Thủ tướng kêu gọi tăng năng suất lao động, tạo bứt phá mới cho Việt Nam

Thứ Tư, 07/08/2019, 14:22

Tại Hội nghị về cải thiện năng suất lao động quốc gia, sáng 7-8, Thủ tướng đã chỉ ra lời giải cho bài toán năng suất lao động hiện nay, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động.



Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động

Mở đầu phát biểu, Thủ tướng cho rằng nếu tính năng suất lao động (NSLĐ) theo cách lấy GDP chia cho tổng số lao động thì con số này của Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, Thủ tướng dẫn lời của GS. Michael Porter, cha đẻ của lý thuyết năng lực cạnh tranh quốc gia, nêu rõ“chúng ta phải hiểu đầy đủ rằng năng suất sử dụng các nguồn lực bao gồm vốn, lao động, đất đai và các tài nguyên khác, trong đó đặc biệt là năng suất của lao động đóng vai trò trung tâm, vì đây là thước đo chính xác nhất và có ý nghĩa duy nhất cho năng lực cạnh tranh, mặc khác đây là nhân tố quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia”.

Chỉ số NSLĐ tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng “tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn”. Điều này thể hiện mức tăng NSLĐ của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng NSLĐ khoảng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016 – 2018 tăng 5,8%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng dẫn phân tích của IMF cho biết tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam từ sau đổi mới đến nay cho thấy tăng trưởng TFP từ năm 2013 đến nay đã tăng lên đáng kể, đạt mức tăng bình quân 1,7%.  Trong 5 năm qua, tăng trưởng TFP luôn đạt mức trên 1,5%, mức khá cao kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Các phân tích hồi quy cho thấy, động lực chính của tăng trưởng TFP đi cùng với sự gia tăng dòng vốn FDI, giảm lao động làm việc trong nông nghiệp và tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Những cải cách theo hướng này trong giai đoạn tới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng TFP mạnh mẽ hơn nữa.

“Chúng ta có một niềm tin là chúng ta đang đi đúng hướng”, Thủ tướng nói.

Với các động lực đang cải cách đó, tăng trưởng TFP giai đoạn 2018-2023 kỳ vọng đạt mức bình quân từ 1,8% trở lên, cao hơn nhiều so với bất kỳ giai đoạn tăng trưởng kinh tế nào của Việt Nam kể từ sau đổi mới (năm 1986).

“Đấy là chưa nói anh lấy GDP để chia cho số người lao động nhưng GDP của anh còn bỏ sót nhiều, chưa tính đầy đủ”, Thủ tướng nói và cho biết vừa qua, Tổng cục Thống kê với sự giúp đỡ của IMF đã tính lại GDP năm 2017, dự kiến chỉ số NSLĐ sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, về cơ cấu lao động thì lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (hiện khoảng 37%), cộng với số lao động thời vụ, làm cho số lao động rất cao, là mẫu số lớn trong phép tính NSLĐ.

Thủ tướng cũng chỉ ra nguyên nhân khiến NSLĐ chưa cao một phần vì các điểm nghẽn về thể chế kinh tế. Trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp. Thiếu nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là kỹ năng mới nổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số. Động cơ sáng tạo đổi mới còn thiếu và yếu.

Với phân tích đó, Thủ tướng nêu các định hướng lớn để thúc đẩy tăng NSLĐ mà đầu tiên là phải cải cách thể chế để khắc phục “nút thắt” ở trên. Nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế để mọi lao động được trao cơ hội, qua đó có thể phát huy tối đa năng lực của mình, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nền kinh tế và xã hội.

Để cải thiện NSLĐ ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Một hướng quan trọng để giải bài toán năng suất hiện nay là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng. Ngoài ra, cải cách khu vực tài chính ngân hàng để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất.

Cần cải cách mạnh mẽ và nhanh hơn nữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy, hỗ trợ khu vực tư nhân và các khu vực khác như hợp tác xã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.

Tiếp tục thu hút FDI một cách có chọn lựa, ưu tiên các dự án sử dụng nguồn lực chất lượng cao để cùng với khu vực kinh tế trong nước nâng cấp nền sản xuất, tăng năng suất chung của nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh định hướng tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia vào các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu, biến các dòng chảy đó trở thành lực đẩy cho các cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia.

6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện NSLĐ ở Việt Nam

Để cải thiện NSLĐ ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

 Thứ nhất, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực, có thể được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, tập trung cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động cả ở phía cung (phía người lao động) lẫn phía cầu (phía doanh nghiệp) của thị trường lao động, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có thể tham gia thị trường lao động với một chi phí giao dịch thấp nhất trong tìm được việc làm hay lao động tốt nhất theo nguyện vọng, qua đó phát huy được tối đa năng lực và yêu cầu của mình.

Thứ ba, thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam nói chung, các tài năng Việt Nam đang ở nước ngoài nói riêng, trong đó có du học sinh của Việt Nam. “Người Việt Nam có câu ‘Một người lo bằng một kho người làm”, năng suất ở đó chứ ở đâu nữa. Người tài bao giờ cũng giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội và trong đó giải quyết vấn đề năng suất rất là căn bản”, Thủ tướng nói.

Thứ tư, xây dựng một cơ chế cán bộ mở trong các cơ quan Nhà nước để thu hút người giỏi vào bộ máy Nhà nước, đồng thời tạo dựng môi trường làm việc cùng với cơ chế cạnh tranh để chọn lọc và thúc đẩy những người tài năng.

Thứ năm, NSLĐ có tương quan chặt chẽ với trình độ giáo dục, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ, phổ cập và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi sẽ luôn là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển.

Thứ sáu, lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới có thể phát huy được năng lực, do đó, đầu tư vào ứng dụng KHCN cũng là một chính sách đặc biệt ưu tiên của Chính phủ. Hai chiến lược đào tạo kỹ năng chuyên môn cho lao động và đầu tư cho công nghệ cần phải tương thích với nhau để bảo đảm tương thích và hiệu quả tốt nhất.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thể chế hóa nội dung Hội nghị, đề xuất Thủ tướng ban hành một văn bản, tạo cơ sở pháp luật để triển khai ở các bộ, ngành, không để “lời nói gió bay”.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào “Năng suất lao động quốc gia”.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia, tích cực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng NSLĐ, kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ để đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói.



Lưu Hiệp
.
.
.