Tinh giản biên chế vẫn chỉ tập trung vào đối tượng nghỉ hưu
Chiều ngày làm việc thứ 2, 6-12, kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XV, sau khi nghe Tờ trình về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2017 do ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội với mục tiêu đề ra tiếp tục giảm 10% biên chế cho đến năm 2021, các đại biểu HĐND thành phố đã biểu quyết thông qua với số phiếu tán thành đạt 84,62%.
Theo ông Trần Huy Sáng, từ cuối năm 2015, thành phố đã ban hành Kế hoạch rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Kết quả, đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 22 sở và tương đương, sau sắp xếp giảm từ 204 phòng xuống 158 phòng (giảm 46 phòng), giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Số trưởng, phó trưởng phòng dôi dư được giảm dần trên cơ sở nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp.
Cùng đó, sắp xếp các cơ quan hành chính, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc ở, theo đó, giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, tức giảm 121 đơn vị, tương ứng 30,2%.
Đối với các quận, huyện, thị xã, cơ bản hoàn thành phương án sắp xếp các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Cơ bản hoàn thành sắp xếp 70 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc thành phố thành 8 Ban Quản lý dự án theo lĩnh vực thuộc thành phố và 30 Ban Quản lý dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã.
Đối với đơn vị sự nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành sáp nhập 61 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện; cơ bản hoàn thành sắp xếp 70 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay.
Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đọc tờ trình trước HĐND TP |
Ông Sáng cho biết, Về kết quả thực hiện biên chế, số thực hiện tính đến ngày 1-10 vừa qua đều thấp hơn số HĐND thành phố giao. Cụ thể, với biên chế hành chính, biên chế công chức có số giao 9.267 công chức nhưng số thực hiện là 8.807; lao động hợp đồng số giao 1.766 chỉ tiêu, số thực hiện 1.561 người. Về biên chế sự nghiệp, số giao biên chế viên chức là 133.793, số thực hiện là 124.970 người; số giao lao động hợp đồng 20.983 nhưng số thực hiện là 16.051 người.
Ông Sáng khẳng định, các cơ quan, đơn vị đều xác định bằng các biện pháp khác nhau giảm biên chế 10% đến năm 2021. Về kế hoạch sử dụng biên chế năm 2017, ông Sáng cho hay thành phố tiếp tục xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến 2021 tối thiểu 10%.Với biên chế công chức hành chính, thực hiện theo đúng số biên chế mà Chính phủ giao cho Hà Nội là 9.116 công chức, giảm 1,5%. Biên chế viên chức sự nghiệp tại các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế thực hiện theo quy định tại thông tư của bộ, ngành liên quan. Các đơn vị sự nghiệp khác giảm 2% biên chế viên chức giao năm 2016.
Đối với lao động hợp đồng, căn cứ rà soát, tổng hợp thực tế nhu cầu sử dụng để bố trí đủ cho các đơn vị trên quan điểm tinh giản. Trong đó giao lĩnh vực y tế, giáo dục là 122.888 biên chế, tăng 1.330 biên chế gồm 527 biên chế sự nghiệp y tế và 803 biên chế sự nghiệp giáo dục.
Tinh giản biên chế gặp khó do chỉ tập trung vào đối tượng về hưu chứ không qua đánh giá cán bộ (Ảnh minh họa) |
Sau khi nghe Tờ trình, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến, tinh giản biên chế của các đơn vị đối tượng chủ yếu là về hưu chứ không phải qua công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến việc tinh giản biên chế còn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng đó, tình trạng lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức tại một số đơn vị hành chính sử dụng viên chức sự nghiệp do tồn tại của lịch sử chậm được khắc phục dẫn đến sự bất hợp lý trong quản lý, sử dụng, áp dụng chế độ, chính sách đối với cán bộ...
Ban Pháp chế HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố lưu ý tập trung hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng, làm rõ số lượng lao động hợp đồng theo định mức thuộc biên chế khối hành chính, giải pháp và lộ trình khắc phục tồn tại này.
Trong ngày 6-12, HĐND TP Hà Nội đã thông quan Nghị quyết về dự án, công trình trọng điểm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của thành phố và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên phát triển của địa phương. Theo đó, Hà Nội sẽ bố trí 64.277 tỷ đồng cho các dự án xây dựng cơ bản. Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư công và các dự án cấp TP được cân đối, phân bổ cho khối hạ tầng đô thị trong 5 năm là 21.961 tỷ đồng, trong đó riêng bố trí cho 7 công trình trọng điểm TP giai đoạn 2016-2020 là 5.300 tỷ đồng; các dự án sử dụng vốn ODA được bố trí 13.577 tỷ đồng, trong đó bố trí cho 6 công trình trọng điểm thành phố giai đoạn 2016-2020 là 11.030 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được bố trí 11.642 tỷ đồng, trong đó bố trí cho 2 công trình trọng điểm thành phố giai đoạn 2016-2020 là 5.050 tỷ đồng... |