Kỷ niệm 136 năm ngày sinh lãnh tụ vô sản thế giới Vladimir Ilich Lênin (22/4/1870-22/4/2006)

Tình đồng chí nhân văn và mang tính nguyên tắc cao

Thứ Bảy, 22/04/2006, 09:09

Khi V.I. Lênin qua đời (ngày 21/1/1921), văn hào Nga Maxim Gorky (1868-1936) đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc nhất về Người. Hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ với vị lãnh tụ trong thời gian diễn ra Đại hội của những người cộng sản Nga ở London (Anh), nhà văn lỗi lạc đặc biệt ấn tượng với sự quên mình và nhớ tất cả những đồng chí, đồng đội của Lênin:

"Tôi nhận thấy Vladimir Ilich ăn rất ít: một đĩa trứng lập là độ hai ba quả trứng, một miếng jambon nhỏ, uống một cốc bia đen ít bọt. Thật rõ ràng là Người không quan tâm đến bản thân, nhưng lại rất quan tâm tới những người công dân tham dự Đại hội. M.F. Andreyeva chịu trách nhiệm về việc ăn uống của mọi người; Vladimir Ilich hỏi:

- Chị nghĩ thế nào: các đồng chí ấy đói không? Không à? Hừm... Có thể thêm bánh mì, jambon chứ?

Khi Người đến khách sạn nơi tôi nghỉ, tôi thấy Người cẩn thận sờ nắn khắp giường:

- Đồng chí làm gì thế? - tôi hỏi.

- Tôi xem vải trải giường có ấm không.

Tôi chưa hiểu ngay được tại sao Người lại cần biết vải trải giường ở London như thế nào. Thấy vậy, Người giải thích:

- Đồng chí cần phải chú ý đến sức khỏe của mình...".

"Năm 1919 gay go, đói khổ. Văn hào Gorky đã từng chứng kiến cảnh Lênin lấy làm xấu hổ phải ăn những thực phẩm mà các đồng chí, binh lính và nông dân ở các tỉnh gửi đến tặng Người. Khi các gói đồ được mang đến căn nhà không lấy gì làm ấm áp của Người, Lênin thường nhăn mặt, tỏ vẻ ngượng ngùng rồi vội vàng phân phát bột, đường, bơ cho những đồng chí đang bệnh hoặc yếu sức vì thiếu ăn. Khi mời Gorky đến cùng ăn cơm, Người nói:

- Họ gửi đến đúng như cho một ông hoàng ấy! Làm thế nào mà tránh được? Từ chối, không nhận, thì họ giận. Nhưng xung quanh mọi người đang đói!..

Gorky kể tiếp: "Vốn dễ tính và không có thói quen uống rượu hay hút thuốc, từ sáng đến tối bận bịu vào những công việc phức tạp, nặng nề, Người hoàn toàn không biết quan tâm đến mình, nhưng lại hết sức chăm chú theo dõi sinh hoạt của đồng chí, đồng bào. Ngồi cạnh bàn trong phòng làm việc, Người vừa nhanh tay viết vừa nói:

- Chào anh, anh có khỏe không? Tôi xong ngay đây. Có một đồng chí ở tỉnh đang buồn, có lẽ là mệt. Phải cổ vũ anh ấy. Chuyện tinh thần không phải là việc nhỏ!

Một lần ở Moskva, tôi đến thăm Lênin. Người hỏi:

- Anh đã ăn cơm chưa?

- Tôi ăn rồi.

- Anh không nói dối chứ?

- Có người làm chứng - tôi đã ăn ở căng tin trong Điện Kremli này mà.

- Tôi nghe nói ở đó nấu tồi lắm.

- Không tồi, nhưng lẽ ra có thể làm khá hơn thế.

Người lập tức hỏi tỉ mỉ tại sao lại kém, làm thế nào cho khá hơn.

Và Người càu nhàu:

- Họ làm gì ở đấy chứ, một người cấp dưỡng khéo tay mà cũng không thể tìm ra được! Mọi người làm việc đúng là đến mệt lử, lẽ ra phải cho ăn ngon để có thể ăn được nhiều hơn. Tôi biết rằng thực phẩm ít và không ngon, nhưng chính vì thế mà lại càng cần một đầu bếp giỏi... - Rồi Người nhắc lại lập luận của một vệ sinh viên về vai trò của gia vị trong quá trình dinh dưỡng và tiêu hóa...".

