Thủ tướng mong muốn làn 'gió Đại Phong' mới cho du lịch Việt Nam
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết do sự cố môi trường biển và hậu quả 2 đợt lũ lụt kép, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt 4,5%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua. Sự cố môi trường biển đã làm cho sản xuất, kinh doanh, khai thác thủy hải sản bị đình trệ. Du lịch tỉnh rơi vào tình trạng điêu đứng, nhiều khách sạn, nhà hàng ngừng hoạt động. Các ngành dịch vụ khác bị ảnh hưởng nặng nề.
Từ đầu năm 2017 đến nay, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. GRDP tăng 6,25%. Sản xuất thủy sản của Quảng Bình, một trong 3 tỉnh có số lượng tàu đánh giá nhiều nhất cả nước, đã có bước phục hồi, sản lượng khai thác đạt hơn 27.000 tấn, tăng 14,8%.
Thủ tướng cho rằng con đường đi đến thịnh vượng của Quảng Bình là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Lĩnh vực du lịch cũng có sự “hồi sinh”. Lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 17%. Thu ngân sách tăng khá, 7 tháng ước đạt hơn 1.970 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ 2016. Từ đầu năm đến nay, đã giảm được 2.386 hộ nghèo (tỉ lệ hộ nghèo hiện là 11%).
Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành chi trả tiền bồi thường hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, với tổng số tiền đã chi trả là hơn 2.630 tỷ đồng.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng mong muốn các thành viên đoàn công tác góp ý về định hướng phát triển cho Quảng Bình, được ví như Việt Nam xanh thu nhỏ, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nhất là văn hóa bản địa đặc sắc.
Đặt vấn đề liệu Quảng Bình có thể tạo nên một làn gió Đại Phong mới cho du lịch Việt Nam hay không, liệu Quảng Bình có thể là dấu ấn đầu tiên lan tỏa về hình ảnh Việt Nam, một vẻ đẹp không những bất tận mà còn huyền bí hay không, Thủ tướng cho rằng, đây là sứ mệnh của Quảng Bình đối với cả nước khi tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa hội tụ ở Quảng Bình khá lớn.
Góp ý cho Quảng Bình, ý kiến thành viên đoàn công tác của Chính phủ cho rằng, Quảng Bình có giá trị tài nguyên du lịch nổi trội, khác biệt. Tỉnh có 3/4 dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam là du lịch biển, sinh thái hang động, văn hóa lịch sử (thiếu du lịch tham quan thành phố).
Ví Quảng Bình như “Vương quốc hang động”, trong đó có hang Sơn Đoòng nổi tiếng, đại diện Tổng cục Du lịch nhìn nhận, khi xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia thì có 2 địa phương đủ điều kiện là Quảng Bình với hang Sơn Đoòng và Quảng Ninh với vịnh Hạ Long.
Một số ý kiến cho rằng, tỉnh cần phát triển cơ sở hạ tầng du lịch để bảo đảm đón được lượng khách du lịch lớn; quan tâm đào tạo nhân lực làm du lịch. Tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng thương hiệu du lịch, nâng cấp hạ tầng giao thông.
Hoan nghênh các ý kiến góp ý, Thủ tướng biểu dương tỉnh Quảng Bình có đổi mới trong chỉ đạo, nỗ lực khắc phục khó khăn để vươn lên. Tỉnh đạt nhiều chỉ tiêu, trong đó sản xuất phục hồi, du lịch tăng cao. Xây dựng nông thôn mới có nhiều cố gắng. Liên tục trong nhiều năm dẫn đầu về bảo vệ rừng đầu nguồn tự nhiên, cho nên các dòng sông ở Quảng Bình còn giữ được màu xanh.
Tuy nhiên, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức như đồi núi chiếm gần 79% diện tích, thời tiết khắc nghiệt, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, quy mô kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Các khu kinh tế, khu công nghiệp còn vắng vẻ.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không có ai đứng bên lề sự phát triển, không có ai ở lại phía sau, cho nên 3 lĩnh vực tăng trưởng là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ cần đặt ra, bởi số dân ở nông thôn còn khá lớn thì không thể quên nông nghiệp được. Phải tái cơ cấu các ngành này để có hiệu quả cao hơn. Phải phát triển bền vững cả môi trường và xã hội để người dân tham gia vào quá trình phát triển.
Thủ tướng cho rằng con đường đi đến thịnh vượng của Quảng Bình là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng, với tam giác phát triển là kinh tế-văn hóa-môi trường. “Nếu tỉnh đạt 5-7 triệu khách nước ngoài thì sẽ khác rất xa”, Thủ tướng nói.
Quảng Bình cần nâng cao chất lượng quy hoạch, có tầm nhìn đồng bộ, không mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau. Không đặt ra một chiến lược quy hoạch “quả mít” – có quá nhiều mũi nhọn, chỗ nào cũng là mũi nhọn.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh mà đòn bẩy chính là lãnh đạo tiếp xúc, đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc như lập đường dây nóng, giải đáp, hỗ trợ khó khăn khi đăng ký kinh doanh, xây dựng hệ thống doanh nghiệp chấm điểm đối với thủ tục hành chính, dịch vụ công. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 10.000 doanh nghiệp.
Có cơ chế liên kết phát triển những lĩnh vực Quảng Bình có lợi thế, trong đó việc xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình với chiến lược bài bản, dài hạn, có hệ sinh thái các yếu tố, các chính sách đồng bộ cho phát triển, trong đó tạo lập lợi thế so sánh mới để phát triển. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tháo gỡ một số điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng.
Phải xem xét yếu tốt phát triển bền vững đối với mỗi dự án, chương trình. Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Xã hội hóa nguồn lực trong các công trình, dự án; phải dựa vào dân, dựa vào doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Đa dạng hình thức quảng bá về tiềm năng của tỉnh.
Nêu rõ “Một cây làm chẳng nên non”, “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, Thủ tướng đề nghị Quảng Bình cần chú trọng vấn đề liên kết vùng vì “làm du lịch thì không thể làm một mình được”. Trong phát triển du lịch, phải xây dựng cộng đồng làm du lịch, một cộng đồng thân thiện, tình cảm, vui vẻ, văn minh.