Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Iran

Thứ Năm, 06/10/2016, 16:37
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani đã thống nhất mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư.

Sáng 6/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani.

Chào mừng Tổng thống Hassan Rouhani và đoàn cấp cao Iran thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác cùng có lợi với Iran và tin tưởng chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hassan Rouhani tiếp tục mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Chuyến thăm Iran đầu tiên của tôi vào tháng 10/2014 đã để lại trong tôi những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc. Nhân dịp này, tôi bày tỏ trân trọng tấm lòng hiếu khách và những tình cảm tốt đẹp mà các nhà lãnh đạo và nhân dân Iran dành cho Việt Nam”, Thủ tướng nói. Nhân dịp này, Thủ tướng chúc mừng Tổng thống và nhân dân Iran về việc Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận và đạt được Thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Nhóm P5+1, mở ra triển vọng hợp tác hết sức to lớn mà hai nước cần nắm bắt, phối hợp chặt chẽ để khai thác tối ưu, vì sự phát triển của mỗi nước, vì lợi ích của hai dân tộc.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng với kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hassan Rouhani và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cũng như những thỏa thuận hai bên đã đạt được trong chuyến thăm, đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với phía Iran triển khai các cam kết đã được thống nhất, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương hai nước lên 2 tỷ USD trong thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện và giới thiệu các đối tác tương ứng cho các doanh nghiệp hai bên để trao đổi các sản phẩm có thế mạnh như chè, thủy sản, gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, dệt may, cao su... của Việt Nam và chất dẻo nguyên liệu, kim loại, hóa chất, quặng, máy móc thiết bị, dược phẩm, hoa quả khô, thảm... của Iran.

Hai bên cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn về cơ chế thanh toán nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại song phương phù hợp với tình hình mới. Tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ thông tin và viễn thông, phấn đấu đưa lĩnh vực này thành khâu đột phá trong hợp tác song phương. Cho biết các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu của Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT... rất quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm ăn tại Iran, Thủ tướng mong muốn phía Iran tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Iran.

Thủ tướng cũng thể hiện mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác triển khai dự án trồng thử nghiệm giống lúa hạt dài basmati của Iran tại Việt Nam để xuất sang thị trường Iran. Nếu được thực hiện thành công, dự án sẽ mở ra triển vọng hợp tác mới trong nông nghiệp giữa hai nước.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ Iran tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong quá trình tái khởi động dự án thăm dò dầu khí tại lô Danan; tạo điều kiện để các công ty dịch vụ của Việt Nam cung cấp dịch vụ vào thị trường Iran.

“Việt Nam đã ký Hiệp định TPP, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu, chuẩn bị ký FTA với EU. Đây là những cơ hội thuận lợi để các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Iran, mở rộng và tham gia sâu hơn vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi khẳng định sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Iran đầu tư, làm ăn thành công tại Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng mong muốn Iran tiếp tục ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi rất tin tưởng vào sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của ngài Tổng thống để hợp tác giữa hai nước đạt được những kết quả tích cực, thực chất trong thời gian tới”, Thủ tướng nói.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tổng thống Iran Hassan Rouhani bày tỏ vinh dự và vui mừng là khách mời chính thức của Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cường.

“Hôm nay, chuyến thăm của tôi tới Việt Nam thể hiện ý chí chính trị cao của các cấp lãnh đạo Iran trong việc củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước”, Tổng thống Hassan Rouhani bày tỏ. “Chúng ta có nhiều tiềm năng hợp tác có thể khai thác”.

Tổng thống Iran mong muốn hợp tác với Việt Nam để hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết tại cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 8 tại Việt Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực về năng lượng, dầu khí, Iran sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam, nhất là dự án biểu tượng của quan hệ hai nước là Dự án Danan mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã trúng thầu ở Iran.

“Quan hệ về ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác hai bên, là cơ sở triển khai các hợp tác thời gian tới. Ngân hàng Trung ương Iran và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thống nhất gặp nhau hôm nay và đi đến ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Tôi tin tưởng rằng với việc thúc đẩy kênh hợp tác về ngân hàng, chúng ta sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực khác”, Tổng thống Hassan Rouhani nói.

Tổng thống Iran cũng cho biết với việc Iran được dỡ bỏ cấm vận thì hai bên sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa thúc đẩy hợp tác song phương. Iran có nhiều tiềm năng về năng lượng, hóa dầu, khai khoáng, còn Việt Nam có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản. Iran sẵn sàng cung cấp các sản phẩm mà Việt Nam có nhu cầu hay sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kỹ thuật, cơ khí, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, giao lưu văn hóa, hợp tác trao đổi giảng viên, sinh viên, xây dựng các nhà máy nhiệt điện, hệ thống dẫn nước, cầu đường…

Tổng thống Iran đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa để doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác với nhau; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hai nước hoặc có dự án hợp tác đầu tư vào nước thứ ba.

Cũng tại cuộc hội kiến, hai bên cùng mong muốn về việc có một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước hay tiến tới thành lập đường vận tải biển giữa Việt Nam và Iran để thúc đẩy quan hệ hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại.

Theo Baochinhphu.vn
.
.
.