GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng vì cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung

Thứ Năm, 06/06/2019, 13:31
Sau khi báo cáo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phần trả lời của Phó Thủ tướng tập trung vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.


Có 118 chương trình và chính sách cho vùng dân tộc, miền núi

Trả lời câu hỏi về chính sách đối với việc di dời tại vùng lũ quét, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra hiện nay có 118 chương trình và chính sách đang thực hiện triển khai hiệu quả ở các vùng dân tộc miền núi. Theo đó, có 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách có ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài ra là 21 chương trình mục tiêu có nội dung tác động gián tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng cho rằng vẫn chưa bố trí được nguồn lực để thực hiện; tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và nước sạch chưa được quan tâm một cách chu đáo. Tỷ lệ hộ nghèo ở các khu vực này ngày càng tăng, làm khoảng cách giàu - nghèo cũng có xu hương gia tăng; tình trạng di cư tự do chưa được sắp xếp ổn định và nhiều hộ chưa được đăng ký hộ khẩu và cấp chứng minh thư.

Phó Thủ tướng Phạm Bình trả lời chất vấn.

Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp lần này việc phân bổ 1.000 tỷ đồng hỗ trợ chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, dân tộc thiểu số; phân bổ 1.831 tỷ đồng hỗ trợ địa phương phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đối với dự án di dân, thủy điện, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương và EVN báo cáo về nguồn vốn hỗ trợ cho dự án bồi thường tái định cư tại Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình.

Vì sao chậm giải ngân vốn ODA?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) về nguyên nhân thiếu nguồn lực để triển khai cơ sở hạ tầng nhưng việc giải ngân chậm, đặc biệt với nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận chất vấn này rất đúng. Ông thừa nhận thực tế giải ngân vốn ODA vừa qua có chậm. Theo đó, năm 2018 chỉ đạt 63,2% vốn kế hoạch; 5 tháng đầu năm 2019 tình hình giải ngân được thúc đẩy nhưng vẫn còn chậm.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân là khó khăn giữa nguồn vốn ODA và vốn đối ứng không được bố trí phù hợp. “Khi ký kết hiệp định vay vốn ODA thì các nhà cung cấp bao giờ cũng đề nghị có nguồn vốn đối ứng để giải quyết vấn đề liên quan đến mặt bằng sạch nếu xây dựng, các bộ, ngành cũng cam kết có vốn đối ứng nhưng khi thực hiện chưa được như mong muốn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng còn cho rằng các dự án về vốn ODA có tính chất khác nhau, có dự án giải ngân nhanh nhưng có dự án chậm. Giai đoạn đầu thực hiện dự án mất thời gian khảo sát để triển khai, việc này rất chậm, cộng với việc lập kế hoạch lại chưa sát, nhất là dự án vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Phó Thủ tướng thông tin, giai đoạn 2016-2020 tổng số vốn ODA xây dựng dự án giao thông chiếm 50%. Ông cũng đề cập đến nguyên nhân về năng lực của các chủ dự án chưa đáp ứng.

“Có những dự án, BQL dự án có năng lực triển khai được ngay nhưng cũng có dự án triển khai kém. Đặc biệt, còn có khó khăn, vướng mắc nhất về GPMB. Phần lớn vốn ODA cho GPMB, công tác này chậm nên vốn ODA giảm hiệu quả do kéo dài thời gian” – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai)/
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình).

GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng vì cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định sự cạnh tranh của hai cường quốc đang tác động lớn đến kinh tế thế giới và khu vực.

“Một trong bốn đám mây bao phủ nền kinh tế là cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, Phó Thủ tướng dẫn lời của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Một số dự đoán cho rằng nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,5% xuống 3,2%, cung cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP thì việc chịu tác động mạnh là chắc chắn. Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo, nghiên cứu, đánh giá tình hình và kiến nghị chính sách cho nền kinh tế.

Về ngắn hạn, cuộc chiến thương mại nói trên đang thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; về dài hạn, có đánh giá cho thấy dấu hiệu tiêu cực, 5 năm tới GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin Việt Nam đã xây dựng những kịch bản với mong muốn tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển. Ông cho rằng vai trò của ổn định kinh tế vi mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo linh hoạt tỷ giá là rất quan trọng; các doanh nghiệp cũng cần được nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư.

Bảo hộ ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trên vùng biển chưa phân định

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu vấn đề thời gian qua có tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam liên tục bị bắt giữ khi đánh cá ở khu vực chưa phân định, giải pháp của Chính phủ để bảo vệ ngư dân.

Trả lời câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh vấn đề bảo hộ ngư dân hết sức quan trọng, được Đảng và Chính phủ rất quan tâm. Đây là trách nhiệm của các cơ quan để ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của chúng ta.

Phó Thủ tướng cho biết vừa qua có những vụ việc ngư dân bị bắt giữ, và chúng ta kiên quyết đấu tranh với các nước nếu các nước bắt ngư dân của ta khi đang đánh cá hợp pháp. Đồng thời, yêu cầu thả người và phải bồi thường thiệt hại.

Phó Thủ tướng cũng nêu thực tế có một số ngư dân của ta bị bắt giữ trên vùng biển chưa được phân định, như gần đây nhất là bị bắt trên vùng biển chưa phân định giữa Việt Nam - Indonesia, vì có tranh chấp trong vùng đánh cá nên một số vụ đã xảy ra va chạm. “Mỗi lần như vậy Bộ ngoại giao đã trực tiếp trao đổi và phản đối với đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, có trường hợp ngư dân của ta đánh bắt cá trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của các nước. Trong trường hợp này, Việt Nam cũng bảo hộ ngư dân bằng việc yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng, hợp lý.

Theo Phó thủ tướng, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh bắt cá trong vùng biển hợp pháp. 

Thu Thuỷ
.
.
.