Tìm cách “kích hoạt” kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa
- Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam: “Sức mạnh mềm” vì một Việt Nam thịnh vượng
- Thủ tướng dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019
Tạo nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi
Phát biểu khai mạc tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp (DN) tư nhân.
Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều DN đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng. Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực này.
"Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa", Thủ tướng nói và cho biết gần 2 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng, Diễn đàn hôm nay là cơ hội để Chính phủ lắng nghe các ý kiến, phát triển hơn nữa DN tư nhân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên đối thoại chính tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 |
Thủ tướng gợi mở một số điều để phát huy lợi thể của cộng đồng doanh nhân. Đó là làm thế nào để DN quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội, đây là vấn đề khó nhưng với khát vọng vươn biển lớn, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực quan trọng.
Kêu gọi “DN cần có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước”, Thủ tướng lấy dẫn chứng về những chiến công hào hùng của dân tộc và đặt câu hỏi: "Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?". Thủ tướng nhấn mạnh, những DN, doanh nhân ngồi tại hội trường này là người đi tiên phong. Những đề xuất của họ trong chương trình sẽ góp phần phát triển kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn.
Ông cũng đề cập đến tinh thần DN với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cách tân DN. Doanh nhân cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng. "Các DN cần có tinh thần dân tộc, tình yêu nước mới có thể phát triển bền vững", Thủ tướng nói.
Khi được hỏi Thủ tướng và Chính phủ có quyết sách nào để ý tưởng khởi nghiệp nghiệp phát triển mạnh hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng đã thảo luận với các trường đại học cũng như DN trẻ về đổi mới.
"Nước ta đang có phong trào khởi nghiệp mới thành công nhưng chưa mạnh mẽ. Trong năm tới, Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn", Thủ tướng thông tin. Theo đó, đối với nền kinh tế Việt Nam, để ngành kinh tế đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh; có nhiều cơ hội cho thế hệ khởi nghiệp thành công; Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường. Cụ thể, về nguồn nhân lực, cần chú trọng số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như trí tuệ nhân tạo...
Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư. Về hạ tầng: Chính phủ và các bộ ngành chú trọng hạ tầng viễn thông thông minh. Về thị trường: cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia", thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.
Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng 10 từ cho khu vực này, đó là: Sự bình đẳng, được Bảo vệ, Khích lệ và Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân. Nói về bình đẳng, đó là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khách, nhất là tiếp cận nguồn lực.
Đặc biệt, cần giảm chồng chéo tầng lớp, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân. Khích lệ là được tôn vinh các dự án, ngược lại cần lên án đấu tranh các DN vi phạm đạo đức kinh doanh. Cuối cùng là trao cơ hội, đó là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... làm ra môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức vào ngày 2-và 3-5-2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức, gồm 1 Phiên toàn thể 7 Hội thảo, Tọa đàm chuyên đề, hoạt động triển lãm và kết nối DN. Diễn đàn thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, khu vực kinh tế tư nhân và cộng đồng DN trong nước, ngoài nước với sự tham gia của khoảng 4.000 lượt đại biểu. Đặc biệt, Phiên toàn thể có sự tham gia của 6 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; 3 đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; hơn 40 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và trên 60 đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị đối với việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển của kinh tế tư nhân. Sự kiện tổ chức nhằm hướng tới 3 mục tiêu: Đánh giá kết quả sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết số 98-NQ/CP của Chính phủ, nhận diện các mặt được để phát huy và các mặt chưa được để khắc phục; quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và nâng cao nhận thức của xã hội của về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo cơ hội cho các doanh nhân tư nhân, cơ quan, tổ chức đối thoại, hiến kế, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về các cơ chế, chính sách và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Các nội dung trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn đều là những vấn đề lớn, cấp thiết song cũng rất cụ thể như: phát triển du lịch bền vững; phát triển kinh tế số; thực hiện có hiệu quả Hiệp định CPTPP; khơi thông vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản; thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, Diễn đàn dành riêng 1 Tọa đàm cho các Nữ doanh nhân trao đổi về vai trò của nữ giới trong kinh doanh, chia sẻ những kinh nghiệm thành công, khát vọng được cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. |
Nền kinh tế phải vỗ tay bằng 2 bàn tay là nhà nước và thị trường
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là yêu cầu trong tiến trình xây dựng kinh tế. Đây được xem là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động nguồn lực xã hội. Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề cập nhiều nội dung cốt lõi được thể hiện ở Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân. Đầu tiên, đó là thống nhất trong nhận thức thì mới có hành động thống nhất.
