Việt Nam ưu tiên thực hiện chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, đã báo cáo kết quả đánh giá, những phát hiện chính và những hành động APG khuyến nghị được đưa ra tại dự thảo Báo cáo đánh giá đa phương lần 1, nêu những đề xuất, kiến nghị của cơ quan này để cải thiện, nâng hạng kết quả đánh giá đối với các mục tiêu trực tiếp và khuyến nghị có liên quan.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận và thống nhất các vấn đề lớn cần tập trung ưu tiên thực hiện từ nay đến khi có dự thảo báo cáo đánh giá của APG lần thứ 2, được gửi cho Việt Nam vào ngày 23-3-2020 và cho đến khi kết quả đánh giá của APG đối với Việt Nam được thông qua tại Hội nghị thường niên của APG, nhằm phản hồi với Đoàn đánh giá và đề xuất nâng mức xếp hạng đánh giá đối với Việt Nam.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan trong tổ chức triển khai phối hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, lộ trình đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục khẩn trương, quyết liệt thực hiện và xử lý đầy đủ, đúng hạn các chỉ đạo liên quan, các đề xuất, kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, lựa chọn các trường hợp điển hình liên quan đến rửa tiền, ma túy, tham ô, cờ bạc, gian lận được xác định có rủi ro rửa tiền cao, cung cấp thông tin số liệu vụ việc, bằng chứng chứng minh Việt Nam ưu tiên thực hiện chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố, việc áp dụng các biện pháp thay thế khác nhằm ngăn chặn các hoạt động tài trợ khủng bố trong khi thực tế không thể xét xử về tội tài trợ khủng bố.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cơ quan tố tụng trong quá trình tố tụng phải chú ý thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhất là các vụ án liên quan đến tham nhũng, buôn lậu, các dấu hiệu của tội rửa tiền, tài trợ khủng bố, phải truy thu, hạn chế tác động xấu. Bộ Công an cập nhật kết quả triển khai kế hoạch hành động sau đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Bộ, chứng minh việc đã thực hiện điều tra tài chính song song trong các vụ việc khủng bố.
Viện Kiểm sát tối cao tổng hợp, cung cấp thông tin số liệu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án năm 2019 liên quan đến 17 tội danh đã được nêu trong Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bộ Tài chính cập nhật, cung cấp số liệu về trốn thuế, xử lý tịch thu tiền, tài sản, công cụ chuyển nhượng xuyên biên giới theo yêu cầu của Đoàn đánh giá APG và một số vụ việc điển hình trong việc hợp tác quốc tế với cơ quan thanh tra, giám sát nước ngoài trong lĩnh vực casino, chứng khoán…
Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhắc Bộ Tư pháp tổng hợp thông tin kết quả về công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực hoạt động của luật sư, công chứng năm 2019, công tác thi hành án với các nhóm tội xác định có rủi ro rửa tiền cao, tỷ lệ thu hồi tài sản của một số vụ việc, nhất là vụ việc thu hồi tài sản từ bên thứ 3, nhóm tội danh tham nhũng ở Việt Nam, nêu các biện pháp để cải tiến hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong thời gian gần đây.
Lưu ý các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai Kế hoạch hành động giải quyết rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020; Kế hoạch hành động được ban hành kèm theo Báo cáo đánh giá rủi ro đối với pháp nhân, Báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với các tổ chức phi lợi nhuận (NGO), Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu cập nhật kết quả này cho Ngân hàng Nhà nước để chứng minh với Đoàn đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện tính hiệu quả của cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, làm căn cứ lập luận phản biện tại dự thảo Báo cáo lần 2.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát kết quả đánh giá nghiên cứu để xây dựng bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới...