Xử lý nghiêm và công khai cán bộ lãnh đạo liên quan gian lận thi cử

Thứ Năm, 09/05/2019, 11:51

Là ý kiến của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV.



Sáng 9-5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Kinh tế xã hội đạt những kết quả toàn diện

Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn, từ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với UBTVQH đã tổng hợp được 1.915 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Theo đó, cử tri và nhân dân vui mừng phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019; đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn

“Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát chuyên đề, giám sát các bộ, ngành, địa phương về thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, giải quyết vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc” – ông Trần Thanh Mẫn nêu.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn bộ máy, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực. Tình hình mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện; xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội. Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Đề nghị xử lý quyết liệt trường hợp bao che, tiếp tay cho tội phạm

Cử tri và nhân dân nhìn nhận, thời gian qua, lực lượng Công an đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động; số vụ bạo lực gia tăng; liên tiếp xảy ra các vụ án giết nhiều người, các vụ xâm hại tình dục, dâm ô với trẻ em; nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng rất lớn; hoạt động “tín dụng đen”, đánh bạc qua mạng ngày càng tinh vi, có dấu hiệu bao che, “tiếp tay” của những cán bộ, công chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

“Đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng và các địa phương có các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là các tội phạm về ma túy, đối tượng côn đồ, “xã hội đen”, làm rõ trách nhiệm của những cán bộ, công chức chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm, nhất là những trường hợp bao che, tiếp tay cho tội phạm” – Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Thời gian qua, tai nạn giao thông trên toàn quốc đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn hết sức lo lắng trước việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người, tình trạng nhiều lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây tai nạn; việc tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, có dấu hiệu tiêu cực.

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm kỷ cương, pháp luật khi tham gia giao thông; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập trong quy định xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tổ chức giao thông…

Hoạt động “thỉnh vong” gây bức xúc

Việc tổ chức các lễ hội truyền thống có nhiều tiến bộ, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” gây bức xúc trong nhân dân. “Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động này”, ông Mẫn nêu rõ.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm, theo dõi việc xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La; hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý sai phạm. Cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội.

“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, khắc phục triệt để những hạn chế trong tổ chức thi của các năm trước, trước hết là những “lỗ hổng” trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, ngăn chặn kịp thời gian lận trong thi cử của năm học 2019 – 2020”, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề cập.

Tình trạng lễ hội rề rà, lãng phí

Phát biểu góp ý vào báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện nay đang diễn ra tình trạng ma chay, cưới xin, lễ hội khá rề rà, mức độ ngày càng tăng lên. “Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai lễ hội, tháng ba rượu chè. Một năm chỉ có 4 quý thôi nhưng quý 1 nhảy múa hát ca”, ông nói.

Theo ông, ma chay, đám cưới ở nông thôn diễn ra 2-3 ngày trước và sau, rất lãng phí. Bên cạnh đó về lễ hội, các địa phương ngay ở cấp thôn cũng có hiện tượng “cố tìm ra một ông nào đó để tôn vinh”, làm ngày một to ra, cờ quạt, trống chiêng. “Cái này lãng phí lắm, lãng phí thời gian, tiền của của xã hội. Báo cáo của Mặt trận nên đưa vào”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại đề nghị báo cáo này cần nhấn mạnh đến những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm, ví dụ như tình trạng tai nạn giao thông, xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống cháy nổ… “Đây là vấn đề đang diễn ra và tới đây trong chương trình kỳ họp chúng ta sẽ có giải pháp gì để cả hệ thống chính trị, cả Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương phải làm”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề tại sao ý kiến kiến nghị cử tri về chính sách đối với người có công lại không được đưa vào báo cáo. Theo ông, phải xử lý nghiêm túc các đối tượng làm giả hồ sơ chất độc màu da cam; bóc gỡ những đường dây làm giả giấy tờ để hưởng chế độ chính sách.

“Người ta nói có những đường dây làm giả 40-50 triệu/hồ sơ. Ở xã người ta đã chỉ rõ rồi thì chúng ta phải xử lý, không để nhức nhối, mang tiếng”, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị.


Quỳnh Vinh
.
.
.