“Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và việc vận dụng tự phê bình trong Đảng
Hôm nay, tròn 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2012). Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng thể hiện qua tác phẩm "Tự chỉ trích" (viết năm 1939). Tác phẩm “Tự chỉ trích” là bản phê bình sâu sắc của Trung ương Đảng về sự lãnh đạo của mình trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), có tác dụng thúc đẩy sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 6 tháng 11-1939 quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, bước vào giai đoạn đấu tranh quyết liệt những năm tháng sau đó.
Trải qua hơn 70 năm, những quan điểm, những lời tâm huyết của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm “Tự chỉ trích” đến nay vẫn mang tính thời sự sâu sắc. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, việc nghiên cứu và vận dụng các tư tưởng, quan điểm thể hiện trong tác phẩm với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là rất cấp thiết.
“Tự chỉ trích” trình bày những nguyên tắc cơ bản về tự phê bình và phê bình của Đảng, đồng thời vạch rõ những chính sách mặt trận của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, qua đó đấu tranh chống những nhận thức, tư tưởng sai trái để giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí của Đảng. Đồng chí viết: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế, không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu đóng cửa “bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong thì hổ lốn một cục đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa, hơn nữa đó tỏ ra không phải là một đảng tiên phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương...”.
Về vấn đề phê bình, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh: “Bao giờ sự chỉ trích cũng là sự chỉ trích bôn-sê-vich, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng...”. Đồng chí cảnh báo: “Kẻ địch chớ vội hí hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản mà uổng công. Vì sau khi thảo luận rõ ràng rồi, bao giờ trong hàng ngũ chúng tôi, thiểu số phục tùng đa số, chừng ấy chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, nghìn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy”.
Hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng chỉ rõ những biểu hiện lệch lạc, phai nhạt lý tưởng, biểu hiện suy thoái phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Nguyên nhân hiện trạng trên là do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, bất chấp đạo lý, dư luận; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu.
Nói về việc tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn: “Nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện rất kém, thiếu thẳng thắn, trung thực; xuê xoa, nể nang. Trong hội nghị thì nhất trí nhưng ra ngoài nói khác hoặc không thực hiện. Khi đương chức thì không nói hoặc nói kiểu này, khi nghỉ chức vụ hoặc về hưu lại nói kiểu khác. Khi còn phụ trách thì không được góp ý kiến nhưng khi nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác thì có rất nhiều đơn, thư tố cáo. Mặt khác, lại có tình trạng dân chủ không đi đôi với kỷ luật; kỷ cương không nghiêm”…
Nhìn nhận tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc suy thoái phẩm chất, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những hạn chế trong tự phê bình và phê bình, rõ ràng nhiều vấn đề diễn ra trong đời sống hiện nay cũng không khác những gì mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã vạch ra hơn 70 năm về trước. Điều đó cho thấy, thời gian, hoàn cảnh lịch sử thay đổi, chúng ta có thể chiến thắng được nhiều thử thách, nhưng nếu không kiên quyết, không mạnh dạn, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, xây dựng, chỉnh đốn lẫn nhau, thì các khiếm khuyết mang màu sắc chủ nghĩa cá nhân vẫn ngự trị, gây cản trở lớn cho tiến trình phát triển