Hội thảo về quy định nổ súng của lực lượng thi hành công vụ

Thứ Tư, 14/12/2016, 16:25
Các đại biểu nhất trí dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
đã quy định tương đối rõ các trường hợp nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần quy định chặt chẽ, chi tiết hơn nữa các trường hợp nổ súng để vừa đảm bảo cho người thi hành công vụ kịp thời ngăn chặn, khống chế tội phạm, vừa không để lạm dụng, vượt quá thẩm quyền quy định pháp luật...


Ngày 14-12, tại Cần Thơ, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Toạ đàm lấy ý kiến về một số dự án Luật. Ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu tham gia thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 

Các đại biểu đều thống nhất với tên gọi, bố cục và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Điều 1). 

Về giải thích từ ngữ, dự thảo đã giải thích tương đối đầy đủ các khái niệm. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần xem xét quy định cho rõ về vũ khí thô sơ, khái niệm “kiếm” và “mã tấu”, vì trên thực tế khó xác định về kích thước, hình dạng, chất liệu làm nên các loại này. 

Trong những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5) cần quy định rõ hơn về việc kiểm soát, nghiêm cấm hoạt động buôn bán vũ khí, công vụ hỗ trợ trên mạng Internet. Bởi, hiện nay hoạt động mua bán qua mạng Internet (mạng xã hội) rất phức tạp, khó quản lý. 

Đối tượng xấu lợi dụng tổ chức rao bán và hướng dẫn cách thức sản xuất, chế tạo, sử dụng các loại hàng trái phép. Trong đó, có vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Cần đưa việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sữa chữa, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng vũ khí tự chế trái phép vào các hành vi bị nghiêm cấm.

Các đại biểu tham gia thảo luận, góp ý kiến tại buổi toạ đàm. 

Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm (đứng) và Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì buổi toạ đàm.

Tại Điều 15, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sữa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí cần thực hiện đúng chức năng của mỗi ngành, đảm bảo chế độ bảo mật Nhà nước về lĩnh vực An ninh, Quốc phòng theo quy định, phù hợp với tình hình hiện nay. 

Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thơ sơ, công cụ hỗ trợ (Điều 17, Điều 22, Điều 26 và Điều 51 của Dự thảo Luật), có ý kiến thống nhất trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an xã theo quy định hiện hành. Vì đây là lực lượng trực tiếp, thường xuyên đối mặt với tội phạm, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo An ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở (không nên phân biệt Công an chính quy và không chính quy). 

Tuy nhiên, trong quá trình trang bị phải tuân theo nguyên tắc riêng do Bộ Công an quy định. Vũ khí quân dụng có tính sát thương cao, đề nghị quy định trang bị cho lực lượng trực tiếp chiến đấu… và cần quy định cụ thể loại công cụ hỗ trợ được trang bị cho lực lượng bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức.

Các quy định về nổ súng (Điều 21), hầu hết đại biểu nhất trí dự thảo Luật đã quy định tương đối rõ các trường hợp nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần quy định chặt chẽ, chi tiết hơn nữa các trường hợp nổ súng để vừa đảm bảo cho người thi hành công vụ kịp thời ngăn chặn, khống chế tội phạm, vừa không để lạm dụng, vượt quá thẩm quyền quy định pháp luật. 

Đối với các quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp và các quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ (Chương III), các đại biểu đề nghị bổ sung quy định chỉ những doanh nghiệp Nhà nước được sản xuất, kinh doanh, vật liệu nổ công nghiệp vì đây là loại hàng hoá đặc biệt, nguy hiểm. Nếu không kiểm soát tốt, tác hại do vật liệu nổ gây ra vô cùng nguy hiểm.

Ngày 15-12, các đại biểu tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Cảnh vệ, dự án Luật du lịch (sửa đổi) và dự án Luật thuỷ lợi. 

Văn Vĩnh
.
.
.