Việt Nam với sáng kiến “Vành đai và Con đường”

Thứ Hai, 28/08/2017, 08:43
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc là “dự án thế kỷ”, liên quan tới 65 quốc gia, chiếm 2/3 diện tích đất liền thế giới với số dân khoảng 4,5 tỷ người. Nằm ở vị trí địa chiến lược tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tham gia hợp tác “chung tay xây dựng” BRI.

“Chuyến tàu tốc hành” của Trung Quốc

Kể từ khi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng vào năm 2013, đến nay sáng kiến "Vành đai và Con đường" đã nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế. 

Tại tọa đàm “Sáng kiến Vành đai  và Con đường: Cơ hội mới cho hợp tác Việt - Trung” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức hôm 25-8, các đại biểu là những chuyên gia nghiên cứu kinh tế và hợp tác quốc tế đều cho rằng, sáng kiến này mang lại hy vọng và cơ hội hợp tác phát triển mới ở châu Á, góp phần giúp các nước trong khu vực thực hiện các mục tiêu phát triển của mình. 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Theo đó, với 5 trục kết nối, 6 lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa Trung Quốc và các đối tác trong khu vực, sáng kiến "Vành đai và Con đường" thể hiện tính khả thi và hiệu quả. Đến nay đã có hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ sáng kiến này, trong khi các dự án hợp tác cũng đang dần hình thành, kết nối Trung Quốc với bán đảo Đông Dương, Đông Nam Á, Tây Á, châu Phi… 

Có tới hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy quá trình thực hiện bằng việc thành lập 56 khu vực hợp tác kinh tế và thương mại tại 23 quốc gia với hơn 1.200 doanh nghiệp nước này tham gia, tạo ra sản lượng hằng năm hơn 20 tỷ USD, gần 1,1 tỷ USD doanh thu thuế và 250.000 việc làm địa phương. 

Bắc Kinh cũng đã đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ở Indonesia, đường sắt Trung Quốc – Lào hay tuyến đường sắt Belgrade-Budapest. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn lập Quỹ Con đường tơ lụa trị giá 40 tỷ USD vào năm 2014 nhằm tài trợ cho các dự án hạ tầng của sáng kiến này. 

Các nguồn vốn khác sẽ được tài trợ bởi Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), một ngân hàng toàn cầu do Trung Quốc hậu thuẫn được thành lập tháng 10-2014 và Ngân hàng Phát triển mới (NDB), một ngân hàng có trụ sở tại Thượng Hải dành cho các nước thuộc khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi)… 

Đây chính là lý do sáng kiến "Vành đai và Con đường" được ví như một "chuyến tàu cao tốc" mà Trung Quốc đang mời các nước cùng đi nhằm xây dựng các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi.

Lợi ích và thách thức đối với Việt Nam

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nộ) cho biết, sáng kiến “Vành đai và Con đường” huy động vốn để thực hiện các dự án từ 4 nguồn khác nhau, mỗi năm cung cấp hàng trăm tỷ USD. 

Thông qua BRI, Việt Nam có thể nhận thêm nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, gia tăng năng lực phục vụ và phát triển kinh tế; đồng thời tận dụng cơ hội này tăng trao đổi thương mại đầu tư, gắn kết với các nước Đông Nam Á. 

Việc tham gia BRI cũng có thể mang lại những tiềm năng du lịch lớn hơn cho Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt, trước nay, Việt Nam vốn chỉ tập trung phát triển kinh tế và kết nối Bắc - Nam nhưng chưa tập trung kết nối vào Đông - Tây và các quốc gia láng giềng nên sáng kiến này có thể hỗ trợ Việt Nam khắc phục điểm yếu trên và tận dụng lợi thế sẵn có.

Tuy nhiên, những lợi ích và thách thức Việt Nam có thể đối mặt một khi tham gia BRI vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng. Theo PGS. TS Đặng Hoàng Linh, Phó trưởng Khoa Kinh tế, Học viện Ngoại giao, có 3 thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi trở thành một trong những thành viên của BRI. 

Thứ nhất, là vấn đề nợ công: Theo báo cáo của World Bank, dư nợ công đến cuối năm 2015 của Việt Nam là 117 tỷ USD và dự báo con số này vẫn tăng. Các rủi ro về nợ công có thể khiến Việt Nam rơi vào tình huống phụ thuộc các quốc gia khác nếu không kiểm soát tốt. 

Thứ hai, theo dõi các dự án BRI từ các quốc gia khác, có thể thấy khoảng 70% các dự án rơi vào tay các công ty, nhà thầu hoặc nhân công Trung Quốc. Việc các doanh nghiệp Trung Quốc mang theo lao động quốc gia họ sang quốc gia bản xứ để lao động cũng là một vấn đề không thể xem nhẹ. 

Thứ ba, Việt Nam cũng cần chú tâm tới vấn đề chất lượng các dự án được Trung Quốc đầu tư. Việc sử dụng vốn của Trung Quốc để đầu tư cho các dự án tại Việt Nam đặt ra các thách thức trong việc quản lý chất lượng, chi phí, xử lý các vấn đề môi trường xã hội, ví như là dự án Nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận hay tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh…

Còn TS. Quách Quang Hồng  thuộc Trung tâm Các nước lớn, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng “Vành đai và con đường”, Trung Quốc cần xử lý tốt mối quan hệ với các nước lớn và láng giềng. 

Đồng tình với quan điểm này, các học giả tham gia buổi tọa đàm nhấn mạnh "Vành đai và Con đường” cần được thúc đẩy dựa trên cơ sở thống nhất các nguyên tắc về hợp tác hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi và bảo đảm các tiêu chí bền vững, hiệu quả và bao trùm.

Huyền Chi
.
.
.