) quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng; Trách nhiệm của chủ thể sản xuất, kinh doanh thiết bị số và cung cấp dịch vụ mạng, ứng dụng mạng; Trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; Trách nhiệm của cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
Trong đó, các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng không gian mạng phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng; phát hiện, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng đến cơ quan có thẩm quyền hoặc Công an nơi gần nhất; giúp đỡ tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng; tố cáo với cơ quan có thẩm quyèn về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Cần thiết ban hành Luật An ninh mạng
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng an ninh (UBQPAN) của Quốc hội do ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban trình bày nêu rõ, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ, UBQPAN nhất trí với Tờ trình của Chính phủ
Ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, ANQG, TTATXH, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở và hệ thống chính sách chưa đồng bộ, thì việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết.
Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội nêu rõ các số ý kiến đóng góp với với ban soạn thảo về cách giải thích từ ngữ, chính sách của nhà nước về an ninh mạng, các biện pháp bảo vệ an ninh mạng…đề nghị nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp.
Ông Võ Trọng Việt khẳng định Quốc hội cũng cơ bản tán thành với việc giao Bộ Công an thẩm định, đánh giá chứng nhận hợp quy, kiểm tra, đánh giá an ninh mạng trước khi đưa vào sử dụng, vận hành đối với hệ thống thông tin quan trọng về ANQG để sớm phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Về việc xử lí các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, ANQG, TTATXH trong Chương III, UBQPAN nhất trí với sự cần thiết phải quy định việc xử lý hành vi sử dụng không gian mạng thực hiện các hành vi nêu tại Điều 22. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trên và có sự rà soát, đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự để cụ thể hóa trong dự thảo Luật này; nhất trí với sự cần thiết phải quy định về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước…
Ông Võ Trọng Việt đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi cao.