"Có nhận thức đầy đủ thấu đáo các quan điểm của Đảng thì mới đủ bản lĩnh quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản, mọi mặc cảm để phát triển kinh tế tư nhân”, ông Bình nói. Theo ông, chỉ khi hiểu thấu đáo, xuyên xuốt mới có bản lĩnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, tuyệt đối hóa kinh tế hóa tư nhân; khích lệ các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường. Có nhận thức thì mới xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí tự lực tự cường, yêu nước, phát triển bản thân những gắn chặt với lợi ích đất nước. Thứ hai là giải quyết đúng đắn quy luật giữa nhà nước và thị trường.
Ông Bình dẫn chứng, trong lịch sử phát triển chủ nghĩa xã hội, tại nhiều nước, có khi tuyệt đối vai trò kinh tế nhà nước, nên có nhiều tiêu cực và dẫn đến thất bại. Đôi khi cũng có tại nhiều nước tư bản cũng tuyệt đối vai trò của kinh tế tư nhân dẫn đến khủng hoảng nhiều năm, và họ phải thừa nhận vai trò nhà nước trên quan điểm vỗ tay bằng 2 bàn tay: nhà nước và thị trường. Nhà nước có vai trò điều tiết. Thị trường và đóng vai trò chủ yếu trong giải phóng sức xã hội và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Trong khi đó, đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những vấn đề then chốt để hoàn thiện thể chế các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân. Đồng chí Phùng Quốc Hiển nhận định việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế trong tạo điều kiện cho DN phát triển. Cùng với đó, những chi phí tuân thủ pháp luật thời gian qua chưa được giải quyết tốt.
Thời gian làm thủ tục quản lý còn nhiều. “Mục tiêu đặt ra đến 2020 phải có một triệu DN tư nhân hoạt động nhưng hiện tại mới đạt 715.000, đây là một thách thức. Điều đó đặt ra bài toán cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến thể chế, luật công chức viên chức, chế độ kinh tế, chính sách kinh tế, như luật đầu tư, luật sở hữu trí tuệ, luật đất đai…”, đồng chí Phùng Quốc Hiển góp ý.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Bình đẳng giới là một chỉ tiêu phát triển nền kinh tế Trả lời câu hỏi cần làm gì để bình đẳng giới trong phát triển nền kinh tế, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, ngay từ khi ra đời Đảng và Nhà nước đã nêu quan điểm phát huy vị thế, vai trò và tiềm năng của phụ nữ trong vai trò sự nghiệp hoá, công nghiệp hoá, nâng cao vai trò của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực. "Các quốc gia xem bình đẳng giới một trong những chỉ tiêu phát triển nền kinh tế. Việt Nam cũng có những điểm sáng trong chỉ tiêu này khi là một trong những quốc gia thu hẹp khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao, tạo ra thu nhập chiếm 73% so với bình quân thế giới là 49%. Tỷ lệ phụ nữ làm giám đốc, CEO, quản lý chiếm trên dưới 27%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các tổ chức chính trị chiếm trên dưới 27%”, Phó Chủ tịch nước dẫn chứng và cho biết, Việt Nam đã ban hành những quy định chính sách, chương trình hành động thực hiện bình đẳng giới như luật bình đẳng giới 2006, chương trình hành động quốc gia vì phụ nữ.... |