Chí tình chí nghĩa với đồng chí đồng đội - đó là nét tính cách nổi bật của vị lãnh tụ cách mạng vô sản Nga. Nhưng đồng thời, Lênin lại luôn quyết liệt với những kẻ thù tư tưởng, với những ai không hướng tới mục đích chung của "đấu tranh này là trận cuối cùng". V. Vorovsky (1871-1923), nhà cách mạng chuyên nghiệp nhớ lại:

"Lênin có phải là một nhà chính trị khô khan hẹp hòi, coi những người bằng xương bằng thịt chỉ là những con rối hay quân cờ hay không? Hoàn toàn không phải thế. Vladimir Ilich yêu mến những người cùng với mình hoạt động và đấu tranh cho quyền lợi chung. Lênin tỏ ra rất trìu mến và chăm sóc tới mọi người, một sự trìu mến nam tính không cần đến những lời ngọt ngào và những biểu hiện bề ngoài. Nhưng cả ở đây, Lênin cũng rất trung thành với mình: nếu ai đó vừa rời bỏ cương vị, vừa đào ngũ khỏi đội ngũ các chiến binh, lập tức người ấy không còn tồn tại nữa đối với Lênin. Cuộc đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp vô sản trong hàng ngũ Đảng Cộng sản - đó là điều chủ yếu trong quan hệ của Lênin với con người; đó là "chân lý" đối với Lênin còn quý hơn "người bạn Platon" nào đó...".

Lênin không có thói quen thỏa hiệp với những đối thủ về mặt tư tưởng, dù họ là ai đi chăng nữa. Thậm chí, ngay cả với nhà duy vật Plekhanov, một trong những trí thức cách mạng lớn đương thời, Người cũng đã tỏ thái độ rất rõ ràng khi hiểu ra rằng Plekhanov "có một mục đích hoàn toàn khác" với những người Bônsêvích. Văn hào Gorky nhớ lại lời mà Lênin đã nói với ông khi đề cập tới Plekhanov:

- Anh nghĩ rằng vẫn còn hy vọng để thỏa hiệp ư? Vô ích. Anh hãy xua đuổi nó đi, đuổi nó đi càng xa càng tốt, tôi lấy tình bạn khuyên anh như vậy! Theo anh thì Plekhanov cũng là người cùng chung mục đích, nhưng tôi - giữa chúng ta tôi nói thật - tôi nghĩ rằng Plekhanov có mục đích hoàn toàn khác, mặc dù cũng là nhà duy vật chứ không phải nhà siêu hình...

Thẳng thắn đến cực độ trong quan điểm chính trị nhưng cách sử dụng cán bộ của Lênin rất "nhân tình thế thái". Người luôn biết cách nhìn nhận đúng sự hữu ích của từng cán bộ đối với sự nghiệp chung, bất luận quan hệ cá nhân với họ như thế nào. Cũng chính Gorky đã nhận xét: "Ngay cả với những nhân vật mà theo tin đồn thì không được Lênin mến, Người cũng biết đánh giá đúng năng lực của họ". Người rất quý trọng Gorky nhưng luôn đối xử với nhà văn một cách khách quan theo kiểu quan hệ của một ông thầy nghiêm khắc và của "một người bạn vị tha", như chính Gorky phải công nhận. Ai cũng biết rằng Lênin rất thích những vần thơ hào sảng dung dị đầy tính chiến đấu và có giá trị tuyên truyền cao của nhà thơ vô sản Demian Bednyi, nhưng Người vẫn nghiêm khắc nhận xét:

- Đồng chí ấy hơi tầm thường. Đồng chí ấy hay chạy theo độc giả, mà chính ra phải đi trước họ một chút...

Vladimir Ilich Lênin là một lãnh tụ như thế. Tình đồng chí của Người rất nhân văn và luôn mang tính nguyên tắc Đảng rất cao

Nhượng Anh
.
.
.