Toạ đàm thảo luận, lấy ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ
Các đại biểu tham gia đều nhất trí như dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1, Điều 2). Có ý kiến đề nghị bổ sung “khu vực trọng yếu” và “các sự kiện đặc biệt quan trọng” vì cho rằng nội dung này là đối tượng áp dụng của Luật.
Tại Điều 10, nhiều đại biểu nhất trí đối tượng cảnh vệ nhưng cũng đề nghị thu hẹp đối tượng, mục tiêu cảnh vệ. Các biện pháp, chế độ cảnh vệ (Điều 11, 12, 13 và 14), nhiều ý kiến đề nghị việc thực hiện các biện pháp cảnh vệ cần hạn chế gây cản trở giao thông, hạn chế người, phương tiện đưa đón, gây dư luận không tốt. Rà soát, cho thống nhất với Luật CAND, luật An ninh Quốc gia… Lực lượng Cảnh vệ và tổ chức Cảnh vệ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Điều 16, Điều 17 và Điều 18), phù hợp với tính chất, đặc thù và thực tế tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ.
Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm và Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, điều hành thảo luận. |
Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ (Điều 20), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, trong công tác cảnh vệ, nhất là trong tình huống khẩn cấp, quy định rõ lực lượng có vai trò chỉ huy.
Tại khoản 3, Điều 22 về quyền của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ, có ý kiến đề nghị cân nhắc quyền mang theo vũ khí, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không, lên tàu bay cho phù hợp với thông lệ quốc tế hoặc dẫn chiếu Luật hàng không dân dụng Việt Nam…
Điều 23 về sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ, nhiều ý kiến cho rằng chỉ quy định về hành vi và biểu hiện bên ngoài nhưng chưa làm rõ được tính chất và bản chất hành vi của đối tượng... Cần làm rõ một số cụm từ: “bắn cảnh báo”, “gây thương tích” và “bắn tiêu diệt”.
Các đại biểu phân tích, góp ý tại toạ đàm về dự án Luật Cảnh vệ. |
Về huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ (Điều 24), nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật nhưng đề nghị làm rõ cụm từ “trong trường hợp cấp bách” để chủ động và tránh lạm quyền.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ Điều 7, quy định về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ.
Tại Điều 25, quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh vệ, phần lớn các ý kiến đều thống nhất với dự thảo Luật là phù hợp với tính chất, hoạt động đặc thù của lực lượng Cảnh vệ; bổ sung chế độ đào tạo đối với lực lượng cảnh vệ; bổ sung chế độ, chính sách đối với người tham gia, phối hợp làm nhiệm vụ cảnh vệ tại khoản 2 Điều 24 và Điều 25.
Trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tại các điều 27, 28, 30, 31 và 32), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định “Trong trường hợp cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ trọng lĩnh vực Quốc phòng thì giao Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác cảnh vệ”.
Chiều cùng ngày, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục chủ trì toạ đàm, thảo luận, ý kiến về Dự án Luật du lịch (sửa đổi) và dự án Luật thuỷ lợi.