Tranh luận xung quanh quy định nâng độ tuổi trẻ em

Thứ Ba, 24/11/2015, 08:38
Thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sáng 23-11, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc quy định tuổi của trẻ em là dưới 18 tuổi cho phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã phê chuẩn hay dưới 16 tuổi như hiện hành để thống nhất với hệ thống pháp luật của Việt Nam?

Trong khi đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhất trí với việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lại đưa ra nhiều lý lẽ cho rằng nên cân nhắc lại. Mặc dù đồng ý người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý; chưa đủ năng lực để thực hiện hết quyền và nghĩa vụ của công dân; nhưng đại biểu cũng cho rằng chúng ta đã có các luật quy định quyền của nhóm tuổi cho đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được ưu tiên hơn người thành niên như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Thanh niên…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Đắc Vinh phát biểu ý kiến tại phiên họp sáng 23-11 thảo luận về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Ảnh: TTXVN.

"Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nếu tuổi trẻ em được tăng lên 18 thì số trẻ em tăng từ dưới 27 triệu lên 30 triệu. Với số lượng cán bộ trực tiếp làm công tác trẻ em chưa đầy 2.500 người như hiện nay được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việc tăng số lượng trẻ em sẽ làm giảm nguồn lực dành riêng cho từng trẻ, dẫn đến công tác trẻ em sẽ hạn chế. Bên cạnh việc nâng tuổi trẻ em, chúng ta phải rà soát lại một số luật đã và chuẩn bị thông qua để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ví dụ, Bộ luật Hình sự có cần phải xem lại quy định người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội hay không. Luật Hôn nhân và Gia đình có cần quy định lại tuổi kết hôn hay không. Nhiều nước quy định tuổi kết hôn đủ 18, cũng là vừa hết tuổi trẻ em...” – đại biểu cho biết.

Do đó, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nên xem các em 16 đến 18 tuổi là chưa thành niên để các em sớm biết tự lập, tự chịu trách nhiệm với bản thân, không nên xem các em là trẻ em; do đó không tăng độ tuổi trẻ em mà giữ như quy định trước đây, đó là trẻ em là người dưới 16 tuổi. Cùng quan điểm đó, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cũng cho rằng đây là nội dung cần phải thảo luận, đắn đo, suy nghĩ thật kỹ, vì liên quan đến nhiều nội dung của các bộ luật khác. “Theo tôi, việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi sẽ dẫn đến những xung đột, với những quy định với nhiều bộ luật khác. Cũng cần nói thêm khái niệm và cách xác định trẻ em của bộ luật vừa được nêu trên cũng có nhiều bất cập không thống nhất. Bộ luật lao động quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, Luật Thanh niên quy định thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, Bộ luật Dân sự quy định 18 tuổi trở lên mới là người thành niên. Bộ luật Hình sự quy định người 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi thì phạm tội giao cấu với trẻ em. Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi thì phạm tội hiếm dâm trẻ em…

Trong khi đó, Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và nhiều điều ước thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết tham gia đều quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi. Điều đó cho thấy, việc thống nhất độ tuổi trẻ em là nội dung cần phải đặt ra”.

Về quyền của trẻ em, các đại biểu cũng cho rằng nên quy định có tính khả thi hơn. Ví dụ hiện nay chưa có quy định thống nhất trong cách gọi trẻ em, phân biệt thế nào là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, nhi đồng, thiếu nhi, thiếu niên, vị thành niên và chưa thành niên; dự thảo luật quy định các quyền và bổn phận của trẻ em mà không quy định rõ thêm nhóm tuổi, sẽ làm giảm hiệu lực của luật khi áp dụng vào đời sống. Đơn cử, luật quy định trẻ em có quyền bí mật đời sống riêng tư, như vậy phân biệt bí mật đời sống riêng tư giữa trẻ sơ sinh và thiếu niên như thế nào. Ví dụ cha mẹ kiểm tra để biết con em mình đi đâu, con em mình chơi với ai, ghi gì trong nhật ký, lưu gì trong máy tính, làm gì trên mạng khi ở tuổi thiếu niên có vi phạm pháp luật hay không?...

Trong ngày làm việc 23-11, Quốc hội cũng đã thông qua dự án Luật Thống kê và Luật Khí tượng, thuỷ văn. Dự án Luật Thống kê đã được thông qua với 420 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, 416 đại biểu tán thành, tương đương 84,21%. Biểu quyết thông qua Luật Khí tượng, thủy văn. Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Thanh Hân
.
.
.