Vụ Thanh tra “vòi tiền”: Quan trọng nhất là đấu tranh trong nội bộ trước tiêu cực
Sáng 14-6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đã trao đổi với báo chí xung quanh việc Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản.
- Làm rõ, xử lý nghiêm vụ thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" tại Vĩnh Phúc
- Thụ lý vụ lập biên bản đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền tại Vĩnh Phúc
- Bộ Xây dựng thông tin về việc Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản đối với Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng
PV: Lâu nay trên nghị trường Quốc hội, nhiều ĐBQH vẫn hay đặt vấn đề “có hay không tình trạng tham nhũng ngay chính trong những cơ quan phòng, chống tham nhũng”, phải chăng vụ việc vừa rồi là một trong những ví dụ?
ĐBQH Nguyễn Thái Học: Cần phải nhìn nhận rằng, cơ quan Thanh tra không phải là cơ quan chống tham nhũng, hoạt động thanh tra chuyên ngành không phải là chống tham nhũng. Nhưng hoạt động thanh tra, kiểm tra có vai trò hết sức quan trọng trong phát hiện sai phạm, ở đây là lĩnh vực xây dựng. Như vậy thanh tra chuyên ngành cũng góp phần phát hiện ra sai phạm trong lĩnh vực xây dựng để rồi chấn chỉnh khắc phục.
Nhưng ở đây thông qua việc thanh tra để phát hiện sai phạm mà anh lại vi phạm thì dư luận, người dân bức xúc, không đồng tình và các cơ quan chức năng cần soát xét lại để làm sao hoạt động thanh tra, kiểm tra đúng với ý nghĩa là phát hiện ra sai phạm để xử lý.
ĐBQH Nguyễn Thái Học trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp Quốc hội, sáng nay |
PV: Ông nhìn nhận thế nào khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng “đây là sai phạm của cá nhân”?
ĐBQH Nguyễn Thái Học: Đồng ý là sai phạm của cá nhân, nhưng đây là cá nhân đi làm công vụ và công vụ này là do Bộ Xây dựng cử đi làm, giao nhiệm vụ. Như vậy, từ sai phạm của cá nhân làm ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm của một ngành mà ở đây là ngành thanh tra.
PV: Nếu chỉ nói đây là sai phạm cá nhân thì như vậy sau này cũng sẽ dễ có rất nhiều sai phạm cá nhân xảy ra. Quan điểm của ông ra sao?
ĐBQH Nguyễn Thái Học: Cơ chế giám sát tốt nhất ở đây là tự kiểm tra giám sát, như trong đoàn kiểm tra, đối tượng bị kiểm tra và cơ quan chủ quản của đoàn kiểm tra. Tốt nhất và trực tiếp nhất là tự kiểm tra, tự quản lý. Sâu xa hơn nữa là công tác cán bộ. Có nghĩa là làm sao lựa chọn cho đúng người có phẩm chất, năng lực thật sự để bổ nhiệm vào vị trí thanh tra.
Cái này nhiều cơ quan, bộ ngành chưa chú trọng đến đội ngũ làm công tác thanh tra. Chính vì chưa chú trọng nên chưa chọn đúng con người. Một khi mình lựa chọn đúng con người để thực thi công vụ trong hoạt động thanh tra thì chắc chắn độ tin cậy cao hơn, khi thực thi công vụ khó có sai phạm. Hơn ai hết chính những người làm công tác thanh tra phải tốt, còn nếu như con người đó không tốt thì có giám sát, thủ tục như thế nào cũng khó lòng mà kiểm soát được.
PV: Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng trong vụ việc này?
ĐBQH Nguyễn Thái Học: Cái này phải xem xét dựa vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể chứ bây giờ mình nói rất khó. Trong điều kiện đó thì trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào, trách nhiệm của những người liên quan như thế nào phải xem xét quy trình cụ thể...
PV: Theo đại biểu, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào để công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả hơn, tránh tiêu cực?
ĐBQH Nguyễn Thái Học: Lâu nay, dư luận vẫn đặt vấn đề có tiêu cực hay không trong thanh tra, kiểm tra và trên thực tế, có chứ không phải là không. Nhưng những vụ việc vừa rồi bị lộ, lọt ra cho thấy cần phải siết chặt lại hoạt động thanh tra, kiểm tra như thế nào. Qua những sự việc như thế cho thấy, bản thân hoạt động thanh tra, kiểm tra phải soát xét lại, nhất là khâu lựa chọn cán bộ, thông qua đó bổ nhiệm cán bộ ra sao, thành lập đoàn thanh tra như thế nào.
PV: Dư luận cũng đặt câu hỏi, tại sao một người mới được bổ nhiệm 2 tháng và là Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng mà lại có dấu hiệu tham nhũng như thế?
ĐBQH Nguyễn Thái Học: Đây là một vấn đề phải đặt ra. Vì sao anh mới bổ nhiệm một con người và trước đó quá trình bổ nhiệm phải theo dõi, đánh giá cán bộ nhưng để rồi ngay sau đó cán bộ lại vi phạm. Như vậy cần đặt ra trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc xem xét, bổ nhiệm cán bộ. Khi anh lựa chọn, đánh giá cán bộ phải đánh giá cả về phẩm chất, chuyên môn, nghiệp vụ, vậy mà khi anh bổ nhiệm người ta đã có dấu hiệu vi phạm ngay.
Ngoài trách nhiệm của Đoàn kiểm tra, cơ quan thành lập đoàn kiểm tra, đơn vị chịu sự kiểm tra thì ở đây liên quan đến công tác cán bộ. Khâu đánh giá, nhìn nhận, bổ nhiệm trong công tác cán bộ chưa tốt nên lựa chọn người không đúng. Khi lựa chọn người bổ nhiệm không đúng dẫn đến lựa chọn người đi làm thanh tra không đúng và dẫn đến hậu quả như đã thấy.
PV: Vậy làm sao để giám sát lực lượng thanh tra, thưa đại biểu?
ĐBQH Nguyễn Thái Học: Giám sát này có cơ chế, ví dụ như trong Đảng, hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, cơ quan đều có. Còn với thanh tra chuyên ngành hoạt động theo quy định, cụ thể là có quy trình, thủ tục và vai trò giám sát của đơn vị chịu sự thanh tra, các tổ chức đảng và đảng viên. Vậy thì việc đấu tranh chống tiêu cực đối với đơn vị chịu sự thanh tra như thế nào?
Thứ hai, khi tiến hành cuộc thanh tra nào cũng phải có quy chế, quy định thủ tục, các bước, trách nhiệm của thành viên trong đoàn. Như vậy ở đây bản thân nội bộ đoàn không thực hiện. Rồi đơn vị chủ quản, trách nhiệm của Bộ chủ quản. Anh thành lập đoàn phải có trách nhiệm như thế nào, việc lựa chọn người, giám sát hoạt động như thế nào? Cái này đã có quy định hết nhưng vấn đề mình không thực hiện. Cái quan trọng nhất là đấu tranh trong nội bộ trước những hiện tượng tiêu cực.
PV: Trân trọng cảm ơn đại biểu về cuộc trò chuyện!