Xử lý nghiêm minh tội phạm kinh tế, tham nhũng là đòi hỏi chính đáng của người dân
Thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tham nhũng và thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện; qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức tuân thủ pháp luật, làm chủ xã hội, tích cực, chủ động tham gia phòng, chống tội phạm. Những bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với các bị cáo Vũ Quốc Hào, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc... trong các vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)... vừa qua, tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị chống tội phạm kinh tế, tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, góp phần khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Việc kịp thời khám phá, điều tra, làm rõ vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế và kinh doanh trái phép đã tích cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời là tiếng chuông nhắc nhở, cảnh báo các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ngay sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này kết thúc, dư luận xã hội đã băn khoăn đặt câu hỏi về sự không bình thường, thiếu sự nghiêm minh cần thiết của pháp luật trong bản án đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Đặc biệt, bị cáo Nguyễn Đức Kiên - kẻ chủ mưu, cầm đầu tổ chức tội phạm kinh tế đặc biệt nguy hiểm, bị truy tố, xét xử về cả bốn tội danh và trước tòa, thay cho việc ăn năn, hối hận, thì lại ngoan cố, quanh co chối tội, phủ nhận mọi hành vi phạm tội. Việc bị cáo này chỉ phải nhận mức án 30 năm tù, trong khi không có tình tiết giảm nhẹ, mà chỉ có những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong cả bốn tội phạm đã thực hiện là phạm tội có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, là chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.
Kết quả xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cho thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng cực kỳ cam go, khó khăn, phức tạp. Người dân lại phải một lần nữa trông chờ một bản án công tâm, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật của phiên tòa phúc thẩm đối với vụ án này