Thủ tướng nêu 4 vấn đề về giáo dục đào tạo

Thứ Ba, 29/05/2018, 19:19
Chiều 29-5, chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban và Hội đồng đã đưa ra 4 vấn đề chính để các đại biểu tập trung thảo luận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban và Hội đồng và các thành viên.

Định hướng thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 29 của Trung ương đã chỉ rõ những định hướng, mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, do đó, “trách nhiệm của chúng ta là phải có kế hoạch dài hạn và bước đi phù hợp thực hiện Nghị quyết quan trọng này”.

Điểm lại một số thành tích nổi bật của giáo dục đào tạo thời gian qua như ngày 15/3, WB công bố báo cáo đánh giá Việt Nam là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới hay trước đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD công bố tại kỳ đánh giá 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 trên 70 nước về khoa học, đứng thứ 22/70 về toán học và 32/72 về đọc hiểu, Thủ tướng cho rằng, “một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao đánh giá như vậy nhưng thứ hạng của các trường đại học Việt Nam rất thấp trong khu vực, đặc biệt là nguồn nhân lực đào tạo ra đáp ứng như thế nào trước yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, nhất là yêu cầu phát triển các mũi nhọn kinh tế, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, hay đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thị trường lao động khu vực và quốc tế”.

Nhấn mạnh nguyên tắc là hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, sau đại học cần đào tạo con người với những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng cụ thể phù hợp với từng lứa tuổi, bậc học và gắn liền với xu thế phát triển của đất nước và thế giới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận đầu tiên về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ giáo viên, về tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cục bộ như thế nào. Việc quy hoạch hệ thống các trường sư phạm và đầu vào ngành sư phạm ra sao khi thời gian qua có nhiều ý kiến dư luận đặt ra về việc sắp xếp chưa tốt đội ngũ giáo viên, kể cả phẩm chất, tư cách người thầy.

Vấn đề thứ 2 đặt ra là việc xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông mới. Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc giảm tải chương trình, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các địa phương để triển khai chương trình sách giáo khoa mới.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nêu vấn đề nữa về tự chủ đại học, Thủ tướng cho biết, hiện nay có 26 cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ. Nhiều cơ sở đã thực hiện kiểm định chất lượng, tham gia đánh giá xếp hạng quốc tế. “Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cần có cách hiểu đúng đắn, thống nhất về tự chủ đại học”, Thủ tướng đề nghị thảo luận về các mức độ tự chủ khác nhau được diễn giải như thế nào trong bối cảnh đất nước hiện nay trên các phương diện như tự chủ tài chính, cơ chế kiểm tra, giám sát, can thiệp của cơ quan chủ quản… Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến để khắc phục những hạn chế, yếu kém của tự chủ đại học hiện nay.

Vấn đề thứ tư mà Thủ tướng đề nghị thảo luận là việc công nhận, bổ nhiệm cách chức danh giáo sư, phó giáo sư khi thời gian qua, còn một số hạn chế, bất cập, gây nên dư luận trong xã hội, để làm sao hội đồng chức danh giáo sư cấc cấp phải hoạt động tốt hơn, hiệu lực hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm chất lượng, quy trình chặt chẽ, công khai minh bạch.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về cơ chế của hội đồng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, về quy trình xét duyệt; về ý kiến cho rằng giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghề nghiệp gắn với công việc cụ thể ở các trường đại học.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày một số nội dung xin ý kiến của các thành viên Ủy ban, Hội đồng.

Theo VGP
.
.
.