Tri ân các Anh hùng liệt sĩ trên đường 20 Quyết Thắng

Chủ Nhật, 26/11/2017, 10:22
Tri ân và tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng trên tuyến đường Trường Sơn qua đất Quảng Bình, và kỷ niệm 45 năm ngày hy sinh của các Thanh niên xung phong ở Hang Tám Cô (14-11-1972 – 14-11-2017), Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tổ chức lễ giỗ và cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ vào ngày 25-11 đến hết ngày 4-12-2017.


Trong những năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam, mảnh đất cát trắng Quảng Bình là nơi để lại nhiều ký ức bi tráng đối với những người lính, những Thanh niên xung phong trên đường ra trận. Mảnh đất này cũng là nơi chứng kiến những sự hy sinh anh dũng, những mất mát đau thương, sự tận cùng của tình yêu thương đồng đội. 

Đường Trường Sơn qua đất Quảng Bình nơi chia thành 2 nhánh Đông-Tây cũng là nơi giặc Mỹ bắn phá suốt ngày đêm. Hơn 40 năm sống trong hoà bình, nhưng không ít người một thời từng khoác áo lính vẫn thổn thức về đồng đội, những người còn nằm lại đâu đó trên tuyến lửa Quảng Bình, đó là: cầu Khe Ve, La Trọng, ngầm chữ A, bến phà Xuân Sơn, suối Rụng Tóc... và đặc biệt ở Hang Tám Cô. 

Sự hy sinh của các liệt sĩ thanh niên xung phong ở Hang Tám Cô có thể nói là một trong những sự kiện bi thương nhất của lực lượng Thanh niên xung phong trong những năm đánh Mỹ. Bởi ở đó, trong phút chốc 8 thanh niên xung phong đã bị bom giặc "chôn sống" trong hang đá. Và phải mất gần 30 năm sau các anh, các chị mới được tìm thấy để đưa về đất mẹ. Trên đường về Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nơi cắt chia đường nối Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn là đường 20 Quyết Thắng, không ít người dân trong và ngoài nước đã tìm đến con đường này để một lần được thắp hương cho những liệt sĩ thanh niên xung phong ở Hang Tám Cô. 

Đền tưởng niệm trên đường 20 Quyết Thắng, nơi tổ chức truy niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Ngày 14-11-1972, bom Mỹ đánh ác liệt vào đường 20. Để tránh bom, một đội thanh niên xung phong của Đại đội C217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 vào hang đá trú bom. Bất ngờ một quả bom rơi xuống đánh đá sập che kín cửa hang. Sau trận mưa bom của kẻ thù, đồng đội đi tìm và nghe tiếng kêu, gọi cứu của các thanh niên xung phong trong hang, nhưng do tảng đá hàng trăm tấn ngăn cách, nên đồng đội không biết làm thế nào để cứu họ ra khỏi hang. Nhiều đồng đội đã dùng ống tre rừng xuyên vào trong hang rồi đổ cháo loãng và sữa vào cho đồng đội... 

Sau gần 9 ngày như vậy, những tiếng kêu cứu trong hang đá thưa dần và cuối cùng đồng đội chỉ còn nghe tiếng gọi thê thiết "mẹ ơi" rồi tất cả chìm lắng giữa rừng Trường Sơn trong buổi chiều buồn. 

8 Thanh niên xung phong đã hy sinh, người lớn tuổi nhất khi đó mới chỉ 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20, tất cả họ đều có quê ở các xã Hoằng Trường, Hoằng Đạt, Hoằng Ngọc, Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của các liệt sĩ mới được đưa ra khỏi hang để đưa về đất mẹ.

Sông Lam
.
.
.