Xâm hại trẻ em tức là vi phạm Hiến pháp, truyền thống và đạo đức của dân tộc

Thứ Hai, 06/08/2018, 17:32
Là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em ngày 6- 8. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị, dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các địa phương. Đây là hội nghị đầu tiên của cả nước về công tác bảo vệ trẻ em có đến 18 nghìn người tham dự từ cấp trung ương đến địa phương.

Theo báo cáo của Bộ LĐ- TBXH, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý. Năm 2016, có 1.724 em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.155 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 67%. Năm 2017,  có 1.642 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.397 em bị xâm hại tình dục, chiếm 85,1%. Trong 06 tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%. 

Tuy vậy, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Nguyễn Thị Hà thừa nhận, thực tế số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, tố giác vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, thế nhưng thực tế theo báo cáo của Bộ LĐ- TBXH việc triển khai công tác bảo vệ trẻ em đang tồn tại quá nhiều bất cấp dù Luật Trẻ em 2016 đã có hiệu lực thi hành. 

Theo Bộ LĐ- TBXH, hiện cả nước số công chức chuyên trách công tác trẻ em thuộc Sở LĐ- TBXH chỉ 186 người (bình quân chỉ 3 cán bộ/tỉnh); Số người làm công tác bảo vệ trẻ em tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt: 3.434 người (chỉ chiếm tỷ lệ 13 người/100.000 trẻ em); Số công chức chuyên trách hoặc được giao nhiệm vụ phụ trách công tác trẻ em của Phòng LĐTBXH thuộc UBND cấp huyện: 580 người (còn 20% số huyện không có người làm công tác trẻ em); Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chưa được xác định, phân công theo quy định của Luật trẻ em. 

Đến thời điểm này mới chỉ có 590 cán bộ thuộc 06 tỉnh/thành phố được phân công làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã (chiếm 5% số xã của toàn quốc). Không chỉ có vậy, tỷ lệ chi cho công tác bảo vệ trẻ em so với tổng chi lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (gồm y tế, giáo dục, xã hội và chương trình mục tiêu liên quan đến trẻ em) chiếm tỷ lệ quá thấp (năm 2012 là 1,27%, năm 2013 là 1,08%, năm 2014: 0,87%, năm 2015 là 1,18%; năm 2016 là chỉ 0,67%) làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu về bảo vệ trẻ em. 

Bộ LĐ- TBXH cho biết, phần lớn các địa phương bố trí ngân sách mức rất thấp cho công tác bảo vệ trẻ em, thậm chí có tỉnh không bố trí ngân sách. 

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của hội nghị bàn về trẻ em lần đầu tiên với sự tham dự của 18 nghìn người từ gần 700 điểm cầu trực tuyến từ cấp xã đến cấp tỉnh trên cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, từ hội nghị này chúng ta cần nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em, trước hết là 17 cơ quan có chức năng làm công việc này. Và điều quan trọng nữa là đưa ra được biện pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn. 

Đánh giá về công tác bảo vệ trẻ em thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (năm 1990). Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước. 

Điều 37 Hiến pháp quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế như tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao (khoảng 24%).

Tỉ lệ trẻ em đi nhà trẻ vẫn còn thấp (khoảng 28%). Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. 

Chính vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. 

Để làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý khi mà hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 - khoảng 5% cấp xã bố trí. 

Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản. UBND cấp tỉnh, huyện phải nhanh chóng triển khai, bố trí ngân sách, nguồn lức để thực hiện công việc này. Ủy ban Quốc gia về trẻ em định kỳ kiểm tra, giám sát việc bảo vệ trẻ em… 

“Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình. Với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, chúng ta phải làm mọi cách để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phan Hoạt
.
.
.